Câu chuyện: Thiên Chúa là Đấng “Tham – Sân – Si”

 

Một ông Cao Đài đang dán mắt vào cuốn Thánh Kinh dày cộm, bỗng cười hô hố:

– Bà ơi! Châm cho tôi ấm nước trà. Có khách quý tới nè.

– Khách quý nào vậy?

– Ông linh mục bên nhà thờ.

– Chào linh mục. Linh mục đến thăm là Chúa đến thăm. Nhà tôi thiệt có phước.

– Hổng dám. Ông bà Tư mạnh giỏi cả chứ?

– Trời Phật độ. Vợ chồng chúng tôi mạnh hoài à

– Bà Tư đon đả, cười duyên, ngoe ngoảy đi vô nhà trong.Ông Tư Cao Đài gấp cuốn Thánh Kinh, nhìn trân ông linh mục, muốn ngỏ lời, nhưng lại “tình trong như đã mặt ngoài còn e”. Ông linh mục đon đả mở màn.

– Ông Tư nghiên cứu Thánh Kinh dữ quá ta. Ông Tư thấy thế nào?

– Nói chung thì hay quá. Nhưng …tôi thấy Chúa của ông “Tham-sân-si” quá à.

– Ví dụ!

– Chúng tôi là người phàm, vậy mà khi thấy “con hơn cha” thì biểu là “nhà có phước”. Thế mà Chúa của ông thì không được như thế. Thấy Evà ăn trái cấm để bằng Chúa, Chúa không mừng, lại còn phạt te tua. Te tua từ đời cha đến đời con. Tetua cho đến hôm nay và cho đến tận thế luôn.

– Ông Tư có ý nghĩ hay đấy. Tôi chưa bao giờ khám phá ra tư tường này…Chúa củatôi còn “Tham-sân-si” gì nữa nào?

– Còn nhiều lắm:

+ Ađam và Evà trốn trong bụi rậm, Chúa không biết. Chúa phải đi tìm và gọi ơi ới:“Ađam đâu? Ađam đâu?”.

+ Chúa không biết lòng của Apraham ra sao, nên bảo ông sát tế đứa con duy nhất là Isaác. Đến khi ông Apraham giơ con dao lên sắp đâm phập xuống, Chúa mới biết và tin tưởng vào lòng trung thành của ông: “Thôi dừng tay lại đi. Bây giờ Ta biết lòng ngươi rồi”. Như thế là không toàn tri.

+ Thấy Dân Do Thái cứng đầu quá, Chúa nổi giận và muốn tiêu diệt họ trên sa mạc. May quá, nhờ ông Môsê khuyên bảo và “quạt mát” cho, Chúa mới nguôi ngoai và thôi bừng bừng sát khí. Môsê còn hiền lành hơn cả Giavê!

+ Chúa chỉ yêu một Dân Do Thái. Ngài sẵn sàng giết hết các con đầu lòng của Ai Cập để Dân Do Thái được hồi hương. Chúa sẵn sàng dìm binh tướng Ai Cập chết ngộp trong Biển Đỏ xác trôi lều bều…để người Do Thái được thong thả đi trên lòng biển ráo chân. Rồi sau đó lại có ý đồ đuổi hết các dân tộc từ bờ Địa Trung Hải cho tới sông Hổ Giang để làm cái nôi cho con của mình là Dân Do Thái. Để tôi đọc câu này cho linh mục nghe nhá: “Gốc nho ấy Chúa bứng từ Ai Cập. Đuổi chư dân đi lấy chỗ mà trồng. Cành lá vươn dài tới phía Đại Dương. Chồi mọc xa tới tận miền Sông Cả”.

– (Vỗ tay) Hoan hô ông Tư, ông Tư thuộc Thánh Kinh hơn cả tôi nữa. Tôi xin ghi nhận mọi ý kiến của ông Tư để suy gẫm. Tôi sẵn sàng góp ý với ông Tư, nhưng phải nói chuyện lâu đấy.

– Càng lâu càng tốt. Ăn cơm tối với chúng tôi luôn.

– Khỏi cần cơm làm chi. Một điếu thuốc, một tách cà phê là đủ rồi.

– Bà ơi, cho tôi và ông cha nhà thờ một gói thuốc Jet và hai tách cà phê. Rồi bà ra đây mà nghe tụi tui bàn chuyện Thánh Kinh.

Cà phê đắng lắng xuống. Khói thuốc cay bay lên. Ông linh mục lim dim cặp mắt.Ông Tư Cao Đài ngong ngóng chờ. Bà Tư Cao Đài làm duyên làm dáng.

Ông linh mục bắt đầu nhỏ nhẹ:

– Một điều đáng buồn là loài người từ Đông sang Tây, từ Cổ chí Kim đều không nghĩ tốt về Thượng Đế.

+ Chuyện cổ Hy Lạp và La Mã coi thần Jupiter như một ông Trời ích kỷ và độc ác.Thần Prêmêtê ăn trộm lửa trời đem cho loài người, để loài người được ngủ ấm và được ăn chín. Thế mà ông Trời Jupiter đã nỡ tâm phạt Prêmêtê bị quạ mổ bụng, moi ruột đời đời kiếp kiếp.

+ Văn chương bình dân Việt Nam ta gọi ông Trời là “Con Tạo đa đoan”. Đa đoan chẳng phải là bận rộn công việc, mà là điều hành vũ trụ một cách tùy tiện, không tình không lý. Con Tạo bắt cặp vợ chồng này phải vô sinh để họ buồn hiu hắt. Ông lại bắt cặp vợ chồng kia đẻ sòn sòn năm thằng con trai, tức ngũ quỷ, để thiên hạ cười chơi…

+ Văn chương còn gọi ông Trời là “Trẻ Tạo đành hanh quá ngán. Chết đuối người trên cạn mà chơi?”. Ông Trời đày đọa kiếp người, để mà chơi thôi. Trời ơi là Trời!

+ Thi hào Nguyễn Du giận ông Trời quá đến mức độ phải thốt lên rằng:
“Lạ gì bỉ sắc, tư phong
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”.

Ông Trời ngự trên chín tầng trời mây thăm thẳm, mà còn ghen tương với tài sắc củacô Kiều ư. Ông Nguyễn Du ơi! Ông ơi là ông!

Các tác giả Cựu Ước không đi ra ngoài quỹ đạo suy tư ấy. Họ là người phàm, họ nhìn Thiên Chúa theo cặp kính màu của họ. Họ được Chúa mạc khải chân lý, nhưng cách trình bày của họ vẫn còn “tham-sân-si” như mọi người.

Mạc khải chính mà Chúa muốn cho loài người biết, đó là có một Thiên Chúa Duy Nhất và có một Lịch sử Cứu Độ cho mọi dân tộc, nhưng khởi đầu từ Dân Do Thái.Nhưng cách trình bày của sứ ngôn thì không thể như Chúa muốn được.

Ta lấy một ví dụ: Để đưa Dân Do Thái trở về thờ một Chúa duy nhất, thì Êlia đã sử dụng phương pháp “tham-sân-si” của ông. Đó là ông ra lệnh giết hơn bốn trăm sãi thần Baal trên núi Cácmen. Mục đích thì đã đạt được nhưng phương tiện để đạt được mục đích ấy thì ghê quá, “sân” quá. Loài người thời nào cũng thế. Ôi, nhân tình thế thái.

Điều tôi muốn tâm sự với ông Tư, đó là chỉ một mình Đức Giêsu mới cho ta một mạc khải trọn vẹn về Đấng Thượng Đế mà Người gọi là Cha. Những giáo huấn của Môsê và của các sứ ngôn chỉ là con đường dẫn đến Đức Giêsu. Chỉ có một mình Đức Giêsucho ta thấy chân dung chân thật của Thiên Chúa, vì chỉ có một mình Người mới là người Con từ Chúa Cha mà đến. Chỉ có con mới nói hết lời hết ý về Cha của mình.

Cũng chính vì thế tôi đề nghị với ông bà Tư là ta nên đọc về Đức Giêsu trước, tức là đọc Phúc Âm. Hiểu Đức Giêsu rồi, yêu Đức Giêsu rồi, mới đọc Cựu Ước và mới thấy cái nào là cái “Tham-sân-si” của loài người và cái nào là toàn tri, toàn ái của Đấng Giavê.

Tôi kể cho ông bà Tư một câu chuyện để minh họa lý luận trên. Có một cặp vợ chồng rất cần cù và tiết kiệm. Con trai thì không ăn nhậu. Con gái thì không se sua. Họ có vựa củi và than. Vậy mà trong bếp chỉ chụm miểng vụn của củi. Nhà lá thì sập sệ vàtrống hoang. Tôi hỏi một ông láng giềng:

– Tại sao nhà ông Hai cần cù, tiết kiệm như thế mà không giàu là thế nào?

– Cần cù lắm. Tiết kiệm lắm. Nhưng…không giàu, vì phải có số giàu mới giàu cha ạ.Có lý nhưng không có sức thuyết phục. Tôi hỏi đứa con Út của ông Hai.

– Tại sao cha con thì cần cù, tiết kiệm, tụi con thì không ăn chơi, không se sua, mà sao vẫn nghèo thế?

– Cha con có nhiều vàng lắm. Cha con đem chôn ngoài nhị tì, sợ bị đánh tư sản mại bản.Đúng thế thật, sau Đại hội VI của Đảng năm 1986, ông Hai phá nhà lá, xây nhà lầu…Thế mới biết chỉ có người con mới nói đúng và nói hết về cha của mình.Chỉ có mạc khải trọn vẹn trong Đức Giêsu mà thôi.

 

Lm.Piô Ngô Phúc Hậu

Nguồn:nguoisamarinhanhau.com

Tin liên quan

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072