Hãy nghĩ đến cùng đích

 

 

Cái chết là cửa để bước vào cuộc sống mai hậu. Và cuộc sống mai hậu ấy tùy thuộc vào những tích chứa, những xây dựng của chúng ta trong cuộc sống tại thế này. Nếu trong cuộc sống này, chúng ta hướng mọi hoạt động của chúng ta vào cùng đích ấy, nếu chúng ta hành động, suy nghĩ như thế chúng ta sẽ ra đi tức khắc, thì chắc chắn khi bước qua ngưỡng cửa ấy, chúng ta sẽ không ngỡ ngàng, sẽ không phải thất vọng…

Nhưng dĩ nhiên, không phải tự sức mình, chúng ta có thể xây dựng cho mình tương lai vĩnh cửu ấy. Sự sống trường sinh là ân ban nhưng không của Thiên Chúa. Thiên Chúa chỉ chờ đợi nơi chúng ta sự ưng thuận và đáp trả tích cực mà thôi… Ước gì từng suy nhgĩ, từng hành động, từng gặp gỡ, từng hơi thở của chúng ta đều là một đáp trả tích cực của chúng ta đối với lời mời gọi và sự sống bất diệt của Chúa. Ước gì trong tất cả mọi sự, sự khôn ngoan hướng dẫn chúng ta chính là cõi phúc trường sinh mà Chúa đã hứa ban cho chúng ta. Ước gì trong từng bước lữ hành về cõi phúc cấy, chúng ta có thể nếm được niềm vui và hạnh phúc đích thực ngay trong cuộc sống này.
Cuộc sống con người dù dài dù ngắn cũng phải kết thúc bằng cái chết. Nhưng chết chưa phải là hết, chết mà vẫn sống, mất mà vẫn còn, bởi vì chết chỉ là một sự chuyển đổi, chuyển đổi từ đời sống tạm bợ này sang đời sống vĩnh cửu.

Do đó, người khôn ngoan là người biết chuẩn bị cho cuộc sống mai hậu, một cuộc sống trường tồn và hạnh phúc đang chờ đợi chúng ta. Tương lai do ta quyết định và nằm trong tầm tay chúng ta vì Chúa không ép chung ta lên thiên đang, cũng không đẩy chúng ta xuống hỏa ngục, mà hoàn toàn do chúng ta tự do quyết định.

 

Truyện : Ông Diogène bán sự Khôn ngoan.

Một ngày nọ, triết gia Diogène của Hy lạp đã đến giữa chợ Athènes và dựng lên một căn lều có ghi đậm hàng chữ như sau : “Ở đây có bán sự khôn ngoan”.
Một bậc khoa cử tình cờ đi qua căn lều đọc được lời rao bảo, mới cười thầm trong bụng… Muốn biết đàng sau căn lều ấy có những gì, ông mới sai người đầy tớ cầm tiền để dò la và mua cho được cái mà người bán gọi là sự khôn ngoan.
Người đầy tớ cầm tiền ra đi làm theo lời căn dặn của chủ… Anh đưa cho Diogène 3 hào và nói rằng chủ của anh muốn có sự khôn ngoan. Cầm lấy 3 hào bỏ vào túi, triết gia Diogène nói với người đầy tớ một cách trang trọng như sau :”Anh hãy về đọc lại cho chủ anh nghe câu này : “Trong tất cả mọi sự, hãy nghĩ đến cùng đích”.
Vị khoa cử thành Athềnes vô cùng thích thú vì lời khôn ngoan này. Ông đã cho viết trước cửa nhà như khuôn vàng thước ngọc để chính ông suy niệm mỗi ngày và tất cả những ai đi qua trước nhà ông đều có thể đọc thấy…

“Trong tất cả mọi sự, hãy suy nghĩ đến cùng đích”.

Có lẽ đó cũng là khuôn vàng thước ngọc mà Giáo hội muốn ngỏ với mọi người chúng ta trong cuộc sống hằng ngày, nhất là trong những dịp có lễ an táng. Mỗi năm qua đi : đó là hình bóng của đời người và lịch sử của thế giới này. “Trong tất cả mọi sự, hãy nghĩ đến cùng đích” : người lực sĩ nghĩ đến phần thưởng đang chờ đợi mình. Người học sinh nghĩ đến ngày đỗ đạt thành tài… Điểm thúc đẩy con người hăng say làm việc

Thời ông Noe, mọi người ăn uống, vui chơi và cười nhạo khi ông cho đóng tầu đề phòng nạn hồng thủy. Đối với họ, chuẩn bị để đương đầu với tai nạn, chuẩn bị để làm cuộc hành trình dài là một chuyện viển vông, là điều ngu xuẩn…

Hãy vui hưởng cuộc sống, hãy sống như thể con người sẽ không bao giờ chết : đó là thái độ của nhiều người trong chúng ta. Sông như thế là sống không định hướng, sống như thế là sống không mục đích. Thánh Phaolô đã gọi những người đó là những người chỉ biết thờ cái bụng của mình…

Hầu như mọi hoạt động, mọi nỗ lực của nhiều người đều qui về cuộc củng cố, đầu tư cho thân xác, cho cuộc đời tạm thời vắn vỏi này. Cái tôi như một trung tâm điểm mà tất cả mọi năng lực của bản thân đều qui về đó..

Người ta đã để 24 giờ mỗi ngày dành trọn vẹn cho thân xác : giờ để ăn, giờ để ngủ, giờ để giải trí vui chơi, giờ để làm việc nuôi thân xác. Người ta để 168 giờ mỗi tuần, 720 giờ mỗi tháng, 8766 giờ mỗi năm để phục vụ cho thân xác. Châm ngôn của họ là :”Tất cả cho thân xác. Tất cả cho cuộc sống đời này”. Người ta cố đầu tư xây dựng cho cuộc sống đời này như những con dã tràng đua nhau xe cát, tạo nên những đụn cát nhỏ bé trên bãi biển bao la để rồi một lát sau sóng biển sẽ xóa đi chẳng để lại một vết tích gì.

Bao nhiêu thời gian, công sức, tiền của, tài năng, trí tuệ, nghị lực đều được dốc ra để đầu tư cho thân xác, cho cuộc sống tạm bợ đời này, để rồi kết cuộc đời người, theo như thi hào Nguyễn Du, chỉ còn là một nấm đất :
Trăm năm còn có gì đâu ?
Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì !

Chúa Giêsu đã phán :”Ai cứu mạng sống mình thì sẽ mất’(Mt 16,25; Mc 8,35; Lc 9,24); và cho dù người ta có thu tóm “được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì”(Mt 16,26, Lc 9,25).

Đầu tư hết vốn liếng và khả năng để bồi đắp cho thân xác và xây dựng cuộc sống đời này để rồi rốt cục chỉ còn là “một nấm có khâu” hay đơn giản hơn “một lọ tro tàn” thì kiếp người đúng là một tấm thảm kịch bi đát.

 

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm
Giáo xứ Kim phát – Đà lạt

Tin liên quan

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072