Giải đáp 100 vấn nạn về đức tin (1)

 

100QUESTIONS-SUR-LA-FOI.jpg

 

1. Thưa Cha, tin là gì?

Tin, đó là tin vào Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, đã chết và sống lại, đã đến trần gian, nhận lấy thân phận làm người để mọi người được sống đời sống của Thiên Chúa.

Chúa Giêsu hiến trọn đời mình như dấu chứng tình yêu đối với mọi người. Tin vào Thiên Chúa, chính làm tin vào tình yêu vô tận của Ngài. Đó là tìm nơi Ngài, trong cuộc sống hiện tại, bằng cách yêu Ngài như Ngài yêu, niềm hạnh phúc được sống vĩnh cửu sau khi đã chết.

2. Được giáo dục trong một môi trường chống giáo sĩ gay gắt nhất, nhưng đến 36 tuổi thì con đã suy nghĩ nhiều và con ao ước nhận phép Thánh Tẩy. Con cảm thấy một sự thiếu sót kinh khủng trong căn tính của mình. Con đã bắt đầu tìm hiểu Kitô Giáo và lịch sử Đạo nầy. Thưa Cha, làm cách nào để vớt vát lại đây?

Có lẽ chị đang cải hóa. Đó là một hạnh phúc lớn lao, mà cũng là một sự đảo lộn vĩ đại. Nhưng đây không phải là vấn đề vớt vát. Chị cần khám phá ra rằng đức tin vượt xa những kiến thức “về” Thiên Chúa để trở nên một cuộc gặp gỡ riêng tư: nhận biết Thiên Chúa.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi chị cảm thấy điều mà chị gọi là một sự “thiếu sót kinh khủng” trong căn tính của mình. Là một thụ tạo của Thiên Chúa, nên điều gì còn thiếu sót nơi chị, chỉ mình Thiên Chúa mới có thể ban cho chị.

Chị đừng nóng vội. Chị hãy tìm hiểu như chị đã làm, hãy gặp gỡ những người trải qua cùng một đoạn đường đời như chị, những người trong Giáo Hội sống bằng Thần Linh của Thiên Chúa. Giáo Hội đã từng dành một quãng đường dài cho người lớn tuổi trước khi họ nhận phép Thánh Tẩy: đó là thời kỳ dự tòng. Để nhận phép Thánh Tẩy, chị phải trải qua nhiều giai đoạn chuẩn bị, giúp chị trưởng thành trong hiểu biết của Thiên Chúa.

3. Thiên Chúa, Đức tin, Chúa Kitô, Tin Mừng, con đều chấp nhận cả. Nhưng Giáo Hội hiện nay thì không. Cha nghĩ sao về thái độ này?

Tại sao chúng ta tách rời Thiên Chúa, Chúa Kitô, Tin Mừng và Đức tin ra khỏi Giáo Hội? Chúng ta hãy trở về Giáo Hội sơ khai, vào lễ Hiện Xuống, các tông đồ đã lãnh nhận Chúa Thánh Linh. Chúa Kitô đã chọn các Ngài để các Ngài loan báo Tin Mừng cứu rỗi trên khắp thế gian. Chúa Phục sinh giao cho nhóm người ít ỏi này một trách nhiệm huyền diệu: rao truyền Đức Tin. Phiêu lưu quá, nhưng hết sức tin tưởng! Ngày nay, sự mâu thuẩn lạ thường nầy vẫn y như vậy. Nhóm người ít ỏi đã trở nên một tập thể đông đúc. Bởi vì Giáo Hội được hình thành từ nhiều người nam, người nữ và chưa hẳn trọn lành, cho nên Giáo Hội có thể bị phiền trách về những nhược điểm như thường thấy ở bất cứ xã hội loài người nào. Nhưng bởi vì Chúa Kitô vẫn ở lại cùng Giáo Hội, ban cho Giáo Hội Thần khí của Ngài, cho nên Giáo Hội không ngừng nuôi dưỡng đức in của biết bao con người thông qua các phép Bí Tích. Không hấp tấp, không rụt rè, Giáo Hội xây dựng Nước Trời, dẫu có sơ suất, ngập ngừng, nhưng luôn được soi dẫn bởi một đức tin không ngừng tăng trưởng.

Chớ gì những ai có thái độ như bạn nói, đừng nhìn Giáo Hội như khách bàng quang, mà hãy đóng góp phần mình như một viên đá xây dựng Giáo Hội.

4. Thưa Cha, đến một lúc nào đó, chúng ta lại không nhàm chán Thiên Chúa ư?

Nếu chúng ta tin vào Thiên Chúa và ao ước nhận biết Ngài thì chỉ có năng lực tiếp nhận của chúng ta mới có thể ngăn cản Thiên Chúa. Và cũng chính cách tiếp nhận độc nhất này, làm đẹp lòng Ngài. Lo sợ sự nhàm chán là điều rất thường tình trong bất cứ mối giao hảo tình tứ hay bằng hữu nào. Dẫu Đức Tin vững mạnh đến đâu, chúng ta không khỏi lỗi hẹn.

Sự ao ước mộ mến Thiên Chúa, có thể biến mất. Điều đó, các nhà thần bí từng cảm nhận và gọi đó là “đêm tối”, là “sa mạc”. Lòng tràn ngập nghi ngờ, các Ngài có cảm giác như Thiên Chúa từ bỏ mình. Chỉ còn chút ánh sáng chập chờn của Đức Tin giúp các Ngài bền tâm đi tìm kiếm Thiên Chúa.

Trong một cuộc sống càng ít hướng về Thiên Chúa, thói quen tìm Chúa càng bị đe dọa và sự ham thích cầu nguyện dần dà biến mất. Lúc ấy, chính Đức Tin giúp chúng ta nhẫn nại chờ đợi Thiên Chúa. Đức Tin mời gọi chúng ta khám phá Thiên Chúa, không phải mặt đối mặt như lúc diện kiến trong chiêm ngắm, mà phải nhờ qua một cuộc gặp gỡ, ngay giữa một hành động nào đó mà không ai ngờ trước được.

Không, đừng nhàm chán Thiên Chúa. Hãy xem Chúa Giêsu làm các môn đệ bối rối như thế nào. Vậy nên tỉnh thức, sẵn sàng và cậy trông Thiên Chúa đánh động và vực dậy cuộc sống của chúng ta.

5. Thưa cha, đang tuổi 18, con thấy để làm một cô gái ngoan đạo, không phải là điều dễ dàng gì, dù ngay trong trường học công giáo. Ví như trong lớp con, cả thảy 33 học sinh, mà chỉ có năm chúng con sống đạo! Làm sao mà không nản được?

Mọi sự bắt đầu với Chúa Kitô, mười hai tông đồ và vài người phụ nữ: Và hiện bây giờ đây, có một tỉ năm trăm triệu Kitô-hữu trên khắp thế giới.

Con số ít người sống đạo trong lớp cô, không được làm cô nản lòng. Đừng tự tách biệt mình khi sống đức tin. Cô hãy sống đạo, không những với bạn bè trong lớp của minh, mà còn với bạn bè bên ngoài, trong giáo xứ, trong đoàn thể hoặc trong phong trào giới trẻ.

Cô hãy vun đáp tình thân với Chúa Kitô và giao phó cho Ngài niềm khát khao muốn nhìn thấy mọi người đón nhận tình yêu của Ngài.

Mạnh dạn lên, Chúa Kitô và Giáo Hội đang cần nhờ đến cô đấy.

6. Thưa Cha, thật khó mà sống đức tin tại nơi làm việc. Các bạn đồng nghiệp nói ra, nói vào về con. Con phải chọn thái độ nào cho thích hợp đây?

Tình yêu Thiên Chúa được trao ban cho chúng ta không phải để chúng ta cất kỹ trong lòng, mà để chúng ta đem chia sẻ với mọi người anh em.

Chúng ta được mời gọi trở nên nhân chứng của tình yêu Thiên Chúa, ngay tại khu phố, giữa bạn bè, trong câu lạc bộ thể dục, thể thao, hoặc ngay tại nơi chúng ta làm việc. Sứ mệnh này không phải là một cuộc mạo hiểm nhàn hạ và không cần hy sinh. Đó là một sứ mệnh đòi buộc chúng ta không ngừng suy tính cách thức phù hợp cho riêng mình để liều thân vì Chúa.

Như bạn biết đấy, thật khó mà ứng xử trước sự chế giễu, trước những lời phê bình chể trích, hoặc sự thờ ơ của người đối thoại. Thái độ thích hợp nhất, là lòng chân thành. Không có kiểu cách định sẵn. Bạn nên sống Đức Tin của bạn một cách trung thực, trong khi vẫn tôn trọng những người không cùng niềm tin với bạn. Cũng nên đề phòng những cảm giác thất bại của mình. Thường thường thì chỉ cần đôi lời ngắn gọn, một vài cử chỉ kín đáo hằng ngày, chúng ta cũng có thể làm chứng cho tình yêu của Chúa Kitô và cho sự khăng khít của niềm tin chúng ta.
Thật ra, những phản ứng tiêu cực sẵn có của những người quen thuộc quanh ta không hẳn là một sự bác bỏ hoàn toàn, mà có thể biểu lộ một sự sợ sệt, lúng túng, một nỗi hoài nghi.

Bạn hãy tiếp tục là một chứng nhân trung thực của Chúa Giêsu Kitô, không huênh hoang tự đắc, nhưng cũng đừng rụt rè, với sự vững tin vào tác động của Chúa Thánh Linh trên mọi giới hạn của chính bản than bạn.

7. Khi còn nhỏ, con nhận được một nền giáo dục Kitô-giáo. Bây giờ, hai mươi tám tuổi, con không tin vào Thiên Chúa nữa. Làm cách nào để tìm lại đức tin?

Ta không mất đức tin như mất địa chỉ của một người bạn. Còn hơn thế nữa, ta mất đức tin như mất đi một người bạn. Niềm tin vào Thiên Chúa không thâu tóm trong một mớ hiểu biết. Đức tin là một quan hệ cá nhân, giống như mọi liên hệ bằng hữu hay vợ chồng, cần được không ngừng nuôi dưỡng bởi những khoảng khắc gặp gỡ nhau. Đọc Sách Thánh, lãnh nhận các Bí Tích, cầu nguyện, đó chính là những cuộc gặp gỡ Thiên Chúa.

Để vun đắp mối quan hệ này, người Kitô hữu không nên dựa vào sức riêng mình. Chính với cộng đoàn Kitô-giáo và nhờ qua các Bí Tích của Giáo Hội mà ta có thể sống một Đức Tin chân thật.

Nếu bạn có thể gặp gỡ các tín hữu và đối thoại với họ, học sẽ cho bạn biết tầm quan trọng của sự chia sẻ, sự thông hiệp trong kinh nguyện và trong việc dấn thân hằng ngày. Họ cũng sẽ nói cho bạn về niềm vui mời gọi tham dự Thánh Thể, nơi gặp gỡ than mật với Thiên Chúa, nhờ qua Chúa Giêsu, Con Ngài. Bạn hỏi tôi ”Làm cách nào tìm lại đức tin?” Tôi xin thưa, bằng cách gặp gỡ Thiên Chúa. Nếu bạn mở rộng tâm hồn mình cho Tình yêu Thiên Chúa, bạn sẽ nhận được tình yêu Thiên Chúa, bạn sẽ nhận được tình yêu đó tràn trề.

8 – Thưa cha, làm sao con có thể giải thích cho bạn con rằng, dù có Đức Tin mạnh, đôi khi con cũng nghi ngờ, và sự nghi ngờ này cho phép con vững tiến trong việc tìm kiếm Thiên Chúa không?

Là Kitô hữu, không phải là yên vị trong mọi điều rõ ràng chắc chắn. Đó là liều thân cho tình yêu sung mãn mà Thiên Chúa dành cho mọi người. Vì vậy, chúng ta cần phải dám liều, dám chấp nhận để cho tình yêu Thiên Chúa biến hóa, chấp nhận mà không cần biết tình yêu ấy đưa ta đến đâu: “Gió muốn thổi đâu thì thổi, người ta có thể lắng nghe thấy tiếng, nhưng chẳng biết nó từ đâu đến, cũng chẳng rõ nó sẽ đi về đâu” (Tin mừng Gioan, chương 3, câu 8).

Tôi thấy chị suy nghĩ đúng về những nghi ngờ hiện hữu trong đức tin của chúng ta. Đúng vậy, những nghi ngờ đó cho phép chúng ta tiến tới, thúc đẩy chúng ta tiến lên trước để tìm được những lý lẽ cho đức tin. Chúng mời gọi chúng ta đáp lại tình yêu Thiên Chúa bằng lòng tin. Chị có thể nói điều đó với bạn mình. Nên nhắc lại cho anh ấy nhớ rằng chính Chúa Kitô, là người như mọi người chúng ta, Chúa đã biết một cách tường tận nhất, tình yêu của Chúa Cha, đã phải van xin trên thập giá: “Cha ơi, sao Cha bỏ con?” Nhưng mà những lời cuối cùng của Ngài lại là những lời đầy tin tưởng: “Con giao phó linh hồn con trong tay Cha”.

9 – Thưa Cha, đứa con gái mười lăm tuổi của chúng con nêu cả ngàn câu hỏi. Cháu đang tìm kiếm một tôn giáo. Con là người công giáo, nhưng không giữ đạo, còn chồng con thì vô thần. Chúng con muốn để cháu chọn lựa. Vì cháu chẳng có được nền giáo dục đào tạo, nên chúng con hướng cháu vào các hoạt động nhân đạo, nhằm giúp cháu bù lấp khoảng trống vắng và tạo cho đời cháu một ý nghĩa, nhưng cháu vẫn thấy lạc lõng làm sao ấy.

Có rất nhiều phụ huynh ở vào hoàn cảnh như chị. Trong khi thực lòng tưởng mình tôn trọng sự tự do của con cái, nhiều vị kiêng dè không nói với chúng về Thiên Chúa, mà lại truyền đạt cho chúng những giá trị nhân bản như tình liên đới chẳng hạn. Có phải chị cũng suy nghĩ như vậy không, bởi vì chị cũng gợi ý cho cháu hướng về những hoạt động nhân đạo nhằm tạo cho cuộc đời cháu một ý nghĩa?

Trước hết, chị hãy vui mừng vì cháu biết tìm hiểu. Cháu đang tập sống tự do đấy. Chị có thể trợ giúp cháu, hướng cháu đến Văn phòng tuyên úy của trường học, hoặc đến một cộng đoàn giới trẻ đang sống đức tin và đang tìm kiếm Thiên Chúa. Chắc chắn cháu sẽ gặp nhiều thanh thiếu niên đang khao khát cuộc sống thiêng liêng. Cha tuyên úy sẽ có những từ ngữ thích hợp để trao đổi, động viên cháu tìm tòi suy nghĩ.

Phần chị, xin chị đừng tránh khéo những câu hỏi của cháu. Biết đâu đó không là một cơ may để khơi dậy đức tin của chị. Chị nên trao đổi với quý phụ huynh khác, xem họ xử trí cách nào và tham vấn các nhà sư phạm Kitô-giáo mà chị có thể gặp. Lứa tuổi thanh thiếu niên là một thời điểm tế nhị, không những cho phụ huynh, mà cho bản thân các bạn trẻ nữa. Chị nên sống qua thời kỳ này của con chị một cách bình tĩnh như một thực nghiệm suy tư của bản thân.

10 – Thưa Cha, đức tin của người Kitô hữu và đức tin của người theo Chính Thống giáo. khác nhau ở chỗ nào?

Sau Công Đồng Chalcédoine (năm 451) và sau những vạ tuyệt thông (năm 1054), thống nhất của của Giáo Hội bị tan vỡ, một bên là các Kitô hữu liên kết với các thượng phụ thành Constantinople (nay là Istanbul) và một bên là các Kitô-hữu liên kết với Đức Giám mục Roma, cũng là vị kế nhiệm Thánh Phêrô: Đức Giáo Hoàng.

Những trở ngại từng gây ra sự đoạn tuyệt nầy đã được khắc phục đến độ ngày 07 tháng 12 năm 1965, vào lúc bế mạc Công Đồng Vatican II, Đức Thánh Cha Phaolô VI và Đức Thượng Phụ Athénagoras đã long trọng tuyên bố, cùng lúc tại Roma và tại Istabul, “hối tiếc và xóa bỏ khỏi trí nhớ và khỏi Giáo Hội những vạ tuyệt thông thủa nào và đưa chúng vào quên lãng”.

Một ủy ban hỗn hợp Chính Thống và Công Giáo được hình thành sau Công Đồng. Ủy ban đã công bố ba văn kiện về đức tin được nêu trong cùng một kinh Tin Kính của Công Đồng Nicée – Constantinople.

Theo dòng lịch sử, những vấn đề gây chia sẽ là:
– Việc các nghị phụ Latinh thêm từ ngữ FILIOQUE (Chúa Thánh Thần bởi Chúa Cha VÀ CHÚA CON mà ra) vào Kinh Tin Kính của Công Đồng Constantinople hồi thế kỷ IV,
– Việc xác nhận có luyện ngục vào thời Trung Cổ,
– Việc Đức Thánh Cha xác định tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, năm 1854, và tín điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, năm 1950.
– Việc Công Đồng Vatican I (năm 1870) minh định quyền tối thượng và bất khả ngộ của Đức Giáo Hoàng. Ngày nay, điềm sau cùng vẫn còn là mục tiêu của nhiều cuộc nghiên cứu và đố thoại đại kết.
– Điều hiện nay còn làm cho cả đôi bên ngăn cách nhau, tùy thuộc nhiều vào các yếu tố văn hóa, chứ không phải là thần học, hoặc các yếu tố có liên quan đến những biến cố xã hội chính trị. Bất chấp những biến động mới đây ở Nga, ở Ukraine, ở Roumanie hay ở Nam Tư, tất cả mọi Kitô- hữu trên thế giới đều quyết tâm cùng nhau mưu tìm sự thống nhất hữu hình của Giáo Hội như chính Chúa Giêsu mong muốn.

 

Nguồn: conggiao.info

Tin liên quan

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072