Khủng hoảng trong đời sống gia đình
TÌNH YÊU HÔN NHÂN ĐANG BỊ ĐE DỌA.
Đức thánh cha Gioan Phaolô II, nhân dịp viếng thăm Mexico tháng 5.1990 đã nói về gia đình như sau: “Tình yêu trong thế giới ngày nay đang bị đe dọa bằng nhiều cách và tình yêu gia đình đang bị lu mờ dần dần.” Để sửa lại tình trạng này, Ngài nói đến sự cao cả và trách nhiệm của gia đình. Gia đình là một cộng đồng đầu tiên của sự sống và tình yêu. Gia đình là một môi trường đầu tiên nơi con người học yêu mến và cảm thấy được mến yêu. Không những bởi người khác mà còn bởi chính Thiên Chúa nữa. ĐTC kêu gọi như sau: “Vi thế, hỡi các cha mẹ Công Giáo, bổn phận của anh chị em là xây dựng và gìn giữ tổ ấm này, trong đó con cái anh chị em được sinh ra và lớn lên trong phẩm giá làm con T.C. Nhưng tình yêu của anh chị em chỉ có thể nói về T.C cho con cái của anh chị em, nếu trước hết anh chị em được sống trong sự thánh thiện và trong việc tận hiến hoàn toàn cho nhau trong hôn nhân.”
Đề cập đến vấn đề hôn nhân ĐTC nói như sau:
“Hôn nhân Công Giáo trước hết đòi hỏi trung thành trong tình yêu và quảng đại tận hiến cho nhau, đồng thời hôn nhân đòi hỏi nhận ơn của sự sống. Vì thế, hỡi các đôi bạn đang nghe tôi nói: nếu trong sự phối hợp hôn nhân người ta dùng kỷ thuật nhân tạo để loại khả năng thụ thai thì đôi bạn đi ngược lại với T.C và thánh ý của Ngài. Hơn nữa người chồng và người vợ đóng kín đối với nhau, vì họ từ chối việc tận hiến cho nhau trong chức vụ làm cha làm mẹ, để họ biến việc tác hợp hôn nhân thành một việc thỏa mãn ích kỷ của mình.”
NHỮNG THỬ THÁCH TRONG ĐỜI HÔN NHÂN.
Tất cả những cái tốt đẹp trong đời sống đều đòi hỏi phải làm việc, nghị lực và hy sinh, không có gì cao đẹp bằng tình yêu, nhưng có lẽ cũng không có gì mong manh bằng tình yêu. Bởi vì một khi lập gia đình, có nghĩa là đặt cả cuộc đời của mình vào một người và con người đó cũng giống như mình nghĩa là cũng yếu đuối, mỏng dòn, cũng có thể làm mồi cho không biết bao nhiêu sóng gió trong cuộc đời. Những khó khăn trong cuộc sống hôn nhân đến từ một sự kiện mà người ta không thể tránh nó được, đó là sự khác biệt về cá tính, sở thích, về não trạng và về cả niềm tin tôn giáo nữa.
Thêm vào đó, còn có những yếu tố khác như nghèo túng, thất nghiệp, bất ổn về kinh tế, bệnh hoạn hay cái chết của một người thân và những hiểu lầm của họ hàng của cả hai bên, hoặc của những người thân thuộc nhất. Người ta còn nói đến nhiều sự thử thách khác nữa trong đời sống hôn nhân. Nó như một định mệnh không thể lẩn trốn được. Người ta nói rằng: cứ sau 7 năm hoặc cùng lắm 10 năm thành hôn với nhau, thế nào vợ chồng cũng gặp khủng hoảng. Cái căn rễ của sự khoảng ấy là sự kiện rất thông thường, đó chính là sau một thời gian chung sống với nhau – cảm nghiệm và tận hưởng tất cả những cái mới mẻ của đời sống hôn nhân. Giờ đây cả hai phải đối đầu với cái thực tế đơn điệu được lập đi, lập lại mỗi ngày, cộng thêm vào đó là những khó khăn mới trong cuộc sống.
Lại nữa, sau một thời gian chung sống với nhau, hai người mỗi lúc, mỗi khám phá ra những khuyết điểm của nhau, điều đó cũng góp phần gia tăng bầu khí bất mãn và khó chịu của cả hai người. Một số nhà chuyên môn trong lãnh vực này cho rằng: cơn khủng hoảng này có thể có một hậu qủa tiêu cực do những phiêu lưu tình cảm thường xảy ra ở khoảng 40-50 tuổi. Trong giai đoạn này, những ai phải đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống hoặc những thử thách trong đời sống hôn nhân, thường rơi vào hai tâm trạng đối nghịch nhau: hoặc là họ cảm thấy không còn đủ trẻ trung để bắt đầu một cuộc phiêu lưu tình cảm mới, hoặc là họ cảm thấy chưa đến nỗi già để giam mình vào bốn bức tường của gia đình và những đòi hỏi luân lý của nó. Để lấp đầy nỗi trống vắng trong tâm hồn, họ thường dấn thân vào những cuộc phiêu lưu tình cảm có phương hại đến sự hoà hợp trong gia đình của họ. Giáo hội luôn ý thức về cơn khủng hoảng của lứa tuổi trung niên đó, cho nên khi đôi tân hôn trao cho nhau lời cam kết chung thuỷ với nhau trọn đời, Giáo Hội khuyên họ hãy cầm tay nhau để xác quyết với họ rằng, chỉ khi nào hai người: tay trong tay liên kết với nhau nên một, thì họ mới có thể lướt thắng được những khó khăn và thử thách trong cuộc sống.
Do đó, dưới cái nhìn đích thực và tích cực thì cuộc sống gia đình và hôn nhân hẳn còn là một bầu khí dễ thở hơn, dĩ nhiên những khó khăn trong đời sống hôn nhân có thể làm cho con người ngộp thở, có thể nhận chìm con người xuống vực thẳm của bất mãn. Nhưng nó cũng có thể là phương thế giúp cho đôi vợ chồng ý thức được rằng: Họ cần phải vượt qua khỏi những giai đoạn của cảm xúc nhất thời, của thời quen nhau, thời đính hôn với nhau và nhất là của những tuần trăng mật ngọt ngào, của những ngày tháng đầu khi mới lấy nhau, để tiến đến một tình yêu hôn nhân đích thực, đó là tình yêu được xây dựng trên phục vụ và quên mình. Nếu vợ chồng chưa từng kinh nghiệm và trải qua một số thử thách, đó là chưa một lần từng đau khổ với nhau, họ khó có thể hiểu được thế nào là ý nghĩa của một tình yêu đích thực. Thực thế, Thiên Chúa quan phòng dường như quy đình rằng: tình yêu vợ chồng đích thực chỉ có thể được khám phá và lớn lên qua những thử thách và khó khăn trong cuộc sống. Chúng ta có thể so sánh tình yêu vợ chồng với cây nho: càng đâm rễ sâu trong vùng đất có nhiều sỏi đá, cây nho càng sản xuất rượu ngon. Chúng ta cũng có thể so sánh tình yêu vợ chồng với một thân cây mà rễ nó đâm sâu dưới đất đá, thì tình yêu đó sẽ đứng vững trước sóng gío không làm nó bị bật gốc.
Những khó khăn đến từ bên ngoài, những bất hòa do tính khí khác nhau giữa hai người đó là điều không thể tránh được trong đời sống vợ chồng. Nhưng vợ chồng cần nhìn vào những sự kiện ắt phải xảy ra ấy, như mắm muối gia vị cho tình yêu vợ chồng. Nói như thế cũng có nghĩa là những khó khăn và thử thách trong đời sống vợ chồng không phải là điều không thể vượt qua.
NHỮNG KHÓ KHĂN TRONG ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN KHÁC ĐẠO.
Đây là một hiện tượng xảy ra rất nhiều tại khắp mọi nơi, ở quê nhà cũng như đặc biệt là ở các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại hải ngoại. Người ta thỉnh thoảng hay thắc mắc và hỏi tôi: Chồng con theo đạo, rồi sau khi làm lẽ cưới, anh ấy bỏ đạo, vậy con có lỗi không ?
Trước hết, chúng ta phải khẳng đình một điều cơ bản trong Giáo Lý Công Giáo. Đức tin mà chúng ta lãnh nhận là một ân ban nhưng không của Thiên Chúa. Điều đó có nghĩa là không ai được dùng sức ép tâm lý gia đình hay xã hội để cưỡng bức người khác theo đạo của mình, phải tin theo như mình. Với Công Đồng Chung Va-ti-ca-nô II, chúng ta thấy rằng Giáo Hội mỗi lúc một ý thức hơn về một trong những quyền lợi cơ bản nhất của con người đó là quyền tự do tôn giáo. Không những Giáo Hội yêu cầu luật pháp của các quốc gia nhìn nhận và bảo đảm quyền tự do tôn giáo, mà chính Giáo Hội cũng tôn trọng quyền ấy nơi mọi người.
“Công đồng Vaticanô II tuyên bố: con người có quyền tự do tôn giáo. Quyền tự do này hệ tại con người không bị chi phối vì sự cưỡng bách của cá nhân, đoàn thể hay xã hội hay của bất cứ quyền bính trần gian nào khác. Với ý nghĩa đó, trong lãnh vực tôn giáo, không ai bị ép buộc hành động trái với lương tâm, cũng không ai bị ngăn cấm hành động theo lương tâm, dù cho đó là hành động riêng tư hay công khai, một mình hay cùng với người khác, trong những giới hạn chính đáng.” (Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo – Dignitatis Humanae #3).
Giáo Hội không bao giờ ép buộc ai phải từ bỏ tôn giáo của mình để gia nhập đạo Công Giáo. Và để thể hiện xác tín ấy, Giáo Hội – trong khoản giáo luật số 1124 – cho phép một người Công Giáo được kết hôn với một người không Công Giáo (Codex Iuris Canonici: CIC 1124). Chúng ta thường gọi đó là một cuộc hôn nhân khác đạo hay hôn nhân dị giáo. Làm như thế không những bởi vì muốn tôn trọng tự do của các tôn giáo khác, mà Giáo Hội Công Giáo cũng muốn xác quyết về những giá trị của tôn giáo mình rằng: các tín đồ của những tôn giáo ngoài Công Giáo vẫn có thể được cứu rỗi 1. Do đó, Giáo Hội luôn nhìn nhận giá trị của những tôn giáo khác và luôn tôn trọng tự do tôn giáo của con người.
Tuy nhiên, Giáo Hội Công Giáo vẫn không xao lãng bổn phận rao giảng Tin Mừng của mình. Và bổn phận ấy là của tất cả mọi người dù sống trong bất cứ hoàn cảnh nào. Trong thực tế cho chúng ta thấy đã có nhiều người trở lại đạo Công Giáo không vì niềm tin, mà vì muốn để được kết hôn với người Công Giáo, thì sau một thời gian sống trong gia đình Công Giáo, tham gia đời sống cộng đồng Công Giáo, chứng kiến gương sáng của người Công Giáo, họ đã thực sự đón nhận đức tin một cách chân thành. Cũng có trường hợp mà sau một thời gian sống trong hôn nhân dị giáo, nghĩa là đạo ai người nấy giữ, có người đã xin trở lại đức tin Công Giáo và nhận ra gương sáng của người phối ngẫu.
Trở lại với thắc mắc đã được nêu trên đây: “Khi người chồng tân tòng bỏ đạo thì người vợ có chịu trách nhiệm nào không ?”
Chúng ta không thể nói một cách quả quyết rằng: người vợ đã là nguyên nhân chính yếu gây nên việc bỏ đạo của chồng. Bởi vì bỏ đạo, chối đạo là một hành động tự do của con người, không ai phải mang tội vì hành động của người khác.
Tuy nhiên, ở đây chúng ta có thể nói đến trách nhiệm của người vợ hoặc gia đình của người vợ. Rất có thể, người vợ hoặc gia đình của người vợ làm áp lực để người chồng phải theo đạo trước khi kết hôn. Liệu người chồng có thể xin trở lại đạo vì muốn làm vừa lòng vợ và gia đình vợ và cũng rất có thể là chính anh ta đã tự ý xin theo đạo vì một xác tín cá nhân. Bắt một người khác theo đạo là một thái độ không phù hợp với tinh thần Công Giáo. Thế nhưng, sống mà không trọn vẹn làm chứng tá cho đức tin của mình để gây nguy hại đức tin còn non yếu của người khác thì đó cũng là một thiếu sót trong bổn phận làm người Công Giáo. Trong Kinh Cáo Mình đọc ở đầu lễ, để chúng ta xưng thú ngay cả những tội thiếu sót. Trong những thiếu sót ấy có cả những thiếu sót lớn lao là không dám tuyên xưng đức tin của mình, không dám sống xứng đáng với niềm tin của mình, mà như thế thì đã không làm gương sáng cho người khác là những người còn non yếu trong đức tin. Như vậy, không dám sống đức tin của mình một cách công khai để có thể gây nguy hại cho đức tin còn non yếu của mình ( chồng mình ? ) là một thiếu sót trong bổn phận của người Công Giáo.
GIA ĐÌNH BẤT HÒA.
Ave Gardner, nữ minh tinh khả aí của nền điện ảnh Hoa Kỳ đã từ trần vào tháng 1.1990 tại Luân Đôn, hưởng thọ 67 tuổi. Ave Gardner cũng như Elizabeth Taylor và đa số minh tinh màn ảnh nổi tiếng khác trên thế giới, cô ta đã hơn ba lần ly dị để rồi sau cùng phải chết trong cô đơn. Nhưng cũng giống như những người đàn bà khác, Ave khao khát được sống một cuộc sống bình dị, một cuộc hôn nhân lâu bền và hạnh phúc. Năm 1982 trong một cuộc phỏng vấn cho một tờ báo xuất bản tại Anh Quốc, cô ta đã phát biểu như sau:
“Một người đàn ông tốt mà tôi yêu, tôi sẽ lấy làm chồng, tôi sẽ nấu nướng và săn sóc nhà cửa cho, nhưng rất tiếc, tôi không bao giờ gặp được một người đàn ông như thế”. Người chồng cuối cùng của bà là ca sĩ nổi tiếng Frankie Sinatra. Họ lấy nhau năm 1951 và ly dị sáu năm sau đó. Ave đã nói về Sinatra như sau: “dĩ nhiên tôi vẫn còn yêu anh ấy và mãi mãi yêu Sinatra, nhưng điều khó khăn của chúng tôi là chúng tôi không thể nào sống chung với nhau được.”
Và ai cũng biết rằng những cặp vợ chồng tài tử này lúc nào cũng có những bất hòa, những cãi cọ, trong đó dường như không ai chịu nhún nhường cho ai.
Làm thế nào để vượt qua được những bất hòa, cãi cọ trong gia đình?
Xin mạn phép được đề nghị một số qui luật sau đây:
1. Vợ chồng đừng bao giờ ngạc nhiên nếu thỉnh thoảng họ bất hòa với nhau.
Tự nó, những cuộc cãi cọ và bất hòa không phải là những dấu hiệu xấu bởi vì những trở ngại được coi như là một phần của cuộc sống và là những biểu lộ, qua đó con người mới thể hiện được ý chí tự do của mình. Nếu vợ chồng sợ đụng chạm nhau, sợ cãi cọ nhau, sợ tranh luận với nhau, sợ bất cứ một bất hòa nhỏ nào trong gia đình thì có thể đó là dấu chỉ họ chưa thực sự yêu thương nhau. Phải xem những điều va chạm với nhau là điều không thể né tránh trong đời sống vợ chồng.
2. Hai vợ chồng nên đồng ý với nhau về một số vấn đề thiết yếu và cao trọng trong cuộc sống như: Tôn Giáo – giáo dục con cái – quan hệ cha mẹ. Còn những chuyện phụ thuộc như: thời trang – giải trí – văn hóa… họ có thể có ý kiến khác nhau và nên tôn trọng ý kiến của nhau. Nếu họ không thể đồng tâm nhất trí về những vấn đề thiết yếu trong cuộc sống thì cuộc hôn nhân của họ chỉ là một thứ giao kèo giữa hai bên hoàn toàn tách biệt riêng rễ với nhau. Trái lại, một cuộc tranh luận về những cái phụ thuộc có thể là một cơ hội để gia tăng khuyến khích sự thông cảm giữa hai người.
3. Hai vợ chồng tránh không nên tranh luận với nhau vào buổi tối.
Khi cả hai đều mệt mỏi sau một ngày làm việc vất vả, nhất là sau không biết bao nhiêu là phiền toái mà họ gặp trong ngày, nhưng chẳng may cuộc tranh luận đã phát sinh một cách tự nhiên và đến hồi sôi nổi thì thái độ tốt nhất là nên dừng lại và giữ thinh lặng. Giấc ngủ luôn là liều thuốc hữu hiệu để chữa trị mọi vết thương đau.
4. Hai vợ chồng đừng bao giờ to tiếng với nhau.
Sự to tiếng là dấu chỉ của việc thiếu tôn trọng và yêu thương. Người ta không thể nói sự thật như ném đá vào mặt người khác. Sự thực nó cũng giống như ánh sáng, nó chỉ có thể thuyết phục bằng cách đi xuyên qua nhè nhẹ mà thôi. Cho nên hầu hết các cuộc cãi cọ giữa hai vợ chồng nguyên nhân chính vẫn là sự cãi cọ giữa hai người.
5. Một trong những biểu lộ sự khôn ngoan đó là lắng nghe trước khi trả lời.
Biết lắng nghe tức là khiêm tốn, có tôn trọng đối với người khác và nhất là biết thương yêu thật sự người bạn của mình. Lắng nghe là một nghệ thuật giúp ta có thể trả lời cho sự thực và tránh quan trọng hóa vấn đề hoặc những nguyên nhân đưa đến bất hòa.
6. Khi có bất hoà giữa hai vợ chồng đừng bao giờ để cha mẹ của cả hai bên can thiệp vào.
Thánh Donbosco nói: “Những cái gì dơ bẩn cần phải tẩy rửa ngay trong nhà của mình.”
7. Đừng bao giờ khăng khăng tự cho mình là người có lý và quyết ăn thua đủ bằng mọi gía.
Hãy nhìn vào loài vật khi con thú đầu hàng, đối thủ thường ngưng chiến. Tất cả ai trong chúng ta cũng có thể lầm lẫn. John Senkinh một nhạc sĩ người Anh sống vào thế kỷ thứ 17 đã viết như sau: “Khi cục tẩy mòn trước cây viết, thì điều đó có nghĩa là chúng ta đã sống lại.” Sự hòa hợp trong gia đình quan trọng đến nỗi không thể bù trừ bằng bất cứ cuộc tranh luận nào.
8. Một qui luật đáng được xem như là khuôn vàng thước ngọc của vợ chồng đó là:
Không nên tốn nhiều nước mắt cho những cái đã rồi mà hãy coi đó như bàn đạp để tiến đến những cái tốt đẹp hơn. Triết gia Socrate sống vào thế kỷ thứ III trước công nguyên là một người chẳng may sống với một bà vợ khó tính như chằng tinh, đã từng nói với các môn sinh như sau: “Nếu bạn có được một người vợ tốt bạn sẽ được hạnh phúc. Nhưng nếu chẳng may bạn gặp một người vợ không ra gì bạn sẽ trở thành một triết gia hữu ích cho mọi người.” Một triết gia nọ cũng nói với các sinh viên trong ngày ra trường như sau: “Tôi cầu chúc cho tất cả các bạn có một cuộc sống gia đình hạnh phúc. Các bạn hãy để sẵn một cuốn sách ở tầm tay của mình, để mỗi khi gặp bất hoà cãi cọ các bạn hãy tức khắc cầm lấy cuốn sách và đọc ngay. Tôi tin các bạn sẽ gia tăng kiến thức của mình.”
9. Sau khi đã trịnh bày và tranh luận hết mọi lý lẽ của sự bất đồng ý kiến hai người hãy cười với nhau.
Cười như thế để xác tín rằng: dù thế nào đi nữa điều trọng nhất là hai người vẫn còn yêu nhau. Dù có một bên cười mà thôi thì điều đó cũng chứng tỏ rằng: sự thông cảm đã bắt đầu có giữa hai người.
10. Sau cùng hai vợ chồng nên nhớ rằng: Không có một cố gắng nào hữu hiệu hơn để tránh hoặc giảm thiểu những cãi cọ bất bịnh cho bằng một đời sống đức tin vững mạnh.
Có một đời sống đức tin vững mạnh, có nghĩa là có lòng tốt, có sự thành thật, có tinh thần hy sinh và nhất là biết tha thứ. Chỉ bằng một đời sống như thế vợ chồng mới có thể giải quyết một cách êm thắm những bất bình với nhau, bởi vì chỉ có Thiên Chúa mới thực sự có câu giải đáp cho những vấn đề xem ra không thể giải đáp được.
SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA VỀ GIA ĐÌNH.
Ngày 12.10.1980, năm của thượng hội đồng giám mục thế giới về gia đình, Đức Thánh Cha Gioan Phalô II đã tiếp khoảng 60 đại diện của phong trào về gia đình; sau khi đã nghe chứng từ của rất nhiều đôi vợ chồng về nhiều khía cạnh khác nhau trong đời sống hôn nhân và gia đình, Đức thánh cha đã đưa ra lời nhắn nhủ rất xúc tích và đầy ý nghĩa mà tôi nghĩ luôn có giá trị nhất là trong hoàn cảnh hiện nay. Vậy tôi xin được trích dẫn nguyên văn một vài đoạn tiêu biểu trong sứ điệp của Đ.T.C:2
1. Những gía trị tôn giáo và tự nhiên của gia đình.
“Trước hết tôi (ĐTC) cảm thấy cần phải nói ngay rằng: cần phải lập lại niềm tin tưởng vào gia đình Kitô Giáo. Giữa lúc sóng gió đang bao phủ, gia đình Kitô giáo mỗi lúc bị cám dỗ muốn buông suôi bỏ cuộc vì sợ hãi cũng như không còn tin tưởng nơi chính mình nữa. Do đó chúng ta cần phải nói lên với tất cả xác tín rằng: gia đình Kitô giáo đang có một sứ mệnh và một chỗ đứng đặc biệt trong thế giới ngày nay và để chu toàn trách vụ ấy, gia đình Kitô Giáo có không biết bao nhiêu phương tiện và giá trị vững bền. Những giá trị đó trước hết là giá trị tinh thần Công Giáo. Chúng ta có bí tích hôn nhân là dấu chỉ của sự hiện diện tích cực của Đức Kitô phục sinh ở giữa lòng gia đình và đồng thời cũng là nguồn ơn thánh vô tận. Những gía trị đó cũng là những giá trị tự nhiên như: tình yêu, sự chung thủy, sự tương trợ, mối dây bất khả phân ly, khả năng sinh sản, sự kết hợp thâm sâu giữa vợ chồng, sự hướng mở đến người khác và ý thức rằng mình là tế bào nguyên thủy của xã hội. Gia đình là người quản lý và cũng là người thông truyền những giá trị này. Riêng gia đình Kitô giáo được đứng vững, được sinh động và hiệu năng trong cộng đồng, do đó gia đình phải tin vào những gía trị trên. Gia đình phải hiên ngay công bố và sống những gía trị đó, để rồi thông truyền cho người khác.
2. Những khó khăn của gia đình trong xã hội hôm nay.
Sau khi đưa ra những gía trị tôn giáo và tự nhiên mà gia đình Kitô giáo cần phải kiên tâm sống và quảng bá, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, nói đến những khó khăn của gia đình trong xã hội ngày nay. Ngài nói rằng:
“Ý tưởng thứ hai của tôi là như thế này: gia đình càng gặp nhiều thử thách trong thế giới ngay nay thì chúng ta càng phải cảm thông nhiều hơn. Đâu là những thử thách của gia đình Kitô giáo ngày nay? Trong những nước nghèo và những vùng nghèo nàn của các nước giàu có, gia đình đang đau khổ nhiều, gia đình đau khổ vì điều kiện vệ sinh và nhà ở, vì thức ăn và giáo dục. Nhưng không phải chỉ có những gia đình nghèo đau khổ như thế, ngay cả những gia đình may mắn hơn cũng không tránh khỏi khó khăn. Khó khăn vì thiếu chuẩn bị để đón nhận những trách nhiệm nặng nề của hôn nhân. Khó khăn vì thiếu sự cảm thông giữa những người trong gia đình, đôi khi có thể đưa đến đổ vỡ. Khó khăn vì con cái hư hỏng cách này hay cách khác. Không có một ai, không có nhóm người nào có thể đơn phương cứu chữa được những khó khăn trên đây. Đây là công việc của nhiều người, từ Giáo Hội đến các quốc gia, các đòan thể cơ quan, các tổ chức. Tất cả đều được mời gọi để tôn trọng phẩm giá của mỗi người để phục vụ gia đình một cách hữu hiệu hơn. Nhưng những người được mời gọi trước tiên chính là vợ chồng. Họ cần phải có chung một cái nhìn về những giá trị thiết yếu của gia đình.
3. Chiều kích thiêng liêng của gia đình.
Ý tưởng cuối cùng của tôi đó là chiều kích vô hình của gia đình, đây là một chiều kích không thể diễn tả bằng những con số, nhưng lại là chiều kích quan trọng nhất trong gia đình. Chiều kích đó chính là đời sống đạo đức của gia đình. Tất cả những suy tư về gia đình Kitô giáo rốt cuộc đều quy về nền tảng này và cũng là tuyệt đỉnh của gia đình. Thực thể gia đình Kitô giáo phát sinh ra từ một bí tích và cũng giống như nhiều bí tich khác. Bí tích hôn phối là một cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người ngay trong lòng cuộc sống của con người. Do đó, một trong những mục đích của bí tích này là xây dựng nhiệm thể của Chúa Kitô là Giáo Hội, bằng chính những tế bào sống là các gia đình. Gia đình cũng có thể ví như là hai cực của một thứ nam châm. Một đàng là tiếng gọi của Chúa cho mỗi người Kitô hữu, một đàng là sự đáp trả của mỗi người trong cộng đồng đức tin và ơn cứu rỗi trong cuộc hành trịnh tiến về Thiên Chúa. Tuy nhiên gia đình Kitô giáo phải sống chiều kích thiêng liêng ấy bằng những yếu tố tạo thành thực tại của gia đình, đó là tình yêu giữa vợ chồng, tình yêu giữa cha mẹ và con cái. Sự cảm thông, lòng tha thứ, sự tương trợ giáo dục con cái cũng như trong công việc, bao gồm niềm vui và nỗi khổ. Trong hôn nhân Kitô giáo tất cả những yếu tố này được bao bọc, được thấm nhuần ơn thánh và hiệu năng của bí tích, do đó trở thành con đường sống Phúc Âm, một kiếm tìm nhan Thánh Chúa, một trường dạy đức ái Kitô. Gia đình là hình thức sống Tin Mừng một cách đặc biệt. Học hỏi Tin Mừng, thực thi Tin Mừng chính là sống trọn vẹn chiều kích thiêng liêng của gia đình.
Trong giây phút đầy thử thách nhưng đồng thời cũng đầy hy vọng mà gia đình Kitô Giáo đang trải qua, cần phải có nhiều gia đình biết khám phá và sống chiều kích thiêng liêng của đòi sống hôn nhân nhằm quảng bá nền tu đức đích thực của đời sống gia đình. Đây là điều cần thiết hơn bao giờ hết. Gia đình Kitô giáo cần phải có chiều kích thiêng liêng ấy để tìm được sự quên mình, sức năng động, sự cởi mở đối với người khác cũng như niềm vui và hạnh phúc cho chính gia đình mình.
Linh Mục: Trần Mạnh Hùng C.Ss.R., STD