Lịch phụng vụ tháng 1.2014

Mở đầu Niên Lịch Phụng Vụ tháng 1/2014, chúng ta mừng Lễ Kính Đức Mẹ Là Mẹ Thiên Chúa ; tiếp theo là Chúa Nhật Lễ Hiển Linh, Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa , rồi Chúa Nhật Quanh Năm 2 và 3, Năm A.

 

LỄ ĐỨC MẸ LÀ MẸ Thiên Chúa ( Ngày 1/1): Hôm nay cũng là Ngày Tết Dương Lịch, ngày đầu năm mới của năm 2014, Giáo Hội muốn dâng năm mới lên Mẹ Maria với tước hiệu Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và cầu nguyện cho Hòa Bình Thế Giới. Ngày hôm nay cũng là ngày trong Tuần Bát Nhật lễ Giáng Sinh, vì thế Bài Phúc Âm (Luca 2:16-21) ghi lại việc Đức Mẹ sinh Chúa Con nơi hang đá Belem và các mục đồng đến “và gặp thấy Đức Maria, Thánh Giuse, và Hài Nhi Giêsu nằm trong máng cỏ “y như lời các Thiên Thần đã mộng báo cho họ trong giấc ngủ, và “các mục đồng trở về, họ tung hô ca ngợi Chúa về mọi điều họ đã nghe và đã thấy đúng như họ đã được báo trước.” Mọi người trong Thành Belem đều ngạc nhiên về những điều các Mục Đồng kể lại cho họ. Còn Đức Maria “thì ghi nhớ tất cả những sự việc đó và suy niệm trong lòng.” Bài Phúc Âm cũng ghi lại việc Hài Nhi Giêsu cũng chịu phép Cắt Bì khi đủ tám ngày (theo luật Do Thái thời đó) và được đặt tên là Giêsu như Thiên Thần đã nói khi truyền tin cho Đức Mẹ. Bài Đọc 1 (Dân Số 6:22-27) ghi lại lời Thiên Chúa phán bảo ông Môisen: “Hãy nói với Aaron và con cái ông cầu xin Chúa chúc lành cho con cái Israel….và Thiên Chúa sẽ chúc lành cho họ!” Bài Đọc 2 (Galata 4:4-7): Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta là nhờ Chúa Giêsu đã sinh ra làm người để chịu chết và chuộc tội chúng ta, nên chúng ta được Thần Trí Chúa thanh tẩy và thưa với “Chúa là Abba, nghĩa là Lạy Cha.” (Chúng ta nhớ lại Kinh “Lạy Cha” mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta ). Như vậy chúng ta “không còn là tôi tớ, nhưng là con Chúa và được làm người thừa kế.”

Ngày đầu năm mới, cũng là ngày cầu nguyện cho hòa bình thế giới. Chúng ta hãy đi dâng Thánh Lễ sốt sắng xin Chúa, nhờ lời Mẹ Maria, Thánh Giuse và các Thánh chuyển cầu, ban hòa bình cho thế giới chúng ta, cho Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam, cho mọi gia đình. Xin cho mọi người chúng ta biết sống hòa hợp yêu thương với mọi người, trong gia đình, nơi sở làm, trường học, trong khu xóm, trong cộng đoàn,để “Đem yêu thương vào nơi oán thù. Đem thứ tha vào nơi lăng nhục. Đem an hòa vào nơi tranh chấp…”như chúng ta vẫn thường hát trong bài Thánh Ca “Kinh Hòa Bình” của Thánh Phanxicô khó nghèo.

 

Chúa Nhật LỄ HIỂN LINH (Ngày 5/1): Thánh lễ hôm nay ngày xưa quen được gọi Lễ Ba Vua do sự lầm tưởng các nhà Đạo Sĩ từ Đông Phương đến thờ lạy Chúa Hài Nhi là ba ông vua (vì 3 của lễ các nhà Đạo sĩ dâng Chúa Hài Nhi là vàng, nhũ hương và mộc dược đều là những báu vật của các triều vua chúa ngày xưa); nhưng nghiên cứu lịch sử Thánh Kinh thì cho thấy rằng: đó không phải là các vua, mà là các nhà Đạo Sĩ. Bây giờ chúng ta gọi là Lễ Hiển Linh (The Epiphany Of The Lord), để nói đến việc Thiên Chúa tỏ vinh hiển của Ngài cho các dân tộc, mà các Đạo Sĩ là đại diện. Thánh Lễ hôm nay nói đến việc Thiên Chúa Giáng Sinh không phải chỉ các Mục Đồng và dân Thành Belem mới được soi sáng để đến thờ lạy; nhưng các Nhà Đạo Sĩ (tượng trưng cho các dân tộc ngoài Do Thái) cũng được soi sáng cho biết để đến thờ lạy Thiên Chúa xuống thế làm người, và ơn cứu độ Chúa thương ban không phải chỉ dành cho dân Do Thái mà cho toàn thể nhân loại : “Ai tin và chịu Phép Rửa Tội thì sẽ được hưởng ơn cứu độ!” Bài Phúc Âm hôm nay (Mathêu 2: 1-12) ghi lại biến cố “các nhà Đạo Sĩ từ Đông Phương tìm đến Giêrusalem (Thủ Đô nước Do Thái) và xin vào yết kiến vua Herôđê để hỏi cho biết “vua dân Do Thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Vì chúng tôi đã thấy ngôi sao của Ngài hiện ra ở Đông Phương và chúng tôi đang tìm đến để triều bái Ngài.” Sau khi hỏi ý kiến các “Đại Giáo trưởng và các Luật sĩ Do Thái, và biết nơi đó là Belem,” nhà Vua đã chỉ cho các ông đường đi. Các ông đã đến được Belem và triều bái Chúa Hài Nhi và “dâng lên 3 của lễ là Vàng, Nhũ Hương, và Mộc Dược.” Bài Phúc Âm cũng ghi lại sự việc Vua Hêrôđê ngầm nói với các nhà Đạo Sĩ: khi triều bái Hài Nhi xong, thì trở lại để cho Hêrôđê biết rõ chắc chắn chỗ Hài nhi ở. Mục đích của nhà vua không phải để đến chiêm bái Chúa Hài Nhi, nhưng để cho người tìm đến giết Hài Nhi, vì vua sợ khi lớn lên Hài Nhi sẽ chiếm ngôi vua của ông và dòng dõi ông. Bài Đọc 1 (Isaia 60:1-6) : Tiên Tri Isaia đã được Thiên Chúa soi sáng và loan báo trước về việc Thiên Chúa giáng sinh làm người để đem lại ơn cứu độ cho dân Do Thái và toàn thể nhân loại, qua những lời văn theo thể “khải huyền” một cách bóng bảy. Trong Bài Đọc 2 (Thơ Ephêsô 3: 2-3,5-6), Thánh Phaolô nói đến việc Thiên Chúa giáng trần để cứu độ nhân loại đã được “Thần Trí Chúa mặc khải cho các Tiên Tri, rồi đến các Tông Đồ… Nhờ Tin Mừng, các dân tộc ngoài Do Thái cũng được thừa tự, được đồng một thân thể, và cùng thông phần vời lời hứa của Thiên Chúa, trong Chúa Giêsu Kitô.” Trong Thánh Lễ hôm nay, chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta luôn sống đạo tốt đẹp, trở nên những “ngôi sao sáng” để chiếu tỏa Đức Tin cho mọi người mà chúng ta gặp gỡ trong cuộc sống hằng ngày.

 

Chúa Nhật LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA (Ngày 12/1): Chúng ta nhớ lại, khi ông bà nguyên tổ Ađam và Eva phạm tội, đã bị Thiên Chúa lên án phạt ông bà và cả dòng dõi loài người (gọi là “Nguyên Tội” hay “Tội Tổ Tông Truyền”). Nhưng đồng thời Thiên Chúa cũng hứa sẽ sai “Đấng Thiên Sai” giáng trần để chuộc tội cho ông bà và nhân loại (Xin xem sách Sáng Thế, đoạn 3 và Thơ Roma 5: 18,19). Các Tiên Tri trong Cựu Ước đã loan báo về “Đấng Thiên Sai” cho dân chúng. Khi “thời gian viên mãn” Đấng Kitô là Con Một Đức Chúa Cha, đã được sai đến trần gian, và đã được thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần trong lòng Đức Maria trọn đời đồng trinh và đã sinh ra trong hang đá Belem và được đặt tên là Giêsu (như Thiên Thần đã nói trước) (Xin xem lại các Bài Phúc Âm trong các Thánh lễ Giáng Sinh). Thánh Gioan Baotixita đã được Thiên Chúa chọn như vị Tiên Tri cuối cùng trong Cựu Ước, để dọn đường cho Đấng Thiên sai đến (vì thế Ngài cũng được gọi là “Thánh Gioan Tiền Hô”). Trong khi rao giảng cho dân chúng biết ăn năn sám hối để dọn lòng cho Đấng Cứu thế, Thánh Gioan đã làm phép Rửa Thống Hối (đây chỉ là phép Rửa Thống Hối chứ không phải là Bí tích Rửa Tội Chúa Giêsu sẽ ban sau này) cho dân chúng tại dòng sông Giođan ( vì thế Thánh Gioan cũng được gọi là “Thánh Gioan Tẩy Giả” “Gioan Baotixiata”). Thánh Lễ hôm nay để kính nhớ việc Chúa Giêsu đến dòng sông Giorđan để chịu phép Rửa Thống Hối của Thánh Gioan Tẩy Giả.

Bài Phúc Âm hôm nay (Matthêu 3:13-17) ghi lại việc Chúa Giêsu đến xin Gioan ban phép rửa cho Chúa Giêsu tại sông Giordan. Lúc đầu Gioan từ chối và nói ” Tôi phải được Ngài rửa chứ sao Ngài lại xin tôi ban phép rửa cho Ngài!” Nhưng Chúa Giêsu bảo ông cứ ban phép rửa cho Ngài. Bài Phúc Âm hôm nay cũng ghi lại “sau khi Chúa Giêsu chịu phép Rửa xong và khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra và Chúa Thánh Thần, lấy hình chim bồ câu, ngự xuống trên Người, và có tiếng từ trời phán ra: Con là Con yêu dấu của Cha, con đẹp lòng Cha mọi đàng.” Trong Bài Đọc 1 (Isaia 42:1-4,6-7), Tiên Tri Isaia đã loan báo trước một cách “khải huyền” về Đấng Kitô sẽ được Thiên Chúa Cha sai đến trần gian khi thời gian viên mãn. “Ngài sẽ là ánh sáng của muôn dân, người sẽ mở mắt cho người mù, đưa ra khỏi tù những người bị xiềng xích, đưa ra khỏi ngục những người ngồi trong tối tăm!” Bài Đọc 2 ( Công Vụ Tông Đồ 10: 34-38) ghi lại bài giảng của Thánh Phêrô nói về việc “Chúa Giêsu Kitô Thành Nagiaret,” đã được Chúa Thánh Thần ” xức dầu tấn phong cho Người,” đã ra đi rao giảng “toàn cõi Giuđêa, khởi từ Galilêa,” rồi đã chịu chết để cứu chuộc nhân loại, và đã sống lại và lên trời vinh hiển để mở đường về trời cho chúng ta.

 

Chúa Nhật 2 MÙA QUANH NĂM (Ngày 19/1): Chúa Giêsu sinh ra tại thành Belem (gần thủ Đô Giêrusalem) và lớn lên tại làng Nagiaret cho đến khi đủ 30 tuổi, Ngài mới ra đi rao giảng, và bắt đầu bằng việc đến dòng sông Giorđan để chịu Phép Rửa của Thánh Gioan Baotixita (Xin xem “Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa” ). Sau đó khi thấy Chúa Giêsu đi về phía mình, Thánh Gioan đã chỉ cho mọi người biết, chính Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai: “Đây Chiên Thiên Chúa; đây Đấng xóa tội trần gian.” Thánh Gioan cũng xác quyết rằng: ” Trước tôi không biết Ngài là ai; nhưng sau khi ngài đến chịu phép rửa với tôi, thì Chúa Thánh Thần đã lấy hình chim bồ câu đậu xuống trên Ngài,” và Đấng sai tôi đi làm phép rửa đã cho tôi biết : “Khi ngươi thấy chim bồ câu đậu xuống trên ai, thì người đó chính là Đấng sẽ ban Phép Rửa bằng Chúa Thánh Thần. Vậy bây giờ tôi chứng thực rằng chính Ngài là Con Thiên Chúa.” (Xin xem bài Phúc Âm hôm nay: Gioan 1:29-34). Trong Bài Đọc 1 hôm nay (Isaia 49: 3,5-6), Tiên tri Isaia đã tiên báo về ngày Chúa Cứu Thế giáng trần để cứu chuộc nhân loại: ” Đấng Công Chính sẽ xuất hiện như ánh sáng chiếu soi các dân tộc, đem ơn cứu độ đến tận cùng trái đất.” Trong Bài đọc 2 (1Corintô 1:1-3), Thánh Phaolô nói Ngài đã được kêu gọi đi làm Tông Đồ theo thánh ý Chúa, và Ngài gửi lời chào thăm các tín hữu Corintô: “Xin ân sủng và sự bình an của Thiên Chúa và của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta, ở cùng anh chị em.”

 

Chúa Nhật 3 MÙA QUANH NĂM (Ngày 26/1): Các Bài Đọc trong Thánh Lễ Chúa Nhật hôm nay, tiếp nối các tư tưởng tuần trước để nói về Đấng Cứu Thế đến để rao giảng ơn cứu độ, Ngài chính là Chúa Giêsu Kitô. Bài Phúc Âm (Matthêu 4:12-23) ghi lại việc sau khi Thánh Gioan Baotixita bị bắt, thì Chúa Giêsu đi khỏi Galilêa, và đến ngụ ở Capharnaum và bắt đầu đi rao giảng: “Anh em hãy thống hối, vì Nước Trời đã đến.” Chúa Giêsu cũng bắt đầu kêu gọi một số người đi làm Tông Đồ cho Chúa . Rồi Ngài đi khắp vùng Galilêa, rao giảng Nước Trời trong các Hội Đường và chữa lành các bịnh nhân.

Bài Đọc 1 (Isaia 8:23-9:3):được Thiên Chúa soi sáng, Tiên tri Isaia đã nói trước những việc sẽ xẩy ra khi Đấng Cứu Thế đến trong thế gian, nơi Ngài sẽ cư ngụ và đi rao giảng, và niềm vui được giải thóat tràn ngập trong dân chúng.

Bài Đọc 2 (1 Corintô 1: 10-13,17), Thánh Phaolo kêu gọi tín hữu thánh Corintô (cũng như mọi người chúng ta),hãy sống đoàn kết thương yêu nhau trong cùng một niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô, đừng ai nói rằng “Tôi thuộc về Phaolô!” ,”Tôi thuộc về Appôlô!”, “Tôi thuộc về Phêrô!”, “Tôi thuộc về Đức Kitô!”

 

TẾT NGUYÊN ĐÁN (Ngày 31 tháng 1): Hôm nay là ngày đầu năm mới Giáp Ngọ. Theo truyền thống, ngày đầu Năm Mới (Ngày mùng Một Tết) là ngày tạ ơn Chúa cho một năm đã qua và cầu bình an cho Năm Mới đang tới. Ngày Mùng Hai Tết là ngày nhớ đến và cầu nguyện cho các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã qua đời. Ngày Mùng Ba Tết là ngày cầu cho công việc làm ăn được thịnh vượng.

Ba ngày Tết cũng là những ngày chia sẻ tình thương. Vì thế, chúng ta đi chúc tuổi ông , bà , cha mẹ, anh em, họ hàng, bạn bè thân thuộc và “lì xì” cho các em nhỏ, giúp đỡ người nghèo khó. Đặc biệt, chúng ta đi dâng Thánh Lễ thờ phượng Chúa trong 3 ngày Tết để dâng Năm Mới lên Chúa và xin Chúa chúc lành cho chúng ta được “hồn an, xác mạnh” trong tay Chúa, rồi cầu nguyện cho Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam.

Vậy trong tháng đầu Năm Mới này, chúng ta hãy cầu xin Chúa, nhờ lời Mẹ Maria và các Thánh chuyển cầu, ban cho chúng ta luôn sống Đức Tin mạnh mẽ và đoàn kết thương yêu nhau để củng cố và phát triển Đức Tin cho chúng ta, cho con cháu chúng ta, và rao giảng Đức Tin cho mọi người mà chúng ta gặp gỡ trong sinh họat hằng ngày.

Xin Chúa chúc lành Năm Mới cho chúng ta, và ban bình an cho chúng ta, cho gia đình chúng ta, cho toàn thể thế giới, cho quê hương Việt Nam; nhất là những nơi đang có chiến tranh, hận thù, giết hại lẫn nhau.

 

Nguồn: vietcatholic.net

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072