Nền giao thông hoang dã ở Việt Nam

 

 

Nhẹ thì lườm đểu, nặng hơn là “đi kiểu gì thế?”, “mắt mù?”. Đáng ngại là chúng ngày càng phổ biến.
Đó là thái độ của kẻ bắt nạt. Thích là chúng động tay chân, sử dụng tất cả những gì có thể, từ gạch đá chai lọ, vật vô tri vô giác cho tới vũ khí nóng. Để ăn thua. Không biết phải-trái, không biết mạnh-yếu, không biết nam-nữ, không biết già-trẻ, họ theo phản xạ của con thú trong người. Phần còn lại hẳn mọi người hình dung ra, qua bao nhiêu bài báo, bao nhiêu bức ảnh trên facebook, diễn đàn.

 

Tiếc thay đó là toàn cảnh cho những ứng xử hoang dã, giữa người với người ở đất nước cái gì cũng “đang phát triển”.

Các nhà tâm lý và chuyên gia tội phạm học cho rằng va chạm giao thông nhỏ nhặt tưởng vô hại nhưng cuối cùng trở thành đẫm máu là do tâm lí căng thẳng trong cuộc sống; bế tắc ở tương lai; sức ép về công việc; thời gian; hạ tầng kém; mật độ quá tải; thiếu giáo dục; thiếu giao tiếp cần thiết; thiếu hiểu biết pháp luật. Họ dễ mất bình tĩnh, sẵn sàng bùng nổ, hung hăng, gây hấn, chửi bới, muốn thể hiện cái tôi.

 

Bằng chứng ư? Hãy gõ từ khoá: “Án mạng từ những va chạm giao thông”, chỉ trong chưa đầy hai giây Google cho hàng vạn kết quả. Điều đó chứng tỏ cách ứng xử khi tham gia giao thông và cách giải quyết va chạm giao thông bằng nắm đấm vượt qua mức quan ngại mà tiến thẳng lên báo động.

.

Một nguyên nhân nữa là có khi nào các bạn chợt nhận ra chúng ta lấy bằng quá nhanh? Giỏi đối phó, giỏi luồn lách, giỏi vào chuồng và thách đố nhau bằng những thứ như “chạy được bao nhiêu km/h?”. Nhưng chúng ta chưa giỏi trong việc kiềm chế bản thân. Một tài xế ở Nhật có thể lóng ngóng, vã mồ hôi khi đi đường Hà Nội. Nhưng điều đó đâu đáng xấu hổ. Nỗi xấu hổ thực sự là khi nhìn thấy cảnh tài xế Nhật dừng lại, ra hiệu mời bạn đi bộ qua đường. Tại sao họ làm được mà chúng ta dù muốn cũng không thể?

 

Trong tương lai gần, căn bệnh xã hội này chắc chắn không thể thuyên giảm, nó vẫn âm ỉ, sẽ bùng lên thành dịch nếu kinh tế, xã hội tiếp tục chìm trong khủng hoảng và đạo đức xã hội không được cải thiện. Vậy chúng ta phải làm gì để “sống chung với lũ”?

 

Trước hết cần nhận dạng những đối tượng cần tránh:

– Những tài xế mặt lúc nào cũng hầm hầm, vì tính cách hoặc đã uống rượu bia. Những người chưa gì đã sừng cồ lên đòi ăn thua. Luôn chửi tục trước khi nói được một câu có nghĩa.

– Rất nhiều nam nữ thanh niên lấy hình xăm nghệ thuật làm cá tính, ngoài ra không ít kẻ xăm trổ tùm lum, đeo nanh hổ composite để lấy le, để “xù lông nhím”. Thực chất là rất nhát, chỉ mạnh động khi có bày đàn.

– Giới anh chị giang hồ, đâm thuê chém mướn, xăm trổ hổ báo…tạo ra hình ảnh dữ tợn, cũng để “tự vệ”. Nhưng không đáng lo ngại lắm, vì dù sao cũng “quân tử và cao thượng” nếu ta không thuộc đối tượng cần “làm việc”.

– Ngại nhất là giới iêng hùng tụ tập rượu chè. Rồi trẻ thành thị tóc xanh tóc đỏ,thỉnh thoảng cắn viên thuốc lắc, ngáo đá.. Gặp những đối tượng này phải hết sức khôn khéo và tỉnh táo, đừng tạo cớ manh động và đừng để mình cuốn vào cái manh động của chúng.

 

Chúng ta cần phải trang bị cho mình:

1/ Trình độ văn hoá, kỹ năng ứng xử văn minh khi xảy ra va chạm giao thông.

2/ Kiến thức về pháp luật nói chung và kiến thức về luật giao thông. Cố gắng chấp hành tốt luật giao thông.

3/ Kỹ năng lái xe, điều khiển phương tiện. Kỹ năng xử lý tình huống sau tay lái.

4/ Thường xuyên rèn luyện sức khoẻ, tập thể thao, sinh hoạt điều độ… để khoẻ về tinh thần và thể chất, giúp có phản xạ tốt khi lái xe và khả năng tự vệ được khi gặp tình thế bất lợi.

5/ Kỹ năng nhận biết các “đối tượng”. Kính trên nhường dưới, giúp đỡ người yếu thế, người trong hoàn cảnh khó khăn… Khôn khéo tỉnh táo trước nhóm đối tượng đông hơn hoặc kẻ liều lĩnh manh động.

6/ Tránh đi đêm nhất là những tuyến đường thưa vắng, thời tiết xấu, những nơi mất an toàn giao thông, điểm đen về tệ nạn và an ninh trật tự.

7/ Trang bị những thông tin cần thiết để có thể thực hiện cuộc gọi khẩn cấp nhằm nhận được trợ giúp từ gia đình, người thân cũng như chính quyền sở tại một cách kịp thời hiệu quả.

8/ Nên lắp đặt camera hành trình để có thêm chứng cứ phân xử đúng sai, giúp công dễ nhận dạng kẻ tình nghi trong những vụ tai nạn, trộm cướp…nơi tuyến đường mình đã đi qua.

9/ Cuối cùng, không ai bảo vệ mình tốt hơn chính mình. Gặp tình huống bất khả kháng, dù không muốn, chúng ta vẫn phải thoát hiểm và tự vệ. Nhưng nên nhớ dùi cui điện, bình xịt hơi cay..là công cụ hỗ trợ phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép và phải sử dụng đúng qui định.

 

Ngoài xã hội cũng có nhiều phương pháp, kỹ năng tự vệ khác nhau với mục đích và văn hoá khác nhau như “Một điều nhịn, chín điều lành”; “Chưa đánh được người mặt đỏ như vang, đánh được người mặt vàng như nghệ” ; “Thuơng vợ con, anh vững vàng tay lái. Nhớ mẹ cha con giữ nhẹ chân ga”.

 

Đừng để những va chạm giao thông nhỏ nhặt biến thành trọng án, để lại nỗi đau cho gia đình và xã hội.

 

Nguyễn Phúc Tâm

Tin liên quan

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072