Giáo xứ – căn nhà của Lời

 

 

Tin mừng Gioan (Ga 1:1-5): “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Ðiều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại. Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng.”

I. Giáo xứ – Căn nhà của Lời (x. Sứ điệp hậu THĐGM 12 – Lời Chúa)

1. Thiên Chúa đến nhà của Ngài

Trong ngày đại lễ Giáng Sinh, bài Phúc Âm của lễ ban ngày được trích trong Tin Mừng Gioan – đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe. Đoạn Tin Mừng này muốn khẳng định cho chúng ta về nguồn gốc sâu xa của Đức Giêsu. Đó là việc Người là “Lời” của Thiên Chúa, phát xuất từ Thiên Chúa. Khởi điểm của toàn thể lịch sử là Thiên Chúa. Qua Lời của Thiên Chúa, mọi sự được hiện hữu, được thông dự vào sự sống của Thiên Chúa và quy hướng về Thiên Chúa: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành.” (Ga 1:1-3).

Thánh Phaolô giải thích và nói cụ thể hơn cho chúng ta về phương diện mọi sự được tạo thành nhờ, qua và trong Đức Giêsu Kitô và quy hướng về Người. Đó là Cha tạo dựng qua Đức Kitô; nhờ Đức Kitô, chúng ta hiện hữu là quy hướng về Cha, về Đức Kitô, trở nên như Đức Kitô.

– Chỉ có một Thiên Chúa là Cha, Ðấng tạo thành vạn vật và là cùng đích của chúng ta; và cũng chỉ có một Chúa là Ðức Giêsu Kitô, nhờ Người mà vạn vật được tạo thành, và nhờ Người mà chúng ta được hiện hữu. (1Cr 8:6)

– Trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình và vô hình. Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới, tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người. (Cl 1:16)

– Vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Ðấng thừa hưởng muôn vật muôn loài (Dt 1:2)

Như thế, khi Nhập Thể và Nhập Thế, Đức Giêsu Kitô – Lời của Thiên Chúa và là Thiên Chúa – đã đi vào nhà của Người. Người đi vào gia đình của mình, không phải đi vào một nơi xa lạ, đất khách quê người.

2. Giáo xứ – Căn nhà của Lời

Ngôi Lời đã mặc lấy tính đặc thù của con người khi Người nhập thể và đi vào trong một gia đình nhân loại cụ thể, khởi đầu cho một câu truyện, một lịch sử về con người mang tên là Giêsu trong một nơi chốn, thời gian và nét văn hóa đặc thù. Giáo Hội – thực thể được Đức Giêsu thiết lập – cũng vậy. Giáo Hội được nhập thể trong một không gian và thời gian. Để chính trong bối cảnh cụ thể đó, Giáo Hội thực thi sứ mạng của mình. Tương tự thế, giáo xứ – tế bào của Giáo Hội – cũng phải là căn nhà của Lời. Bởi chưng, được quy tụ gồm những con người cụ thể, trong một nơi chốn đặc thù, giáo xứ trở nên mái nhà của Thiên Chúa, hay đúng hơn, trong giáo xứ, con người được sống với Thiên Chúa.

Kế đến, trong lăng kính của việc đón nhận Lời, chúng ta thấy rằng Giáo Hội như là một thực thể được xác định qua việc đón nhận Lời – lắng nghe liên lỉ và công bố Lời Thiên Chúa không ngừng. Lời Thiên Chúa là nguồn sinh dưỡng cho tất cả mọi khía cạnh sự sống của Giáo Hội. Thu nhỏ lại, giáo xứ cũng phải như vậy. Giáo xứ, căn nhà của Thiên Chúa, cũng phải là tập hợp những con người không ngừng đón nhận Lời Thiên Chúa, hầu làm cho sự sống nơi mình ngày càng tràn đầy nhựa sống.

Ở đây, lời của Tông huấn Verbum Domini đang vang vọng lên cho mỗi người chúng ta khi chúng ta suy tư về việc Giáo Hội nói chung và Giáo xứ nói riêng – căn nhà của Thiên Chúa – trong việc đón nhận Lời:

– “Người đã đến nhà mình” (Ga 1:11) nhưng “người nhà” “đã không chịu đón nhận” Người (Ga 1:11). Không đón nhận Lời có nghĩa là không lắng nghe tiếng của Lời, không sống phù hợp với Logos. Ngược lại, nơi nào con người, dù mỏng giòn và tội lỗi, chân thành mở ra gặp gỡ Đức Kitô, thì nơi ấy bắt đầu xuất hiện một sự thay đổi tận căn: “còn những ai đón nhận thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1:12). Đón nhận Ngôi Lời có nghĩa là để cho Người uốn nắn để nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, với “Con một đến từ Chúa Cha” (Ga 1:13) nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần. Đó là khởi đầu cho một cuộc tạo thành mới. (VD 50)

– Giáo Hội là một cộng đoàn lắng nghe và công bố Lời Thiên Chúa. Giáo Hội không kín múc lấy sự sống từ chính mình nhưng từ Tin Mừng và, từ Tin Mừng này, Giáo Hội vẫn lại luôn luôn rút ra được một định hướng cho hành trình của mình. Đây là một nhận định mà mọi Kitô hữu phải đón nhận và áp dụng cho chính mình: chỉ người nào đặt mình trong tư thế lắng nghe Lời thì mới có thể trở thành kẻ loan báo”. ( VD 51)

II. Vai trò “chủ nhà” của Lời

Giáo xứ là căn nhà của Lời, có nghĩa Lời chính là chủ nhà và tất cả mọi khía cạnh của căn nhà đó phải thể hiện, phải phản ánh dung mạo của Lời.

1. “Lời” chi phối mọi hoạt động

Trong một gia đình, những ý muốn, mệnh lệnh hay yêu cầu của người đứng đầu luôn phải được tôn trọng và tuân phục. Sự tôn trọng và tuân phục thể hiện tấm lòng yêu mến, thảo kính với người trên. Hơn nữa, trong ngôi nhà của Ngôi Lời, trong gia đình của Thiên Chúa, điều này càng phải được thực hiện một cách nghiêm túc, trọn vẹn và ngay lập tức. Bởi vì, tất cả những gì chúng ta có (sự hiện hữu, được quy tụ trong gia đình Thiên Chúa) là ân sủng, là tình yêu nhưng không của Thiên Chúa tặng ban: “Trước tình thương chan chứa của Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi mở rộng lòng, “vâng phục” trước tình yêu bao la đó. Đó là một lời đáp trả tự do của con cái đối với Cha. Vì con người được mời gọi nên đồng hình, đồng dạng với Đức Kitô, Con Chí Ái của Ngài.”(VD 22)

Cho nên, toàn bộ đời sống của Giáo Hội, của Giáo xứ, của từng cá nhân phải trở nên, phải luôn là một chuỗi những lời đối thoại không ngừng với Thiên Chúa vì cuộc sống con người chúng ta phải dọi chiếu vào những lời mời gọi của Ngài. (x.VD 24) Như thế, Lời Thiên Chúa phải là quy luật cho đời sống đức tin và đời sống luân lý của chúng ta (x. LG 15):

– Kinh Thánh là một quy luật khách quan tối thượng cho đời sống đức tin. Vì Thiên Chúa nói với chúng ta qua Thánh Kinh và Thiên Chúa không thay đổi. (DV 1; VD 18)

– Thánh Kinh truyền lại cho chúng ta những gì Đức Giêsu nói, hành động. Đồng thời, luân lý không gì khác hơn là bắt chước giống Đức Kitô. Vì cội rễ của tội lỗi là khước từ Thiên Chúa. (x. VD 26)

2. Giáo xứ “sống” Lời

Nét đặc trưng, cụ thể nhất mà người ta thường nói đến giáo xứ chính là việc cử hành phụng vụ. Tuy nhiên, giáo huấn Giáo Hội cũng dạy chúng ta rằng “Phụng vụ là môi trường đặc trưng để Thiên Chúa nói trong đời sống hiện tại của chúng ta, là nơi hôm nay Thiên Chúa đang nói với dân của Ngài và dân đang lắng nghe và đáp trả”. (VD 52). Như thế, giáo xứ “sống” Lời cũng có nghĩa là giáo xứ đang liên lỉ thực hiện các hành động nối tiếp nhau như một vòng trôn ốc của sự “lắng nghe – cử hành phụng vụ – cử hành đời sống – lắng nghe” trong chính thực tại hằng ngày của giáo xứ, rõ hơn là của tất cả mọi thành viên trong giáo xứ.

2.1. Lắng nghe

Đây là bước đầu tiên trong việc “sống” Lời. Tuy là bước đầu tiên nhưng nói lại là bước vô cùng quan trọng. Nó quan trọng vì Lời luôn vang vọng, luôn ngỏ với con người và mời gọi con người đón nhận qua tất cả mọi biến cố, mọi giây phút và cách đặc biệt qua chính Lời nhập thể nơi cuốn sách – Kinh Thánh. Bên cạnh đó, sự lắng nghe đòi buộc người nghe phải tập trung để nghe và có một dự thế nội tâm là sẵn sàng mở lòng ra để đón nhận Lời đang ngỏ với. Thánh Phaolô nhắc chúng ta rằng “đức tin đến từ việc lắng nghe và lắng nghe ở đây là nghe Lời Chúa” (Rm 10:17). Đồng thời, việc lắng nghe này không chỉ mang tính cách cá nhân, nhưng nó còn phải mang chiều kích của cộng đoàn được quy tụ để đón nhận Lời. Bởi lẽ, Lời Cứu Độ không mang chiều kích cá nhân nhưng mang tính cách cộng đoàn.

2.2. Cử hành Phụng Vụ

Hiến chế Phụng Vụ thánh Sacrosanctum Concilium số 52 viết “Phụng Vụ là tột đỉnh qui hướng mọi hoạt động của Giáo Hội, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực của Giáo Hội”. Còn trong tông huấn Verbum Domini số 52, ĐTC Benedicto XVI nói với chúng ta rằng “tự bản chất, mọi hành động phụng vụ (bí tích, thánh lễ, các giờ kinh phụng vụ…) đều được nuôi dưỡng bằng Kinh Thánh”.

Như vậy, trong khi cử hành Phụng Vụ, giáo xứ đang “sống” Lời trên phương diện kín múc nguồn ân sủng được tuôn tràn trên nhân loại qua các hành động phụng vụ:

– Người ta thấy khoa sư phạm khôn ngoan của Giáo Hội khi theo nhịp điệu của năm phụng vụ mà công bố và lắng nghe Kinh Thánh. Sự dàn trải của Lời Thiên Chúa trong thời gian được thể hiện một cách đặc biệt trong việc cử hành Thánh Thể và trong Phụng Vụ các Giờ Kinh. Ở trung tâm của tất cả, Mầu nhiệm Vượt Qua chói sáng và gắn liền với mầu nhiệm ấy là tất cả các mầu nhiệm của Đức Kitô và của lịch sử cứu độ được hiện tại hóa theo cách bí tích: “Trong khi cử hành những Mầu Nhiệm Cứu Chuộc như thế, Giáo Hội rộng mở cho các tín hữu sản nghiệp nhân đức và công nghiệp của Chúa, khiến cho những mầu nhiệm này có thể nói là hiện diện qua mọi thời đại, ngõ hầu các tín hữu tiếp xúc với các mầu nhiệm đó sẽ được đầy tràn ơn cứu chuộc”. (VD 52)

– Trong tương quan giữa Lời và cử chỉ bí tích, chính hành động của Thiên Chúa trong lịch sử được thể hiện dưới hình thức phụng vụ qua đặc tính trình diễn (performatif, trình bày-và-thực-hiện) của Lời […] Trong hành động phụng vụ, chúng ta đứng trước Lời của Ngài, Lời đang thực hiện điều Lời nói. (VD 53)

– Điều xảy ra hằng ngày trong các thánh đường của chúng ta: tiếp nối bài giảng của Chúa Giêsu về Môisê và các ngôn sứ, là việc Bẻ Bánh Thánh Thể tại bàn ăn. Ðó chính là lúc đối thoại thân tình của Thiên Chúa với dân của Ngài, là hành vi giao ước mới được ký kết trong máu Chúa Kitô (x. Lc 22:20), là công trình tột đỉnh của Ngôi Lời, Ðấng hiến mình làm lương thực trong thân thể chịu hiến tế, là nguồn mạch và là tột đỉnh đời sống và sứ mạng của Giáo Hội. […] Vì vậy, cần phải đưa trở lại vị trí trung tâm đời sống Kitô giáo “phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể, vốn được liên kết chặt chẽ với nhau đến độ họp thành một hành vi thờ phượng duy nhất ” (SC 56) (Sứ điệp hậu THĐGM 12, số 8).

– Lời và Thánh Thể liên kết mật thiết với nhau đến độ không thể hiểu cái này mà không có cái kia … Giáo Hội đã không bao giờ ngừng cử hành Mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô bằng cách họp nhau để “đọc trong tất cả Sách Thánh những gì liên quan đến Người” (Lc 24:27) và để thực hiện công trình cứu độ nhờ việc tưởng niệm Đức Chúa và nhờ các Bí tích”. (VD 55)

– Giáo Hội luôn tôn kính Thánh Kinh như chính Thân Thể Chúa và không ngừng lấy bánh ban sự sống từ tiệc Lời Chúa và tiệc Thánh Thể để ban phát các tín hữu (DV 21).

– Giáo Hội không kín múc lấy sự sống từ chính mình nhưng từ Tin Mừng. Không phải của ăn Thánh Thể biến thành chúng ta, nhưng chính chúng ta được biến đổi cách mầu nhiệm bởi Thánh Thể. Đức Kitô nuôi dưỡng chúng ta bằng cách nối kết chúng ta với Người; “Người lôi kéo chúng ta đến với Người”. Việc cử hành Thánh Thể, với tất cả sức mạnh của mình, tỏ hiện như là nguồn suối và chóp đỉnh của đời sống Kitô giáo, vì nó đồng thời vừa là khởi đầu vừa là hoàn bị phượng tự mới và tối hậu (Sacramentum Caritatis, 70)

2.3. Cử hành đời sống

Từ việc cử hành phụng vụ, đón nhận, kín múc ân sủng, giáo xứ được mời gọi đi đến bước thứ ba là cử hành đời sống. Nếu việc cử hành phụng vụ được thực hiện trong nhà thờ, nhà nguyện, việc cử hành đời sống này được cử hành trong chính bối cảnh sống của mỗi thành viên trong giáo xứ và của giáo xứ. Tông huấn Sacramentum Caritatis nhắc nhớ:

– Các tín hữu “được đào tạo bởi Lời Chúa, được bổ sức nơi hàn tiệc Mình Chúa, họ tạ ơn Chúa; và trong khi dâng lễ vật tinh tuyền, không chỉ nhờ tay linh mục mà còn liên kết với Ngài, họ tập dâng chính mình; và ngày qua ngày, nhờ Đức Kitô, Đấng Trung Gian, họ được cuốn hút vào trong tình liên đới với Thiên Chúa và với nhau. (số 52)

– Thánh Thể, hy lễ của Đức Kitô, cũng là hy lễ của Hội Thánh, và như thế là của mọi tín hữu. (Sacramentum Caritatis, 70)

Vì vậy, việc cử hành đời sống chính là “sự hiệp thông huynh đệ, một danh xưng khác của từ agápe, nghĩa là tình yêu Kitô. Như Chúa Giêsu nhắc nhớ, để trở thành anh chị em của Ngài, thì cần phải là “những người lắng nghe Lời Chúa và mang ra thực hành” (Lc 8:21). Lắng nghe đích thực chính là vâng lời và hành động, là làm cho công lý và tình thương nảy sinh trong cuộc sống, là làm chứng tá trong cuộc sống và trong xã hội theo đường hướng tiếng gọi của các ngôn sứ, liên tục nối kết Lời Chúa với cuộc sống, niềm tin và sự ngay chính, việc phụng tự và sự dấn thân xã hội. Ðó là điều Chúa Giêsu đã nhiều lần lập lại, từ lời nhắn nhủ nổi tiếng trong Bài Giảng trên núi: “Không phải kẻ nói rằng: Lạy Chúa, Lạy Chúa! mà được vào nước trời, nhưng là những người thi hành ý Cha Thầy ở trên trời” (Mt 7:21). Trong câu nói này dường như vang âm Lời Chúa đã được ngôn sứ Isaia trình bày: “Dân này chỉ đến gần Ta bằng lời nói, cầu khẩn Ta bằng môi miệng, nhưng lòng chúng xa Ta” (29:13). (Sứ điệp hậu THĐGM 12, số 10)

2.4. Lắng nghe

Lắng nghe ở giai đoạn này chính là khởi điểm cho một chu trình lắng nghe mới. Quả thế, được Thiên Chúa ngỏ lời, mời gọi và quy tụ, giáo xứ “sống” Lời khi cùng nhau cử hành phụng vụ. Qua việc cử hành phụng vụ, giáo xứ kín múc được nghị lực, ân sủng để có thể “sống” Lời trong đời sống, hay nói khác đi là cử hành phụng vụ đời sống. Và chính thực tại của đời sống là những lời ngỏ của Thiên Chúa mời gọi chúng ta lại tiếp tục và tiếp tục mãi hành trình lắng nghe.

“Nhìn trong viễn tượng này, toàn thể cuộc sống con người trở thành một cuộc đối thoại với Thiên Chúa, Đấng đang nói và đang nghe, đang mời gọi và hướng dẫn đời ta. Ở đây, Lời Thiên Chúa cho ta thấy trọn cuộc sống con người diễn ra dưới lời mời gọi của Ngài.” (VD 24)

Cho nên, bản thân chúng ta, những linh mục, hãy thực hiện lectio divina (việc đọc và cầu nguyện trong Thánh Linh) cũng như hãy thúc đẩy việc thực hành này trong giáo xứ của mình theo lời mời gọi của Giáo Hội. Hy vọng qua việc thực hành này, mọi người trong giáo xứ có thể khám phá ra kho tàng quý giá của Lời Chúa và có được cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô là Lời Chúa hằng sống. (x. Sứ điệp hậu THĐGM 12, số 9)

3. Diện mạo “Lời” nơi Linh mục

3.1. Linh mục – Thừa tác viên của Lời

Thật hữu ích cho chúng ta khi đọc lại Sắc lệnh về chức vụ và đời sống linh mục (Presbyterorum Ordinis – PO) trong phần này. Vì lẽ, số 4 của Sắc lệnh nhắc nhớ cho chúng ta những bổn phận phải thực thi trong tư cách là linh mục:

“Dân Chúa được đoàn tụ trước hết là nhờ lời Thiên Chúa hằng sống; lời này phải được đặc biệt tìm thấy nơi miệng lưỡi các Linh Mục. Thực vậy, không ai có thể được cứu rỗi nếu trước đó không có lòng tin. Do đó, các Linh Mục, vì là cộng sự viên của các Giám Mục, nên trước tiên có nhiệm vụ loan báo cho mọi người Phúc Âm của Thiên Chúa, để khi thi hành mệnh lệnh của Chúa: “Các con hãy đi khắp thế giới rao giảng Phúc Âm cho mọi tạo vật” (Mc 16:15), các ngài thiết lập Dân Chúa và làm cho Dân Chúa càng ngày càng đông thêm. Thật thế, chính lời cứu rỗi khơi động đức tin trong tâm hồn những người chưa tin và nuôi dưỡng đức tin trong tâm hồn các tín hữu; chính đức tin này đã khai sinh và phát triển cộng đoàn tín hữu, như lời Thánh Tông Ðồ: “đức tin do nghe nói, còn điều nghe nói thì bởi lời Chúa Kitô” (Rm 10:17). Do đó, các Linh Mục mắc nợ với mọi người về việc thông truyền cho họ chân lý Phúc Âm mà các ngài đã nhận được nơi Chúa. Vì thế […] trong mọi trường hợp, phận sự của các ngài không phải là giảng dạy sự thông biết của mình, nhưng là giảng dạy lời Chúa và phải khẩn thiết mời gọi mọi người cải thiện và nên thánh. Nhưng trong tình trạng thế giới ngày nay, lời giảng thuyết của Linh Mục thường gặp rất nhiều khó khăn. Do đó để dễ lay chuyển tâm hồn thính giả, giảng thuyết không phải chỉ là trình bày lời Chúa một cách tổng quát và trừu tượng, nhưng phải áp dụng chân lý ngàn đời của Phúc Âm vào các hoàn cảnh cụ thể của đời sống.” (PO 4)

Ngoài ra, ĐTC Benedicto trong tông huấn Verbum Domini cũng nói với chúng ta rằng trong hành động mục vụ, các tín hữu không phải lúc nào cũng ý thức hay nhận ra được tính duy nhất giữa cử chỉ và lời nói. Do đó, trong khi cử hành các Bí tích, các linh mục phải nêu bật sự duy nhất giữa Lời và Bí tích trong thừa tác vụ mình lãnh nhận Giáo Hội. (x. VD 53)

Hay nói rõ hơn, đời sống của linh mục phải là một sự thống nhất từ trong ra ngoài, từ lời nói đến hành động. Hay như tôi đã đề cập trong bài vừa rồi khi mời gọi chúng ta nhớ lại lời huấn dụ của Đức Giám Mục trong ngày thụ phong Phó Tế và Linh Mục: “Con hãy tin điều con đọc, dạy điều con tin và thi hành điều con dạy” và “Con hãy ý thức việc con làm, noi theo điều con thực hiện, và khuôn rập đời sống con theo khuôn mẫu mầu nhiệm Thánh Giá Chúa”.

Kế đến, trong tư cách là thừa tác viên của Lời, chúng ta không thể không đề cập đến vấn đề bài giảng – một chủ đề nóng bỏng, được rất nhiều mối quan tâm không chỉ từ Giáo Hội mà còn từ phía người giáo dân.

Ở đây, chúng ta sẽ không bàn đến những lời khen chê từ bất cứ một phía nào, nhưng chúng ta hãy lắng nghe lại những lời mời gọi, chỉ dạy của Giáo Hội:

Trước tiên là tầm quan trọng của bài giảng. ĐTC Benedicto khẳng định “Bài giảng lễ ‘là một phần của hành động phụng vụ’; bài giảng lễ có chức năng giúp hiểu biết Lời Thiên Chúa rộng rãi hơn và hữu hiệu hơn trong đời sống các tín hữu. (VD 59)

Hay nói theo sứ điệp của hậu THĐGM 12 về Lời Chúa: “tột đỉnh của việc rao giảng là ở nơi bài giảng mà ngày nay đối với nhiều tín hữu Kitô, đó là lúc quan trọng chủ yếu để gặp gỡ với Lời Chúa. Trong việc giảng, thừa tác viên cũng phải trở thành ngôn sứ. Thực vậy, vị giảng thuyết phải có ngôn ngữ rõ ràng, quyết liệt và có chất lượng, không những “loan báo một cách thế giá những công trình kỳ diệu của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ” (SC 35), những công trình được trình bày trước tiên qua việc đọc một cách rõ ràng và sinh động bản văn Kinh Thánh mà phụng vụ đề nghị, nhưng cũng phải thời sự hóa những công trình ấy trong thời đại thính giả đang sống và làm nảy sinh nơi tâm hồn họ câu hỏi về sự hoán cải và sự dấn thân quyết liệt: “Chúng tôi phải làm gì đây?” (Cv 2:37)”. (số 7)

Thứ hai là bổn phận linh mục phải thực thi vai trò giảng trong thánh lễ: “Bài giảng căn cứ vào Thánh Kinh để trình bày các mầu nhiệm đức tin và những qui tắc cho đời sống Kitô giáo trong suốt chu kỳ năm phụng vụ, rất đáng được coi như một phần của chính Phụng Vụ. Hơn nữa, trong những Thánh Lễ được cử hành những ngày Chúa Nhật và lễ buộc có dân chúng tham dự, không được bỏ giảng, nếu không có lý do hệ trọng. (Hiến chế PV Sacrosanctum Concilium 52).

Bởi tầm quan trọng của bài giảng và bổn phận chia sẻ Lời Chúa trong Thánh lễ, các linh mục được mời gọi phải nhớ:

– Bài giảng lễ là một việc hiện tại hóa sứ điệp Kinh Thánh, sao cho các tín hữu được đưa đến chỗ khám phá ra sự hiện diện và tính hiệu năng của Lời Thiên Chúa trong cuộc sống hằng ngày của họ. Bài giảng phải giúp hiểu Mầu nhiệm đang được cử hành, mời người ta dấn thân cho sứ mạng, khi chuẩn bị cho cộng đoàn tuyên xưng đức tin, cầu nguyện phổ quát và cử hành phụng vụ Thánh Thể. Vì thế, do thừa tác vụ chuyên biệt, những ai được đề cử lo việc giảng dạy, phải rất quan tâm đến bổn phận này. Phải tránh những bài giảng mơ hồ và trừu tượng, che giấu mất tính đơn giản của Lời Thiên Chúa, cũng như phải tránh những kiểu nói lan man lạc đề vô bổ rất có thể lôi kéo chú ý đến người giảng hơn là chú ý đến trọng tâm của sứ điệp Tin Mừng. Các tín hữu phải thấy rõ ràng rằng điều mà vị giảng thuyết đang bận tâm, đó là cho thấy Chúa Kitô, trung tâm của mọi bài giảng. Vì thế, các vị giảng thuyết cần phải quen biết và tiếp xúc chuyên cần với bản văn thánh; họ phải chuẩn bị bài giảng bằng suy niệm và cầu nguyện, để có thể giảng với xác tín và say mê. Thượng Hội Đồng Giám Mục đã khuyến khích lưu ý đến các câu hỏi sau đây: “Các bài đọc được công bố muốn nói gì? Các bài đọc ấy nói gì riêng với tôi? Tôi phải nói gì với cộng đoàn, trong khi quan tâm tới hoàn cảnh cụ thể của họ?” (VD 59)

– Việc giảng thuyết đòi phải đọc, hiểu, diễn nghĩa và giải thích, một sự can dự của tâm trí trong đó. Trong việc giảng thuyết có hai chuyển động. Chuyển động thứ nhất, ta đi ngược tới căn cội của các đoạn Sách Thánh, các biến cố, những câu nói tạo nên lịch sử cứu độ, để hiểu chúng trong ý nghĩa và sứ điệp của chúng. Chuyển động thứ hai ta đi xuống hiện tại, tới cuộc sống thực tế của người nghe và đọc, luôn luôn dưới ở dưới ánh sáng của Chúa Kitô vốn là sợi dây rạng ngời nhắm thống nhất toàn thể Kinh Thánh (Sứ điệp hậu THĐGM 12, 7)

– Cần đặc biệt chăm sóc bài giảng Chúa Nhật và các lễ trọng; nhưng trong các lễ cum populo (có giáo dân tham dự) trong tuần, nếu có thể, xin cũng đừng bỏ cung cấp những suy tư vắn tắt hợp thời giúp các tín hữu đón nhận và làm sinh hoa kết quả Lời họ vừa lắng nghe. (VD 59)

Đặc biệt, trong tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, ĐTC đương kim của chúng ta đã dành riêng một phần gồm 25 số (từ số 135 đến số 159 để bàn về Bài Giảng). Trong phần này, ĐTC đã phân tích và khai triển thật tỉ mỉ về bài giảng và trách nhiệm, cũng như việc phải soạn bài giảng ra sao [có thể nói, ĐTC Phanxico chỉ dẫn chúng ta từng bước rất cụ thể hơn về bài giảng so với các giáo huấn trước].

– Tầm quan trọng: “Bài giảng là tiêu chuẩn để đánh giá sự gần gũi và khả năng truyền thông của một mục tử với dân mình […]. Bài giảng có thể thực sự là một kinh nghiệm mãnh liệt và hạnh phúc về Chúa Thánh Thần, một cuộc gặp gỡ an ủi với Lời Chúa, một nguồn mạch không ngừng của việc canh tân và tăng trưởng”. (số 135)

– Bản thân chúng ta, “chúng ta hãy phục hồi lòng tin tưởng của mình trong việc giảng dạy, dựa trên xác tín rằng Chính Thiên Chúa, Đấng muốn đi đến với con người qua các nhà thuyết giảng và rằng Ngài sẽ bày tỏ quyền năng của Ngài qua các lời của loài người.(số 136).

– Bài giảng có một giá trị đặc biệt vì phát sinh từ bối cảnh Thánh Thể, là điều làm cho nó vượt trên mọi hình thức dạy giáo lý bởi vì nó là một cuộc đối thoại tuyệt vời nhất giữa Thiên Chúa và dân Ngài, trước khi hiệp thông Bí Tích. […] Nhà thuyết giảng phải biết trọng tâm của cộng đồng của mình để nhận ra lòng ao ước Thiên Chúa sống động và mãnh liệt ở đâu, và thậm chí một cuộc đối thoại thoại yêu thương như vậy đã bị bóp nghẹt hoặc không thể sinh hoa kết quả ở chỗ nào. (số 137)

– Cho nên, “bài giảng không thể là một hình thức giải trí, như được trình bày trên các phương tiện truyền thông, nhưng phải đem lại sự nhiệt thành và ý nghĩa cho buổi lễ.” (số 138) và ngôn ngữ của bài giảng như một cuộc nói chuyện của người mẹ – một thái độ gần gủi, yêu thương và khích lệ. (x. số 139-141)

– Bài giảng phải là một cuộc đối thoại, trong bài giảng đó, “chân lý được đi kèm với sự thiện và mỹ […] Được mở ra cho niềm hy vọng về một thực hành hân hoan và khả năng yêu thương được rao giảng, tâm hồn họ (người nghe) cảm thấy rằng từng Lời trong Thánh Kinh trước hết là một hồng ân, trước khi là một đòi hỏi” (số 142). Vì vậy, bài giảng phải được hội nhập vào trong chính hiện sinh của người nghe. Nó phải nối kết được trái tim của Chúa và những trái tim của dân Người (x. số 143)

– ĐTC nhấn mạnh việc soạn bài giảng trong sự cầu nguyện: “phải dành nhiều thì giờ để học hỏi, cầu nguyện, suy niệm và sáng tạo mục vụ; […]nhớ dành một thì giờ ưu tiên cho mục vụ cao quý này. […] Tôi mạo muội yêu cầu quý cha mỗi tuần dành riêng một phần thì giờ cá nhân và cộng đồng đủ dài cho công tác này, thậm chí nếu cần thì phải bớt thì giờ cho những công tác khác, mặc dù quan trọng. […] Một mục tử không chuẩn bị thì mục tử ấy bất hảo và vô trách nhiệm đối với những hồng ân mà mình đã nhận được (số 145)

– Nhà giảng thuyết phải được cá nhân hóa về Lời. “Họ cần phải tiếp cận Lời Chúa bằng một tâm hồn ngoan ngoãn và cầu nguyện, ngõ hầu Lời Chúa thấm sâu vào những suy nghĩ và cảm xúc của họ cùng phát sinh nơi họ một não trạng mới, […] chúng ta hãy kiểm chứng lại xem tình yêu Lời Chúa mà chúng ta giảng có lớn lên trong chính mình chúng ta không. (số 149; x. số 149-151)

– Hỗ trợ cho bài giảng, chúng ta cần đọc sách thiêng liêng (lectio divina) và cần lắng nghe nhu cầu của dân chúng, những con người cụ thể đang lắng nghe, họ muốn nghe điều gì, họ đang bận tâm về vấn đề nào. Để được như thế, chúng ta phải có một sự bén nhạy nhận ra những gì đang ảnh hưởng đến đời sống của họ. (x. số 152-155)

3.2. Kim chỉ nam cho mục vụ: Lời

Cuộc đời của người tông đồ phải được thấm đẫm, tràn đầy Lời. Nói cách khác, Lời phải chi phối, hướng dẫn tất cả mọi suy tư, thái độ, lời nói và hành động của linh mục. Cho nên, kim chỉ nam cho công việc mục vụ của linh mục không gì khác hơn “Lời”. Chúng ta đọc thấy trong Verbum Domini:

– Hãy đảm bảo rằng, trong các sinh hoạt quen thuộc của các cộng đoàn Kitô hữu, trong các giáo xứ, trong các hội đoàn và trong các phong trào, người ta thật sự quan tâm đến việc gặp gỡ riêng tư với Đức Kitô, Đấng thông truyền chính Người cho chúng ta nơi Lời Người. Bởi vì nếu “không biết Kinh Thánh là không biết Đức Kitô”, việc linh hoạt bằng Kinh Thánh tất cả hoạt động mục vụ thông thường và ngoại thường sẽ dẫn đưa đến một hiểu biết lớn lao hơn về con người của Đức Kitô, Đấng mạc khải Chúa Cha và là Mạc Khải viên mãn của Thiên Chúa. (số 73)

– Chính vì thế, trước tiên vị linh mục đã phải rất quen thuộc với Lời Thiên Chúa. Biết phương diện ngôn ngữ hoặc chú giải Lời Chúa, thì chưa đủ, dù là cần thiết. Vị linh mục phải đón tiếp Lời Chúa với một tấm lòng vâng phục và cầu nguyện, ngõ hầu Lời Chúa thấm nhuần sâu xa các tư tưởng và các tâm tình của ngài và làm phát sinh nơi ngài một tinh thần mới, ‘tư tưởng của Đức Kitô’ (1Cr 2:16)”. Như thế, các lời nói, hơn nữa các chọn lựa và các thái độ của ngài sẽ ngày càng trong suốt với Tin Mừng, sẽ loan báo Tin Mừng và làm chứng cho Tin Mừng. “Chỉ khi ‘ở lại trong’ Lời Chúa, vị linh mục mới trở thành người môn đệ hoàn hảo của Chúa, mới nhận biết chân lý và mới thật sự tự do”.

Nói tóm lại, ơn gọi linh mục đòi hỏi phải được hiến thánh “trong sự thật”. Chính Đức Giêsu đã yêu cầu như thế với các môn đệ Người: “Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian” (Ga 17:17-18). Theo một ý nghĩa nào đó, các môn đệ được “lôi cuốn vào trong cuộc sống thân tình với Thiên Chúa do họ được đắm mình vào trong Lời Thiên Chúa. Có thể nói, Lời Thiên Chúa là bể tắm thanh tẩy, là quyền lực sáng tạo biến đổi họ và làm cho họ thuộc về Thiên Chúa”. Bởi vì chính Đức Kitô là Lời Thiên Chúa làm người (Ga 1:14), là “sự thật” (Ga 14:6), nên lời Đức Giêsu cầu xin với Chúa Cha: “Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ” có ý nghĩa sâu xa nhất: “Xin Cha làm cho họ nên một với con, là Đấng Kitô. Xin liên kết họ lại với con. Xin lôi kéo họ vào trong con. Bởi vì trong thực tế, chỉ có một tư tế duy nhất của Giao Ước Mới, là chính Đức Giêsu Kitô”. Vậy các linh mục cần phải ý thức liên tục và ngày một sâu xa hơn về thực tại này. (80)

Ghi chú:
– DV: Dei Verbum
– VD: Verbum Domini
– SC: Hiến Chế PV Thánh Sacrosanctum Concilium
– PO: Sắc Lệnh về Chức Vụ và Ðời Sống các Linh Mục (Presbyterorum Ordinis)

Tin liên quan

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072