Mùa Chay và sự trở về trong năm Phúc Âm hóa gia đình

 

 

Tôi xin bắt đầu loạt bài chia sẻ mùa Chay năm nay bằng một câu chuyện. Giáo xứ kia có một gia đình thường xuyên cãi nhau. Một hôm, khi hai vợ chồng đang to tiếng, cha xứ đi ngang qua đó nên tạt vào nhắc nhở: Mùa chay đã đến rồi, thôi đừng cãi nhau ầm ĩ nữa, hãy ăn năn sám hối đi vv và vv… không chờ cho ngài dứt lời, anh chồng từ nãy giờ vẫn chưa nguôi cơn nóng liền cắt ngang: Thưa cha, chúng con cãi nhau mười mấy năm rồi nhưng chúng con vẫn còn chung sống với nhau, con thấy cha về đây chưa được một năm mà cha đã đuổi ba cô bếp rồi ):

Mặc dù câu trả lời của anh chồng hết sức hài hước vì so sánh khập khiễng. So sánh sự ràng buộc chung thủy trong hôn nhân với các mối liên hệ khác của cuộc sống, ở đây là tương quan giữa cha xứ và người giúp việc. Tuy vậy nó vẫn hàm chứa một sự thật đáng cho chúng ta suy gẫm: dù linh mục hay giáo dân, tất cả chúng ta đều là tội nhân, đều là những con người yếu đuối, sai phạm hết mọi lỗi lầm. Chính Đức Thánh Cha Benedicto đã nói:”Các linh mục học được nơi hối nhân gương mẫu về đời sống thiêng liêng của họ: các ngài có thể nhận được những bài học sâu xa về lòng khiêm nhường và đức tin từ nơi giáo dân”. Như thế mùa Chay về là cơ hội thuận tiện để linh mục, giáo dân suy nghĩ về bản thân mà thay đổi nên mới. Sự thay đổi cần thiết này giúp chúng ta biến hình sáng láng, đồng hình đồng dạng với con yêu dấu của Thiên Chúa, đáp lại lời mời gọi của Chúa Cha: “Đây là con yêu dấu của ta, hãy vâng nghe lời Người”.

Giữa biết bao bề bộn của cuộc sống, những rối rắm của cuộc đời. Chúng ta phải trở về từ đâu?

Dĩ nhiên mỗi người sẽ có một câu trả lời khác nhau bởi vì hoàn cảnh không ai giống ai cả. Tuy nhiên vì chúng ta đang sống trong năm phụng vụ với chủ đề: PHÚC ÂM HÓA ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH, nên tôi xin gợi ý chúng ta sẽ bắt đầu thay đổi từ những tương quan trong gia đình ngõ hầu trở nên những gia đình thánh gia, phản chiếu tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Nếu bình tâm suy nghĩ một cách chân thành, sẽ thấy rõ ràng rằng, sự tốt hay xấu ngoài xã hội hầu hết đều có nguồn gốc từ gia đình. Không may thay cho xã hội chúng ta, gia đình đang đứng trước nguy cơ tàn phá rất to lớn. Tông Huấn Familiaris Consortio khẳng định những khó khăn đó là vì ta đang sống “trong một xã hội đã bị lung lay và phân hoá do những căng thẳng và xung khắc vì sự đối đầu khốc liệt giữa các chủ nghĩa cá nhân và ích kỷ đủ loại. Đức Cha Giuse giáo phận trong thư mục vụ mùa Chay năm nay lưu ý thêm : “có những yếu tố tiêu cực, đang thực sự đe dọa đời sống gia đình. Đó là sự suy thoái về những giá trị tinh thần, nhất là những giá trị truyền thống với những hiện tượng như bạo lực, chia rẽ, ly tán đưa đến những bất ổn, bất hòa, bất trung và bất hạnh”. Nguyên nhân của tan vỡ gia đình là sự suy thoái những giá trị tinh thần, là cá nhân chủ nghĩa, là sự tự do quá trớn chỉ nghĩ tới bản thân mình, không hề quan tâm tới người khác.

Để có được tương quan lành mạnh, tròn đầy, cần loại bỏ chủ nghĩa cá nhân đi. Điều này đặc biệt cần thiết trong hôn nhân, bởi cả hai đã trở nên một thân thể. Nếu đã nên một với nhau, thì sự vui mừng hay ưu điểm của người này cũng là của người kia; và ngược lại, những giới hạn, tật xấu của người này, người kia cũng cảm thấy đau như đó là của chính mình vậy. Không biết có mấy ai trong chúng ta có được cảm nhận như vậy với người chồng hay vợ của mình? Chuyện cãi vã giữa vợ chồng hàng ngày là điều không còn xa lạ. Dù đã trở nên một, có người luôn nghĩ mình là khôn và chê người kia ngu. Chuyện kể có người chồng như thế và người vợ thẳng thắn nói: Phải tôi ngu quá nên mới xui xẻo lấy nhầm anh, anh khôn quá nên mới lấy được tôi! Những tiếng cười vui trong nhà, trò chuyện tâm sự giữa vợ chồng, giữa cha hay mẹ với con trai, con gái đã trở thành chuyện xưa nay hiếm, chỉ vì ai cũng tìm niềm vui cho riêng mình.

Chủ nghĩa cá nhân và ích kỷ đủ loại đang tàn phá nền tảng bền vững của gia đình. Hãy nghe lại lời của thánh Phaolo gửi cho các gia đình trong chương 5 thư Epheso “Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Ki-tô là đầu của Hội Thánh, Và như Hội Thánh tùng phục Đức Ki-tô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy. Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Ki-tô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh “. Không biết ở đây có người nào phản đối không chứ ở Tây Âu, các phong trào nữ quyền cho rằng Thánh Phaolo trọng nam khinh nữ và họ đề nghị Giáo Hội cắt bỏ đoạn vừa qua đi! Họ vừa đọc tới “vợ phục tùng chồng” là họ sôi máu lên rồi. Vì nóng quá nên họ không chú ý câu trước đó: “vì lòng kính sợ Đức Kito, anh em hãy tùng phục lẫn nhau”. Họ cũng mất bình tĩnh nên không thèm để ý rằng, thánh Phaolo đòi hỏi sự hy sinh của người chồng rất nhiều “hãy yêu thương vợ như ĐK yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh”.

Thật là nghịch lý, xã hội hôm nay nhao nhao phản đối các giáo huấn của Hội Thánh và đề ra lý tưởng cho đời sống xã hội. Bình quyền nam nữ đối với họ là ai cũng như ai, mọi người cào bằng như nhau, chẳng ai bảo được ai. Để rồi gia đình trở nên nóng như chảo lửa chứ không còn là tổ ấm. Cưới nhau thề thốt được vài hôm rồi lại lôi nhau ra tòa- Britney Spear là một minh họa, kết hôn và ly dị đều đình đám như nhau và cách nhau chỉ 24 tiếng đồng hồ!

Ngày nay, làm chứng về giá trị cao quí của sự bất khả phân ly trong hôn nhân và của lòng chung thuỷ vợ chồng là một trong những bổn phận quan trọng nhất và cấp bách nhất của các đôi bạn Ki-tô hữu (FC). Trong khi đó đối với Giáo Hội, bình quyền nam nữ không phải là cào bằng ai cũng như ai, mà là mỗi người hãy trở nên chính mình.

Vợ chồng nhận ra những giá trị và khác biệt nam nữ để bổ sung cho nhau, quan tâm giúp đỡ nhau. Người nam hãy là chính mình khi can đảm mạnh mẽ, là nơi nương tựa cho vợ con, sống quảng đại vị tha chứ không đòi hỏi những niềm vui cho riêng mình. Có những anh chồng tính tình thô bỉ, cộc cằn, chỉ biết đòi hỏi và không thèm quan tâm tới những nhu cầu tâm sinh thể lý của vợ. Có câu chuyện kể rằng, ngày trước khi hai người đang quen nhau và đi chơi trong một đêm trăng sáng. Nàng mới âu yếm hỏi chàng rằng, trăng hôm nay sáng quá hả anh? Chàng trả lời, trăng sáng nhưng không sáng bằng mắt em. Điều ấy làm nàng quá đỗi hạnh phúc nên khi chàng cầu hôn là nhận lời ngay. Mười năm sau nhân dịp kỷ niệm thành hôn, nàng cũng hỏi câu đó nhưng chàng trả lời “bộ mắt bà mù rồi hay sao mà hỏi tui?”. Thật là lố bịch vì hoàn toàn không để ý chút nào tới cảm xúc của vợ mình – “nếu bả có buồn thì tại bả chứ tui nói có gì sai đâu”(!)

Phần mình, người nữ hãy dịu dàng nhẹ nhàng với nữ tính của mình để làm cho thế giới này trở nên thân thiện hơn, đáng yêu hơn, vui tươi hơn. Khi người chồng nóng nảy, người nữ nên khéo léo làm cho anh ta hạ hỏa: chồng giận thì vợ bớt lời. Người ta vẫn nói rằng, thế giới ngày nay giỏi lắm rồi, có quá nhiều nhiều tài năng, trong đó có nữ phi hành gia, nữ tướng lĩnh quân đội và cả nữ thủ tướng, tổng thống, nhưng thế giới này đang mất đi lòng nhân ái, sự dịu dàng mà ai cũng cần tới. Và vì đó mà thế giới ngày nay chiến tranh liên tục.

Khiêm tốn nhìn lại thái độ của mình đối với hạnh phúc gia đình sẽ dẫn đến sự ăn năn hoán cải làm đẹp lòng Chúa. Mình đã thực sự chăm lo cho người chồng, người vợ của mình thế nào. Mình có đón nhận họ như một phần đời của mình hay không? Đón nhận trọn con người với những nét đẹp, duyên dáng, và cả khuyết điểm giới hạn nữa. Có như thế mới giữ được sự chung thủy khi thịnh vượng cũng như gian nan, khi mạnh khỏe cũng như khi đau yếu. Hạnh phúc là biết chấp nhận chính mình, với những gì mình có, biết chia sẻ và không tham lam.

Tóm lại, những bất ổn trong đời sống gia đình hiện nay là điều có thật có nhiều. Ai nghĩ rằng trong hôn nhân chỉ toàn màu hồng là người ảo tưởng. Để vượt qua khó khăn gia đình, chúng ta cần xin Chúa ơn khiêm tốn để bỏ đi chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, ý riêng của mình, tránh coi thường hay so sánh người phối ngẫu với bất cứ ai. Hãy quan tâm hơn tới cảm xúc vui buồn của nhau. Gia đình là số một! Trong mọi cuộc tranh cãi, hãy nghĩ tới hạnh phúc gia đình, chứ đừng nghĩ phần thắng cho riêng mình. Đừng quên cầu nguyện khi gặp khó khăn, hãy để Thiên Chúa có chỗ trong cuộc đời của mình. Xin Chúa chúc lành và thánh hóa gia đình chúng con.

 

Phêrô Nguyễn Đức Thắng
Nguồn: gplongxuyen.org

Tin liên quan

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072