Mùa vọng cuộc đời
Kết thúc một Năm Phụng vụ bằng Chúa Nhật tôn vinh Chúa Giêsu Kitô là Vua vũ trụ, Vua muôn loài, Giáo Hội lại đưa chúng ta bước vào một Năm Phụng vụ mới bằng Mùa Vọng.
Theo những quy luật tổng quát về Năm Phụng vụ và Niên lịch, “Mùa Vọng có hai đặc tính: vừa là mùa chuẩn bị mừng lễ trọng Giáng Sinh, là lễ kính nhớ Con Chúa đến lần thứ nhất với loài người, vừa là mùa mà qua việc kính nhớ này, các tín hữu hướng lòng mong đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày tận thế” ( số 39).
Mùa Vọng là mùa mong đợi Chúa đến như thời các tiên tri ngày xưa. Ngài đã đến lần thứ nhất nơi hang Bêlem. Ngày nay, Mùa Vọng là mùa chuẩn bị mừng kính, tưởng nhớ đến ngày Chúa đến lần thứ nhất, đồng thời nhắc nhở chúng ta hướng lòng mong đợi và chuẩn bị cho ngày Chúa đến lần thứ hai, Ngày Quang Lâm.
Nhưng ngày ấy bao giờ sẽ đến? Không ai biết, ngay cả Người Con cũng không, chỉ một mình Chúa Cha biết ngày ấy mà thôi. Chúa nhắc lại biến cố đại hồng thuỷ như một lời cảnh báo cho những ai sống thiếu thức tỉnh, thiếu cảnh giác: “Cũng như trong những ngày trước đại hồng thủy, người ta ăn uống, dựng vợ gả chồng, mãi đến chính ngày ông Noe vào tàu mà người ta cũng không ngờ, thình lình hồng thuỷ đến và cuốn đi tất cả, thì khi Con Người đến, cũng sẽ xảy ra như vậy. Khi ấy sẽ có hai người đàn ông đang ở ngoài đồng, một người được tiếp nhận, một người bị bỏ rơi. Và có hai người đàn bà đang xay bột, một người được tiếp nhận, còn người kia bị bỏ rơi.” Dụ ngôn mười cô trinh nữ đi đón chàng rể cũng minh hoạ cho Ngày Quang Lâm.
Nhưng giữa hai lần Chúa đã đến và sẽ đến, còn có một ngày Chúa sẽ đến với mỗi người trong chúng ta, ngày ấy có thể là thời gian 70, 80, hay 100 năm, cũng có thể là hôm nay hay ngày mai. Không ai biết chính xác ngày ấy là ngày nào, ngày ấy đến như tên trộm; đó là ngày chúng ta lìa khỏi thế gian để chịu phán xét riêng, là ngày mỗi người mong đợi về nhà Cha: Mùa vọng cuộc đời.
Mong đợi Chúa đến hôm nay đối với chúng ta là tìm kiếm Nước Thiên Chúa, mong chờ ơn cứu rỗi đến cho từng người trong ngày phán xét riêng và ngày phán xét chung của nhân loại.
Như thế, Mùa Vọng, mùa chuẩn bị, hướng lòng, mong đợi đến sự cứu rỗi cho hôm nay và ngày mai.
Bao lâu chúng ta còn sống thì chúng ta vẫn sống mùa vọng trong sự tỉnh thức và sẵn sàng ngày Chúa đến, vì không ai biết được ngày ấy đến lúc nào. Tỉnh thức, sẵn sàng và cầu nguyện là những việc cần phải làm trong mùa vọng cuộc đời. Sống trọn vẹn cho mùa vọng cuộc đời là chúng ta đã chuẫn bị, đã sẵn sàng cho Ngày chúa đến lần thứ hai, ngày tận thế như lời Chúa đã cảnh tỉnh: “Vậy hãy tỉnh thức, vì không biết giờ nào Chúa các con sẽ đến. Nhưng các con phải hiểu điều này là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông ta sẽ canh phòng, không để cho đào ngạch, khoét vách nhà mình. Vậy các con cũng phải sẵn sàng, vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến.” ( Mt 24,37-44)
Nhưng thế nào là tỉnh thức và sẵn sàng?
Tỉnh thức là bước đi trong ánh sáng, trong công chính; trái nghịch với thức tỉnh là ngủ mê, chểnh mảng, lơ là, buông tay lái, mất phương hướng cuộc đời, là đi trong bóng tối: ghen ghét, thù địch, bất hoà, bất công, vô luân, như Thánh Phaolô đã cảnh cáo những người đi trong bóng tối của ban ngày, “chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đảng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và đừng chiều theo xác thịt mà thoả mãn các duc vọng” ( Rm 14,11-14).
Tỉnh thức là ý thức về mình, tự nhận biết mình là ai, đang đi về đâu, phải sống thế nào, phải có bổn phận, nhiệm vụ gì trong cương vị là con cái Thiên Chúa. Có một câu chuyện kể rằng: Một cuộc bắt đạo khủng khiếp xảy ra trong một vùng nọ. Ba cột trụ của tôn giáo là Thánh Kinh, Phụng tự và Bác ái đến trước mặt Chúa và trình bày nỗi lo sợ một khi tôn giáo bị quét sạch thì ba cột trụ cũng chẳng còn.
Chúa trấn an: “Đừng lo! Ta đã có kế hoạch gửi một Đấng xuống trần gian. Đấng ấy vĩ đại và hùng mạnh hơn cả ba nhà ngươi.”
Ba cột trụ lên tiếng hỏi: “Lạy Chúa, Đấng ấy tên là gì vậy?”
Chúa trả lời: “Tên là Biết Mình. Đấng ấy sẽ làm nhiều việc lớn lao hơn bất cứ gì cả ba nhà người đã làm.”
Không phải ai nhắm mắt cũng ngủ và không phải ai mở mắt cũng thấy. Phải tỉnh thức trong bóng đêm của ban ngày và tỉnh thức trong ánh sáng của ban đêm. Đó là con mắt của đức tin thức tỉnh.
Một vị Rabbi già bị mù, không thể đọc sách cũng không thể nhận ra khuôn mặt của những người đến gặp ông. Một người chữa bệnh bằng đức tin đề nghị với Rabbi: “Nếu thầy đồng ý để tôi săn sóc, tôi sẽ chữa lành chứng mù cho thầy.”
Rabbi trả lời: “Không cần đâu! Tôi vẫn có thể trông thấy mọi thứ mà tôi cần thấy.”
Giáo hội cho chúng ta sống Mùa Vọng trong tinh thần chuẩn bị cho ngày tận thế là để giúp chúng ta bước đi trên những đường ngay nẻo chính, giúp chúng ta bước đi trong ánh sáng chân lý của Chúa, theo con đường Chúa đã vạch ra: “Chính Thầy là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.” (Ga 14,6).
Phải nhận ra ánh sáng trong bóng tối của cuộc đời. Vất bỏ bóng tối và bước theo ánh sáng chân lý của Đấng giải thoát con người khỏi bóng tối tội lỗi đòi hỏi chúng ta phải can đảm và hy sinh.
Mùa Vọng là cơ hội để chúng ta đáp ứng lời mời gọi ấy, là cơ hội để tìm gặp Thiên Chúa, là cơ hội hướng về núi Chúa.
Mùa Vọng giúp chúng ta sống lại ý nghiã của việc Chúa giáng thế lần thứ nhất, đồng thời để chuẩn bị cho ngày Chúa đến trong cuộc đời chúng ta trong niềm vui va hy vọng cho ngày Chúa đến lần thứ hai.
Cuộc sống hôm nay quyết định vận mạng cuộc sống đời sau; hay nói khác, cuộc sống ngày mai là kết quả của cuộc sống hôm nay. Muốn có cuộc sống ngày mai tốt đẹp thì phải chuẩn bị từ cuộc sống hôm nay. Mỗi ngày loài người bước đến gần ngày Thiên Chúa cứu độ, như Thánh Phalô trong thư gửi tín hữu Rôma đã viết, “đã đến lúc anh em phải thức dậy, vì hiện nay ngày Thiên Chúa cứu độ chúng ta đã gần hơn trước, khi chúng ta mới tin đạo”.
Hãy luôn tỉnh thức, cảnh giác và sẵn sàng với ý thức rằng: “Đêm sắp tàn, ngày gần đến” và mong chờ ngày cùng toàn thể con cái Chúa vui mừng hát: “Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: ‘Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa.’” (Tv 121,1).
ST