Giải đáp 100 vấn nạn về đức tin (5)

 

 

41. Từ trong giáo xứ, các linh mục có nhiều nguồn thu nhập như: quà biếu cá nhân, bổng lễ..v…v…Vậy có bắt buộc phải có một quỹ chung giữa các linh mục trong cùng một giáo phận không, thưa cha?

Không nên nhầm lẫn thu nhập của giáo xứ và thu nhập của linh mục.

Về phần thu nhập của linh mục, có thể có hai trường hợp. Hoặc ngài giữ lai cho mình một phần thu nhập của địa phương, nếu xét thấy thu nhập mà ngài nhận từ giáo phận không đủ đáp ứng mức sinh hoạt hằng tháng do giáo phận ấn định. Đây là trường hợp bổ túc. Trong trường hợp ngược lại, linh mục được khuyến khích đóng góp vào công quỹ (thuộc giáo xứ hay giáo phận) những quà biếu cho riêng cá nhân mình.

Còn về các bổng lễ, thường thì nhiều giáo xứ có nhiều bổng lễ (ví dụ như các địa điểm hành hương) chia sẻ lại cho những giáo xứ có ít hơn.

Như vậy, có sự chia đều giữa các linh mục trong cùng một địa phận, cũng như giũa các giáo xứ và các giáo phận. Nhưng sự chia đều nầy chỉ bắt buộc các linh mục trong những giáo phận có quy định chung.

42. Thưa cha, tại Pháp, các linh mục có được Nhà Nước đài thọ không?

Từ khi có sự phân biệt giữa Giáo Hội và Nhà Nước, các linh mục không còn được Nhà Nước trả lương nữa. Vào tháng 12 năm 1905, chính quyền Combes cho biểu quyết một đạo luật theo đó, Chính Thể Cộng Hòa đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, nhưng “không trả lương, không trợ cấp bất cứ tôn giáo nào”. Ngân sách dành cho các tôn giáo bị bãi bỏ, và các tín hữu phải đảm trách việc đài thọ các linh mục. Từ đó, các linh mục Pháp sống nhờ vào lòng hảo tâm của các tín hữu.
Nhưng hai trường hợp ngoại lệ: hai giáo phận Strasbourg và Metz vẫn còn dưới chế độ Hòa Ước và các linh mục được Nhà Nước đài thọ. Biệt lệ này có những lý do lịch sử: vùng Alsace-Lorraine được giao cho Đức Quốc Xã năm 1905, vùng Alsace-Lorraine vẫn giữ chế độ Hòa Ước.

43. Thưa cha, khi nào nên nhờ đến linh mục trừ tà?

Mỗi người, tin hay không tin, đều phải đương đầu với những vấn đề sự dữ trong cuộc sống. Nhiều người từng trả qua một kinh nghiệm đau thương, gian khổ và phiền nhiễu. Họ cảm thấy đối mặt với sự dữ, bị xâu xé, bị chia năm xẻ bảy từ trong thâm tâm hoặc với những người thân cận. Đôi khi họ cậy nhờ các thầy bùa, thầy pháp, và cuối cùng, họ nhờ đến Giáo Hội, cầu mong một linh mục trừ tà trợ giúp.

Thường mỗi giáo phận đều có một linh mục trừ tà được Đức Giám Mục chỉ định (bạn có thể gặp những người cần liên hệ tại Tòa Giám Mục). Vị linh mục này, cùng nhóm cộng sự viên, sẵn sàng chăm chỉ lắng nghe nỗi ưu phiền được tỏ bày. Quả thật, một sự ân cần nhẫn nại tiếp nhận nỗi đau, san sẻ quá trình diễn tiến, cùng chung một lời cầu nguyện, có thể kèm theo Bí Tích Hòa Giải, đều giúp xoa dịu cơn khủng hoảng và làm an tâm nạn nhân.

Kinh nghiệm cho thấy rằng thái độ thông cảm này đã là một trợ lực vĩ đại. Ngoài ra, cũng có thể nhờ đến sự trợ giúp của tâm lý học hoặc y học.

Tronh những trường hợp hy hữu và cá biệt mà vị linh mục trừ tà, do Giám Mục chỉ định, là người phán quyết duy nhất, thì nên nhờ đến lời cầu nguyện trọng thể đã được Giáo Hội tiên liệu. Vị linh mục cầu xin Thiên Chúa giải thoát kẻ đang đau khổ, khi mà sự can thiệp tự nhiên, tâm lý đều trở nên bất lực. Ngài nhân danh Giáo Hội mà dâng lên Thiên Chúa lời cầu xin này, chứ không tự mình như thầy bùa, thầy pháp.

Bất cứ ai đang đau khổ, đều có quyền được lắng nghe: chức vụ trừ tà là một chức vụ cảm thông. Do đó, để hoàn thành mỹ mãn sứ vụ được Giáo Hội giao phó, linh mục trừ tà cùng những vị liên hệ, đều dự một khóa tập huấn thường niên do Hội Đồng Giám Mục Pháp tổ chức với sự giúp đỡ của nhiều nhà thần học và các chuyên viên khoa học nhân văn.

44. Nhiều giáo dân đứng ra sắp đặt và linh hoạt lễ nghi an táng. Thưa Cha, Cha nghĩ sao về sự vắng mặt của linh mục vào lúc mai táng?

Lễ nghi an táng tạp trung cầu nguyện nhằm ký thác người quá cố cho Thiên Chúa. Lễ nghi này không phải là một phép bí tích. Linh mục chỉ bắt buộc hiện diện nếu có cử hành thánh lễ. Thầy phó tế vĩnh viễn có thể chủ sự nghi thức mai táng. Nếu không có linh mục hoặc thầy phó tế, thì một giáo dân được ủy quyền có thể đứng ra chủ sự. Với sự phê chuẩn của Giám Mục, Cha sở có thể yêu cầu một giáo dân trong xứ linh hoạt lễ nghi an táng. Vị nầy nên được tập huấn trước và được một nhóm tín hữu yểm trợ. Thế nhưng, trong những giờ phút đau thương nầy, thật khó mà thông cảm và chấp nhận được sự vắng mặt của vị linh mục, vị lãnh đạo tinh thần của cộng đoàn giáo xứ. Chỉ có tình trạng khan hiếm linh mục ngày nay mới có thể giải thích được điều đó.
Tang gia cần cảm nhận được cả một cộng đoàn tín hữu chân tình đùm bọc, lắng nghe và chia sẻ bằng lời cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa và lòng trông cậy vào sự sống lại.

45. Thưa Cha, sứ mệnh của thầy phó tế là gì và trong Giáo Hội, thầy có thể ban những phép bí tích nào?

Chức Phó tế là một chức vụ được trao ban. Không đi sâu vào chi tiết, tôi có thể lập lại với bạn rằng phép truyền chức thánh trao ban ba chức vụ là Giám mục, chức Linh mục và chức Phó tế.

Thầy phó tế gắn bó với Giám Mục của mình. Thầy nhận từ tay Giám Mục bài sai cho một sứ mệnh giữa giáo dân. Chức phó tế được hiểu như một sứ mệnh phục vụ (phụng vụ, giảng trong thánh lễ, giáo lý, hoạt động từ thiện). Thầy phó tế vẫn thường ở lại trong môi trường nghề nghiệp của mình. Thầy không được cử hành bí tích Thánh Thể, nhưng thầy có thể giảng giải phúc âm, cử hành bí tích rửa tội, chủ sự lễ nghi hôn phối và nghi lễ an táng, mang Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân.

Chức vụ phó tế hiện hữu ngay từ buổi đầu lịch sử Giáo Hội, nhưng đã dần mất tầm quan trọng của mình để chỉ còn là bước cuối cùng trước chức linh mục. Hiện nay, dù vẫn còn tồn tại thói quen truyền chức phó tế cho người sẽ trở thành linh mục, chức phó tế đã tìm lại được từ công đồng Vatican II vai trò của mình là một chức vụ đặc biệt.

Ngày nay, chức phó tế vĩnh viễn đang trên đà tiến triển rất mạnh. Thầy phó tế vĩnh viễn thường là những người có gia đình và có nghề nghiệp hẳn hoi.Ở Pháp năm 1975, có 33 thầy; năm 1980, có 100 thầy; đầu năm 1989, có 488, và năm 1993, có hơn 800 thầy.

46. Người ta thường nói đến chức phó tế vĩnh viễn. Có phải chức vụ này chỉ dành riêng cho nam giới? Nếu đúng thế, thì tại sao phụ nữ không được dự vào chức vụ này, thưa Cha?

Chức phó tế vĩnh viễn đã được Công Đồng Vatican II tái lập và biểu dương cách đây 30 năm, trong khi từ lâu, chức vụ này chỉ còn là bước cuối cùng trước khi phong chức linh mục. Các nghị phụ đã muốn thể hiện sự khác biệt giữa các chức vụ linh mục và chức vụ phó tế, bằng cách giao cho chức vụ này một nhiệm vụ đặc biệt: nhiệm vụ “phục vụ”. Theo tiếng Hy Lạp “diakonos” có nghĩa là “người giúp việc”. Nhiệm vụ này được thực hiện bằng việc dạy giáo lý, giảng huấn, trợ giúp những người kém may mắn…Trong một số lễ nghi phụng vụ, chúng ta thấy thầy phó tế mang sách Thánh và công bố Tin Mừng, ban lời giảng huấn hoặc trao Mình Thánh Chúa. Thầy có thể cử hành bí tích thanh tẩy hoặc bí tích hôn phối, còn bí tích Thánh hể và bí tích Hòa Giải thì không. Thường thường, thầy là người có gia đình và có nghề nghiệp.

Giáo hội không tiến cử phụ nữ vào chức phó tế vĩnh viễn, cũng như không tiến cử họ vào chức linh mục. Truyền thống tôn giáo này của Giáo Hội căn cứ vào sự phân rõ nhiệm vụ: nam và nữ đều phải tham dự vào sứ mệnh của Chúa Kitô bằng cách khác nhau. Nguyện vọng của Giáo Hội là tôn trọng sự khác biệt giữa nam và nữ, tôn trọng những ơn gọi bổ khuyết cho nhau trong mối liên quan với những ân sủng bổ sung cho nhau.

47. “Để phục vụ Thiên Chúa và phục vụ con người, Giáo Hội cần có nhiều quà tặng của bạn”. Thưa Cha, Cha có nhận thấy loại hình lời bảo có tính quảng cáo này là thái quá không, khi mà Giáo Hội, đặc biệt là Giáo Hội Vatican, chỉ tiêu xa xỉ cho những chuyến tông du của Đức Thánh Cha, trong lúc nhiều người đang chết đói?

Để tiếp tục hiện diện giữa con người của thời đại, Giáo Hội cần sử dụng những phương tiện của thời đại. Đó là lý do tại sao Đức Thánh Cha không ngần ngại đáp máy bay đến thăm nhiều cộng đoàn giáo hữu trên khắp thế giới và khuyến khích mọi dân tộc thăng tiến trong tình yêu Thiên Chúa và trong tình huynh đệ. Các tín hữu của quốc gia tiếp đón Ngài nhận chịu chi phí cho cuộc hành trình của Ngài. Giáo hội Pháp xét thấy không có gì trở ngại khi, nhờ qua phương tiện thong tin đại chúng, kêu gọi các tín hữu Pháp tham gia góp phần: nếu họ muốn, họ có thể biểu lộ tình liên đới với các linh mục và giáo dân trong công việc mà các vị này thực hiện.

Chúng ta tin rằng, nếu đưc tin được tiếp tục loan truyền một cách sống động và hiện hữu, thì đưc tin chỉ có thể kiến tạo một sự công bằng mà bạn nhắc đến lợi ích rất cấp bách.

Để có thể kết luận, chớ gì tôi có thể mời bạn nghiền ngẫm câu tục ngữ Trung Hoa sau đây: “Nếu bạn còn hai mươi đồng, bạn hãy lấy mười đồng mua bánh ăn để sống, và mười đồng mua hoa hồng để có lý do vui sống”.

48- Thưa Cha, Cha nghĩ gì về việc xây cất Nhà Thờ Chính Tòa Évry ?

Tôi mời bạn, cũng như tất cả các Kitô hữu, nên phấn khởi trước sáng kiến của Đức Cha Herbulot, Giám mục Évry. Khi ngài đến giáo phận Essome, thì thành phố Érvy mới mẻ đang tích cực chuyển mình. Từ con số 4000 cư dân hồi năm 1965, thành phố Érvy ngày nay đã vượt quá 70.000 dân. Việc thiết lập những xí nghiệp mũi nhọn, như Ariane- Espace, đã thu hút một số đông cư dân trẻ (40 % dưới 35 tuổi).

Giáo Hội không thể như khách bang quan, không thể không để ý đến một sự bùng nổ của một thành phố lớn của thế kỷ XXI. Đối với một số người, thánh đường cần nên kín đáo, duy chỉ để phục vụ. Thế nhưng, khi nhờ đến ông Mario Botta, kiến trúc sư nổi tiếng khắp thế giới, và khi chọn phương án cực kỳ hiện đại dành cho một thánh đường đang hòa mình trong các kiến trúc của một trung tâm thành phố, công trình công cộng Évry và Đức Cha Herbulot đã minh chứng một dự đoán vượt bậc. Thánh đường cần được nổi bật ngay tại trung tâm điểm của một đô thị. Thị dân cần có những dấu chỉ, những cột mốc thần thiêng.

Bạn hãy nghĩ đến Nhà Thờ Đức Bà Paris. Đối với các Kitô hữu, Nhà thờ Đức Bà là nơi cầu nguyện, nơi phụng tự, nhưng đối với thị dân Paris, Nhà thờ Đức Bà biểu tượng sự hiện diện của Thiên Chúa. Trong khi xây dựng Nhà thờ chính tòa Évry, Giáo Hội muốn xác quyết sự hiện diện của mình giữa thế giới ngày nay và ngày mai. Còn phí tổn cho một công trình như thế thì ước tính độ 60 triệu quan Pháp, cái giá của một trường trung học hay một giao lộ đường siêu tốc.

49. Thưa Cha, có gì khác giữa Hướng đạo Pháp và Hướng đạo Châu Âu?

Phong trào Hướng Đạo Pháp, được thành lập vào năm 1920, khởi nguồn từ những phương pháp sư phạm và chương trình giáo dục do ông Baden-Powell, sáng lập viên phong trào Hướng Đạo hồi năm 1907 khởi thảo. Vào cuối những năm năm mươi, phong trào tiến hành một cuộc cải cách về chương trình và phương pháp, nhằm thích ứng với một giới trẻ, cũng giống như một xã hội, đang chuyền biến nhanh chóng. Ví dụ, phong trào đã quyết định chia nhóm “tráng sinh” thành hai khối: ấu sinh (12- 14 tuổi) và thiếu sinh (14- 16 tuổi), nhằm đề xuất những phương pháp sư phạm riêng biệt cho từng đối tượng.

Việc cải cách nầy không được mọi người chấp nhận. Ví dụ, về phần mình, các hướng đạo sinh Châu Âu muốn trung thành với chương trình nguyên thủy của ông Baden-Powell.

50. Dòng Ba Phanxicô là gì? Dòng có những chủ đích nào?

Dòng Ba Phanxicô đã được chính thánh Phanxicô Assisi thành lập năm 1221. Sau đó, đã xuất hiện nhiều dòng Ba khác (Đa Minh, Dòng Kín Camêlô). Đó là những phong trào kỳ cựu nhất dành cho giáo dân. Dòng Ba Phanxicô, được mang tên Huynh Đoàn Thánh Phanxicô, tiếp nhận mọi người, nam cũng như nữ, thuộc mọi lứa tuổi. Mục đích của Dòng là sống Tin Mừng một cách tích cực hơn ngay giữa thế gian, theo tinh thần tu đức của Thánh Phanxicô.

Những buổi họp nhóm cho phép các thành viên Dòng Ba khám phá tinh thần khó nghèo và đời sống huynh đệ.

 

Nguồn: conggiao.info

Tin liên quan

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072