Luyện tập quên

Sách Liệt Tử có câu chuyện như sau: Nước Tống có một người đã đứng tuổi, tự nhiên mắc bệnh kỳ lạ là bệnh quên. Buổi sáng lấy gì của ai, buổi chiều đã quên. Hôm nay ai cho cái gì, ngày mai lại chẳng nhớ, ra đường quên cả đi, về nhà quên cả ngồi. Trước đã làm gì, bây giờ thì quên hết. Và bây giờ đang làm gì, sau này cũng chẳng nhớ. Cả nhà rất lo lắng về bệnh tình của anh, mời thầy chạy thuốc, chữa hết mọi cách mà cũng chẳng khỏi. Sau đó có ông thầy đồ, người nước Lỗ nói rằng chữa được. Vợ của người bệnh hứa với ông đồ là nếu chữa lành bệnh cho chồng, thì sẽ chia cho ông phân nữa gia sản. Trước hết ông thầy đồ thử anh bệnh bằng cách lột áo anh ra để cho bị rét lạnh, thì thấy anh ta xin áo. Bỏ đói không cho ăn, thì anh ta xin ăn. Sai đem anh vào trong chỗ tối, thì anh xin ra chỗ sáng. Thấy những phản ứng như vậy của người bệnh, ông thầy đồ càng tin tưởng và nhận lời chữa bệnh. Chẳng ai biết ông thầy đồ đã chữa như thế nao mà sau 7 ngày, anh trở lại bình thường. Tuy nhiên, khi tỉnh táo bình thường, thì anh ta lại sinh nóng giận, chửi vợ đánh con, cầm dao rượt đuổi thầy đồ đã chữa bệnh cho mình. Những người xung quanh bắt giữ ông lại và hỏi lý do tại sao làm thế, thì được anh trả lời như sau: Lúc trước tôi mắc bệnh quên, thì lòng tôi thảnh thơi khoan khoái, trời đất có còn hay không, tôi chẳng cần biết. Nay hết bệnh, tôi nhớ tất cả mọi sự, cả những chuyện của mấy mươi năm về trước – chuyện vui, chuyện buồn, chuyện yêu, chuyện ghét, chuyện thành công, chuyện thất bại – lòng tôi trở nên rối bời, ngổn ngang trăm mối. Chuyện buồn, chuyện ghét, chuyện thất bại thì lại nhớ dai và nhớ sâu hơn. E rằng sau này những chuyện ấy sẽ bám lấy tôi mãi mãi, dù có muốn quên cũng không quên được. Và nếu bị dày vò như vậy, thử hỏi tôi có tức giận được hay không chứ?
Câu chuyện vui trên có thể làm chúng ta suy nghĩ và nói: nếu có trí nhớ mà như vậy, thì thà bệnh quên có lẽ tốt hơn. Nhưng chúng ta không cần cầu chúc mình mắc bệnh quên, để sống an nhàn thư thái. Mỗi người chúng ta cũng có thể luyện cho mình một thái độ sống chỉ nhớ những điều tốt, và biết quên đi những phiền muộn, những xúc phạm do anh chị em gây nên. Ðể giúp ta dễ dàng quên đi những gì tiêu cực, chúng ta hãy tập sống tha thứ cho anh chị em thật lòng: tha thứ cho anh chị em đến bảy mươi lần bảy, tha thứ không giới hạn, như lời Chúa đã dạy cho các tông đồ. Chúng ta sẽ không hưởng được niềm vui với tâm hồn an bình thư thái nếu chúng ta không quên đi những xúc phạm của anh chị em và thật lòng tha thứ cho họ.
Chúng ta không cần cầu chúc cho mình mắc bệnh quên kỳ lạ như anh chàng nước Tống trong câu chuyện kể trên. Thánh Phaolô tông đồ đã khuyên các tín hữu hãy để cho ân sủng Chúa Kitô thanh luyện, trở nên con người mới, sống theo tinh thần mới, tinh thần của Chúa Giêsu Kitô. Nơi chương 4 thư Êphêsô, từ câu 24 trở đi, thánh Phaolô đã khuyên những người con tinh thần của mình như sau: “Anh chị em hãy chừa nói dối, hãy nói thật với nhau, vì chúng ta là chi thể trong cùng một thân thể. Có lỡ ra mà nóng giận thì chịu vậy, nhưng đừng phạm tội bởi đó. Ðừng tích lòng giận dữ tới lúc mặt trời lặn. Ðừng mở dịp cho ma quỉ cám dỗ… Anh chị em chớ làm phiền lòng Chúa Thánh Thần… Anh chị em hãy trừ diệt khỏi mình mọi gay gắt, nóng giận, căm phẫn, mắng nhiếc, chửi rủa và mọi thứ gian ác. Trái lại, hãy ăn ở hiền lành hòa nhã với nhau. Hãy tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa, vì Chúa Kitô, đã tha thứ cho anh chị em vậy” (Ep 4,24-27.30-32)
Nếu tất cả mỗi người chúng ta cố gắng hằng ngày để sống như vậy, thì không còn cần “bệnh quên” để thoát ra khỏi sự phiền muộn của cuộc đời. Chúa biết điểu này khó, đối với bản tính yếu hèn loài người, nên Ngài đã dạy các đồ đệ hãy luôn cầu nguyện: Xin Cha tha nợ cho chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, xin khẩn cầu cùng Chúa ban cho con một tâm hồn tươi trẻ, trinh trong như suối nguồn êm chảy, không tích chứa những ưu phiền, một tấm lòng hào hiệp, biết thông cảm và hy sinh. xin Mẹ hướng dẫn con đến với Chúa Giêsu Con Mẹ, và học lấy bài học sống hiền lành và khiêm nhượng thật trong lòng. Amen.

 

Sưu tầm

Tin liên quan

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072