Giáo dục học tập cho con cái

 

bi-quyet-day-con-thong-minh-cua-nguoi-do-thai-1-1024x616-164225497

 

Vấn đề bức bách và quan tâm hàng đầu đối với các bậc cha mẹ ngày nay là vấn đề giáo dục học tập cho con cái. Điều này thật là ý nghĩa, cần thiết, là bổn phận và là nền tảng cho mỗi con người, cho gia đình và xã hội được tiến bộ. Nhưng làm thế nào để đạt được mục đích cao qúy này lại là vấn đề thật nan giải. Việc giáo dục bắt nguồn và phải bắt đầu từ đâu? Đây là vấn đề cần được đặt ra cho thông suốt, từ sự nhận thức cho đến những thực hành cụ thể thiết thực, trở nên “tri hành hợp nhất”, như vậy mới mong việc giáo dục đi đúng đường, đúng hướng và có hiệu quả thực sự.

 

SỰ NHẬN THỨC

Con người cá nhân được phát xuất từ gia đình, bởi vậy cái nền của xã hội cũng phải là từ gia đình, cho nên nguồn gốc của mọi cơ cấu xã hội được nhen nhúm hình thành bắt đầu từ trong gia đình. Câu nói “tu thân, tề gia” mang ý nghĩa nền tảng và quan trọng là thế, cũng như không ai có thể phủ nhận “Gia đình là tế bào của xã hội”. Do vậy, cá nhân và gia đình vô cùng cần thiết và quan trọng cho xã hội. Nhiều gia đình tốt thì xã hội tốt, ngược lại nhiều gia đình xấu thì xã hội xấu. Một gia đình tốt hay xấu lại khởi đầu từ cha mẹ, và được con cái tiếp thu một cách trực tiếp. Nó tác động và ảnh hưởng mạnh mẽ để hình thành căn tính cho cá nhân, đến nỗi môi trường xã hội và giáo dục bên ngoài gần như vô hiệu, vì nhà trường chủ yếu chỉ là truyền dạy kiến thức nền về phổ thông, còn tổ chức xã hội chỉ là điều hành, thiết lập những định chế và luật lệ để bảo vệ quyền lợi cho người dân, mặc dù yếu tố giáo dục con người vẫn không thể thiếu trong nhà trường và xã hội. Nhưng một số cha mẹ khi thấy con mình hư hỏng thì lại đổ lỗi cho bạn bè, cho nhà trường, cho xã hội là thiếu cơ sở, đôi khi chỉ là để bào chữa cho sự yếu kém hoặc vô trách nhiệm của mình. Điều này người xưa nói thật chí lý: “Phúc đức khán nhi tôn”, nghĩa là “Muốn biết phúc đức thế nào nhìn con cháu khắc rõ”. Cũng như: “Ngưu tầm ngưu mã tầm mã”- lọai nào thì tìm đến lọai đó. Đây là sự nhận thức quan trọng đầu tiên về vấn đề giáo dục con cái.

Tiếp đến là sự nhận thức về chính mình. Đây là một bổn phận và là trách nhiệm trực tiếp của các bậc làm cha mẹ, có thể nói nó thuộc về vấn đề luân lý và đạo đức của con người mà không ai có thể né tránh. Như một câu nói bất hủ: “Muốn giáo dục người khác thì trước hết phải tự giáo dục mình”. Điều này vô cùng quan trọng đối với việc giáo dục con cái, vì nếu cha mẹ thiếu những đức tính cơ bản thì chắc chắn con cái cũng sẽ khiếm khuyết như vậy. Con cái ươn lười, nhát đảm, dối trá, ích kỷ, gian tham, vô kỷ luật, thiếu trách nhiệm, phóng túng v.v…là do hấp thụ từ gia đình. Cha mẹ luôn luôn phải là tấm gương cho con cái, vì chúng chỉ tuân phục một khi người trên xứng đáng là người mà chúng muốn noi theo.

Ngoài ra trong giáo dục còn phải nhận thức và hội đủ một vài yếu tố cơ bản sau:

 

– Giáo dục cần có phương pháp và tâm lý:

Vấn đề này cha mẹ phải tự trau dồi học hỏi từ nhiều nguồn, như dự các khoá về giáo dục, học hỏi những người có kiến thức và kinh nghiệm, tìm đọc những sách về giáo dục, trải nghiệm từ bản thân và rút tỉa những thành bại của mình cũng như của người khác… Nếu thiếu phương pháp và tâm lý thì chắc chắn việc giáo dục sẽ lâm vào tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược, tréo cẳng ngỗng, nghĩa là không có sự nhất thống, lúc thế này lúc thế khác. Nếu thiếu phương pháp và tâm lý thì giáo dục trở thành vô hiệu, phản tác dụng, người thụ giáo sẽ bị lệch lạc, mất quân bình, bị ức chế, dồn nén, sinh ra nhiều chứng bất thường trong những phản kháng tiềm tàng cách nào đó, hoặc thụ động, hoặc sốc nổi vượt rào để chống lại những sợi dây vô hình mà người thụ giáo như cảm thấy đang trói buộc họ. Con người hay đi vào cảm tính do vui buồn sướng khổ của cuộc sống, có lúc thì thật khe khắt, khi thì lại như buông lỏng, nhất là tình yêu của cha mẹ đối với con cái hết sức chủ quan, dễ đi đến mù quáng trong sự nhận thức, đến nỗi sợ con cái nó buồn, nó giận, nó khổ, mà không cần biết việc đó đúng hay sai, lợi hay hại, làm tốt cho con hay làm hư con cái. Bởi vậy phương pháp và tâm lý cực kỳ quan trọng trong việc giáo dục con cái, nó giúp cho người giáo dục không đi chệch đường nhờ vào phương pháp, nó giúp cho việc giáo dục có được một sự quân bình, êm xuôi, an hoà, đi vào chiều sâu nhờ vào tâm lý của giáo dục.

 

– Giáo dục còn là một nghệ thuật:

Vì nó đòi hỏi một sự khéo léo, một sự tinh tế, một sự uyển chuyển và linh động, một sự cao đẹp không thiếu vẻ thẩm mỹ, dù có đang ở trong tâm trạng buồn bực. Tất cả đều diễn tiến một cách nhịp nhàng và liên tục trong sự liên đới giữa người giáo dục và người thụ giáo. Nó khéo léo và linh động tuỳ nơi, tùy lúc, tùy mức độ trong mọi trường hợp, mọi tình huống. Nó diễn tiến trong khi ứng xử với sự việc trong cương có nhu và trong nhu có cương. Điều này nó đòi hỏi những bậc làm cha mẹ phải ý thức sâu xa cũng như biết tôn trọng nhân phẩm của con cái, và tuỳ theo tuổi tác của chúng mà ứng xử, qua những khuyến cáo, ngăn cấm, răn phạt, nhắn nhủ, chỉ bảo, góp ý, trao đổi, bàn luận v.v…, và điều rất quan trọng là phải biết khen tặng bằng lời và tưởng thưởng bằng nhiều hình thức khác, khi con cái tiến bộ hoặc có được những thành quả tốt đẹp. Lúc con cái lầm lỡ thì cha mẹ sửa dạy chúng phải biểu lộ được tình thương yêu, sau đó là sự nâng đỡ và khuyến khích, chứ không nóng cộc, có khi dã man với chúng. Chung quy tất cả nằm trong vấn đề nghệ thuật. Bởi thế cha mẹ rất cần phải học tập những điều này, “Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lý” là vậy. Một khi giáo dục có nghệ thuật thì hiệu qủa sẽ rất lớn, mà chính con cái tự động cũng học được những vốn liếng mà cha mẹ chúng có, nối tiếp sau này thành một dòng họ thịnh đạt.

 

– Sau cùng là sự nhận thức về lòng ước muốn:

Nếu thiếu sự ước muốn là thiếu một động cơ thúc đẩy quan trọng cho mục tiêu. Cha mẹ rất cần có sự ước muốn mạnh mẽ và liên lỉ cho con cái tiến bộ hơn mình, như câu tục ngữ “Con hơn cha thì nhà có phúc”. Nếu đối lại câu này thì phải nói “Con kém cha thì nhà vô phúc”. Hơn ở đây ai cũng hiểu là hơn về tài và đức. Muốn con ham học và học tốt thì như câu ca; “Muốn sang thì bắc cầu kiều / Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”, và phải lấy câu “Tôn sư trọng đạo” làm tôn chỉ. Muốn học như thế nào thì Khổng Tử đã chỉ dạy: “Học cho rộng, hỏi cho kỹ, suy nghĩ cho cẩn thận, phân biện cho sáng tỏ, làm cho hết sức” (Bác học chi, thẩm vấn chi, thận tư chi, minh biện chi, đốc hành chi). Những nhận thức này không phải là để vui mà là vấn đề của những ý niệm tư tưởng cần được quán thông trong việc xây dựng nền móng cho việc học tập của con em, xuất phát từ tư tưởng của cha mẹ. Muốn con cái tốt hơn mình thì cha mẹ phải nhận ra khuyết điểm của mình để tránh cho con cái, tìm ra ưu điểm và sở trường của con để giúp chúng trau dồi và phát huy tiềm năng sẵn có. Muốn con tài năng hơn mình thì luôn phải hướng chúng tới cái đích “Tiến vi quan, thoái vi sư”, để chúng tìm được cái học uyên thâm trong ngành của mình, quán thông về các lãnh vực khác, nhất là những lãnh vực liên quan.

 

PHƯƠNG THỨC VÀ NHỮNG ĐIỀU KIỆN CỤ THỂ

Giáo dục con người là phải nói đến toàn diện, nhưng trong đề tài này chỉ nói riêng về việc học tập của con em, cũng là một trong những vấn đề cực kỳ quan trọng trọng việc hình thành nhân cách con người, đến nỗi người xưa đã nói: “Hiếu nhân bất hiếu học kỳ tế giã ngu” (có lòng nhân mà không ham học thì cũng sinh ra mờ tối, mê muội), hoặc như thành ngữ “vô tri bất mộ”. Để đạt được điều này, tất nhiên phải có những cách thức và điều kiện của nó. Như phòng học, không khí học tập trong gia đình, sự quan tâm của phụ huynh, tạo điều kiện cho con cái quan hệ với thầy cô và bạn bè ham học.

1- Phòng học là điều kiện quan trọng đầu tiên để cho con em học hành. Nếu thiếu phòng học riêng thì chắc chắn chúng sẽ khó tập trung vào việc học. Phòng học phải đủ ánh sáng, yên tĩnh, có bàn ghế, có tủ hoặc kệ sách, thông thường cũng là phòng ngủ riêng của các em. Nếu các em đã lên cấp hai và ba thì mỗi em cần có một phòng riêng để ngủ nghỉ và học tập. Cần gợi ý và giúp các em treo những câu danh ngôn, châm ngôn lên tường thuộc về lãnh vực học hành, và cũng cần có một bảng viết để các em tiện việc viết những câu, những công thức khó nhớ trong giáo trình.

Có người cho đây là việc xa xỉ, hoặc cho đây là điều kiện khó thực hiện. Nhưng thực ra với quyết tâm thì ai trong dù trong hoàn cảnh nào cũng thực hiện được. Nó đâu đỏi hỏi những điều kiện về tiên nghi vật chất đắt tiền. Một phòng học đơn sơ bằng bất cứ vật liệu nào, đồ dùng, bàn ghế, tủ kệ cũng vậy, đâu cần những thứ đắt tiền, thậm chí mấy miếng ván cũng là một cái bảng, một kệ sách hoặc thành cái bàn học. Nói chung vấn đề tốn kém không có gì đáng kể. Người ta có thể lãng phí nhiều tiền để làm việc khác, nhưng lại quên đi việc quan trọng là lo cho con cái có một phòng học riêng.

2- Không khí học tập trong gia đình cũng là điều thiết yếu. Nếu trong gia đình chỉ có những chuyện đam mê ồn ào về tiền bạc, về kế sinh nhai, về việc đua tranh ở đời, về giải trí, hưởng thụ, ca tụng vật chất, thèm khát vật dục… thì làm sao con cái yêu chuộng sự học được. Muốn tạo không khí học tập trong gia đình, thì cha mẹ phải là người chủ động nói chuyện, hỏi han, đánh đố nhau về sách vở, về kiến thức, về sự cần thiết, lợi ích và quan trọng của việc học. Hỏi con cái và lắng nghe chúng nói, chúng kể về những chuyện học hành, về những điều mới lạ trong những kiến thức chúng đã tiếp thu từ giáo trình học và trong sách vở liên quan. Nếu cha mẹ có ý hỏi con cái về kiến thức chúng đã học, thì chắc chắn chúng sẽ vui mừng và hãnh diện để kể, để khoe những điều chúng đã tiếp thu, đã học hỏi. Điều này thật dễ dàng, nhưng nhiều cha mẹ không thực hiện, có khi cho rằng không cần thiết, nhất là nại vào lý do không có thời gian – thực ra chỉ để tâm vào những chuyện vô bổ khác. Trong các môn học phổ thông thì có đủ chuyện để hỏi để kể, như: văn, sinh, sử, địa, lý, hoá… là những kiến thức rất phổ thông và thực tế trước đời sống con người.

3- Sự quan tâm việc học tập cho con cái là điều kiện tối cần thiết mà ai cũng nhận thấy. Nhưng quan tâm như thế nào mới là vấn đề quan trọng. Nhiều phụ huynh cho rằng đưa đón con đi học, cho tiền con mua sắm, cho học thêm, chạy vào trường điểm là đủ rồi, còn bao nhiêu thì giao khoán cho thầy cô, cho nhà trường là xong. Nếu chỉ có thế thì thật là khiếm khuyết, vai trò của cha mẹ không còn ý nghĩa gì, bổn phận và chức năng của cha mẹ đã đi không đúng vào trọng tâm. Thực ra kiến thức nền cho các em học tập thì bất cứ trường nào cũng đủ, sự quan tâm thực sự của cha mẹ mới là điều thiết yếu. Những vấn đề như theo dõi con cái học hành, giờ giấc sinh hoạt học tập, ngủ nghỉ, học bài, làm bài, khuyến khích, răn dạy, cảm thông, nâng đỡ, giải toả những sự cố bất trắc trong tinh thần, trong tâm lý. Tất cả phải tổ chức cho các em sống và học tập một cách hợp tình hợp lý theo tuổi của các em cũng như trong hoàn cảnh của gia đình. Việc giao khoán cho nhà trường cũng như cung phụng cho các em về vật chất có khi lại là làm hại các em, sinh ra một tâm trạng thụ động nguy hiểm, quen thói ăn sẵn, tạo cho các em một ý niệm lệch lạc về bổn phận và trách nhiệm của cha mẹ, về nhà trường. Còn nếu như cha mẹ hoặc nhà trường đua tranh, chạy theo thành tích, thì phải dùng phương cách học bằng những mẹo để đối phó, tạo nên một áp lực căng thẳng, làm cho con em mất quân bình, đôi khi bị những triệu chứng tâm thần tiềm ẩn, rất nguy hại khi chúng buớc chân vào đời. Mặt tiêu cực nguy hiểm trái lại là phụ huynh không hề quan tâm đến việc học hành của con cái, để mặc chúng có học được hay không là tuỳ ý. Thường những phụ huynh này quan niệm rất bi quan và tiêu cực, như nghĩ rằng: học cũng chỉ để đi kiếm tiền mà thôi, học cũng thất nghiệp, học thì lương cũng chẳng hơn gì làm nghề… và nhiều suy nghĩ sai lầm lệch lạc khác.

4- Tạo điều kiện cho con cái quan hệ với thầy cô và bạn bè ham học. Vì cuộc sống không ai gần nhau mà không ảnh hưởng lẫn nhau, nhất là tuổi vị thành niên. Vì vậy cha mẹ rất cần khuyến khích và tạo điều kiện cho con cái gần gũi và yêu mến thầy cô, cũng như làm bạn với những người ham học. Không có thầy cô nào vô trách nhiệm tới mức bất cần học trò có học được hay không. Thầy cô là những người đã chọn cho mình một nghề, mang một sứ mạng có thể gọi là cao cả, là giáo dục con người, dạy làm người, thì đáng được phụ huynh và học trò kính trọng. Bởi vậy cha mẹ nếu không có điều kiện thì ít nhất cũng tạo điều kiện và nhắc bảo con cái năng gần gũi các thầy cô. Được vậy chắc chắn các em sẽ được các thầy cô quan tâm, sẵn sàng chỉ dạy cho những phương cách sống và học tập để đạt được những kết quả cao, hơn nữa còn được hấp thụ, lây nhiễm tinh thần về nhân phẩm, nhân cách của các thầy cô. “Chiếc áo không làm nên thầy tu”, nhưng ít ra chiếc áo thầy cô cũng gìn giữ cho các vị không vượt quá phạm vi của người mang trọng trách là giáo dục con người.

Đối với bạn bè thì ai cũng nằm lòng câu: “Học thầy không tày học bạn”, và “gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, cho nên phải “Chọn bạn mà chơi”. Cha mẹ cần lưu ý tới bạn bè của con cái. Bạn nào không tốt, lười biếng thì nhắc bảo con mình và ngăn chặn chúng quan hệ. Bạn nào tốt, ham học thì khuyến khích, tạo điều kiện cho chúng gần gũi nhau, tìm đến nhau. Như vậy tự động chúng sẽ đua tranh nhau học tập để tiến lên, và tự động chúng sẽ giúp nhau trong những khó khăn về việc học tập. Có những lúc cha mẹ phải nhờ bạn bè chúng khuyên bảo nhau, điều mà nhiều khi còn hiệu quả hơn là cha mẹ trực tiếp nói với con cái.

 

KẾT

Con cái là kết quả của tình yêu cha mẹ, là sự kết tinh huyền diệu giữa hai tâm hồn, hai gen di truyền, hai bản thể mang tính rất thiêng liêng. Nói cách khác, con cái là một tác phẩm vô cùng cao quý của cha mẹ, và mỗi tác phẩm này đều độc nhất vô nhị, không thể như “nhân bản vô tính” ở các loài vật. Vì vậy con cái sẽ là triều thiên vinh quang của cha mẹ nếu nó trở nên người hay, người tốt, người giỏi, người có nhân phẩm nhân cách cao. Ngược lại chúng có thể là cái án phạt cho cha mẹ nếu chúng hư hỏng. Điều này những người làm cha mẹ càng ngày càng hiểu rõ và thấm thía hơn.

Vì vậy việc giáo dục con cái là cực kỳ thiết yếu và quan trọng. Mục đích giáo dục là cho con cái, nhưng cũng lại là cho chính cha mẹ. Nó là hệ quả của một nguyên lý chung giữa hai vế: cha mẹ và con cái. Cái chìa khoá để vào cửa của sự giáo dục hầu như nó nằm trong việc giáo dục học tập cho con cái, nó tiêu biểu và bao trùm nhiều khía cạnh để đào luyện một con người đi đến toàn diện cả về Trí, Đức, Tâm, Thể lý. Vì thế con cái hay – dở – tốt – xấu là từ cha mẹ, do cha mẹ và bởi cha mẹ, chứ không phải tại trời tại đất, tại nhà trường hay xã hội.

Người ta bỏ nhiều thời giờ, tâm huyết và tiền bạc để đầu tư vào chuyện làm ăn và tìm những giá trị nhất thời cho cuộc sống, nhưng lại quên đi điều quan trọng và có giá trị bất biến là giáo dục con người, trực tiếp và cụ thể là giáo dục con cái. Vì con người là tất cả, là chủ thể duy nhất để có được mọi sự. Điều này mới tạo được bình an và hạnh phúc thật cho các bậc làm cha mẹ.

 

Hàn Cư Sĩ

Tin liên quan

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072