Hại đất

 

Kết quả hình ảnh cho cây hại đất chúa nhật 3 mùa chay

 

 

 

Ðiều làm chúng ta khó sám hối
đó là cảm thấy mình ở trong tình trạng an toàn.
Ðức Giêsu nói về hai biến cố nóng hổi tính thời sự,
một do sự tàn ác của Philatô, một do tai nạn lao động.
Cả hai đều dẫn đến cái chết thảm khốc;
những người Galilê bị đổ máu ngay lúc dâng lễ ở Ðền Thờ,
mười tám người chết vì bị tháp Silôa đè bẹp.
Vào thời Ðức Giêsu, họ bị coi là kẻ có tội, bị Chúa phạt.
Những người khác dễ nghĩ mình vô tội, vì còn được bình yên.
Ðiều này đưa đến sự tự hào và an toàn giả tạo.
“Ðừng tưởng…”: Ðức Giêsu đưa ta ra khỏi ảo tưởng về mình.
Ngài nhắc mọi người sám hối vì biết ai nặng tội hơn ai.
Lúc còn được sống yên lành là lúc cần hoán cải.
Có thể đây là cơ hội cuối cùng, trước khi cái chết ập xuống.

Cây vả trong dụ ngôn cũng ở trong tình trạng an toàn.
Nó không cho trái độc, không làm hại nho, không phá cảnh quan.
Nó chỉ phạm một tội thôi: tội làm hại đất,
tội sử dụng đất màu mỡ mà không sinh trái.
Chúng ta có thể cảm thấy an toàn như cây vả cằn cỗi.
Tự hào vì mình không làm điều xấu, chẳng làm hại ai,
nhưng lại quên rằng mình đã phạm tội không làm điều tốt,
những điều tốt có thể làm được và phải làm.
Có bao nén bạc Chúa giao không được đầu tư (Mt 25,18),
bao người túng thiếu mà ta không giúp đỡ (Mt 25,42).
Khi không làm điều tốt cho đời, cho người,
ta tiếp thêm sức mạnh cho sự dữ tung hoành.
Sống đạo không phải chỉ là lo tránh tội,
mà còn là tích cực gieo rắc phát huy cái tốt.
Một Kitô hữu sống an phận, cằn cỗi là một phản chứng.
Thế giới cần những Kitô hữu dấn thân biết bao!

Dụ ngôn cây vả cho ta thấy khuôn mặt Thiên Chúa.
Chúa Cha là người chủ vườn kiên nhẫn: “Ðã ba năm nay…”
Ngài đã nuôi bao hy vọng: “Tôi ra tìm trái mà không thấy”.
Quyết định chặt cây chỉ đến sau những lần hụt hẫng.
Ngài chỉ phạt khi đã làm đủ cách để lay động tim ta.
Chúa Giêsu là người làm vườn kiên nhẫn không kém:
“Xin ông cứ để nó lại năm nay nữa”.
Ngài không ngừng ấp ủ chút hy vọng mong manh:
“Tôi sẽ vun xới, bón phân, may ra sang năm nó có trái”.
Nhưng đừng quên lời đe dọa cuối cùng:
“Nếu không ông chủ cứ chặt nó đi”.
Kiên nhẫn, hy vọng, chăm bón, nhưng cương quyết đòi hỏi:
đó là thái độ của Thiên Chúa đối với tội nhân.
Ðức Giêsu vừa thôi thúc chúng ta mau mau hoán cải,
vừa chấp nhận cho ta có thời gian trì hoãn.

Hoán cải là đón lấy những săn sóc tế nhị của Chúa,
là đừng để thui chột những ơn lành Ngài ban.
Mùa Chay không phải chỉ là để thú tội,
mà còn thú cả sự cằn cỗi, ì ạch của mình.
Ước gì cây đời của ta có nhiều trái hơn và ngọt hơn.

Cầu nguyện:

 

Lạy Chúa Giêsu,
xin dẫn con vào nhà của con,
căn nhà của trái tim,
căn nhà vừa quen vừa lạ.

 

Xin hãy cho con thấy
những phức tạp, rắc rối, những che đậy, giằng co,
những mâu thuẫn và vô lý nơi con.

Xin hãy cho con thấy
những nhỏ mọn, ích kỷ,
những yếu đuối, khô khan,
những cứng cỏi và tự ái nơi con.

 

Xin cho con ý thức
những lo âu, sợ hãi
đang đè nặng làm con ngột ngạt,
những nỗi đau thầm kín khiến đời con mất vui,
những vết thương không biết bao giờ lành,
những đổ vỡ khiến lòng con khép lại.

 

Lạy Chúa Giêsu,
xin giúp con dọn những bề bộn nơi tim con.
Xin biến đổi tim con, để nó trở nên đơn sơ hơn,
hồn nhiên hơn và tươi tắn hơn.

 

Ước gì con nhìn mọi sự, mọi người,
bằng trái tim bao dung của Chúa.
Và ước gì khi đã ra khỏi nỗi bận tâm về mình,
trái tim con được nhẹ nhàng hơn và tự do hơn
để yêu mến mọi người. Amen.

 

 

 

Nguồn: Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Tin liên quan

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072