Hoa trái của lòng tin

 

francis-sultan.jpg

 

Hãy đổ rượu mới vào bầu da mới (x. Lc 5, 38). Trong bối cảnh lịch sử thời Trung Cổ, niềm tin các tín hữu không chỉ chịu tác động từ bên ngoài. Tin Mừng vẫn không ngừng thúc bách những con người thời đại, khởi từ những cảm hứng của Tin Mừng, góp phần xây dựng tòa nhà văn minh Trung Cổ đặc biệt về văn hóa nghệ thuật.

I. MẠCH NGẦM NIỀM TIN

Quả là thiếu sót nếu nghiên cứu niềm tin thời Trung Cổ, lại chỉ dựa vào những tổng luận đặc sắc của các nhà thần học. Các nhóm lạc giáo chứng tỏ đức tin Trung Cổ không thống nhất toàn vẹn. Đại chúng miền nông thôn thất học và các phong trào thị dân đã ảnh hưởng không ít đến cách diễn đạt niềm tin.

1,1. Ba đặc tính niềm tin Trung Cổ

a. Thiên Chúa toàn năng bị nhân hóa

Ảnh hưởng xã hội phong kiến và nông dân, Thiên Chúa dần dần được quan niệm như vị vua tối cao, mọi lãnh chúa trần gian chỉ là chư hầu của ngài. Lòng yêu mến Chúa ngày càng nhường chỗ cho sự kính sợ. Ngài kiểm soát, ngài ban phát niềm vui nỗi buổn, sự sống và sự chết. Thành công thất bại, đói kém hay dịch tể đều gán cho Ngài. Tích cực hơn, nhân tính Đức Kitô được quan tâm đặc biệt. Ngài là mẫu gương, là thủ lãnh, là hôn phu và là bằng hữu. Phong trào hành hương Thánh Địa và suy niệm cuộc khổ nạn ngày càng gia tăng.

b. Kitô hữu lý tưởng là đan sĩ

Vì tầm ảnh hưởng quá lớn và đời sống gương mẫu, các đan sĩ trở thành mẫu lý tưởng cho người tín hữu, Thánh Bênađô so sánh đời như biển rộng, ai vượt được biển mới được cứu. Theo ngài, các đan sĩ đi trên cầu khô ráo, hàng giáo sĩ dùng thuyền, còn những người có đôi bạn thì bơi tay, nên đa số chết đuối dọc đường. Danh mục các thánh thời này toàn các đan sĩ, giám mục và vài bà quí tộc góa đã kết thúc đời mình như một đan sĩ, kẻ không đi tu thì cố phỏng theo nếp sống nhà tu. (Vua Louis IX đọc kinh giữa đêm và đánh tội phạt xác). Đến lúc lìa trần, nhiều tín hữu mơ ước được mang áo dòng và được chôn trong đan viện.

c. Niềm tin trong đời sống

Nếu trước đây Kitô giáo đã thừa hưởng các sinh hoạt tôn giáo cũ gắn liền với thiên nhiên, thì nay năm phụng vụ vừa làm sống lại các mầu nhiệm cứu độ vừa liên kết với mùa màng tự nhiên. Nhịp sống của người dân gắn liền với mùa phụng vụ và các địa chỉ tôn giáo. Có nơi cộng 52 Chúa nhật với các lễ trọng là 107 ngày nghỉ (Oxford 1222). Các ngày lễ bị dân gian hóa : Buche Noel, Ông già Noel, việc nói dối lễ anh hài, lễ hội điên … Nhà thờ là trung tâm mỗi làng, là nơi trú ẩn lúc chiến tranh hoặc thiên tai. Các tín hữu tích cực với vị chủ chăn để đào hào đắp lũy, xây chợ búa và các đan viện.

Niềm tin đại chúng còn bộc lộ trong việc tôn kính thánh tích đến mức thái quá, kính riêng các thánh bổn mạng mùa màng, súc vật. Mỗi nghề nghiệp lại có bổn mạng với nhà thờ riêng.

Dựa vào các bản di chúc ta thấy các tín hữu mong lễ an táng long trọng và xin được nhiều lễ Misa. Họ yêu cầu bố thí cho người nghèo như cho Đức Kitô, mà họ coi là cách thánh hóa, lập công. Họ dành tiền xây bệnh viện và các trại cùi. Thực ra thời đó bệnh viện chỉ độ chục giường cho cả người nghèo và khách lỡ đường trọ.

1,2. Sinh hoạt tôn giáo

Vào thế kỷ XII, Giáo hội xác định dần về Bảy bí tích phân biệt với các phụ tích (nước phép, bỏ tro…) và cố đưa thành luật thống nhất trong khắp Giáo hội.

a/. Bảy Bí Tích :

Hầu như khắp nơi trẻ em được rửa tội trong vòng vài ngày bằng cách đổ nước (thay vì dìm) và bỏ dần việc cho trẻ rước lễ, việc rước lễ dưới hình rượu mất dần trong Thánh Lễ. Bí tích Thêm Sức dành riêng cho giám mục và chờ đến tuổi lớn.

Năm 1215, Công đồng Laterano IV đưa ra luật xưng tội rước lễ mỗi năm một lần mùa Phục Sinh tại giáo xứ mình. Bí tích hòa giải tiến đến hình thức hiện nay và quen gọi là xưng tội, với việc đền tội ấn định theo tội. Người sốt sắng cũng chỉ rước lễ đôi ba lần mỗi năm, vì lòng tôn kính cũng như hiểu biết giới hạn về Thánh Thể (Vua thánh Louis : 6 lần/năm). Vì ít hiểu Thánh Lễ bằng tiếng Latinh, đín hữu đi “xem lễ”, việc nâng cao Thánh Thể, đặt Mình Thánh chầu kính xuất hiện …

Hôn nhân trước đây không phân biệt nghi lễ đời và đạo, thì từ nay thẩm quyền Giáo hội xác định các ngăn trở và điều kiện “thành sự và hợp pháp” (valide et licite). Yếu tố chính của hôn nhân là sự ưng thuận. Nghi lễ cưới long trọng tùy địa phương. Các cô dâu chú rể, chẳng hiểu bao nhiêu các câu Latinh, nhưng phải đến nhà thờ rồi mới tiệc tùng linh đình.

b/. Việc huấn giáo

Thời này chưa có giáo lý viên đúng nghĩa. Các cộng đoàn có trách nhiệm truyền bá đức tin bằng miệng. Thường cha mẹ, người đỡ đầu dạy cho trẻ các kinh và các giới răn. Con số 7 được dùng làm khung dạy giáo lý, soạn thành các kinh, đọc vần như thơ : 7 tội đầu, 7 nhân đức, 7 ơn Thánh Thần, 7 Bí tích, Thương xác 7 mối …

Các bài giảng ngày chúa nhật và đại lễ góp phần huấn luyện người già lẫn trẻ. Việc giảng thuyết bằng ngôn ngữ bình dân có bước tiến dài trong thế kỷ XIII. Các đan sĩ và các Dòng Hành Khất cạnh tranh với các lạc giáo. Nhờ Dòng Đa Minh, việc giảng xưa dành riêng cho các giám mục, nay mở rộng cho tất cả các linh mục, tòa giảng được đưa xuống giữa nhà thờ, có nơi đặt giữa sân khi đông người. Thánh Đa Minh giảng cả nơi cối xay. Giảng viên dùng nhiều chuyện và thí dụ trong cuộc sống. Giáo hữu có thể nêu ý kiến, vỗ tay, phản đối hay tranh luận, còn giảng viên có thể đánh thức thính giả đang ngủ gật.

 

II. ĐÁP ỨNG NHU CẦU THỜI ĐẠI

Phong trào về nguồn Tin Mừng không nhất thiết đưa đến lạc giáo mà có thể gợi lên dạng tu trì mới : các dòng hành khất. Các dòng tu này nhạy bén với sự phát triển của lạc giáo, với phong trào thị dân và trí tuệ, đáp ứng nhu cầu loan báo Tin Mừng cho người thời đại.

2,1. Các Dòng Hành Khất

Không kể các cộng đoàn nhỏ, công đồng Lyon II (1274), xác định bốn Dòng Hành Khất chính là Phanxicô (1209), Đa Minh (1216), Carmelô (1228) và ẩn sĩ Augustino (1256). Hai dòng tu sau dần dần cũng theo cơ chế tổ chức của Dòng Đa Minh.

a/. Thánh Đa Minh (1170-1221) là linh mục Kinh sĩ đoàn Osma. Tại Languedoc, ngài chứng kiến sự thất bại của các đan sĩ uy nghi lộng lẫy trước nhóm lạc giáo Cathares sống khổ hạnh. Ngài liền cổ võ nếp sống nghèo và du thuyết. Dòng Thuyết Giáo tổ chức theo dân chủ bầu phiếu, các cộng đoàn linh mục sống tại thành phố, chuyên nghiên cứu, giảng thuyết phục vụ các nghiệp đoàn và dạy tại đại học. Các nữ đan sĩ Đa Minh được lập từ 1206.

b/. Thánh Phanxicô (1181-1226) là một tín hữu, năm 24 tuổi, đã từ bỏ giấc mơ hiệp sĩ và thương gia để tận hiến cho bà chúa nghèo. Anh đi sửa các nhà thờ, trả cho thân phụ đến mảnh áo cuối cùng rồi 12 bạn hữu đi giảng từ năm 1208. Thanh thoát, thơ mộng, chỉ sống theo luật Tin Mừng, nhưng ngài cũng chiều anh em để soạn tu luật 1221 và 1223 với tu viện và học viện gần giống với Dòng Đaminh. Các nữ đan sĩ Clara được lập từ 1212.

Ngay trong thế kỷ XIII các dòng Hành Khất đã đóng vai trò then chốt trong toàn Giáo hội. Số tu sĩ gia tăng nhanh (Phanxicô và Augustin lên 30.000, Đaminh 12.000) với nếp sống nghèo khó và chuyên chăm thần học, đã góp phần nâng cao hàng giáo sĩ về trí thức lẫn luân lý. Cũng trong một thế kỷ, dòng Hèn Mọn có 56 Giám mục, dòng Thuyết Giáo có 450. Ngoài ra, các Dòng hành khất còn là lực lượng quan trọng xây dựng Giáo hội thống nhất với các hoạt động tuyên úy, đại sứ và cố vấn cho các vị vua. Các tu sĩ hành khất đã tích cực ra đi truyền giáo và qua các đại học, đào tạo một lớp tín hữu mới có khả năng. Chúng ta cũng không thể quên đến lớp men Tin Mừng mới cho xã hội là các anh chị em dòng Ba Carmelo, Phanxicô và Đaminh được.

2,2. Con đường sứ vụ rộng mở

Bên cạnh những đạo binh Thánh Giá có nhiều vấn đề Giáo hội đã hoàn tất việc Phúc âm hóa các miền Âu-Châu . Esthonia có tòa Giám mục năm 1201 tại Riga. Nước Phổ có tòa Giám mục 1215 nhờ công cha dòng Xitô Christian Oliva. Vùng Lituania năm 1386 ông hoàng Jagelion đã rửa tội để cưới Nữ hoàng Ba Lan Hedwidgia.

Với anh em Hồi Giáo :

Thánh Phanxicô đã đến gặp Giáo chủ Ai Cập năm 1218, ngay giữa cuộc thánh chiến V. Raymond Lulle (Ofm, TBN +1315) chủ trương cảm hóa bằng tình yêu và sự hiểu biết. Thánh Raymondo (OP, +1275) đồng sáng lập Dòng “Đức Mẹ Chuộc Kẻ Làm Tôi”, khuyến khích mở trường cho các thừa sai học tiếng Ả Rập và sách Kinh Coran, để có thể đối thoại với người Hồi Giáo.

Tại Trung Hoa :

Năm 1248 và 1253, đức Innocente IV và vua Louis gửi hai phái đoàn do các Cha Plancarpin và Rubrouk dòng Phanxicô dẫn đầu đến gặp vua Mông Cổ, nhưng không thành công. Sau đó nhiều nhóm du thuyết Đaminh, Phanxicô kéo nhau đi giảng đạo tại Ba Tư, Ấn Độ và Trung Hoa.

Năm 1261 Vua Hốt Tất Liệt, qua trung gian cha và chú của Marco Polo, xin giáo triều gửi các thừa sai đến. Hai linh mục Đa Minh đã đi nhưng lâm bệnh phải trở về. Năm 1288, đức Nicolas IV cử cha Montecorvino (Ofm) đến Bắc Kinh. Ngài xây Thánh đường và rửa tội cả vạn người. Năm 1307 ngài được phong làm Tổng Giám mục Bắc Kinh. Năm 1333 số tín hữu đã lên đến cả 100.000. Thế nhưng khi nhà Minh (thay thế nhà Nguyên) ra lệnh cấm đạo từ năm 1368, thì Giáo hội Trung Hoa dần dần biến mất, phải chờ đến thế kỷ XVI.

2,3. Văn hóa đặt nền trên đức tin

a/. Nhu cầu văn hóa mới

Trong thời Man Dân việc học gần như chỉ phục vụ nhu cầu tôn giáo. Các xứ đạo dạy giáo lý, dạy đọc, viết, đếm và văn phạm ; các đan viện dạy Kinh Thánh, Giáo phụ và các bản chú giải ; các trường nhà thờ chính tòa thì đào tạo giáo sĩ triều.

Nhưng từ cuối thế kỷ XI, do nhu cầu thị dân, số người tìm học ngày càng tăng, nhiều giáo sư như Abélard đứng ra mở trường riêng. Các giáo sư và sinh viên liên kết với nhau tìm cách thoát khỏi vòng kiểm soát của hàng Giám mục. Họ đấu tranh để được dạy triết lý, Y khoa, Luật khoa, và đề ra những qui chế tự trị. Abélard (+1142) đề nghị phương pháp thần học dựa vào lý luận, phân tích những lý lẽ bênh và chống, làm nhiều người phải bối rối.

Thế là lần lượt các đại học ra đời : Paris (1200) Bolonia, Oxford, Toulouse, Napoli, Salamanca … Tính đến 1400 đã có 40 học viện hầu hết do sắc lệnh Tòa Thánh thiết lập dưới quyền tối cao của các Giáo hoàng. Tốt nghiệp các trường này, sinh viên được giảng dạy ở khắp nơi.

b/. Phái Kinh Viện Trung Cổ

Đặc trưng của phái Kinh Viện là lý trí và mạc khải đi đôi với nhau. Thể giá, đức tin và lý luận là ba yếu tố khám phá chân lý. Mọi vấn đề được tranh luận có biện chứng rồi tổng hợp thành hệ thống. Anselmo (+1109), Abélard (+1142), Lombardo (+1160) là những người khai phá tiến đến thời hoàng kim của các tiến sĩ Alexandro Hales (+1245), Bonaventura (+1274), Alberto (+1280) và nhất là Thomas Aquino (÷1274). Hơn bao giờ hết Giáo hội đảm nhận văn hóa thời đại.

Triết học Aristote được phổ biến rộng rãi thời này bị hàng giáo phẩm nghi ngờ, vì nhấn mạnh thế giới tự nhiên do quan sát thí nghiệm. Nó dường như phản lại thần học của thánh Augustino nhấn mạnh đến ân sủng và việc điều lãnh của Thiên Chúa. Thánh Alberto và Thomas được nhiều người coi là đã rửa tội cho triết học Aristote khi giải thích : Thiên Chúa sáng tạo nhưng Ngài để vạn vật tự biến chuyển theo bản tính. Siêu nhiên không phá đổ tự nhiên. Vinh dự của con người là vinh quang cho Tạo Hóa… Trong bộ “Tổng Luận Thần Học” thánh Thomas đưa ra một tổng hợp hòa điệu giữa kiến thức và Mạc khải. Mọi khám phá tìm tòi đều nhằm đến hạnh phúc tối hậu của con người. Triết lý bao gồm mọi khoa học đều phục vụ cho thần học.

Về sau nhiều đại học trở thành chuyên khoa. Môn Luật tại Bolonia, Y khoa ở Salermo, Văn chương ở Chartres, còn Triết và Thần Học ở Paris … Để giúp sinh viên, các đại học tặng học bổng, mở lưu xá, thư viện và quán ăn. Lưu xá nồi tiếng nhất do vị tuyên úy vua Louis là Sorbon thành lập năm 1257.

2,4. Nghệ thuật Trung Cổ

a/. Sân khấu tôn giáo

Niềm tin các tín hữu Trung Cổ còn được diễn tả qua nghệ thuật sân khấu. Nhiều xen trong Kinh Thánh được kịch hóa : chia vai, hóa trang và diễn cách sốt sắng trong nhà thờ, ngoài thảm cỏ hoặc ngay giữa phố xá như Giáng Sinh, Ba Vua, Phục Sinh, Emmaus … Ngoài ra còn có nhiều vở kịch ghi lại phép lạ, sự can thiệp của các thánh. Kịch “Phép lạ Théophile” kể về một giáo sĩ ký hợp đồng với ma quỉ để được giàu có, sau xin Đức Maria cứu thoát khỏi nanh vuốt của chúng. Nhiều kịch bản dài, cầu kỳ và nhiều vai như kịch Thương Khó. Tiếc rằng hầu hết đã thất truyền.

b/. Kinh Thánh ghi trên đá

Kiến trúc Roman (X-XII) phát xuất từ các đan viện, với kỹ thuật đá vữa còn thô sơ. Cao từ 8-20m, ít cửa vì sợ sụp đổ, nên thường tối, thiếu ánh sáng. Nay bước qua thời thị dân, kiến trúc Gothic phản ánh sự phát triển của thủ công nghệ. Cao từ 38-42 mét, với cửa kính tròn và lớn, vòm mái có múi, nhiều cửa sổ và thanh thoát về không gian. Glaber một sử gia đương thời nói về việc xây nhà thờ nhiều đến độ “thế giới trút bỏ y phục cũ kỹ để mặc tấm áo trắng mới các nhà thờ” (Histoire III, 4).

Kỹ thuật về kiếng màu, điêu khắc, đắp tượng cũng phát triển. Các hình chạm trổ, kiếng màu và tranh tượng được ví như người giáo lý viên trung thành nhắc nhở từng giai đoạn Thánh Kinh, các mầu nhiệm đức tin, các nhân đức và nết xấu. Qua gạch đá, nghệ nhân nói lên những khắc khoải và hy vọng của tín hữu đương thời : mong chờ Thiên Đàng và sợ Hỏa ngục với những quỉ thần và phù thủy. Qua các hình ảnh trang hoàng giáo đường này, ta có thể hiểu được những bận tâm của con người, biết đến y phục, nghề nghiệp và cả những giải trí của thời đại.

 

TOÁT YẾU

 

1/. Mạch ngầm niềm tin :

Thời Trung Cổ : niềm tin của đại chúng bao trùm tất cả mọi sinh hoạt trong đời sống. Thiên Chúa được tôn kính như Đấng Toàn Năng, các buổi lễ được dân gian hóa, người tín hữu càng giống các đan sĩ càng được coi là đạo đức.

Về sinh hoạt Giáo hội : Bảy Bí Tích được xác định, giáo lý được dạy truyền khẩu và được bổ sung bằng các bài giảng gần gũi với cuộc sống.

2/. Đáp ứng nhu cầu thời đại :

Trước phong trào thị dân và đại học thời Trung Cổ, xuất hiện các Dòng hành khất như Đa Minh, Phanxicô, Carmelo, Ẩn sĩ Augustin … Những giảng viên di động, loan báo Tin Mừng bằng đời sống nghèo.

Những Dòng tu này là thành phần nòng cốt cho Giáo hội phổ quát : đảm nhận vai trò trí thức trong các đại học, đáp ứng nhu cầu triết học đương thời và tích cực ra đi đến những nơi xa xôi để truyền đạo. Những vùng còn lại của Âu Châu như Esthonia, Phổ, Lithuania đón nhận Tin Mừng; nhiều nỗ lực tiếp xúc với anh em Hồi Giáo và đường sứ vụ đã mở rộng đến tận đất Trung Hoa.

Về văn hóa, kinh viện học phái ra đời, nối kết hòa điệu kiến thức với mạc khải, nổi tiếng nhất là Thánh Bonaventura và Thánh Thomas. Về nghệ thuật Trung Cổ, tất cả đều được gợi hứng từ tôn giáo : từ kịch nghệ, thủ công nghiệp, tiến đến kiến trúc Gôthic là nghệ thuật của các thành phố, làm nồi bật sự cân đối hài hòa trong thế kỷ XIII.

CÂU HỎI
1. Nhận định về ba đặc tính niềm tin Trung Cổ ?
2. Biến chuyển của việc giảng thuyết thế kỷ XIII ?
3. Tại sao các Dòng Hành Khất có vai trò quan trọng trong Giáo hội Trung Cổ ?
4. Giáo hội Trung Hoa thế kỷ XIII ?
5. Đặc trưng phái Kinh Viện ?
6. Tôn giáo là cảm hứng lớn nhất của nghệ thuật ? Đúng hay sai ?
(kể cả Phật Giáo, Chính Thống).

 

BÀI ĐỌC THÊM

 

TIẾN HOÁ CỦA BÍ TÍCH GIẢI TỘI

Từ thế kỉ VI, do ảnh hưởng của các đan sĩ Ái Nhĩ Lan, người ta xưng tội riêng và nhiều lần trong đời.

* Một số định mức thế kỉ VII-VIII của Gm Beda miền Grand Bretagne

Chúng tôi yêu cầu các linh mục học những định mức sau, nhưng cần lưu ý cẩn thận đến tình trạng từng hối nhân, phái tính, tuổi tác và điều kiện xã hội ; lưu ý tâm trạng trước khi phán định hợp thời đúng lúc … Kẻ giết đan sĩ hoặc giáo sĩ, phải bỏ vũ khí để phục vụ Thiên Chúa với bảy năm sám hối. Giết một tín hữu vì giận dữ hay tham vọng, bốn năm sám hối. Binh lính giết người trong cuộc chiến, 40 ngày chay… Kẻ say đến nôn mửa : linh mục hay phó tế, giữ chay 40 ngày ; tu sĩ 30 ngày ; giáo dân 12 ngày.

* Các dạng xưng thú tkỷ XI, Gm Lanfranc Cantobéry +1089

Phải xưng thú tội kín với giáo sĩ các cấp. Riêng tội công khai phải xưng tội với linh mục, vì giáo hội trao cho các vị quyền buộc và tháo cởi . Nếu không gặp giáo sĩ dù thuộc cấp nào để xưng tội, hãy tìm những người công chính (…). Một người trong sạch có thể thanh sạch hóa người tội lỗi nếu vắng giáo sĩ (…) Và khi không có ai xứng để xưng tội, cũng đừng thất vọng vì các giáo phụ (như Gioan Kim Khẩu,Cassiano, Ambrosio) đều nói xưng tội với Chúa là đủ rồi.

NB. Công thức linh mục : Tôi tha tội cho anh ; Công thức người giáo dân : Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót anh…

* Luật buộc xưng tội rước lễ – Công đồng Latran I, 1213

Tất cả các tín hữu nam nữ trưởng thành, phải xưng thứ cách chân thành mọi tội mình với cha xứ, ít là một lần trong năm. Phải hết sức chu toàn cẩn thận việc đền tội do ngài đề ra và rước lễ trong mùa phục sinh. Trừ trường hợp theo ý cha sở, với lý do chính đáng xét thấy phải khoan giãn. Còn ngược lại,họ sẽ bị cấm vào nhà thờ khi còn sống và cấm an táng theo nghi thức tôn giáo khi đã chết.
(JC. Để đọc LSGH I,p 153)

 

NIỀM TIN BÌNH DÂN

* Tiến đến mê tín

Thời này ta thấy nhiều thứ “thánh tích” đáng nghi ngờ như : miếng bọt bể Chúa uống dấm chua trên thánh giá ; Tã hài nhi Giêsu, Thúng chứa bánh sau phép lạ xưa ; mổ hôi Chúa trong vườn cây dầu; răng Chúa Giêsu để chữa bệnh ; Rồi gậy của Maisen, hài cốt ba vua…

* Thánh bổn mạng theo nghề nghiệp

– Nghề mộc : thánh Giuse
– Nghề nông : thánh Médard
– Hiệp sĩ : Thánh Georges
– Bán thịt : Thánh Bartolomeo
– Chủ quán : Matta
– Thợ săn : Hubert
– Ca sĩ : Thánh Gregorio
– Nghề rèn dao : Gioan Tẩy Giả
– Làm bếp : Thánh Laurenso …

* Mỗi thánh chuyên một bệnh

1. Đau răng khấn thánh Apoline
2. Phỏng, đau ngực khấn Thánh Agata
3. Hóc xương khấn thánh Blasio
4. Dịch tả chạy đến thánh Roch
5. Phong thấp thì cầu thánh Antonin
6. Bệnh bí tiểu đã có thánh Damiano …

 

DÒNG CARMELO

Do thánh Berthold (+1195) và một số vị đến ẩn tu tại núi Carmel, Đông phương, núi xưa Elia được đưa về trời trên xe lửa. Khi Giêrusalem bị tái chiếm, cộng đoàn Carmelo di chuyển về Tây phương. Thánh Simon Stock (+1268) viết tu luật.

Ngành nữ Carmel do Gioan Soreth lập năm 1452.

Ngày nay các cộng đoàn Cát Minh thường bắt nguồn từ cuộc cải tổ của thánh Têrêsa Tiến sĩ và thánh Gioan Thánh Giá.

 

TÔN CHỈ DÒNG ĐAMINH

Trong Hiến Pháp nền tảng dòng Đaminh đã mô tả nếp sống theo gương các tông đồ mà thánh Đaminh hằng ấp ủ gồm năm yếu tố

l) Sống cộng đoàn huynh đệ
2) Trung tín sống ba lời khuyên Phúc âm
3) Sốt sắng cử hành phụng vụ chung
4) Chuyên cần học hỏi
5) Sống kỷ luật và nề nếp đan viện

Tất cả để chuẩn bị và hướng tới hoạt động tông đồ thuyết giáo

Như thế, người tu sĩ Đaminh hòa hợp nơi nếp sống mình ba nếp sống : đan sĩ, kinh sĩ và tông đồ. Chìm lắng trong kinh nguyện và cộng đoàn nhưng lại mở rộng cánh cửa ra thế giới bao la, họ tổng hợp hai châm ngôn tưởng như trái ngược là chiêm niệm và hoạt động. “Contemplari et contemplata aliis tradere”

Với nếp sống dân chủ đầu phiếu, chính cộng đoàn sẽ quyết định về tổ chức và thời biểu tu viện. Và để nối kết được hai truyền thống đan tu và tông đồ, thánh Đaminh đã đề ra luật “Chuẩn Miễn” vì lý do học hành và để phục vụ lợi ích các linh hồn.

 

DI CHÚC CỦA THÁNH PHANXICÔ – 1226

Chúa đã đưa Phanxicô tôi đi vào cuộc sám hối. Lúc tôi còn là người tội lỗi, tôi vô cùng sợ hãi khi thấy một người cùi. Nhưng chính Chúa dẫn tôi đến với họ và cho lòng tôi cảm thương họ. Ở gần bên họ trước với tôi là điều sợ hãi, nay biến thành niềm vui dịu ngọt trong tâm hồn và trong thể xác (…)

Sau khi Chúa trao nhiều anh em cho tôi, không ai bảo tôi phải làm gì, chính đấng tối cao mạc khải cho tôi biết phải sống tin mừng thế nào.Và tôi đã viết một số lời đơn giản được đức thánh cha châu phê. Và tất cả những ai đến chung sống, họ sẽ trao cho người nghèo tất cả những gì họ có thể có ; họ chỉ giữ lại cho mình một áo dài, một số quần và một giây lưng. Chúng ta không muốn có gì hơn nữa. Ai là giáo sĩ thì nguyện thần vụ như những giáo sĩ khác, ai là giáo dân thì đọc kinh Lạy Cha. Chúng ta sẵn lòng tá túc nơi các nhà thờ. Không học, chúng ta sẽ vâng phục mọi người(…)

Chớ gì anh em đừng nói “Đây là một tu luật khác”, còn đó chỉ là kỉ niệm là lời dặn dò, khuyến thiện. Vì, di chúc của tôi, Phanxico nhỏ bé, được viết cho anh em những tu sĩ được chúc phúc, để anh em tuân giữ cặn kẽ những gì chúng ta đã hứa với Chúa.Chớ gì các vị tổng phụ trách , vì đức vâng lời, đừng thêm bớt gì vào những lời này.
(Phanxico d’Assisi, Écrits Sources Chrét. p.205t.
JC. Để đọc LSGH I,p 171)

 

LÁ THƯ TỪ BẮC KINH (08-01-1305)

Con là tu sĩ Montecorvino, dòng Anh Em Hèn Mọn, năm 1291 đã rời Tauris Batư để đến Ấn Độ. Con đã dừng chân tại giáo hội của thánh Tôma này 13 tháng và rửa tội được độ 100 người … Tiếp tục hành trình, con đến Cathay, vương quốc của hoàng đế Tartare quen gọi là Đại Hãn. Con trình lên hoàng đế thư của đức thánh cha và giảng về luật Chúa Giêsu Kitô, và đã ở lại đây 12 năm (…)

Lạc lõng nơi xa xôi này, suốt 11 năm con không được xưng tội cho đến khi gặp cha Arnold, tỉnh dòng Cologne, Đức. Cách đây 6 năm con đã xây một nhà thờ với tháp ba chuông, và đã rửa tội được 6000 (…). Một ông hoàng trong vùng trước theo Nestorio, đã liên kết với con trong chân lý đức tin đích thật. Ông đã lãnh các chức nhỏ và giúp lễ cho con (…).

Con đã hứa với ông hoàng, sẽ dịch toàn bộ phụng vụ Latinh, để khắp đất nước ông, sẽ cử hành thánh lễ nghi lễ Latinh bằng ngôn ngữ và chữ viết của quê hương ông, kể cả phần dâng lễ vật và phần lễ quy…
(JC, Để đọc LSGH I, p 165)

 

LÝ LUẬN VÀ ĐỨC TIN

Đan sĩ Honorio d’Autun phát biểu :

“Chỉ có chân lý chứng minh bằng lý trí mới có giá trị. Điều mà quyền bính dạy ta, lý trí xác định qua những bằng chứng. Điều Kinh Thánh nêu lên rõ rệt, lý trí sẽ minh chứng : dù tất cả các thiên thần cứ ở trên trời , thì con người vẫn được sáng tạo. Vì thế giới được dựng nên cho con người, và qua thế giới, tôi thấy trời đất, vạn vật trong vũ trụ. Lưu đầy của con người là vô minh; quê hương của con người là khoa học. – (JC Để đọc LSGH I,p 157)

 

ĐỨC GREGORIO IX CÔNG NHẬN ĐẠI HỌC PARIS

Paris, Mẹ các khoa học, với tiếng tăm rạng rỡ, do kẻ học cũng như người dạy. Nơi đây người ta chuẩn bị cho đội quân Đức Kitô áo giáp đức tin, thanh gươm lý trí và các vũ khí khác để vang lên lời ngợi ca Đức Kitô …

Ta ban quyền cho các thày dạy và các sinh viên được lập ra các quy luật đúng đắn về phương pháp và thời biểu các môn học, các buổi tranh luận ; Về việc qui định ai dạy môn gì, vào giờ nào và chọn tác giả nào ; Về việc ấn định mức học phí và quyền loại những kẻ chống lại những quy luật ấy.

Nếu vì một lý do nào đó, chư huynh bị mất quyền ấn định học phí hoặc bị xúc phạm gây thiệt hại nặng, chư huynh được quyền ngưng các lớp học cho đến khi được đền bù cách xứng đáng.
(JC Để đọc LSGH I,p 158)

 

TRÀO LƯU THẦN HỌC THẾ KỶ XIII
Thế giới Aristote là thế giới tự nhiên dựa vào quan sát và lý luận. Thượng đế sáng tạo nhưng sau đó vũ trụ tự chuyển động. Do đó, nhiều người e ngại sẽ trái với niềm tin về Chúa sáng tạo và quan phòng . Do ảnh hưởng quan niệm Augustino-Platon, thần học bấy giờ thường nhấn mạnh con người trong ý niệm của Thiên Chúa, tách rời hồn và xác, để cổ võ sống hoàn thành ý niệm về mình đã có nơi Thiên Chúa.
– Aristote gần như nói con người độc lập

– Augustino gần như con người hoàn toàn để Chúa tác động – Alberto và Thomas khẳng định con người là nguyên nhân đệ nhị. Với khả năng Chúa ban, vạn vật hành động theo bản tính. Vinh quang con người là vinh quang cho tạo hóa.

 

XÂY THÁNH ĐƯỜNG THẾ KỈ XI

Vào năm thứ ba sau năm 1000, người ta thấy khắp nơi trên địa cầu, nhất là ở Ý và Pháp xây dựng lại các thánh đường ; dù nhiều ngôi thánh đường còn kiên cố chưa cần sửa chữa. Các cộng đoàn ki tô thi đua nhau để có một thánh đường nguy nga và tráng lệ hơn thánh đường chung quanh. Người ta nói rằng thế giới đã trút bỏ lớp áo cũ kỹ để mặc lấy tấm áo trắng mới nhờ các nhà thờ. Thế là tất cả các nhà thờ, từ chính tòa đến đan viện, đến những nhà nguyện nhỏ của mỗi làng, đều được các tín hữu xây dựng lại cho đẹp hơn.
(Glaber +1050, Histoire III,4 – JC. Để đọc LSGH I,p 158)

 

DÂN MANS XÂY THÁNH ĐƯỜNG

Sau lễ phục sinh, toàn thể dân Mans đủ hạng đủ phái đủ tuổi đã có mặ tại nhà thờ. Họ đào bới dọn dẹp. Có những bà quí phái khênh cát bằng áo đẹp và khăn choàng sặc sỡ. Có người lấy làm thích thú vì áo mình lấm bụi đất cho nhà thờ.

Có bà chuyển cát bằng tã đứa con còn bú để chúng được dự phần vào việc của Chúa. Trong khi các anh chị chúng khoẻ mạnh hơn, thì vác những cây cột hoặc tảng đá lớn. Dân chúng tỏ ra hăng say, nhiệt thành, tin tưởng đến nỗi ai thấy cũng phải thán phục. Chứng kiến sự nhiệt thành như thế , người ta khó cầm được nước mắt.

Để biểu lộ ánh sáng trong tâm hồn, người ta quyết định phân công cho mỗi nhóm theo nghề dâng những cây nến to theo khả năng để đốt trong những ngày đại lễ. Một số chủ vườn nho nới với nhau : “Bọn họ chỉ tạo được thứ ánh sáng tạm bợ. Chúng ta hãy cho ráp những tấm kiếng màu để chiếu sáng khắp thánh đường trong tương lai”.
(Latouche, Le film de l’histoire p350 – JC Để đọc LSGH I,p 159)

 

TÌM RA THÁNH TÍCH

Như chúng tôi đã kể về một thế giới mặc lớp áo trắng mới các nhà thờ, thì đến lúc, vào năm thứ tám sau 1000 năm Chúa Giáng sinh, có nhiều dấu chỉ giúp tìm ra từ các nơi bí mật, vô số di tích của các thánh (…). Được biết những khám phá này khởi sự từ một thành xứ Gaule , là thành Sens,trong nhà thờ thánh Stephano tử đạo. Khi đó tổng giám mục thành này là Lierri,tìm ra được nhiều thánh tích, trong đó, theo như người ta kể, có một phần cây gậy của Maisen.

Nghe tin về khám phá này, vô vàn tín hữu không những ở xứ Gaule mà còn từ khắp đất Ý và các vùng bên kia biển, đã tuốn đến. Không hiếm những trường hợp bệnh nhân được chữa lành nhờ lời chuyển cầu của các thánh. Nhưng như vẫn thường xảy ra, điều ban đầu có ích lợi cho con người, nay bị sự tham lam tội lỗi biến nó thành dịp sa ngã. Thành phố này, như chúng tôi đã kể, vì được nhiều người đến viếng, đã thu hút được vô số của cải nhờ lòng sùng tín.
(Glaber, Les Histoires III, 6 – JC Để đọc LSGH I,155)

 

 

(JC. Để đọc LSGH I, p 91) Lm Phanxicô Xaviê Ðào Trung Hiệu OP
Hiệu đính tháng 9/2006

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072