Họp báo giới thiệu Sứ điệp Ngày Hoà bình Thế giới lần thứ 48
Sáng thứ Tư 10-12, tại Phòng Báo chí Toà Thánh đã diễn ra họp báo giới thiệu sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Hoà bình Thế giới lần thứ 48 (01-01-2015). Chủ trì cuộc họp báo có Đức hồng y Kodwo Appiah Turkson, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh Công lý và Hoà bình; Đức Tổng giám mục Mario Toso, S.D.B., Tổng thư ký; ông Vittorio V. Alberti, nhân viên Hội đồng này; và nữ tu Gabriella Bottani, nhà thừa sai tham gia cuộc chiến chống nạn buôn người.
Đức hồng y Turkson cho biết, chủ đề của sứ điệp năm nay –“Không còn là nô lệ, nhưng là anh chị em”– không giới hạn vào nguồn mạch của hoà bình, nhưng đề cập đến các phương thế giữa các cá nhân để đạt được hoà bình. Vì thế phải cổ vũ hành động biến sự lệ thuộc và nô lệ, sự phủ nhận nhân phẩm của người khác hoặc phủ nhận tình huynh đệ giữa mọi người thành những quan hệ xã hội. “Đối với các Kitô hữu, đây là một tiến trình hoán cải nhằm xem người khác không phải như một kẻ thù phải chống lại hay một hữu thể thấp kém để khai thác, nhưng như một người anh em để yêu thương và giải thoát họ khỏi xiềng xích”.
Nhắc lại thư của thánh Phaolô gửi Philêmôn, Đức Thánh Cha nói rằng trong kế hoạch của Thiên Chúa dành cho nhân loại, không có chỗ cho việc nô lệ hoá người khác. Vì Thiên Chúa kêu gọi mọi con cái mình đổi mới các tương quan trong sự tôn trọng, theo hình ảnh của Ngài và vui hưởng phẩm giá dành cho mọi người, với xác tín rằng Tin Mừng có thể hồi phục con người ở nơi tội lỗi ngập tràn…
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, ngày nay chế độ nô lệ kiểu mới vẫn còn là một tai họa ở khắp nơi, cả trong ngành du lịch. Tội ác chống lại nhân loại này ẩn sau những tập quán cố hữu… sau những cánh cửa đóng kín hoặc trên đường phố, trong các nhà máy và các văn phòng, ở thành phố và nông thôn… và càng ngày càng trầm trọng… Nạn khai thác và chế độ nô lệ là những dấu hiệu của sự đổ vỡ tình huynh đệ và khước từ hiệp thông … Trong năm nay là năm dành cho gia đình… chúng ta không được để cho gia đình trở thành nơi phản bội và thao túng sự sống … Phải huy động toàn thế giới… trong gia đình, trường học và các giáo xứ, tất cả các tổ chức công cộng và tư nhân để loại bỏ … vết thương này.
Về phần mình, khi loan báo Tin mừng giải thoát tội lỗi, Giáo hội kêu gọi chống lại tội lỗi qua những hành động đơn giản hằng ngày, biểu lộ sự quan tâm và tôn trọng người khác. Đó cũng là làm chứng cho tính siêu việt, như Thánh Josephine Bakhita đã làm; người nô lệ Sudan này là biểu tượng của sự giải thoát của con cái Thiên Chúa.
“Chúng ta phải cùng nhau làm việc và đấu tranh cho đến khi nạn nhân cuối cùng của nạn nô lệ được giải thoát. Không ai được cứu thoát mà không nhờ đến người khác, mà không cần có nhân loại và thụ tạo. Như thánh Phaolô đã nói, phải nóng lòng chờ đợi Con Thiên Chúa mặc khải và hy vọng vào Đấng đã giải thoát khỏi sự trói buộc của hư nát, để được tự do vào trong vinh quang của Chúa Cha”.
(Nguồn: WHĐ – Theo VIS)