Mùa Chay – thời gian mở lòng ra cho Đấng đầy thương xót (10)
Niềm vui cạn chén
Trong đau khổ có an ủi, trong bóng tối có ánh sáng, trong tuyệt vọng có hy vọng, giữa thành Babylone có ánh sáng đến từ Giê-ru-sa-lem, giữa lực lượng của ma quỷ có thiên thần an ủi. Chén đắng chứa nỗi buồn phiền của chúng ta cũng là chén mang đến vui mừng.
Niềm vui và buồn phiền không bao giờ lìa nhau. Trong chén cuộc đời, hạnh phúc và bất hạnh, lạc thú và ưu phiền, vui sướng và tang tóc tròng tréo nhau. Nói cách khác, chén này thật khó uống. Chính vì thế mà chúng ta phải cầm chén một cách cẩn thận, tìm niềm vui che giấu trong buồn phiền, để sau đó chúng ta có thể cạn chén và niềm vui sẽ đến với chúng ta.
Tự bản thân, chúng ta có thể tìm thấy niềm vui đấy, nhưng đó chỉ là niềm vui chóng qua. Niềm vui vĩnh cửu và lớn lao nhất tự chúng ta không thể làm nên được. Niềm vui đó ở nơi Đấng tạo thành, Đấng là tình yêu được biểu lộ qua chính Đức Kitô.
Nhưng chúng ta có thể thấy Đức Giêsu là người của niềm vui không? Thân hình bị tra tấn, trần truồng, bị treo, hai tay đóng đinh vào thập giá không phải là một chuyện vui. Tuy nhiên, thập giá của Đức Giêsu thường là dấu hiệu tượng trưng cho ngai vinh quang. Trên ảnh thánh giá, thân hình Đức Giêsu không phải là thân hình của người bị đánh đập, bị cực hình nhưng là thân hình đẹp sáng rọi mà các vết thương là những vết thương thiêng liêng.
Ảnh tượng ở San Damiano là một ví dụ, ảnh tượng mà thánh Phan Sinh hay gọi bằng tên và nói chuyện với người.
Ảnh tượng cho thấy một Đức Giêsu bị đóng đinh nhưng chiến thắng. Bờ thập giá được bao bằng vàng lộng lẫy, thân hình của Đức Giêsu đẹp tuyệt hảo, không mang dấu vết của tra tấn, thanh ngang thập giá là hình tấm mộ được mở ra nơi Đức Giêsu sống lại, Mẹ Maria, thánh Gioan và những người ở chung quanh người bên cây thập giá đều hân hoan. Trên đỉnh cột thập giá là hình ảnh các thiên thần bao quanh Thiên Chúa, Đấng đang đưa tay vẫy gọi Đức Giêsu về trời…
Thập giá này cũng là thập giá của Sống Lại, tượng trưng cho Đức Giêsu trong vinh quang. Các lời của Đức Giêsu: “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi “ (Ga 12:32) không những dựa vào việc đóng đinh mà còn dựa vào sự sống lại. Được giương cao, không phải chỉ muốn nói được giương cao lên trên thập giá, nhưng là còn giương cao lên bằng sự sống lại. Hơn nữa, chúng ta sẽ mắc một sai lầm rất lớn, nếu chúng ta đã nhắc đến việc Chúa Giê-su loan báo con đường thương khó của Ngài, mà không nhắc đến Phục Sinh. Cả ba lần loan báo, Đức Kitô đều nhắc đến Phục Sinh. Đó chính là vinh quang của Ngài. Qua Phục Sinh, Chúa Giê-su chiến thắng sự chết. Thật vậy, sự chết không phải là chữ cuối cùng của cuốn sách lịch sử nhân trần. Đức Kitô đã ghi vào cuốn sách lịch sử nhân loại chúng ta chữ cuối cùng, đó là chữ Phục Sinh. Vì thế, có niềm vui nào lớn hơn nữa khi chúng ta mừng đón niềm vui Phục Sinh. Bonhoeffer đã nói rằng, bước đi dưới thánh giá không phải là khổ đau, và cũng không phải là thất vọng, mà là ủi an, là bình an trong tâm hồn. Đó là niềm vui lớn lao nhất. Vâng, niềm vui lớn lao đó sẽ xuất hiện khi chúng ta cùng với Đức Kitô đi con đường thánh giá cho đến cùng. Tại đích đến, thập giá nở hoa Phục Sinh.
Ngoài ra, Đức Giêsu cũng nói rất rõ: “Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì sẽ được sống muôn đời “ (Ga 3:13-14). Những gì Môsê giương cao như cờ hiệu trong sa mạc, là con rắn bằng đồng có khả năng chữa các vết thương do rắn cắn nếu người bị thương nhìn vào đó (x. Đnl 21:8-9). Thập giá của Đức Giêsu là cờ hiệu có khả năng chữa lành cho chúng ta khỏi sự chết. Thiên Chúa “giương cao ” kéo tất cả nhân loại về với Người trong đời sống vĩnh cửu. Đức Giêsu, Đấng đã kêu: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con? “ (Mt 27:47) cũng là Đấng từ bỏ mình trong tin tưởng: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha “ (Lc 23:46). Đức Giêsu muốn chúng ta thông dự hoàn toàn vào nỗi khổ của người, muốn chúng ta cùng cạn chén với Người, để nhờ đó với Người chúng ta tham dự trọn vẹn vào niềm vui của Người. Vâng, Đức Giêsu, Người của niềm vui, muốn chúng ta là dân của niềm vui. Chúng ta là một phần của chính Ngài, thì Ngài luôn mong muốn chúng ta được vui với Ngài. Như vậy, khi cùng uống cạn chén với Đức Kitô, niềm vui của chúng ta được trọn vẹn trong niềm vui của Ngài.
Thay lời kết
Lạy Chúa Giê-su, chúng con thật vui mừng khi nhận ra rằng, chúng con là những người quý giá trong đôi mắt của Chúa, và chúng con mang một phẩm giá cao quý vì chúng con được dựng nên theo hình ảnh của Chúa. Niềm vui này lớn hơn, khi chúng con khám phá ra một tâm tình : “chúng con là một phần của chính Chúa và Chúa là một phần của chính chúng con”.
Nhưng tiếc thay, tội lỗi đã len vào và như muốn đập vỡ những viên ngọc quý giá của Chúa, là chính chúng con ; tội lỗi như muốn cướp đi phẩm giá cao quý của chúng con, là những người con của Cha trong ngôi nhà yêu thương, và muốn biến chúng con thành những “thân phận” thật tệ bạc, tệ bạc hơn cả loài vật.
Chính lúc chúng con đang rơi vào trong hố sâu đen đủi, tình yêu của Chúa, của người Cha nhân hậu đã đánh thức chúng con và vực chúng con dậy. Tình yêu đó đã ban thêm sức mạnh cho đôi chân của chúng con, để lên đường trở về với Cha.
Và tình yêu đó như muốn nói với chúng con rằng : “Con mãi mãi là con. Không có thế lực nào cướp đi được phẩm giá cao quý của con. “Đầy tớ” không có chỗ trong đời của con, con mãi mãi là một phần của chính Cha”.
Vì thế, Chúa đã cứu chúng con qua việc Chúa xuống thế làm người, đi con đường dương thế của chúng con, gánh vác tất cả những nỗi thống khổ của chúng con, và còn bị treo trên cây gỗ giành cho kẻ tội nhân. Trên cây gỗ đó Chúa đã bị nguyền rủa bởi chúng con và cho chúng con. Và trên cây gỗ đó Chúa muốn nói với chúng con rằng, dù thế nào đi nữa, chúng con vẫn quý giá trong đôi mắt của Chúa.
Cuối cùng, cây gỗ mà sự dữ dùng để đóng đinh Chúa đã nở hoa Phục Sinh. Vâng, không có thế lực nào có thể thắng được tình yêu quyền năng của Chúa. Với sự Phục Sinh của Chúa, Chúa muốn trao cho chúng con niềm vui vĩnh cửu, niềm vui lớn lao nhất và không bao giờ phai tàn hay mất đi mà chúng con không thể tìm thấy trên giương gian này.Ôi niềm vui tuyệt hảo của lời xin vâng mà Chúa giành cho chúng con.
Lạy Chúa, xin ngàn vạn lần tri ân cảm tạ Chúa.
Ngàn vạn lần xin Chúa giúp chúng con biết mở lòng và ý thức nói lời xin vâng với Chúa, biết cùng với Chúa cầm chén, nâng chén và cạn chén trong niềm vui Phục Sinh.
Ngàn vạn lần xin Chúa trở nên không phải là một phần của chính con, mà là tất cả của con, để nhờ đó con là của Chúa suốt đời con. Amen.
Lm. Nguyễn Ngọc Thế, SJ