Kinh Tạ Ơn là gì ?
Kinh Tạ Ơn (trước đây gọi là Kinh nguyện Thánh Thể) là kinh nguyện quan trọng nhất trong thánh lễ. Đó là trung tâm điểm của bí tích Thánh Thể. Không có kinh Tạ Ơn thì không có thánh lễ. Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu cầm lấy bánh và dâng lời tạ ơn, nghĩa là Người đọc kinh Tạ Ơn (xem Lc 22, 19).
Kinh Tạ Ơn khởi đầu bằng lời mời cộng đoàn hướng tâm hồn lên để cầu nguyện và tạ ơn Thiên Chúa :
° Chúa ở cùng anh chị em. – Và ở cùng cha.
° Hãy nâng tâm hồn lên. – Chúng con đang hướng về Chúa.
° Hãy tạ ơn Chúa là Thiên Chúa chúng ta. – Thật là chính đáng.
Hãy tạ ơn Chúa ! Đó là lời quan trọng nhất. Tạ ơn Chúa là mục đích chính của thánh lễ. Tham dự thánh lễ là tạ ơn Chúa cả trời đất vì bao kỳ công của Người hôm qua, hôm nay và ngày mai.
Kinh Tạ Ơn luôn luôn ngỏ lời với Chúa Cha.
Cấu trúc kinh Tạ Ơn :
Chúng ta dừng lại ít phút để khảo sát kỹ lưỡng và để hiểu rõ cấu trúc của kinh Tạ Ơn. Để tham khảo, tôi đề nghị bạn tìm đọc kinh Tạ Ơn II trong cuốn sách lễ nào đó. Sau đây là cấu trúc :
1. Đối thoại mở đầu : đối thoại giữa vị chủ tế và cộng đoàn, mà chúng ta vừa nêu ở trên, nhằm mời gọi tâm tình tạ ơn.
2. Lời Tiền Tụng : linh mục chủ tế nhân danh toàn thể cộng đoàn tán tụng Chúa Cha và cảm tạ Người về tất cả công trình cứu chuộc cho nhân loại, hoặc về lý do nào đặc biệt, tùy ngày, tùy lễ, tùy mùa khác nhau. Lời Tiền Tụng cũng làm nổi bật công trình cứu chuộc của Chúa Kitô.
3. Kinh “Thánh ! Thánh ! Chí Thánh !” : toàn thể cộng đoàn, hợp với các thần thánh trên trời, hát hay đọc “Thánh ! Thánh ! Chí Thánh !” Đây là lời tung hô, thờ lạy, tạ ơn và vinh danh Chúa Cha.
4. Kinh khẩn cầu : xin Chúa Cha, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, dùng quyền năng để thánh hiến bánh và rượu, nghĩa là làm trở thành Mình và Máu Chúa Kitô.
5. Lời truyền Phép : linh mục nhân danh Chúa Kitô đọc lại những lời Người đã nói trong bữa Tiệc Ly. Chính Chúa Kitô đã thiết lập bí tích Thánh Thể trong bữa tối sau cùng này, ban cho các Tông Đồ Mình và Máu Người, dưới hình bánh và hình rượu, để ăn và uống, và truyền cho các ông phải làm cho mầu nhiệm này tồn tại mãi.
6. Kinh tưởng niệm : sau lời truyền phép, Giáo Hội tưởng niệm toàn bộ công trình cứu chuộc của Chúa Kitô, nhất là việc tưởng niệm cuộc khổ hình, phục sinh, lên trời của Người, và loan báo ngày Người sẽ trở lại. Kinh tưởng niệm được bắt đầu bằng lời tung hô của cộng đoàn : “Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa đã chịu chết…”
7. Kinh khẩn cầu (2) : xin Chúa Cha, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, để sau khi lãnh nhận Mình và Máu Chúa Kitô, các tín hữu được lãnh nhận ơn cứu độ và được hiệp nhất trong Hội Thánh, là thân thể sống động của Chúa Kitô.
8. Lời chuyển cầu : sau kinh khẩn cầu là một loạt các lời cầu xin, cho Giáo Hội, cho mọi người trong cộng đoàn, cho kẻ sống cũng như đã qua đời, v.v… trong niềm hiệp thông với các thánh.
9. Vinh tụng ca : cuối kinh Tạ Ơn, một lần nữa linh mục dâng lời tôn vinh Chúa Cha, qua Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần.
10. Amen ! Toàn thể cộng đoàn kết thúc kinh Tạ Ơn bằng cách xướng hoặc hát Amen ! có nghĩa là cộng đoàn tán đồng với tất cả những điều vừa được đọc trong kinh Tạ Ơn.
Như thế, thánh lễ, nhất là trong kinh Tạ Ơn, trở thành tổng hợp và khuôn mẫu cho mọi lời nguyện Kitô giáo, dưới mọi khía cạnh, cho mọi nhu cầu, bắt đầu bằng lời tụng ca và lời tạ ơn lên Thiên Chúa đã ban cho chúng ta biết bao ơn lành. Thực sự, chẳng phải chúng ta xứng đáng lãnh nhận những hồng ân đó, nhưng vì Thiên Chúa đã thương yêu chúng ta trước tiên.
Lm. Giuse Vũ Thái Hòa