Lòng can đảm của cha Tony O’Riordan, nhà truyền giáo tại Nam Sudan

NamSudan.jpg

Một linh mục dòng Tên người Ai len đã không để bạo lực ngăn cản cha thi hành sứ vụ giúp cho người dân ở đất nước Nam Sudan bị xâu xé vì chiến tranh được học hành và có tương lai tươi sáng hơn.

 

Cha Tony O’Riordan là một linh mục dòng Tên người Ai len, truyền giáo tại Nam Sudan, một quốc gia ở châu Phi mới được thành lập từ năm 2011. Cha được bổ nhiệm làm phụ trách trung tâm cứu trợ của dòng Tên tại Manba, Nam Sudan. Cha tin rằng cuộc chiến quyền lực chính trị và nghèo đói có thể được vượt thắng nhờ giáo dục. Hơn 1 phần 3 dân chúng bị mù chữ; 85% dân số không biết đọc. Lý do là vì thiếu nguồn lực cũng như tình trạng di cư vì chiến tranh.

Trung tâm cứu trợ của dòng Tên tại Manba được tổ chức với các chương trình giáo dục nhắm thăng tiến đời sống của người dân Nam Sudan. Nhưng mới đây, nhiều cuộc tấn công vào các cơ sở của dòng cũng như của nhiều cơ sở của các tổ chức phi chính phủ. Vì lý do an ninh của các nhân viên, cũng như vì các cơ sở vật chất bị tàn phá, nên trung tâm cứu trợ của dòng Tên buộc phải ngưng các hoạt động trong vùng Manba. Nhiều nhân viên của các tổ chức nhân đạo đã được sơ tán khỏi Manba, nhưng cha O’Riordan vẫn ở lại để giám sát một dự án xây dựng trường học và chương trình đào tạo giáo viên. Cha đã kể lại kinh nghiệm đã trải qua tại đây khi những cuộc tấn công liên tiếp xảy đến.

Quận Maban là nơi có một trong những trại tị nạn bị cô lập nhất thế giới – một thành phố lều rộng lớn cho hơn 150.000 người tị nạn. Trong vụ bạo lực mới nhất xảy ra vào ngày 23 tháng 7 vừa qua, khu vực của cha O’Riordan đã bị tấn công. “Tình hình không thể dự đoán được,” cha O’Riordan nói. Qua chiếc máy radio cá nhân, cha O’Riordan nhận được tin tức về một cuộc tấn công sắp xảy ra trong khu vực của cha. Khu vực gần nơi cha nhất chỉ cách 300 mét và cha đã có thể nghe biết rằng họ đang bị tấn công. Cha biết chỉ là vấn đề thời gian trước khi một nhóm đột kích đến khu vực của cha. Cha kể: “Chúng tôi đã khóa những gì chúng tôi có thể. Nhân viên địa phương đã chạy về nhà của họ. Những người chúng tôi còn ở lại trong khu vực đã trú ẩn trong bốn phòng chắc chắn nhất của chúng tôi. Chúng tôi sợ điều tồi tệ nhất. Chúng tôi có thể nghe thấy sự hỗn loạn do 200 đến 300 kẻ tấn công gây nên.” Cha O’Riordan mô tả khoảnh khắc đáng sợ khi đám đông bạo lực đã cố gắng vượt qua hàng rào làm bằng những tấm kim loại kẽm bao quanh khu vực của cha. Cha kể: “Chúng tôi có thể nghe thấy những tấm kẽm đổ xuống ào ào. Chúng tôi có thể nghe thấy tiếng la hét của đám đông …, chúng tôi có thể nghe thấy tiếng súng.” Cuối cùng, bốn thành viên của hội đồng giáo xứ địa phương đã thuyết phục “đám đông” dừng lại và rút lui.

Cha O’Riordan cho biết: “Chúng tôi là tổ chức phi chính phủ duy nhất thoát được bạo lực.” Cha nói đó là “một phép lạ”, không có ai bị mất mạng trong các cuộc tấn công. Tuy nhiên, những người biểu tình đã để lại những dấu vết tàn phá, gây thiệt hại cho “trung tâm học tập của dòng Tên, là nơi dòng đào tạo giáo viên, các lớp học tiếng Anh và huấn luyện về máy vi tính. Thực tế, nó hoàn toàn bị phá hủy và tất cả mọi thứ đã bị cướp bóc. Giường, sách, máy vi tính, nồi niêu, bàn ghế – mọi thứ đã bị lấy đi. Thứ duy nhất còn lại là các bài kiểm tra của 500 sinh viên sư phạm đã tham dự kỳ thi vào tuần trước khi các cuộc tấn công xảy ra Cha O’Riordan không biết là hành động bạo lực này chỉ là một hành động đơn lẻ hay liệu nó là khúc dạo đầu cho một kế hoạch lớn hơn. Bạo lực đã khiến cho 500 nhân viên nhân đạo phải rời bỏ miền này, sơ tán đến thủ đô Juba.

Trong một cuộc tấn công khác xảy ra gần đây, 19 người dân không có vũ khí đã bị bắn chết, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em. Cuộc tấn công buộc tổ chức cứu trợ của dòng Tên phải ngưng tất cả những hoạt động để bảo đảm an toàn cho đội ngũ còn ở lại Maban. Tổng cộng, kể các khu vực của các tổ chức phi chính phủ đã bị tấn công, cha O’Riordan mô tả đó là “một loạt các cuộc tấn công phối hợp”. Trong một sự kiện khác, tại một dự án khác của tổ chức cứu trợ của dòng Tên ở Yambio, có đến 40 trẻ em đã bị bắt cóc. Cha kể rằng các chàng trai bị buộc phải chiến đấu, các cô gái được sử dụng như nô lệ tình dục.

Cuộc tấn công đã buộc tổ chức cứu trợ của dòng Tên ngưng tất cả các hoạt động quan trọng trong cộng đồng địa phương và với dân số tị nạn trong khu vực Maban. Điều này đồng nghĩa với việc 80 ngàn người không thể theo học các lớp tiếng Anh, vi tính, đào tạo giáo viên và nghề nghiệp để có thể có cơ hội xây dựng tương lai chắc chắc hơn cho họ và cho cộng đồng của họ. Mặc dù bạo lực, cha O’Riordan cho biết cha vẫn cam kết tập trung lại những nỗ lực của mình để xây dựng lại những gì đã bị phá hủy trong bạo lực mới xảy ra. Cha nói: “Chúng tôi không thể bỏ cuộc.” Cha O’Riordan là một trong số 50 nhân viên cứu trợ tiếp tục ở lại để theo dõi tình hình và cố gắng xây dựng lại tất cả những gì họ đã bắt đầu, mặc dù không có nguồn cung cấp và nhân viên (vì hầu hết trong số họ đã được sơ tán đến các cơ sở của LHQ để bảo đảm an ninh) công việc sẽ rất khó khăn.

Sự cương quyết khi đối diện với hoàn cảnh khó khăn không phải là điều bất thường đối với cha O’Riordan. Trước khi làm việc ở miền Nam Sudan, cha O’Riordan là cha xứ tại giáo xứ Corpus Christi ở Moyross, Limerick, Ireland, một nơi khó khăn với nạn đói nghèo, băng đảng ma túy và tội phạm. Cha O’Riordan đã phải đối đầu với những kẻ buôn ma túy ở Limerick, Ai len, và cha không bao giờ tháo lui, dù chỉ một bước; cha không sợ đưa ra những lời mạnh mẽ chống những kẻ buôn bán ma túy và kêu gọi họ từ bỏ sự quyến rũ của tiến bạc có từ ma túy.

 

 

 

Nguồn: COnggiao.info

Tin liên quan

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072