ĐỨC GIÊSU KITÔ – BÁNH HẰNG SỐNG

 

 

1. Bài đọc I (Xh 16,2-4.12-15)

Bài đọc I bắt đầu với lời kêu trách của dân Do Thái với nỗi nhớ Ai Cập, khi họ khởi sự những ngày đầu tiên trong hành trình sa mạc (cc.2-3). Đây là hình ảnh thường thấy trong hành trình đức tin, khi cảm thấy nghi nan nơi Chúa trong một đời sống mới, và có khuynh hướng quay trở lại thời nô lệ tội lỗi xưa kia của mình.

Trước những lời kêu than đầy vô lý, thay vì phản ứng trừng trị thái độ nghi nan và cứng lòng của họ, Thiên Chúa lại đáp trả bằng cách ban cho họ manna và thịt chim cút ăn thỏa thích.

Ân ban này, một mặt được xem như là sự trợ lực dưỡng nuôi dân Do Thái trong hành trình sa mạc, mặt khác, còn là một dấu chỉ cho dân Israel, giúp họ thăng tiến trong đức tin và tín thác vào quyền năng của Thiên Chúa.

Vì thế, hành trình sa mạc như là một trường học khi họ phải học biết cách hài lòng với lương thực manna hàng ngày, và phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa trong nhu cầu của ngày sắp đến.

 

2. Bài đọc II (Ep 4,17.20-24)

Trong bài đọc 2, thánh Phaolô mời gọi các tín hữu Êphêsô rời bỏ con người cũ của mình với nếp sống xưa, và mặc lấy con người mới, là con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa trong sự công chính và thánh thiện.

Con người mới này chính là Đức Kitô. Chúng ta phải mặc lấy Người (x. Rm 13,14; Gl 3,27), vì Đức Kitô chính thật là con người mới, Đấng ban cho chúng ta một tâm hồn mới và thông truyền Thần Khí mới cho chúng ta.

Vì thế, chúng ta phải từ bỏ nếp sống nhân loại xưa cũ; chúng ta cũng đừng bận tâm quá nhiều về những nhu cầu vật chất, nhưng biết tìm kiếm và tin vào Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng ta. Người chính thật là nguồn sống thỏa mãn mọi ước muốn thâm sâu của chúng ta, và nhất là nguồn vui sống trọn hảo đích thật trên trời.

 

3. Bài Tin Mừng (Ga 6,24-35)

Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, dân chúng lũ lượt tìm đến Đức Giêsu. Cuộc đối thoại trong bài Tin Mừng hôm nay phản ánh rõ đâu là mục đích của việc kiếm tìm và điều mà Chúa Giêsu muốn mạc khải.

Trong phần đầu (cc.24-27), Đức Giêsu đã giải tỏa sự hiểu lầm của dân chúng. Người đến không phải để ‘hóa đá thành cơm bánh’, nhưng là để dạy rằng cơm bánh được tạo nên bởi tình yêu và sự sẻ chia.

 

Qua sự hiểu lầm này, tác giả Tin Mừng cũng muốn hướng mỗi người môn đệ của Chúa biết nhận ra sự hiểu lầm của riêng mình, và tự hỏi đâu là mục đích và động cơ mỗi lần đến tìm gặp và theo Chúa. Nhiều người trong số họ cũng đã nhiều lần xác nhận ước mong tìm thấy nơi Chúa ‘lương thực hư nát’.

Nhưng Đức Giêsu đã khẳng định rằng chính Người là ‘lương thực trường tồn’ mà con người cần phải kiếm tìm.

Vậy ‘chúng tôi phải làm gì’ để có được thứ lương thực này? Câu trả lời nằm trong phần thứ hai của đoạn Tin Mừng (28-33), đó là phải tin vào Đấng mà Thiên Chúa sai đến.

 

Trong Tin Mừng Gioan, hạn từ ‘tin’ chỉ được tìm thấy duy nhất dưới dạng động từ, để diễn tả hành vi sống động và mạnh mẽ của người thể hiện niềm tin vào Đức Giêsu, và đón nhận Tin Mừng của Người, đồng thời xem đó như là lương thực nuôi sống chính mình. Và đây cũng chính là mục đích Tin Mừng này được viết ra, “là để anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người” (Ga 20,31); ai tin theo cách thức này sẽ có sự sống đời đời (Ga 3,16; 6,40.47).

 

Chúng ta không chỉ ‘tin’ đơn giản là có Chúa tồn tại, sống và rao giảng những lời hay ý đẹp; những điều này các anh em tôn giáo bạn hay những người vô thần cũng tin; nhưng ‘tin’ ở đây là xác tín vào sự lựa chọn của mình, sẵn sàng trao phó đời mình cho Chúa, và tín thác rằng ngoài Người ra, chúng ta sẽ chẳng thể tìm thấy hạnh phúc.

 

Vậy làm sao để ‘tin’? Người Do Thái đòi nơi Chúa Giêsu một dấu lạ, như Môsê đã làm năm xưa. Nhưng Chúa Giêsu đã đính chính hai điều căn bản: (1) việc năm xưa, không phải Môsê, ‘mà chính là Cha tôi’ đã làm, và cũng chính Người tiếp tục thực hiện hôm nay; (2) không phải manna năm xưa, mà bánh hôm nay mới là ‘bánh bởi trời đích thực’.

 

Nghe vậy, người Do Thái mới bảo Đức Giêsu rằng: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy.” Đức Giêsu trả lời: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!”. Đức Giêsu Kitô cũng như Lời Người chính là lương thực duy nhất có thể lấp đầy cơn đói khát của nhân loại.

 

II. GỢI Ý SUY NIỆM

1. Thiên Chúa quan phòng đã không bỏ mặc dân Người trong cảnh lầm than, nhưng luôn yêu thương và ban cho họ đủ những ơn lành cần thiết. Từ kinh nghiệm sa mạc của dân Do Thái năm xưa, nhìn lại đời mình, nhất trong những nghịch cảnh của cuộc sống, tôi có biết tín thác vào Chúa hay tìm cách than van và xa lánh Người?

2. Thánh Phaolô đã khuyên nhủ các tín hữu ở Êphêsô phải từ bỏ lối sống cũ và mặc lấy con người mới, con người được tạo dựng theo hình ảnh Chúa. Qua bí tích rửa tội, tôi cũng được mặc lấy Chúa Kitô và tháp nhập vào trong thân thể Người. Vậy tôi có như người Do Thái năm xưa, khi vẫn muốn quay về với thuở Ai Cập nô lệ của tội lỗi, hay luôn biết sống đời sống mới trong ân sủng Thiên Chúa hôm nay?

3. Dân Do Thái đã tìm đến Chúa với mong muốn được thỏa những cơn đói khát trần thế. Còn tôi, đâu là động cơ và mục đích mỗi lần tôi tìm đến với Chúa? Là bởi manna hư nát hay bánh đích thật bởi trời, bánh mang lại sự sống đời đời? Có bao giờ tôi cảm thấy đói khát Chúa Giêsu và ước ao trở nên như Người trong yêu thương, phục vụ và dấn thân, để trở nên tấm bánh bẻ ra cho tha nhân?

 

 

 

 

Nguồn: WSG

Tin liên quan

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072