Giới thiệu chuyên mục: “Từ vựng Công giáo”

 

Mục “TÌM HIỂU TỪ VỰNG CÔNG GIÁO” được lấy từ nhiều nguồn khác nhau, nhằm làm rõ ý nghĩa một số thuật ngữ dùng trong giới Công giáo, đặc biệt là những từ Hán Việt, ngõ hầu độc giả có thể lựa chọn sử dụng những từ ngữ này trong đời sống đạo của mình – nói hoặc viết – cách tốt hơn.

Ngôn ngữ là lĩnh vực vừa phong phú vừa phức tạp. Trong nghiên cứu ngôn ngữ học, người ta phân biệt ngôn ngữ dân gian và ngôn ngữ văn hoá: Ngôn ngữ dân gian (hay ngôn ngữ nói) là ngôn ngữ sử dụng trong lĩnh vực đời sống hằng ngày, tồn tại dưới dạng thổ ngữ, phương ngữ, hoặc ngôn ngữ chưa có chữ viết, được học tập trực tiếp trong giao tiếp, đối thoại hằng ngày. Người sử dụng không bận tâm đến vấn đề đúng-sai của từ nguyên, chuẩn [1] hay không chuẩn, đúng ngữ pháp hay không đúng ngữ pháp. Ngôn ngữ văn hoá (hay ngôn ngữ viết) là ngôn ngữ dùng trong kinh sách, văn học nghệ thuật và khoa học, được học tập từ trường lớp và phải thường xuyên trau dồi qua việc đọc và viết là chính. Người sử dụng ngôn ngữ văn hoá luôn luôn đứng trước vấn đề chuẩn hay không chuẩn, vì chuẩn là khái niệm trung tâm của ngôn ngữ văn hoá.

Có thể nói như B. Havranek: “Thói quen sử dụng quy định chuẩn của ngôn ngữ dân gian (…, nhưng) không thể nói rằng chỉ có thói quen sử dụng quy định chuẩn của ngôn ngữ văn hoá” [2]. Chuẩn của ngôn ngữ văn hoá là một hệ thống phức tạp, thậm chí có thể nói nó bao gồm nhiều hệ thống: chuẩn phát âm, chuẩn chính tả, chuẩn từ vựng, chuẩn ngữ pháp, chuẩn phong cách… Tính ổn định, mức bắt buộc, phạm vi tác động của các chuẩn cũng không giống nhau.

Do đó, khi khảo sát một số thuật từ nào đó quen dùng trong sinh hoạt của cộng đồng Công giáo, ví dụ: mạc khải – mặc khải, tẩn liệm – tẩm liệm, tiên tri – ngôn sứ, tử đạo – tuẫn đạo…, tác giả “TÌM HIỂU TỪ VỰNG CÔNG GIÁO” không muốn can thiệp trực tiếp vào sự phát triển của ngôn ngữ dân gian, vì đối với cộng đồng dân Chúa, ngôn ngữ dân gian chỉ là đối tượng nhận thức. Nhưng tác giả chỉ nhắm can thiệp vào sự phát triển của ngôn ngữ văn hoá trong Giáo Hội mà cụ thể là các đóng góp về phương diện từ vựng – một phần của ngôn ngữ văn hoá mà thôi.

Tóm lại, “TÌM HIỂU TỪ VỰNG CÔNG GIÁO” không phải là “bài nghiên cứu về ngôn ngữ học” lại càng không phải là “tiếng nói của giáo quyền”, nhưng đơn giản chỉ là việc đóng góp ý kiến của cá nhân trong lĩnh vực ngữ nghĩa từ vựng Công giáo với thiện chí giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt. Tác giả đã dành nhiều công sức tìm hiểu, nghiêm túc trình bày và cẩn trọng nhận xét, nhưng chắc chắn không tránh khỏi có sai sót. Vì vậy, tác giả luôn sẵn sàng đón nhận sự góp ý xây dựng từ quý độc giả với tâm tình tri ân chân thành.

Tin liên quan

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072