Giải đáp 100 vấn nạn về đức tin (7)
61- Cha chánh xứ chúng con tổ chức nghi thức sám hối với việc xá giải tập thể. Hình như việc này chỉ được thực hiện trong trường hợp khẩn cấp. Thưa Cha, có đúng như vậy không? Việc xưng tội cá nhân có tương đương với việc xá giải tập thể không?
Xưa kia, việc cư hành nghi thức sám hối cộng đồng, với việc xá giải tập thể mà không có sụ xưng tội cá nhân đi kèm, được dành riêng cho những trường hợp ngoại lệ (như đắm tàu, chiến tranh..v..v…). Ngày nay, việc này vẫn còn là ngoại lệ, nhưng có thể được tổ chức, tùy theo sự lượng định của Giám mục, khi có quá nhiều người ao ước xưng tội mà không có đủ cha giải tội, và những người này đã không được rước lễ trong suốt một thời gian.
Trong khi cử hành nghi thức sám hối này, những người ao ước lãnh nhận bí tích hòa giải, làm dấu bày tỏ ý muốn của mình. Cần minh định rằng những tội trọng sẽ được xưng thú sau đó với linh mục: việc xưng thú không được hủy bỏ, mà được hoãn lại trong một thời gian. Cũng có những nghi thức sám hối tập thể, sau đó từng cá nhân xưng thú tội riêng mình và lãnh nhận ơn xá giải cá nhân.
Trong mọi trường hợp liên quan, việc xưng thú là điều cần thiết ở bất cứ hình thức giải tội nào, bởi vì việc xưng thú cho phép con người nhận biết tội lỗi của mình, đồng thời tự tách mình ra khỏi tội. Tự nhận biết mình là phạm nhân trước Thiên Chúa tình yêu, đó là tin vào sự khoan dung của Ngài và không nản lòng vì tội lỗi của mình. Lãnh nhận bí tích hòa giải, đó cũng là nhìn nhận mình không phải là quan án tối cao của đời mình.
62- Thưa Cha, làm sao tiến hành nghi lễ hôn nhân khi một trong hai người là công giáo và người kia là tin lành?
Trước Công đồng Vatican II, Giáo Hội Công Giáo chỉ công nhận một cuộc hôn nhân như thế là có hiệu lực với những điều kiện khắt khe: nghi lễ phải được cử hành tại nhà thờ công giáo và người phối ngẫu tin lành phải cam kết để cho những đứa con tương lai được rửa tội và giáo dục theo Đạo Công Giáo. Vào năm 1966, một văn kiện chính thức được giảm nhẹ những điều kiện để có hiệu lực của những cuộc hôn nhân hỗn hợp. Nếu đôi tân hôn làm đơn miễn chuẩn, thì đám cưới tiến hành trong Giáo Hội Cải cách (Tin Lành) được công nhận có hiệu lực. Còn việc giáo dục con cái, người phối ngẫu công giáo phải hứa “sẽ làm hết sức mình” để trở nên công giáo. Đám cưới được tiến hành theo nghi thức quen thuộc.
Sự hiện diện của mục sư tại nhà thờ công giáo hoặc Linh mục tại nhà thờ tin lành đều được mong ước trong đám cưới hỗn hợp này.
63- Thưa Cha, con có ý định kết hôn với một người đã ly dị. Cuộc hôn nhân trước kia của anh ta chỉ đơn thuần dân sự. Con có thể kết hôn với anh ta tại nhà thờ không? Anh ta chưa có con.
Không có gì cản trở cô lãnh nhận bí tích hôn nhân với người chồng tương lai, trong trường hợp này bản thân anh ta trước kia chưa lãnh nhận bí tích này. Tuy nhiên điều quan trọng là cô nên dành thời giờ để trình bày hoàn cảnh với một linh mục và chuẩn bị cho chu đáo cuộc hôn nhân của cô.
64- Thưa Cha, lời tuyên xưng ý hướng của đôi vợ chồng trong ngày cưới có tầm quan trọng như thế nào? Nó nhằm mục đích gì?
Hôn nhân là một bí tích, một dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa, ban nghị lực cho những người kết hợp với nhau, để Chúa Thánh Linh tác động trên họ. Như vậy, đôi tân hôn có thể vững tin vào Thiên Chúa. Tuy nhiên họ không thụ động. Sự kết hợp của họ có được kết quả mỹ mãn còn tùy thuộc vào điều họ muốn cùng nhau chung sống, bởi vì nếu hôn nhân là một bí tích, thì hôn nhân cũng là một sự dấn thân. Trong thời gian chuẩn bị đi đến hôn nhân, linh mục yêu cầu mỗi người vợ chồng tương lai hoạch định những dự án của mình. Đó là điều mà ta gọi là lời tuyên xưng ý hướng. Mỗi người bày tỏ cách nhìn của mình về tình yêu, về việc xây dựng một gia đình công giáo, về phong cách sống, về chỗ đứng của Thiên Chúa… Những người đã đính hôn biểu lộ quyết tâm muốn sống đời hôn nhân công giáo. Họ hoàn toàn tự do dấn thân sống chung thủy, đón nhận con cái và giáo dục chúng theo tôn chỉ công giáo. Bản tuyên bố ý định không buộc phải đọc trong ngày cưới. Được đôi tân hôn ghi rõ ngày tháng ký tên, bản tuyên bố ý định được lưu giữ trong Giáo Hội như dấu chứng cho sự dấn thân của họ, cho sự có hiệu lực của cuộc hôn nhân.
65- Con nghe nói rằng linh mục nên dâng Thánh Lễ mỗi ngày, trừ ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, thưa Cha, có đúng như vậy không? Có thật là Ngài không được dâng thánh lễ một mình?
Vào ngày Thứ Sáu Tuần Tánh, chỉ có phụng vụ tưởng niệm cuộc Khổ Nạn của Chúa. Không có Thánh lễ, nhưng các tín hữu có thể chịu lễ trong khi cử hành phụng vụ.
Theo Giáo Luật, các linh mục được yêu cầu dâng thánh lễ “thường xuyên (…) và việc dâng lễ hằng ngày rất được khuyến khích” (Giáo Luật, 904). Giáo luật 906 còn thêm: “Linh mục sẽ không cử hành hiến tế Thánh Thể mà không có ít là một tín hữu tham dự, trừ khi có lý do chính đáng và hợp lý”. Chúng ta có thể tìm gặp trong bộ Giáo luật những giải đáp rõ ràng cho vấn nạn của bạn.
Nhưng không nên bỏ qua điều chính yếu. Trong thánh lễ, chúng ta hiệp thông vào Mình và Máu Chúa Kitô, được dâng lên Chúa Cha thay cho nhân loại. Thánh Thể là một huyền nhiệm mà ta không bao giờ thấu hiểu được. Đó là bí tích số một, nguồn mạch khai sinh các bí tích. Nhận lấy Mình Thánh Chúa Kitô làm của nuôi chúng ta, sẽ cho chúng ta sức mạnh hiến dâng cuộc đời mình cho Thiên Chúa và cám tạ Ngài.
Được hiểu như thế, thì việc dâng Thánh lễ hằng ngày không còn là một bổn phận bị ép buộc. Linh mục không dâng Thánh lễ cho riêng mình, cho sự thánh hóa bản thân mình. Linh mục có sứ mệnh tập hợp cộng đoàn của mình, cùng với cộng đoàn và cho cộng đoàn, ngài cử hành hiến tế của Chúa Kitô mỗi ngày được làm mới lại.
66- Con được mười bảy tuổi và con thấy không thích đi lễ ngày Chúa nhật nữa. Thưa Cha, Cha không nghĩ rằngThánh lễ có thể sẽ được sinh động hơn, theo như xảy ra ở Mỹ, nơi mà đôi khi nhạc Rock chiếm lĩnh một phần lớn thời gian dành cho Thiên Chúa?
Thật vậy, đôi khi các bạn trẻ khó mà tham dự Thánh lễ và chú tâm đến những gì đang diễn ra ở đó. Có thể là vì thường các nghi thức được cử hành cho người lớn hơn là cho các bạn trẻ. Trước mắt, con có thể, cùng với bạn bè, đề nghị linh mục của giáo xứ chuẩn bị một Thánh lễ theo phương thức “nổi đình đám hơn”. Nhưng con đừng lầm lẫn. Thánh lễ hơn hẳn một buổi biểu diễn: con có thể trình bày điều này với cha xứ. Giáo hội đang cần con và cần tất cả những ai muốn sống một cách năng động đức tin của mình. Con đừng quên câu này, trái lại, con hãy biến nó thành hành động cụ thể.
67- Thưa Cha, màu áo lễ của linh mục và màu sắc của các vật trang trí chung quanh bàn thờ tương ứng với điều gì?
Mỗi màu sắc đều có ý nghĩa riêng biệt trong năm phụng vụ. Áo lễ của linh mục, cũng như các vật trang trí bàn thờ, đều mang một biểu hiện riêng. Những màu sắc này được vay mượn từ trong Kinh Thánh và trong các tập tục của triều đình hoàng đế Byzance. Màu tím, màu của bụi tro, là dấu tang chế, dấu đền tội, dấu thống hối; màu tím được dùng trong Mừa Vọng và Mùa Chay. Từ Công Đồng Vatican II, màu tím thay thế cho màu đen trong các nghi thức dành cho người quá cố. Màu trắng là màu của Thiên Chúa, màu của ánh sang, màu của sự trịnh trọng, màu trắng được dùng trong Mùa Phục Sinh và trong các lễ kính các thánh không phải là tử đạo. Màu đỏ là màu của lửa, màu của máu các vị tử đạo, màu đỏ được dùng vào ngày Lễ Hiện Xuống và những ngày lễ kính các đấng tử đạo. Màu xanh được dung trong các Chúa Nhật Mùa Thường Niên.
68- Thưa Cha, để mừng lễ ngọc hôn phối, chúng tôi xin một Thánh lễ kính Thánh Piô V. Cha sở chúng tôi thẳng thắn từ chối. Trái lại, theo yêu cầu của đôi tân hôn, ngài không từ chối làm như vậy trong lễ cưới của Balavoine hay của Jean Ferrat. Điều đó xem ra không công bằng, cũng không bác ái.
Giáo Hội đề nghị mọi tín hữu tham dự vào việc chuẩn bị cử hành phụng vụ, đặc biệt vào thánh lễ mà ông ao ước xin dâng nhân dịp giáp năm lễ cưới của ông bà. Nếu sau khi suy nghĩ kỹ, việc chọn lễ kính thánh Piô V có một tầm quan trọng thật sự đối với ông bà, thì ông bà có thể xin lễ đó tại một giáo xứ khác trong giáo phận của ông. Để thực hiện, ông có thể liên lạc với tòa giám mục. Nhưng ông không nên lợi dụng “những thánh lễ ngoại lệ” này: những thí dụ ông nêu càng làm rõ những giới hạn của việc cởi mở trong phụng vụ. Vấn đề này còn nghiêm trọng hơn là sở thích đơn thuần.
69- Giáo dân càng ngày càng tham gia vào việc cư hành phụng vụ Thánh Thể: họ đọc sách thánh, trao Mình Thánh Chúa… Linh mục có còn là người của Thánh Thể nữa không?
Linh mục là “người của Thánh Thể”. Linh mục chủ sự Thánh Lễ. Ngài là dấu chỉ củ sự hiện diện thật sự của Chúa Kitô ngay giữa một cộng đoàn thuộc về riêng mình. Nếu không có sự hiện diện tích cực của linh mục, thì sẽ không có việc cử hành Thánh Thể. Thánh Lễ là một cơ hội để cầu nguyện và để nghe Lời Chúa, Thánh Lễ còn là một bữa tiệc thông hiệp, bữa tiệc chỉ thật sự đầy đủ ý nghĩa nếu được cả cộng đoàn chia sẻ và cùng cử hành lễ tế tái hiến của Chúa Kitô.
Hiến chế “Thánh Công Đồng” (Vatican II), về phụng vụ, yêu cầu “mọi tín hữu không tham dự vào huyền nhiệm đức tin này như khách bàng quan câm lặng, mà chớ gì họ tham gia vào hành vi thánh thiện này một cách có ý thức và tích cực”. Những tác vụ được giáo dân hoàn thành (như giới thiệu chủ đề, đọc sách thánh, điều động ca hát, trao Mình Thánh Chúa…) không làm phương hại chút nào đến chức tư tế. Trái lại, nên phấn khởi về sự tham dự tích cực hơn nữa của giáo dân. Nhân dịp kỷ niệm hai mươi lăm năm ban hành hiến chế “Thánh Công Đồng”, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã viết: “Phải cảm tạ Thiên Chúa (…) về sự tham gia tích cực hơn của các tín hữu vào phụng vụ Thánh Lễ và các bí tích khác, bằng việc cầu nguyện và ca hát, bằng mọi thái độ và sự thinh lặng”.
70- Mùa Chay đồng nghĩa với chay tịnh và kiêng cữ. Đâu thật sự là những đòi buộc trong thời gian Mùa Chay? Phải kiêng cữ như thế nào?
Mùa Chay đồng nghĩa với chay tịnh và kiêng cữ, bạn nói thế chứ? Đúung hơn, đó là thời điểm để cầu nguyện, đền tội và hoán cải, được sống trong niềm hy vọng vào sự sống lại. Suốt bốn mươi đêm ngày trước lễ Phục Sinh, mọi tín hữu được mời gọi chuẩn bị đón nhận trong cuộc sống của mình, cuộc khổ nạn và sự sống lại của Chúa Cứu Thế, Đấng mở ra cho chúng ta cánh cửa của sự sống đời đời.
Để sống Mùa Chay, Giáo hội nêu cao gương Chúa Kitô, Đấng đã lùi vào trong hoang địa bốn mươi đêm ngày. Giáo hội yêu cầu tôn trọng các việc thực hành để có thế trợ giúp sống tràn đầy cuộc tĩnh tâm thiêng liêng này. Giáo hội còn mời gọi các tín hữu chia sẻ của cải cho những người bất hạnh nhất và thực hành kiêng cữ. Ta hiểu kiêng cữ là không dùng thịt. Mọi tín hữu công giáo được yêu cầu kiêng thịt các ngày thứ sáu. Riêng Thứ Tư Lễ Tro, ngày mở đầu Mùa Chay, và Thứ Sáu Tuần Thánh, ngày Chúa chịu chết, các tín hữu còn ăn chay bằng cách kiêng bớt thức ăn, tùy theo độ tuổi, và dành một thời gian đáng kể để cầu nguyện.
Nguồn: conggiao.info