Khủng bố Hồi Giáo làm nổ tung nhiều nhà thờ Kitô Giáo và Hồi Giáo Shiite tại Iraq

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin tức từ thành phố Mosul, Iraq cho biết quân khủng bố Hồi Giáo Sunni đang diễn lại những gì đã xảy ra khi bọn khủng bố Taliban cho giật sập tượng Phật ở A Phú Hãn. Trong vài ngày qua, chúng đã cho đặt bom nổ tung nhiều nhà thờ Công Giáo nghi lễ Chanđê và cả những đền thờ Hồi Giáo Shiite.

Quân khủng bố Hồi Giáo trong cái gọi là Nhà Nước Hồi Giáo tại Iraq và Syria (ISIS) (là những người theo Hồi Giáo Sunni) đã chiếm được Mosul một tháng trước đây, đêm thứ Hai 9 tháng 6 rạng ngày thứ ba, các chiến binh Hồi Giáo cực đoan lần lượt chiếm được sân bay Mosul, đài truyền hình và văn phòng thống đốc, phá các nhà tù và giải thoát hơn 1,000 tù nhân.

Cảnh sát và binh lính bỏ chạy chứ không chống cự. Các chiến binh Hồi Giáo tiếp thu thành phố dễ dàng như vào chốn không người.

Đức Tổng Giám Mục Emil Shimoun Nona của Công Giáo nghi lễ Chanđê nói với thông tấn xã Công Giáo Fides là hầu hết những người Công Giáo trong vùng đã chạy thoát khỏi khu vực này. Tuy nhiên, hôm thứ Ba 1 tháng 7, hai nữ tu và một giáo dân đã bị quân khủng bố ISIS bắt.

Quân khủng bố ISIS đã đốt phá nhiều nhà thờ Công Giáo. Tuy nhiên, trong những ngày qua khi quân chính phủ tái chiếm được một vài thị trấn gần Tirik, là quê hương của Saddam Hussein, ISIS đã cho nổ tung nhiều đền thờ Hồi Giáo Shiite.

Muhammad đã sáng lập ra đạo Hồi vào năm 620 sau Chúa Giáng Sinh. Khi ông qua đời vào năm 632, vấn đề ai là người kế vị Muhammad trong vai trò “Đấng Thống Lĩnh Các Tín Đồ” – mà từ chuyên môn của Hồi Giáo gọi là Caliph, phát âm là /keɪlɪf/ đã gây ra chia rẽ trong người Hồi Giáo. Những người Hồi Giáo Shiite, phát âm là /ʃiːaɪt/, cho rằng chỉ những người là hậu duệ trực tiếp với Muhammad như Ali bin Abu Talib, là con rể và cũng là người con cô cậu với Muhammad, mới xứng đáng kế vị Muhammad.

Trong khi đó, những người Hồi Giáo Sunni chủ trương rằng chức vụ “Đấng Thống Lĩnh Các Tín Đồ” có thể được bầu lên, không cần phải có huyết thống với Muhammad.

Vì thế, Abu Bakr, cha vợ của Muhammad là “Đấng Thống Lĩnh Các Tín Đồ” đầu tiên kế vị Muhammad, và sau đó là Umar ibn al-Khattab, “một người dưng nước lạnh” hoàn toàn không có chút huyết thống nào với Muhammad là người Caliph thứ hai.

Ali bin Abu Talib cuối cùng cũng được làm “Đấng Thống Lĩnh Các Tín Đồ” thứ Tư, nhưng ít lâu sau ông bị ám sát chết. Con trai ông là al-Hussein cũng bị tàn sát cùng với các thủ hạ tại Karbala, một thành phố lớn của Iraq.

Tuy cùng tuân giữ 5 cột trụ của Hồi Giáo là: Tin vào một Thiên Chúa duy nhất, cầu nguyện hằng ngày, chay tịnh, làm phúc bố thí, và hajj – tức là hành hương đến thánh địa Mecca, hai hệ phái Sunni và Shiite tàn sát lẫn nhau.

Trong vùng Trung Đông, Iran được kể là quốc gia may mắn. Đất nước này có 95% dân theo Hồi Giáo Shiite. Tranh chấp giữa hai hệ phái chưa có cơ hội dẫn đến bạo lực. Nhưng tại nước láng giềng Iraq nơi 65% theo Hồi Giáo Shiite và hơn 30% theo Hồi Giáo Sunni, bạo lực giữa hai bên đã dẫn đến hàng loạt các cuộc ám sát và bạo loạn trong lịch sử.

Syria là một quốc gia đa số người Sunni, nhưng chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad là một đồng minh thân cận của người Shiite chiếm ưu thế ở Iran. Bashar al-Assad là người Hồi Giáo Alawite (nghĩa là những người theo Ali bin Abu Talib), thường được xem là một nhánh của Hồi Giáo Shiite.

Người Hồi Giáo Sunni chiếm khoảng 85 phần trăm người Hồi giáo trên thế giới (bao gồm cả đại đa số người Hồi giáo ở Mỹ).

 

Nguồn: vietcatholic.net

 

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072