Đức Phanxicô viếng thăm Thánh Địa sẽ là viên đá góc xây dựng hòa bình
Tin Zenit ngày 14 tháng 5 cho hay: trong một buổi ăn sáng với các đại sứ và nhà báo tại Rôma hôm thứ Ba vừa qua, đại sứ Do Thái bên cạnh Tòa Thánh, Zion Evrony, cho rằng cuộc viếng thăm xứ sở ông của Đức GH Phanxicô sẽ hết sức tích cực và sẽ thúc đẩy mạnh mẽ cuộc đối thoại liên tôn và hòa bình trong vùng.
Vào Chúa Nhật, 25 tháng 5, Đức GH sẽ viếng thăm Israel. Đại sứ cho rằng: cuộc viếng thăm này sẽ là viên đá góc mới có tầm quan trọng lịch sử, không những cho các liên hệ giữa Israel và Tòa Thánh mà còn giữa Giáo Hội Công Giáo và dân tộc Do Thái nữa.
Buổi gặp gỡ trên được Mediatrends, một qũy của Tây Ban Nha nhằm cổ vũ Văn Hóa Xã Hội, tổ chức.
Được Zenit hỏi về ý nghĩa của việc Đức Giáo Hoàng, trong cuộc viếng thăm này, được tháp tùng bởi một Giáo Trưởng Hồi Giáo và một Giáo Sĩ Do Thái Giáo, Đại Sứ Evrony trả lời rằng đây là một điều rất tích cực. Ông nói: “Tôi nghĩ rằng cử chỉ này rất quan trọng đối với việc cổ vũ cuộc đối thoại liên tôn, vốn là căn bản cho việc hiểu biết nhau vì hòa giải và hòa bình”.
Ông cho biết thêm: “cuộc đối thoại liên tôn cũng có thể dành chỗ cho việc hiểu nhau về chính trị… Cuộc du hành của một vị giáo hoàng mà lại được sự tháp tùng của một vị lãnh đạo Hồi Giáo và một giáo sĩ Do Thái Giáo, nghĩa là gồm tới ba đại biểu của ba tôn giáo độc thần vĩ đại, chắc chắn sẽ gây một tác động nền tảng tại Đất Thánh”.
Trả lời câu hỏi của Đại Sứ Á Căn Đình bên cạnh Tòa Thánh là Ông Juan Pablo Cafiero về tác động của cuộc viếng thăm Israel bởi một vị giáo hoàng người Châu Mỹ La Tinh, Đại sứ Evrony nhắc mọi người nhớ rằng Đức Phanxicô “xuất thân từ một xứ sở nơi ngài từng viếng thăm một nguyện đường Do Thái trước khi làm giáo hoàng. Ngài đã tạo được nhiều liên hệ tốt đẹp với cộng đồng Do Thái tại Á Căn Đình, và từng tham dự một chương trình truyền hình với Giáo Sĩ Skorka”. Hơn nữa, “trải nghiệm bản thân của mỗi vị giáo hoàng đều gây ảnh hưởng tới mối liên hệ, tới phong thái và bản chất của cuộc thăm viếng”.
Trong các cuộc thăm viếng Israel của ba vị giáo hoàng Phaolô VI, Gioan Phaolô II và Bênêđíctô XVI, tất cả đều là người Âu Tây, Đại Sứ Evrony lưu ý đặc biệt tới Đức Gioan Phaolô II “người đã lớn lên trong một thành phố gần Krakow nơi vốn có một cộng đồng Do Thái quan trọng; ngài có bằng hữu người Do Thái và có dịp chứng kiến tận mắt các kinh hoàng của Nạn Diệt Chủng (Holocaust). Ngài lại có mặt tại một thành phố gần Auschwitz và điều này quan trọng đối với mối liên hệ của ngài với cộng đồng Do Thái, một liên hệ vốn đã bắt đầu từ Đức Gioan XXIII”.
Đại sứ cũng nhắc tới việc “Đức GH Phanxicô là nhân chứng của hai vụ tấn công tại Á Căn Đình, một vào tòa đại sứ Israel, và một vào Jewish Mutual, và lúc nào ngài cũng biểu lộ một cảm thức tương cảm và đồng hóa mình với các đau khổ của dân tộc Do Thái”. Ông nói thêm, trước khi làm giáo hoàng, Đức Phanxicô “đã đưa ra lời tuyên bố chống chủ nghĩa khủng bố, đã lên tiếng chống lại việc sử dụng bạo lực nhân danh tôn giáo và nhân danh Thiên Chúa, điều ngài luôn cho là không thể chấp nhận được”.
Đại sứ Do Thái cho biết Cha Jorge Bergoglio từng thăm Israel hồi tháng Mười năm 1973, khi còn là bề trên tỉnh Dòng Tên, và dịp đó, ngài thăm Galilê hai ngày rồi tới Giêrusalem. Tuy nhiên, cuộc tranh chấp Yom Kippur lúc ấy buộc ngài phải ở trong khách sạn, nên “ngài dành phần lớn thì giờ đọc Sách Thánh chứ ít có dịp thăm Israel”.
Trả lời câu hỏi của Đại Sứ Costa Rica bên cạnh Tòa Thánh là Ông Fernado Sanchez Campos về diễn trình hòa bình, Đại Sứ Evrony nhìn nhận rằng “vào lúc này, diễn trình hòa bình đã bị dừng lại” nhưng Đức Giáo Hoàng là nhà lãnh đạo tinh thần rất vĩ đại, một sứ giả của hòa bình, chắc chắn sẽ lấy “việc tranh đấu cho hòa bình” làm chủ đề chính cho các diễn văn và bài giảng của ngài.
Ông nói rằng “khi tới Israel, ngài chắc hẳn sẽ đàm đạo với các nhà lãnh đạo tôn giáo, với cộng đồng Kitô hữu, là cộng đồng có mấy ngàn thành viên, và các sứ điệp hòa bình của ngài sẽ có một tác dụng rất mạnh và rất chính yếu” vì ông cảm thấy rằng “các nhà lãnh đạo tôn giáo có thể giúp làm giảm sự hận thù vốn có giữa hai bên của cuộc tranh chấp và góp phần vào việc bắc cầu”.
Về đối thoại liên tôn, ông nói thêm “cuộc thăm viếng của Đức Giáo Hoàng sẽ đem lại những kết quả tích cực, 50 năm sau văn kiện Nostra Aetate, lúc chúng ta nghĩ tới các liên hệ với Tòa Thánh”. Và ông mô tả cuộc viếng thăm này là “cơ hội để tìm ra những cách thế mới để cải thiện mối liên hệ đối thoại”.
Chờ mong gì ở cuộc thăm viếng
RomeReports.com, ngày 14 tháng 5, cho rằng có rất nhiều chờ mong nơi cuộc viếng thăm Israel sắp tới của Đức Phanxicô. Ngài sẽ tới Jordan, Palestine và Israel trong ba ngày viếng thăm ngắn ngủi, từ Thứ Bẩy 24 tới Thứ Hai 26 tháng 5. Đây sẽ không phải là cuộc viếng thăm chính trị, nhưng có thể có nhiều hệ luận chính trị.
Một ngày sau khi gặp Thượng Phụ Đại Kết của Constantinople, Đức Giáo Hoàng sẽ viếng Bức Tường Than Khóc. Đại Sứ Do Thái Zion Evrony nói rằng “Bức Tường Phía Tây, hay Bức Tường Than Khóc, là bức tường duy nhất còn lại của Đền Thờ Do Thái. Đây là gốc rễ lịch sử của chúng tôi, đây là nơi thánh thiêng nhất của Do Thái Giáo”.
Đại Sứ cho biết: bất chấp các việc vẽ bậy bạ chống Kitô Giáo gần đây tại các Nơi Thánh ở Giêrusalem, ông cho biết các biến cố này chỉ lẻ tẻ và xứ sở ông trông mong được thấy Đức Giáo Hoàng tới thăm.
Ông nói: “Tại nhiều nơi ở Trung Đông, cộng đồng Kitô hữu vốn bị tấn công, chứ không hẳn ở Israel. Ở Israel, họ được hưởng tự do trọn vẹn và các quyền bình đẳng”.
Tuy nhiên, Đức Hồng Y Edwin O’Brien, người Mỹ, một nhân vật thuộc Hội Kỵ Sĩ Mồ Thánh, thì cho rằng tình hình ở đấy phức tạp hơn thế, nhất là đối với những người sống dọc West Bank, nơi các khu định cư của người Do Thái đang mồi lửa cho các căng thẳng giữa Israel và Palestine.
Ngài nói: “một số người thậm chí còn không được thăm gia đình của họ. Một số khác phải mất cả ngày mới được chấp thuận vượt tường tới nông trại của họ v.v…”
Hiện có vào khoảng 160,000 Kitô hữu sống tại Israel. Trong nhiều năm qua, nhiều người đã quyết định trốn khỏi cảnh bách hại trực tiếp hay gián tiếp tại Trung Đông, khiến các Kitô hữu ở đây càng trờ thành một nhóm thiểu số nhỏ hơn.
Đức HY O’Brien cho rằng “Đối với thế giới Kitô Giáo, chúng ta rất cần hiện diện ở đây để các định chế và các cơ sở của ta không trở thành các đồ trưng bày của viện bảo tàng”.
Hồi còn là tổng giám mục Buenos Aires, Đức GH Phanxicô đã có một lịch sử đối thoại liên tôn khá dài. Nay, hàng triệu người hy vọng rằng cuộc viếng thăm của ngài sẽ làm mới lại các cuộc thương thuyết hòa bình và ít nhất, cũng làm giảm căng thẳng trên cả hai bình diện chính trị và tôn giáo. Đại Sứ Evron hy vọng rằng “Cá nhà lãnh đạo tôn giáo đôi khi có sức giúp làm giảm căng thẳng giữa đôi bên của cuộc tranh chấp. Tôi tin chắc rằng khi ngài tới Israel, sứ điệp hòa bình của ngài sẽ có tác động”.
Nguồn: vietcatholic.net