Giáo hoàng có thể nhân danh Giáo hội xin lỗi về những bạo lực đã gây ra với người bản địa Canada không?

by Phanxicovn

Một phái đoàn người bản địa hiện đang ở Rôma một tuần để gặp Đức Phanxicô. Họ xin ngài thay mặt Giáo hội xin lỗi về những lạm dụng đã xảy ra trên đất nước Canada từ năm 1830 đến năm 1996, trong các trường nội trú dành cho trẻ em do Giáo hội Công giáo điều hành.

la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, Rôma, 2022-03-31

http://phanxico.vn/wp-content/uploads/2022/03/fo7l2crxeammmh0.jpg

http://phanxico.vn/wp-content/uploads/2022/03/fo7febrxiaicak1.jpg

Đức Phanxicô với hai nhóm người bản địa Canada tại Vatican ngày 28 tháng 3 năm 2022. Vatican Media / EPA / MaxPPP

Sau vài năm tiến hành, cuối cùng họ cũng đem lời yêu cầu của họ đến Rôma. Đại diện của các cộng đồng bản địa Canada, những nạn nhân trong nhiều năm bị ngược đãi trong các trường nội trú do Giáo hội Công giáo điều hành, đã đến Rôma ngày chúa nhật 27 tháng 3 trong chuyến đi kéo dài một tuần và họ sẽ gặp Đức Phanxicô nhiều lần.

Chuyến đi này nhằm mục đích xin giáo hoàng nói lời xin lỗi về những gì họ hoặc tổ tiên của họ đã trải qua. Nhưng liệu Đức Phanxicô thực sự có làm được không, khi truyền thống Vatican là để cho các giám mục địa phương đánh giá sự thích đáng của lời xin lỗi này, và điều này đã xảy ra trong quá khứ lần nào chưa?

Trên thực tế, chính Đức Phaolô VI năm 1965 là người khởi xướng lời thỉnh cầu tha thứ đầu tiên do một giáo hoàng đưa ra, với một “cử chỉ công lý và tha thứ hỗ tương” cùng với đức thượng phụ Athenagoras I của Constantinople. Cả hai bày tỏ sự “đau buồn” vì những “lời lẽ xúc phạm” hay “những cử chỉ đáng lên án” đã đánh dấu một “thời kỳ đau buồn”.

Linh mục Bernard Ardura, chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về khoa học lịch sử giải thích: “Ngày nay những lời nói không giống như ngày xưa, chúng ta không nói về những lời xin lỗi, nhưng chuyện đã xảy ra cách đây sáu mươi năm”. Cha nhấn mạnh: “Tuyên bố này thực sự là lời xin tha thứ lẫn nhau.”

Nạn buôn bán nô lệ

Một vài năm sau đến lượt Đức Gioan-Phaolô II, người đã xin lỗi trong chuyến đi đến Cameroon năm 1985. Trong một cuộc gặp với các nhà trí thức và sinh viên Công giáo được tổ chức ở Yaoundé, ngài đã đề cập đến lịch sử đau thương của chế độ nô lệ, ngài nói: “Rất tiếc là trong quá trình lịch sử, người dân tại các quốc gia Kitô giáo đã làm như vậy, chúng tôi xin lỗi về điều này với anh em Phi châu của chúng tôi, những người đã phải chịu đựng rất nhiều, chẳng hạn trong nạn buôn bán nô lệ.”

Những lời xin lỗi, nhưng lần này là xin lỗi Chúa, đã được làm ở Senegal năm 1992. trên đảo Gorée, một địa điểm lịch sử của việc buôn bán nô lệ vào thế kỷ 17 và 18 của người Pháp hiện diện ở đó.

Ngài nói: “Những người đàn ông, phụ nữ và trẻ em này là nạn nhân của một mua bán đáng xấu hổ, trong đó những người đã được rửa tội nhưng không sống đức tin đã làm. Làm sao chúng ta có thể quên được những đau khổ tày trời này đã gây ra, bất chấp những quyền cơ bản nhất của con người với người dân bị trục xuất khỏi lục địa châu Phi? Làm sao chúng ta có thể quên được những kiếp người bị chế độ nô lệ tàn phá?”

Bước ngoặt của năm 2000

Đức Gioan-Phaolô II đã tiếp tục việc xét lương tâm này của quá khứ, nhất là năm 1998, ngài đặc biệt khuyến khích tổ chức một hội nghị chuyên đề về Tòa án Dị giáo, nhưng cũng là một tuyên bố của Ủy ban Do Thái-Kitô về việc bài Do Thái giáo. Hai năm sau, nhất là năm thánh 2000, năm đánh dấu một giai đoạn rất quan trọng trong tiến trình này. Trong thánh lễ “Ngày Tha thứ” cử hành ở Rôma ngày 12 tháng 3, giáo hoàng xin “Chúa tha thứ cho những lỗi lầm của các tín hữu”.

Đức Gioan-Phaolô II xin: “Chúng ta hãy tha thứ và cầu xin được tha thứ!” đặc biệt ngài xin Chúa tha thứ cho “những chia rẽ giữa các tín hữu Kitô.” Ngài nói thêm: “Nhận ra những lệch lạc của quá khứ giúp chúng ta thức tỉnh lương tâm khi đối diện với những thỏa hiệp hiện tại, mở ra con đường trở lại cho tất cả mọi người. Trước chủ nghĩa vô thần, thờ ơ tôn giáo, chủ nghĩa thế tục, chủ nghĩa tương đối đạo đức, vi phạm quyền sống, bỏ mặc người dân đói nghèo ở nhiều quốc gia, chúng ta không thể không tự hỏi trách nhiệm của mình là gì.”

Đòi hỏi này cũng đi đôi với “tha thứ” cho những người đã bách hại các tín hữu Kitô trong suốt lịch sử. Đức Gioan Phaolô II nói: “Đồng thời, khi chúng ta xưng các lỗi lầm của mình, chúng ta tha thứ cho những lỗi lầm mà người khác đã phạm đến chúng ta”.

“Phân biệt giữa lỗi và người phạm lỗi”

Các lời xin lỗi khác tiếp theo, năm 2015, Đức Phanxicô xin người Tin Lành Ý tha lỗi, hoặc năm 2017, trong một hội nghị chuyên đề về Luther tổ chức tại Vatican năm 2017, ngài xin lỗi về “những tội mà tổ phụ chúng tôi đã phạm.”

Linh mục Ardura cho rằng, tiến trình này đã được Đức Gioan XXIII thực hiện, cha giải thích: “Trong thông điệp Hòa bình trên thế giới, Pacem in terris năm 1963, ngài nói rõ, luôn phải phân biệt giữa sai lầm và người phạm sai lầm”, dù đó là những người có ý tưởng sai lầm hoặc thiếu quan niệm liên quan đến tôn giáo hoặc đạo đức.” Mà chính sự khác biệt này, tuy cũ nhưng được giáo hoàng nói rõ ở đây, đã mở ra cho Giáo hội khả năng xin được tha thứ. Linh mục triển khai: “Vì thế có thể lên án lỗi của Giáo hội mà không lên án chính Giáo hội.”

Đối với linh mục Ardura, chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về khoa học lịch sử thì tiến hành này vẫn còn hiếm, nếu không nó sẽ mất đi giá trị của nó, linh mục cho rằng: “Giáo hoàng không thể cầu xin tha thứ cho tất cả mọi thứ, nếu không nó sẽ làm mất ý nghĩa quan trọng của lời xin này.”

Linh mục Ardura nói: “Vì thế cách đây bảy mươi năm, người ta đã có thể tạo một khoảng cách. Nhưng cầu xin sự tha thứ chỉ là một bước. Vì sau khi tha thứ sẽ đến hòa giải, và điều này sẽ mất nhiều năm.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072