Đức Giêsu – một con người tế nhị
Cuộc sống của chúng ta được dệt nên bằng những tương quan gặp gỡ hàng ngày. Có đôi khi ta giữ vị thế chủ động, nhưng cũng có lúc ta nằm ở thế bị động. Có những tình huống ta làm chủ được, nhưng cũng có khi nó vượt ngoài tầm kiểm soát của ta. Làm sao để có một lối hành xử vừa khôn ngoan, vừa tế nhị, vừa đứng đắn là điều mà chúng ta thường bận tâm. Một lối hành xử tốt sẽ nói lên toàn bộ tố chất và tính cách của mình, bởi vì nó là những gì từ trong thâm sâu nội tâm ta bộc ra. Nó không phải là một kiểu đối đáp hay phản ứng bên ngoài. Một sự tế nhị trong hành xử là kết quả của một quá trình nhận định chín chắn của lý trí, kết hợp với sự đồng cảm ngọt ngào của con tim. Bởi thế, nó thường chỉ xuất hiện nơi những bậc cao nhân hay những người đã trải qua nhiều kinh nghiệm xương máu.
Ta thường làm gì khi nghe người ta kết tội một ai đó? Ta thường phản ứng thế nào khi bị phản bội, khi bị làm tổn thương? Ta thường đối xử với người hãm hại ta, chối bỏ ta, lợi dụng ta như thế nào?
Ít khi nào ta cảm thông với một người cho bằng hùa theo đám đông để nói xấu, kết án người ấy, dù có khi ta chưa hề biết ngọn nguồn thế nào. Lòng ta dễ trồi dậy những cảm xúc trách cứ, ghét ghen hơn là yêu thương, hàn gắn và tha thứ. Trí óc ta hăm hở tìm kiếm những thủ đoạn để trả thù hơn là bình tĩnh để tìm giải pháp tốt nhất giữ gìn hòa khí. Bàn tay ta thích vung lên đưa nắm đấm, hơn là xòe ra để nâng người khác dậy. Mỗi khi có một cơn nóng giận nổi lên, ta thường chiều theo những thúc đẩy của nó, hơn là kháng cự lại để làm chủ bản thân. Cái nhìn của ta quá thiển cận, nên chỉ thấy được những gì trước mắt, chứ chẳng đủ khả năng để phóng ra xa hơn. Bởi vì thế, ta thường bị chao đảo, hành động chớp nhoáng và gánh chịu bất an lâu dài.
Khi người ta dẫn đến trước mặt Đức Giêsu một người phụ nữ ngoại tình bị bắt quả tang để thử thách Ngài, Ngài đã không hùa theo đám đông, cũng không lên tiếng phá bỏ lề luật. Một câu nói đánh động lương tri của Ngài dành cho những người đang hừng hực máu chiến đã giúp cứu mạng sống của chị ta. Khi chỉ còn lại Ngài với chị ta ở đó, Ngài cũng không nỡ miệt thị, mắng nhiếc hay chì chiết chị. Ngài không quở trách, cũng không hành hạ chị thêm tí nào nữa. Một cuộc trò chuyện ngắn ngủi và đầy cảm thông giữa hai người đã giúp cho chị ta lấy lại được bình an và làm lại cuộc đời. Như thế, Ngài chẳng những cứu sống chị về thể lý, nhưng còn làm phục sinh cả tinh thần chị. Giả như ta rơi vào vị thế của Giêsu, ta có can đảm và khôn ngoan làm điều Ngài đã làm không?
Khi chuẩn bị bước vào cuộc thương khó, Giêsu như lửa đốt trong lòng với biết bao tâm tình và cảm xúc đan xen lẫn lộn. Là một con người, Ngài cũng cần có ai đó hiểu mình, quan tâm và chia sẻ với mình để tâm trí được chút nguôi ngoai. Vậy mà, cất giữ những nỗi buồn phiền xao xuyến ấy vào tim, Ngài dành phần lớn thời gian vào đêm cuối để an ủi các môn đệ vẫn còn bao yếu đuối và khuyết điểm. Ngài lo lắng cho họ còn hơn cho chính mình. Ngài sợ họ côi cút như trẻ mồ côi nên hứa sẽ gửi Thánh Thần an ủi. Ngài sợ họ sẽ mất đi chí khí nên dặn họ là hãy can đảm lên. Ngay trong buổi tiệc ly, Ngài đã không điểm mặt chỉ tên kẻ phản bội cách công khai cho tất cả mọi người, rồi vì sợ các ông chia rẽ nhau nên đã khôn ngoan làm gương và dạy các ông bài học về yêu thương, phục vụ và tha thứ.
Khi quân lính kéo đến để bắt Ngài, Đức Giêsu đã mạnh dạn tiến về phía trước, nhận mình là người họ cần tìm và xin họ để cho các môn đệ của Ngài đi. Ngài sợ các môn đệ yêu dấu của mình bị thương, hay bị bắt, bị hành hạ giống như mình. Khi Phêrô vung kiếm chém đứt tai người đầy tớ, Giêsu đã ngay lập tức cản ông lại, rồi chữa lành cho người đầy tớ kia. Làm như thế, Giêsu giúp ông tránh được một hậu họa không đáng có. Ngay trong lúc dầu sôi lửa bỏng như vậy, Giêsu vẫn hành xử như một người trưởng thành, có suy tính và nhận định chín chắn. Ngài không lồng lộn lên, không trốn chạy, không dùng khả năng riêng để bảo vệ quyền lợi của mình mà làm hại người khác. Ta có thể nhìn thấy nơi đây một Đức Giêsu rất bình tĩnh, vẫn kiểm soát được mọi cảm xúc và hành vi của mình, dù lòng Ngài ngập tràn bao nỗi lo sợ về những gì đang chờ mình phía trước.
Cũng như bao lần trước, Đức Giêsu chưa bao giờ sửa dạy học trò của mình mà làm cho người ấy bị bẽ mặt, xấu hổ. Ngay khi chối Thầy ba lần rồi nghe tiếng gà gáy, Phêrô sực nhớ lời Thầy tiên báo về mình. Ông hướng mắt về phía Thầy và thấy Thầy đã nhìn mình từ lúc nào. Một ánh mắt thôi, một cái nhìn thôi, nhưng nó hệt như một mũi gươm xé nát ruột gan ông. Giêsu chẳng nói gì cả, cũng không tức tối tố giác tên môn đệ hèn nhát ngoài kia. Ngài nhìn ông, thế thôi, và bấy nhiêu cũng đã đủ để Phêrô hiểu được thông điệp của Thầy mình. Và chính vì hiểu được, nên ông đã bật khóc thật thảm thiết. Nhưng khi trò chuyện với Phêrô trên bờ biển bồ Tibêria sau khi đã Phục Sinh, Giêsu không lôi chuyện cũ ra để làm ông khó xử. Hẳn là Giêsu có quyền chất vấn ông, làm cho ông phải bẽ mặt xấu hổ. Nhưng thay vì hỏi “tại sao con chối bỏ Ta”, Giêsu trao gửi đến ông một câu khác, ngọt ngào hơn, thấm thía hơn “con có yêu mến Ta không”. Câu hỏi của Giêsu có thể làm cho Phêrô đau một tí, nhưng nó chữa lành chứ không làm vết thương ông sẵn có nhức nhối thêm.
Giêsu đích thực là một con người có lối hành xử rất khôn ngoan và tế nhị. Lối hành xử ấy của Ngài xuất phát từ một tình thương và một sự quan tâm dành cho người khác. Thực vậy, nếu ta không yêu thương và quan tâm đến ai, ta sẽ chẳng cần phải suy nghĩ để tìm ra một lối hành xử sao cho tốt với người ấy. Người ấy có bị sao, có gặp chuyện gì không may, hay có như thế nào, ta cũng chẳng để tâm suy nghĩ. Đức Giêsu đã dành cho các môn đệ của mình một chỗ đứng rất quan trọng trong trái tim, nên khi các ông quay về sau một hành trình đi rao giảng mệt mỏi, Ngài bảo các ông hãy nghỉ ngơi; hay khi các ông thức trắng đêm để đánh cá, Ngài chuẩn bị cho các ông một bữa sáng đạm bạc nơi biển hồ.
Nghĩ đến điều này, ta thấy thật an ủi vì chính Ngài cũng luôn quan tâm và dành cho ta những điều tốt đẹp nhất, dù có khi ta không cảm thấy được. Nhưng nhìn lên Giêsu, ta cũng thấy cần phải soi rọi lại lối sống của mình, rằng mình có đủ sự quan tâm dành cho người khác không, liệu lối hành xử của mình trong cuộc sống thường ngày có khôn ngoan và tế nhị giống như Ngài không, trái tim và khối óc của chúng ta có khuôn theo sự thúc đẩy của Thần Khí không, hay chỉ hùa theo những bốc đồng của thân xác mình? Có rất nhiều câu hỏi đại loại như thế mà chúng ta cần phải đặt ra và chất vấn bản thân.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ