Giải đáp 100 vấn nạn về đức tin (6)

 

 

51. Thưa Cha, ngày nay, Giáo Hội còn thực thi các ân xã không? Ý nghĩa chính xác của ân xá là gì?

Ngay từ những thế kỷ đầu tiên, Giáo Hội bắt buộc nhiều việc đền tội nhằm đền bù những hậu quả của tội lỗi. Thoạt đầu, các ân xá được đặt ra, để thay thế những việc đền tội thật nặng nề. Có thể nói, các ân xá là sự tha thứ “tha bớt án phạt”. Được Giáo Quyền phê chuẩn, một ân xá có thể thay thế, ví dụ, nhiều ngày buộc giữ chay. Nhưng từ đó, nảy sinh việc mua bán hằng tháng hoặc hằng năm ân xá. Ông Luther chống đối lại những lạm dụng này, vì không phải tình yêu nữa, mà là tiền bạc đền bù tội lỗi.

Các Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Gioan-Phaolô II đã cố gắng phục hồi ý nghĩa của ân xá bằng cách minh định rằng: không thể hưởng nhờ ân xá mà không có sự hoán cải tâm hồn. Sự hoán cải của người này có thể đền bù tội lỗi của người kia, vì mọi tín hữu được liên kết với nhau trong sự hiệp thông của các thánh. Ngày nay, việc thực thi các ân xá căn bản hệ tại ở sự động viên các tín hữu cầu nguyện, hoán cải và gắn bó với Giáo Hội.

52. Thưa Cha, lập trường của Giáo hội đứng trước sự khác biệt của báo chí công giáo như thế nào? Sự khác biệt về quan điểm đôi khi rành rành, có luôn là dấu chỉ của một sự khác biệt lành thánh không?

Việc có nhiều nhóm báo chí công giáo là một điều bình thường, bản thân chúng phản ánh sự khác biệt trong những lo toan của mọi Kitô hữu. Giáo Hội đón nhận tất cả như một sự phong phú phụ trội, trong chừng mực mà những nhóm báo chí này tỏ ra không thủ đoạn trong sự hiệp thông với Giáo Hội.

Một cách khái quát hơn, sự khác biệt về quan điểm, khi không thuộc về những chân lý mặc khải, là điều quan trọng cho phép Giáo Hội có thể lắng nghe mọi người nam nữ của thời đại. Ngay giữa các tông đồ, cũng đã có những cuộc tranh luận đôi khi sôi nổi về thái độ cần có. Giáo Hôi chính là sự hiệp thông tràn đầy sự khác biệt. Thách đố căn bản hệ tại ở năng lực mà nhờ đó các tín hữu biết lắng nghe lẫn nhau. Rõ ràng không có gì hơn là thực thi mệnh lệnh của Chúa Kitô: “Các con hãy yêu thương nhau”.

53- Thứ tự các Bí tích là: Thánh Tẩy, Thánh Thể, Thêm Sức. Thế nhưng vài người cho rằng Bí tích Thêm Sức nên được thực hiện trước khi Rước lễ lần đầu. Thưa Cha, Cha nghĩ sao về vấn đề này?

Theo truyền thống, ba bí tích mà bạn nêu trên là những bí tích “Nhập môn Kitô giáo”. Những bí tích này là con đường phải qua để trở nên thành phần Dân Chúa. Không ai sinh ra là Kitô hữu, người ta trở nên Kitô hữu. Việc nhập môn này hiện hữu từ lâu, nhưng đã phát triển theo dòng lịch sử.

Trong những thế kỷ đầu tiên, việc này thường liên quan đến những người trưởng thành, và cả ba bí tích được lãnh nhận gần như cùng một lúc. Nhưng không bao lâu sau đó, bí tích rửa tội trẻ em cũng được phổ biến rất sớm. Năm 1910, Đức Giáo Hoàng Piô X hạ thấp độ tuổi cho phép trẻ nhỏ rước lễ lần đầu, điều đó dẫn đến việc trẻ em công giáo ngày nay lãnh nhận bí tích Thánh Thể trước bí tích Thêm Sức. Và dù lãnh nhận bí tích Thêm Sức ở tuổi nào đi nữa, mà thường thì vào lứa tuổi thiếu niên, điều chính yếu là trẻ con được gia đình và cộng đoàn Kitô hữu đùm bọc theo dõi.

54- Thưa Cha, ông bà có thể xin cho cháu chắt được lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy không, nếu cha mẹ chúng chểnh mảng làm điều đó?

Dĩ nhiên ông bà có thể xin cho cháu chắt được lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy, nếu cha mẹ chúng chểnh mảng làm điều đó, nhưng với điều kiện là những người này không chống đối. Chắc chắn đức tin có thể chuyển giao cho đời cháu chắt mà không qua đời cha mẹ, và sẽ càng tốt hơn, nếu nhân dịp lễ Thánh Tẩy, cha mẹ đứa trẻ chấp nhận đối thoại về việc giáo dục đạo lý cho con cái.

Trong mỗi giáo xứ, một nhóm giáo dân được giao phó cộng tác với linh mục theo dõi việc chuẩn bị lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy. Nhóm giáo dân này có thể giúp đỡ các gia đình tích cực sống hoàn cảnh trên.

55- Tôi muốn xin cho đứa con bốn tuổi được rửa tội, nhưng chiếu theo chế độ tuổi của nó, Cha Sở yêu cầu tôi bảo nó tham dự vào việc chuẩn bị rửa tội. Tôi không thích việc này: tôi phải làm gì, thưa Cha?

Ông nên hiểu thái độ của vị linh mục, ngài ao ước giúp con ông tự dấn thân bằng cách tự chuẩn bị lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy.

Quả vậy, Giáo Hội mong ước ban bí tích Thanh Tẩy cho trẻ từ độ tuổi nhỏ nhất. Chính Thiên Chúa yêu chúng ta trước. Bí tích là một ơn ban của Thiên Chúa. Lên ba lên bốn, trẻ nhỏ đã có thể bắt đầu hiểu biết và yêu mến Chúa Kitô. Do vậy, Giáo Hội có ý giúp đỡ cháu dấn thân lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy. Thường thường, Giáo Hội gợi ý nên đưa cháu đi dự khóa giáo lý, vì nhờ đó, cháu sẽ học biết Chúa Giêsu Kitô và sống đức tin cùng với các bạn.

56- Thưa Cha, phép Thanh Tẩy của tín hữu bắp- tít và của tín hữu thánh linh giáng lâm có thành sự đối với đức tin công giáo không?

Các Giáo Hội Kitô- giáo đều nhận biết rằng chỉ có một và cùng một phép Thanh Tẩy mà các Giáo Hội trao ban theo nghi thức phụng vụ của riêng mình. Theo Giáo Luật, những ai đã lãnh nhận phép thanh tẩy theo bắp- tít hay thánh linh giáng lâm, đều được kể như thuộc về cộng đoàn giáo hội không công giáo. Nhưng, có vài điều kiện cần được tôn trọng. Tín hữu cần được thanh tẩy bằng nước, nhân danh Cha, Con và Thánh Thần (công thức Chúa Ba Ngôi), và không có sự nghi ngờ nào về chủ tâm của người trưởng thành khi nhận phép thanh tẩy của thừa tác viên ban phép Thanh Tẩy.

57- Thưa Cha, có thể rước lễ mà không cần phải xưng tội ngay trước đó không?

Ai rước lễ mỗi ngày thì không cần đi xưng tội mỗi ngày. Vả lại điều này không đáng khuyến khích. Vấn đề đúng thực là trước khi rước lễ, tự biết mình hòa hiệp với Thiên Chúa, với anh em và với chính bản thân mình. Để có được sự hòa hiệp này, chúng ta phải nhận biết những yếu hèn và những sai lỗi của mình và xin ơn tha thứ. Ngay từ đầu Thánh lễ, toàn thể cộng đoàn thực hiện việc làm này khi đọc kinh thống hối.

Trước khi chịu lễ, chúng ta tiến thêm một bước nữa vào sự giao hòa khi đọc kinh “Lạy Cha” ( “xin Cha tha tội cho chúng con, như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con”). Đoạn chúng ta chúc bình an cho nhau. Dù vậy, phụng vụ Thánh Thể không miễn trừ cho chúng ta một hành động cá nhân tiến đến sự giao hòa với Thiên Chúa.

Để sống tràn đầy bí tích Thánh Thể, Giáo Hội yêu cầu các Kitô hữu nên xưng tội thường xuyên, sự chân thành của tâm hồn còn làm đẹp lòng Thiên Chúa hơn.

58- Thưa Cha, có phải xưng tội trước khi chết không?

Người tín hữu, trước nguy cơ tử vong, được mời gọi nhìn lại cuộc đời mình và vị trí mà người đó dành cho Thiên Chúa và tha nhân trong suốt bước đường trần gian.

Trước tình cảnh tột cùng này, xưng tội là cơ hội cuối cùng để bày tỏ với một người, là vị đại diện Chúa Kitô do ủy quyền của Giáo Hội, về một khía cạnh quan trọng của đời mình, về mọi sai phạm đang đè nặng trên mình. Đó cũng là giờ phút ký thác cuộc đời mình và đón nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa cho phép người sắp ly trần tiến lại gần Thiên Chúa lần cuối cùng bằng sự hoán cải tâm hồn và lòng thống hối ăn năn.

Sau nữa, ao ước lãnh nhận bí tích hòa giải, chính là tuyên xưng niềm tin của mình vào sự sống lại.

59- Thưa Cha, con là người công giáo sống đạo. Khi không có linh mục, con phải làm điều gì, nếu có một người gặp nguy cơ tử vong muốn xưng thú tội trọng? Con có thể làm trung gian để người đó được tha không?

Ông không thể làm trung gian được. Sự xá giải là ơn tha thứ của Thiên Chúa, được linh mục trao ban nhân danh Thiên Chúa. Thế nhưng lòng nhân lành của Thiên Chúa không chỉ giới hạn ở bí tích hòa giải. Ngài chăm chú lắng nghe mọi tiếng thở than: “Lạy Cha, nầy con đây trước mặt Cha, với những yếu hèn, với những sai phạm của con, nhưng con cậy trông vào tình yêu và lòng nhân lành của Cha”.

Khi chúng ta cầu xin Thiên Chúa thứ tha, chúng ta nhận biết rằng chúng ta không ở vào tầm cao của Tình Yêu Ngài, nhưng chúng ta cũng thấu hiểu rằng Ngài yêu chúng ta bất chấp mọi lỗi lầm của chúng ta. Dù vậy, trong tình cảnh mà ông nêu, ông không thể ban lời xá giải, nhưng ông có thể có một vai trò hết sức quan trọng trong giờ phút ấy. Sụ hiện diện của ông có nghĩa rằng người hấp hối không ra đi một mình và bị bỏ rơi: ông có mặt ở đó, bên cạnh họ, để giúp đỡ họ đặt hết niềm cậy trông vào lòng nhân lành cuả Thiên Chúa. Điều quan trọng là cuộc đời họ không kết thúc trong sự tuyệt vọng. Tất cả vẫn chưa hết chuyện chỉ vì lẽ ta là kẻ có tội. Con người luôn luôn có thể mở rộng tâm hồn mình cho Thiên Chúa, để tình yêu bao la của Ngài chiếm cứ. Mức độ tình yêu của Ngài, chính là khả năng tha thứ của Ngài.

60- Con không thể đi xưng tội vì con biết rằng tội lỗi của con khai trừ con ra khỏi Giáo Hội. Con không thể tự thú với một linh mục. Tuy nhiên, con tin rằng Thiên Chúa yêu con. Con phải làm gì, thưa Cha?

Đời sống của một Kitô hữu không phải lúc nào cũng hoàn toàn hòa hợp với Thiên Chúa. Thánh Phao lô đã nhắc đến điều đó: “Điều lành mình muốn thì không làm, còn điều ác mình gớm ghét, lại làm”. Chúng ta mang dấu ấn tội nguyên tổ, nhưng Chúa Kitô đã giải thoát chúng ta nhờ cái chết và sự phục sinh của Ngài. Bởi lẽ đó, là Kitô hữu, thì đừng để tội lỗi lúc nào cũng ám ảnh chúng ta. Nên cậy trông vào Thiên Chúa, vào Chúa Kitô là Đấng yêu thương chúng ta, vượt qua mọi giới hạn và lòng chúng ta ao ước trung thành với Ngài. Không có gì đáng kể ngăn cản bạn tâm sự với một linh mục và có thể lãnh nhận bí tích sám hối trong niềm ao ước hoán cải và giao hòa cùng Thiên Chúa.

 

Nguồn: conggiao.info

Tin liên quan

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072