Làm gì khi bị bỏng
NHỮNG SAI LẦM KHI SƠ CỨU BỊ BỎNG :
Khi bị bỏng, việc tự sơ cứu là rất cần thiết. Nhiều trường hợp do xử lý sai nên đã để lại những hậu quả đáng tiếc. Chúng tôi xin giới thiệu một vài sai lầm người bị bỏng thường làm.
Dùng kem đánh răng
Nhiều người khi bị bỏng bôi kem đánh răng lên vết thương. Họ quan niệm kem đánh răng sẽ làm dịu vết thương. Song, thực chất kem đánh răng có chất kiềm nhẹ, khi bôi lên vết bỏng sẽ làm tăng đau đớn.
Trong trường hợp bỏng axít, người ta dùng kem đánh răng để rửa và trung hoà axít còn dư lại. Khi bị bỏng axít, bạn phải hoà loãng nồng độ axít còn lại trên da bằng cách ngâm ngay vào nước lạnh. Sau đó, trung hoà axít còn dư trên da bằng xà phòng hoặc kem đánh răng, bằng cách xoa nhẹ xà phòng hoặc kem đánh răng cho sủi bọt và ngấm sâu vào da rồi rửa sạch.
Đối với bỏng nước sôi, lửa, không được dùng những chất này vì nó chỉ làm tăng thêm sự đau đớn. Không nên dùng xà phòng, kem đánh răng như một thứ thuốc.
Dùng mỡ trăn hoặc dầu cá
Nhiều lọ mỡ trăn không được tiệt trùng nên hầu hết bị ôi thiu do nhiễm vi sinh vật. Do đó, vết bỏng bị nhiễm khuẩn rất nhanh. Còn dầu cá có mùi tanh, khi bôi lên sẽ bị hôi tanh và gọi ruồi đến.
Thực ra mỡ trăn và dầu cá đều có thể chữa bỏng nhưng phải dùng đúng lúc. Chất Vitamin A trong dầu cá và mỡ trăn có tác dụng kích thích sự tái tạo tế bào biểu mô. Vì vậy, người ta thường sử dụng kết hợp với các thuốc khác tạo thành hợp chất có tác dụng như mỡ, kem.
Thuốc chỉ định cho những trường hợp bị bỏng sâu, dùng vào tuần lễ thứ ba sau khi bỏng. Không dùng mỡ trăn và dầu cá vào việc sơ cứu.
Bôi lòng đỏ trứng gà
Lòng đỏ trứng gà là môi trường rất tốt cho vi khuẩn phát triển. Khi bôi lòng đỏ trứng, vết bỏng rất nhanh bị nhiễm khuẩn, có thể chuyển thành nhiễm nặng và nguy hiểm.
Một số nơi còn dùng các biện pháp sơ cứu lạc hậu, nguy hiểm như bôi nước mắm, bôi tương, nước tiểu, vắt nước củ chuối, củ ráy lên vết thương.
XỬ TRÍ
Khi bị bỏng, cần tìm mọi cách để sớm loại trừ tác nhân gây bỏng (dập lửa, cắt cầu dao điện…). Ngay sau khi bị bỏng, ngâm vùng ngay vào nước lạnh (16-20oC hoặc dưới vòi nước chảy từ 20-30′. Nếu chậm ngâm lạnh, sẽ ít tác dụng. Nếu bỏng do hóa chất thì phải rửa các hóa chất bằng nước và chất trung hòa. Băng ép vừa phải các vết thương bỏng để hạn chế phù nề, thoát dịch huyết tương. Cho uống nước chè nóng, nước đường, Oresol…, thuốc giảm đau. ủ ấm nếu trời rét. Vận chuyển đến cơ quan y tế nhẹ nhàng, tránh va chạm gây thêm đau.
TRỊ BỎNG NHẸ TẠI NHÀ
Nếu bị bỏng nhẹ, có thể lấy vài lá cây sống đời (còn gọi là cây bỏng, cây trường sinh) rửa sạch, giã lấy nước, dùng gạc tẩm nước ép đắp lên vết bỏng, nếu gạc khô đi lại tẩm thêm nước ép lên. Cũng có thể giã lá nhỏ mịn đắp trực tiếp.
– Cây chuối tiêu: Chặt một tàu lá chuối non, sạch ở cao trên ngọn cây, hứng nước ở cuống lá chảy ra, dùng bông, gạc tẩm đắp lên vết bỏng, nếu khô lại nhỏ nước lá chuối lên, vết bỏng sẽ dịu đi không phồng nước và khỏi. Nếu bỏng diện tích hơi rộng thì dùng cây chuối nhỏ, bỏ bớt vỏ ngoài, rửa sạch, chặt khúc ngắn, giã nhỏ nhuyễn, cho vào gạc vắt lấy nước rồi tẩm gạc đắp như trên, hoặc đắp cả bã, khi khô thay bã khác. Có thể dùng các cây chuối khác: chuối tây, chuối ngự, chuối lùn… để thay thế chuối tiêu.
– Khoai lang: Lá non, ngọn dây khoai lang rửa sạch, giã nhỏ nhuyễn, trộn đều với ít nước sạch, đắp trực tiếp lên vết bỏng, có thể vắt ép lấy nước tẩm gạc đắp, khi khô lại tẩm nước ép lên.
– Sim: Hái lá non rửa sạch, thái ngắn giã nhỏ, thêm một ít nước sôi để nguội cho đủ nhão, trộn đều, ép vắt lấy nước, dùng gạc tẩm ướt đắp lên vết bỏng, gạc khô nhỏ thêm nước vắt, có thể đắp cả lá giã lên vết bỏng, khi khô lại thay lá khác.
– Ổi: Hái lá non về rửa sạch, giã nhỏ nát, thêm nước trộn đều cho thật nhão mềm, vắt lấy nước hoặc đắp cả bã theo phương pháp đã nêu trên.
Nguồn: Sức Khoẻ & Đời Sống