Giá trị của 2000 đồng
Ngang qua cửa một quán cà phê sang trọng trên con đường trung tâm thành phố Đà Nẵng bỗng thấy người người rồng rắn xếp hàng dưới nắng phía ngoài vỉa hè. Hiếm khi thấy người Việt xếp hàng trông điềm đạm, thanh thản như thế. Chuyện gì đã làm nên hiện tượng này nhỉ?
Thì ra là một nhóm thanh niên thiện nguyện đã mượn vỉa hè trước quán cà phê để làm điểm bán cơm từ thiện giá 2.000 đồng một hộp cho người nghèo. Mô hình này đã từ TP.HCM lan đến Đà Nẵng, Huế và Quảng Trị, đều do những sinh viên thực hiện. Mỗi tháng các bạn ấy chỉ tổ chức bán được 2 ngày 15 và 30, mỗi lần 500 hộp cơm.
Thực tế giá một hộp cơm là 15.000 đồng, đảm bảo vệ sinh, dinh dưỡng, nhưng tại sao lại phải bán với giá 2.000 đồng thay vì cho không? Một sinh viên thì thầm, chúng em làm thế để bà con nghèo không mặc cảm là ăn “cơm thí”.
Cảnh người ta xếp hàng từ tốn dưới nắng, và những lời cảm ơn của người bán kẻ mua vang lên sao mà dịu ngọt, tình cảm đến thế. Người ta như quên đi cái oi bức bất thường giữa mùa Đông, quên đi một ngày dài phải lao động cực nhọc để kiếm miếng ăn, tấm áo lúc năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến.
Tờ bạc 2.000 đồng được trao đi và nhận lại, rưng rưng dưới nắng như vật chứng cho thấy vẫn còn có những người nghèo lắm, và cũng có những tấm lòng biết trân trọng giá trị vật chất nhỏ nhất, làm việc thiện mà không muốn người nhận phải buồn, phải đau lòng vì cái sự nghèo khó!
Một thùng trà đá, mấy cái ly nhựa, thêm lời mời giản dị ghi trên giấy: “Trà đá – Kính mời bà con giải khát miễn phí”. Giữa trưa nắng miền Trung, thùng trà đá ấy quý biết mấy đối với những chị ve chai lê vẹt dép trên phố, mấy bác xe thồ sau cuốc chở hàng nặng nhọc.
Mỗi lần đi ngang qua đó, nhiều người chỉ cho đứa con bé bỏng của họ thùng trà đá, giải thích cho chúng hiểu ý nghĩa của ly nước mát dành cho người nghèo của một người nào đó. Có đứa bé thơ ngây hỏi lại: “Ai để thùng nước ở đó hả mẹ?”.
Người mẹ trả lời: “Cô Tấm đấy!”. Đứa trẻ cười sung sướng vì được đọc truyện cổ tích ngay trên phố. Những cái “lặt vặt” thỉnh thoảng diễn ra thầm lặng nơi góc phố thị như thế.
Từ lúc nào thị dân chúng ta quên hẳn những việc “lặt vặt” như thế khi mải đuổi theo những thứ hào nhoáng, kiểu như đang dùng iPhone 4 lại đổi iPhone 5. Bạn bè lâu ngày gặp nhau, câu trước câu sau là cứ phải hỏi cho ra “Thế bạn đã có ô tô chưa? Có mấy lô đất hay căn hộ để dành?” để thăm dò xem bạn bè cũ nay có thành đạt hay không.
Một lần đến nhà người bạn quen dịp Tết, nhà đẹp đã đành, nhưng khi thấy một cây mai với vòng bông nở rộ quấn quanh thân cây như con trăn lớn bằng vàng được chưng giữa nhà mới hiểu thế nào là hai chữ “đẳng cấp”.
Cây mai ấy trị giá thị trường của nó có thể giúp 100 thị dân ăn Tết nếu tính bình quân đầu người 2 triệu đồng để có cái Tết sung túc. Cũng có thể chúng ta cho rằng có đỉnh cao thì sẽ có vực sâu, như thế mới là cuộc sống. Có lẽ cuộc sống cần sự phong phú, cần có cái nghèo thì cái sung túc mới hiện ra đầy đủ?
Trở lại với hộp cơm từ thiện bán cho người nghèo, với câu nói của cô sinh viên rằng lấy giá hộp cơm 2.000 đồng để người nghèo bớt mặc cảm, để miếng cơm không phải nghẹn. Từ đâu mà những bạn trẻ này có được suy nghĩ sâu sắc như vậy. Cứ nghĩ rồi đây họ sẽ tốt nghiệp, rời khỏi giảng đường đại học, những trí thức tương lai như họ chắc chắn sẽ trưởng thành.
Và không khỏi có một sự liên tưởng, ước mong những bạn trẻ ấy mai này sẽ là tác giả của những chính sách xã hội mà người nghèo được chăm sóc, trân trọng ra sao, chắc không thể là những chính sách vô cảm từng gây tranh cãi vì chúng đánh vào cả người nghèo như vẫn xuất hiện gần đây. Và chính các bạn trẻ ấy đã để lại cho người qua lại một chút suy nghĩ về giá trị bản thân của mỗi người, nó hiện ra rất rõ từ ý nghĩa nhân văn của tờ giấy bạc 2.000 đồng!
Bích Hồng
Nguồn: DNSG