Gia đình cầu nguyện thế nào ?

 

gkgd

 

Trước tiên cần khẳng định rằng cha mẹ phải là những người tiên phong và mẫu gương cho con cái trong việc cầu nguyện. Điều đó giả thiết rằng cha mẹ trong trách nhiệm giáo dục đức tin cho con cái, cũng dạy chúng cầu nguyện. Làm sao để cha mẹ và con cái có thói quen cầu nguyện : cầu nguyện liên lỷ và cầu nguyện theo các giờ nhất định. Về điểm này, chúng ta hãy nghe giáo huấn của đức Phaolô VI dành cho các bậc cha mẹ :

“Hỡi các bà mẹ, chị em có dạy cho con cái của mình những lời kinh của người Kitô hữu không ? […] Chị em có lần hạt chung với chúng ở gia đình không ? Còn những người cha, anh em có biết cầu nguyện chung với con cái, với cộng đồng gia đình, ít là thỉnh thoảng không ? Gương sống của anh em qua sự ngay thẳng trong tư tưởng và hành động, được hỗ trợ bằng ít nhiều kinh nguyện chung, quả là một bài học sống, một hành vi thờ phượng đáng tuyên dương. Như thế, anh em đang đem bình an vào trong tổ ấm gia đình anh em : ‘Bình an cho nhà này’. Đừng quên rằng làm như thế là anh em đang xây dựng Hội thánh.”

Cầu nguyện chung

Như đã nói, một mặt mọi người trong gia đình không phải lúc nào cũng cầu nguyện mà không làm gì cả, mặt khác họ phải lo nhiều công việc bổn phận : học hành, buôn bán, giao dịch, thăm hỏi … Thế nên, gia đình, vì không thể bỏ qua việc kinh nguyện chung, cần phải có giờ nhất định để cầu nguyện. Thiết nghĩ, tuỳ hoàn cảnh mỗi gia đình, có thể dành giờ cầu nguyện chung vào ban sáng hay buổi tối. Ở Việt Nam, các gia đình thường đọc kinh tối với nhau, sau bữa cơm gia đình. Đó là giờ nghỉ ngơi sau một ngày làm việc mệt nhọc và trong giờ này họ dâng lên Thiên Chúa lời nguyện tạ ơn và xin Người chúc lành cho một đêm nghỉ ngơi bình an.

“Vợ chồng cùng cầu nguyện với nhau, cha mẹ và con cái cùng cầu nguyện với nhau. Sự hiệp thông trong kinh nguyện vừa là hoa trái vừa là đòi hỏi của sự hiệp thông mà các bí tích Rửa tội và Hôn phối mang lại.” Khi cầu nguyện chung như vậy, chính đức Giêsu hiện diện giữa gia đình và những lời cầu xin của gia đình xứng đáng được Chúa Cha nhận lời (Mt 18,19-20).

Cầu nguyện bằng Lời Chúa

Khi khẳng định rằng “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 118,105), thì một cách gián tiếp, Vịnh gia muốn nói đến tầm quan trọng của Lời Chúa trong cuộc đời, đến nỗi có thể nói Lời Chúa là lẽ sống. Cộng đoàn Hội thánh được Lời Chúa quy tụ lại để được giáo huấn và kín múc sức mạnh nơi Lời, mà cụ thể là trong Thánh lễ mỗi ngày. Chính trong Lời Chúa, mà “Chúa Cha trên trời bằng tất cả lòng trìu mến đến gặp gỡ con cái mình và ngỏ lời với họ.” Và Lời Chúa trở thành lương thực cho linh hồn, nguồn sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu cho con cái Hội thánh. Gia đình, xét như là Hội thánh tại gia, cũng được Lời Chúa quy tụ, trong đó cha mẹ và con cái hiệp nhất trong Lời. Lời Chúa sẽ hướng dẫn mỗi thành viên cách sống để kiến tạo hạnh phúc cho gia đình mình.

Một cách cụ thể, chính việc đọc kinh chung (thường giờ kinh tối) là thời gian phù hợp để mọi người trong gia đình quy tụ lại để lắng nghe Lời Chúa. Đó là lời dạy của Hội đồng Giám mục Việt nam năm 2000 : “Bậc cha mẹ phải cố gắng biến những giây phút cả gia đình qui tụ bên nhau thành cơ hội để cầu nguyện, đọc và suy niệm Sách Thánh.” Lời Chúa thấm nhuần vào tâm hồn mỗi người sẽ phát sinh những hoa trái thánh thiện cho gia đình. Để được như vậy, mỗi thành viên trong gia đình, như đức Maria, luôn suy đi nghĩ lại Lời Chúa và áp dụng vào đời sống hằng ngày.

Cầu nguyện bằng kinh Mân Côi

Có thể nói trong các việc đạo đức, đọc kinh Mân Côi là một phương cách cầu nguyện dễ dàng nhất. Mọi người, từ trẻ em đến người già đều có thể đọc kinh này mọi lúc mọi nơi. Lời kinh tuy đơn sơ giản dị nhưng lại chất chứa một ý nghĩa sao sâu đến nỗi kinh Mân Côi được coi là bản Phúc Âm tóm gọn. Đọc và suy niệm kinh Mân côi chính là đọc và suy niệm về công trình cứu độ của Thiên Chúa thực hiện nơi đức Giêsu và mẹ Maria.

Việc đọc kinh Mân Côi trong gia đình được các giáo hoàng đề nghị, nhất là đức Gioan Phaolô II, ngài đã dành một Tông huấn (Rosarium Virginis Mariae) để nói về tầm quan trọng của kinh Mân Côi trong đời sống Hội thánh và gia đình. Đức Phaolô VI khuyến dụ : “Tràng chuỗi kính Đức Trinh Nữ Maria phải được coi là một trong những kinh nguyện chung tuyệt hảo và hữu hiệu nhất mà Hội thánh mời gọi mọi người trong gia đình Kitô hữu đọc với nhau. Tôi vui sướng tưởng nghĩ và tha thiết hy vọng rằng, khi gia đình sum họp để cầu nguyện, việc lần chuỗi Mân Côi sẽ là một hình thức được quý chuộng và thực hành thường xuyên.” Và đức Gioan Phaolô II còn thêm rằng việc đọc kinh Mân Côi là cách thức trung thành với đức Maria và noi theo cuộc sống của Mẹ, nhờ đó, sự hiệp thông trong gia đình được nuôi dưỡng và là yếu tố phát triển linh đạo gia đình mà đạt tới hạnh phúc.

Kết

Một lần nữa, chúng ta khẳng định lại với nhau rằng việc cầu nguyện trong gia đình hết sức cần thiết. Nó được thể hiện cụ thể cách riêng nơi mỗi thành viên trong việc cầu nguyện cá nhân với Thiên Chúa và cách chung là cầu nguyện chung với nhau trong giờ kinh nguyện chung gia đình. Chính khi cầu nguyện, gia đình có Thiên Chúa hiện diện, hướng dẫn và gìn giữ. Nhờ đó, gia đình trở nên hạnh phúc. Thiên Chúa cũng là nguyên nhân chính tác động nơi mỗi thành viên cầu nguyện để luôn ý thức và xây đựng hạnh phúc trong gia đình mình. Không cầu nguyện, chắc chắn, gia đình sớm muộn gì cũng sẽ có những xung đột, những bất hoà, những đổ vỡ và những đau khổ bởi vì không có Thiên Chúa hiện diện. Xin Thiên Chúa chúc lành và ban hạnh phúc cho mỗi gia đình và cho toàn thể gia đình nhân loại.

 

Nguồn : gxnl

Tin liên quan

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072