Hãy truyền bá kinh Mân Côi

 

 

Kinh Mân Côi không phải là kinh Lạy Cha, cũng không phải là kinh Kính Mừng và cũng không phải là kinh Sáng Danh. Càng không phải là sự lặp đi, lặp lại của những lời kinh trên. Cũng không phải là kinh để tôn sùng riêng Rất Thánh Mẹ Đồng Trinh, Vô Nhiễm Maria. Mà là một chuỗi lời kinh tổng hợp đẹp lòng Thiên Chúa nhất. Hay nói cách khác kinh Mân Côi là một chuỗi kinh đẹp lòng Đức Chúa Trời nhất. Hoàn hảo nhất trong mọi lời kinh.

Vâng! thưa quý vị, điều nầy không phải mới mẻ gì đối với người công giáo, càng không mới mẻ gì đối với hàng giáo sĩ và tu sĩ, cách riêng là với những dòng tu được đặc cách để sùng kính và truyền bá “KINH MÂN CÔI”, và hơn nữa điều nầy ai cũng biết. Vì sự bình dị, và sự phổ biến quá quen thuộc của lời kinh bình dân nhưng rất quan trọng trên.

Vì thế Kinh Mân Côi không phải là một sự đặc cách ngẫu nhiên cho dòng Đaminh, để bảo tồn, phát huy và truyền bá một cách có hiệu quả nhất.

Vâng! Kính thưa quý vị, kinh Mân Côi không phải là con đường duy nhất đưa đến sự sống vĩnh cửu, nhưng trên đường nên thánh không thể thiếu vắng “Kinh Mân Côi”. Kinh Mân Côi cũng không phải là “biết rồi khổ lắm nói mãi”. Nhưng kinh Mân côi là phương cách dễ dàng nhất, hiệu quả nhất cho việc trung tín với Lời Chúa, cho việc rao giảng Tin Mừng, như vậy có thể nói Kinh Mân Côi là nấc thang dẫn đến Nước Trời. Có vô số những dấu lạ, những ơn ích không thể kể hết đối với việc sùng kính kinh Mân Côi. Trong phạm vị bài chia sẻ nầy không thể nêu ra hết cũng như không dám múa rìu qua mắt thợ, nhưng chỉ xin là một hạt Mân Côi để tiếp nối trong sự nghiệp truuyền bá kinh Mân Côi.

Kinh Mân Côi, thường được nhắc nhớ trong tháng mười, vì tháng mười là tháng kế tiếp của tháng cuối cuả năm phụng vụ.

Kinh Mân Côi là một chuỗi các mầu nhiệm cứu chuộc của Thiên Chúa qua mầu nhiệm nhập thể và nhập thế của Chúa Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa. Là một lời Kinh mang cách thức nhắc nhớ, tưởng niệm mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa, nên chi, người ta thường nói: Kinh Mân Côi là cuốn Tin Mừng rút gọn. Quả vậy, chúng ta không thể nhớ và thuộc từng chữ trong Tin Mừng, nhưng qua Kinh Mân Côi, chúng ta nhớ lại những điểm nổi bật trong Tin Mừng, những sự kiện đáng ghi nhớ trong hành trình cứu độ của Thiên Chúa. Rồi đến, cứ mỗi lần suy tưởng đến một mầu nhiệm ấy, chúng ta cùng với Sứ Thần kính chào Đức Mẹ: “Kính mừng Maria, đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà…” , và cùng với Đức Mẹ thưa tiếng xin vâng (Fiat) lên cùng Thiên Chúa để đáp lời Sứ Thần. Vâng, chúng ta cứ làm như thế, để miệng đọc, lòng suy, trí gẫm những điều kỳ diệu và phi thường mà Thiên Chúa đã làm cho nhân loại, mà đại diện là Đức Trinh Nữ Maria.

Như thế, không phải là tuyệt diệu sao?! Điều ấy có nghĩa là: không phải Tin Mừng xa cách chúng ta, mà rất gần gũi, vì trong lúc ấy, chúng ta cùng đồng hành với Đức Mẹ, cùng bước theo Mẹ, cùng xin vâng với Mẹ và cùng ca ngợi những kỳ công của Thiên Chúa đối với nhân loại. Trong lúc ấy, chúng ta cùng hiện diện với Mẹ, cất lên bài ca ngợi khen Thiên Chúa (Magnificat) cùng Mẹ. Rồi trong hành trình tiếp theo, từ lúc khởi đầu mầu nhiệm “Truyền Tin”. Và Mẹ bắt đầu mang “Đấng Cứu Thế-Giêsu” trong cung lòng vẹn tuyền của Mẹ, để rồi Mẹ là người đầu tiên đem Đấng Cứu chuộc-Giêsu đến cho người khác. Nên chi, các thánh gọi Mẹ là người Truyền giáo đầu tiên.

Đến với tha nhân là đến với chính mình, vì Thiên Chúa đã đến với ta qua Đấng Cứu Thế Giêsu, qua Chúa Giêsu, chúng ta đến với người khác, thì có nghĩa là ta trở lại chính mình, vì ta tái xác định, Thiên Chúa đã đến với ta. Đó là ý nghĩa chia sẻ, bác ái mà Mẹ đã được soi dẫn khi có Chúa ở với Mẹ. Khi hạ mình khiêm nhường, Mẹ đã đón nhận lời Truyền Tin, là Mẹ đã đón nhận Ngôi Hai Thiên Chúa, chúng ta cùng học với Mẹ, cùng vui mừng với Mẹ, cùng lo lắng với Mẹ. Đây là trong tâm của vấn đề, vì Kinh Kính Mừng là lời chào và Truyền Tin Đấng Cứu Thế cho nhân loại. Đây là mầu nhiệm nhập thể của Đấng Cứu Thế, mầu nhiệm nầy, Sứ Thần đại diện cho Thiên Chúa , đồng thời thay thế cho nhân loại chúc mừng Mẹ và Con của Mẹ: “Kính Mừng Maria”, Mẹ và Con của Mẹ, đồng thời là Thiên Chúa nhập thể, là Đấng đầy ơn Phước.

Phần thứ hai của Kinh Kính Mừng là lời cầu xin của Giáo hội, giáo hội kêu cầu Mẹ, khẩn nài Danh Thánh Mẹ: “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời…”. Có nghĩa là Mẹ đã được diễm phúc làm Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Chúa Trời, thì còn gì mà Mẹ không làm được. Lúc nầy, chúng ta đồng hành với giáo hội khẩn nài Mẹ Thiên Chúa cho chúng ta. Một sự khẩn nài có cơ sở,một sự khẩn nài hợp lý, ngay lúc đó, chúng ta có được một trạng sư có thế giá cầu khẩn, bầu chữa cho chúng ta trước uy linh của Thiên Chúa, bênh vực cầu bàu cho chúng ta ngay giây phút hiện tại và nhất là trong giờ lâm chung. Theo đó, Kinh Kính Mừng và sự lập lại 10 lần của mỗi sự kiện cứu độ của Thiên Chúa qua Đức Mẹ, há không đẹp lòng Thiên Chúa hay sao?! Đi sâu vào tâm khảm , trí nhớ của chúng ta, tạo nên một tình cảm sâu xa và bền bỉ một cách liên lỉ như vậy, há không phải là một sự thánh thiện hay sao? Hỏi là trả lời, mong thay!

 

KINH MÂN CÔI VỚI HỌC THUYẾT ĐỨC MARIA

Tháng mười, có thể nói là tháng truyền giáo, vì có những đặc điểm như sau: Tháng Mân Côi, có thể nói Kinh Mân Côi là phương thức truyền giáo dễ hiểu, hiệu quả, đơn giản, dễ thực hành mọi lúc, mọi nơi, vì Kinh Mân Côi lối cầu nguyện dành cho mọi người. Vì vậy, có một Chúa nhật XXVII (TN) được dành kính trọng thể Lễ Đức Mẹ Mân Côi. Tiếp đến, là lễ kính thánh nữ Teresa Hài Đồng, bổn mạng công việc Truyền giáo. Rồi đến các thánh nổi danh như Phanxicô Assisi, thánh Teresa Avila, thánh Luca tác giả sách Tin Mừng và đặc biệt là ngày Khánh Nhật Truyền giáo 20/10. Như vậy, tháng 10 là Tháng Truyền Giáo thật chẳng sai.

Quả nhiên, tháng 10 không phải chỉ dành để tôn kính Đức Mẹ không thôi, mà là dành để cổ võ việc sùng kính Kinh Mân Côi. Vì việc cổ võ sùng kính Kinh Mân Côi, là việc cổ võ cho công cuộc rao giảng Tin Mừng. Vì công trình cứu chuộc của Thiên Chúa qua mầu nhiệm làm Người của Đức Giêsu-Kitô Con Thiên Chúa nhập thể và nhập thế, trở nên phàm nhân, ngoại trừ tội lỗi. Đây là nguyên lý căn bản, vì tội lỗi không thể xâm nhập vào Thiên Chúa được. Từ đó, ơn cứu độ của Thiên Chúa ban cho con người qua mầu nhiệm nhập thể và nhập thế, tử nạn và phục sinh của Đức Kitô là một ân sủng từ Thiên Chúa vô biên.

Theo đó, Kinh Mân Côi là một phương thức cầu nguyện cập nhật theo Tin Mừng, suy tôn và nhắc nhớ liên lỉ lời Sứ Thần truyền tin, mang thai Đấng Cứu Thế, mang Đấng cứu thế đến với nhân loại hạ sinh Con Thiên Chúa, làm tròn bổn phận người con hiếu thảo của Thiên Chúa (chu toàn lề luật) tình mẫu tử thất lạc và trùng phùng. Như vậy một chặng đường của một Tỳ Nữ vâng lời Sứ Thần cho đến viếng thăm người chị họ Elisabet, rồi sinh hạ Ngôi Hai trong hang đá. Thứ đến dâng Chúa Con vào Đền Thờ, rồi lạc mất Con trong ba ngày, rồi Thánh Gia trùng phùng. Há chẳng phải là một mầu nhiệm đáng suy tôn hay sao?

Một Ngôi Hai Thiên Chúa giáng sinh làm Người, một tỳ nữ được diễm phúc cưu mang Đấng Cứu Thế, Đấng mà cả đất trời và loài người mong đợi từ ngàn năm nầy qua ngàn năm khác đó sao?

Nên chi, cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi là cầu nguyện liên lỷ theo ý Chúa, chứ không phải là đọc kinh với Đức Mẹ và cho Đức Mẹ mà thôi. Vì Kinh Mân Côi, trước hết là chúc tụng Thiên Chúa vì những kỳ công của Ngài, thứ đến suy niệm liên lỉ những mầu nhiệm lạ lùng một cách chân thành và tín thác, có nghĩa là thành tín, đơn sơ. Rồi đến, sự cộng tác của Đức Mẹ vào công cuộc cứu chuộc của Thiên Chúa. Nhưng khởi điểm của công cuộc cứu chuộc, Thiên Chúa muốn con người cộng tác vào với Ngài, vì vậy Thiên Chúa đã kêu gọi một người thiếu nữ, người thiếu nữ ấy đơn sơ, nhưng thành tín, gồm no mọi nhân đức. Người thiếu nữ ấy đã trỗi vượt trên tất cả mọi người phụ nữ, vì vậy, Thiên Chúa đã chọn Mẹ, làm Mẹ Đấng cứu thế, một kỳ công vượt quá trí hiểu của con người. Và là một cớ vấp phạm cho nhiều người, nếu như không tin vào Lời của Thiên Chúa, người thiếu nữ ấy là Maria. Vâng! Ave Maria! Đầy ơn phước, Đức Chúa Trời ở cùng Bà. Amen.

P. Trần Đình Phan Tiến

Nguồn: Lam Hồng

Tin liên quan

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072