Nền tảng giáo dục Kitô giáo

 

Mục đích của nền giáo dục Kitô giáo không chỉ là rèn luyện nhân cách con người thành hữu ích đối với bản thân, gia đình và xã hội, mà còn là giúp con người sống xứng đáng với tư cách con Thiên Chúa để mai sau trở thành công dân nước trời. Sứ mạng đó được khơi nguồn từ Chúa Cha, được thực hiện nơi Chúa Con và được kiện toàn nhờ Chúa Thánh Thần.

Chúa Cha và công trình tạo dựng

Công trình giáo dục Kitô giáo, trước khi là công khó của con người, đã là kế hoạch của Thiên Chúa. Khi tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài, ban cho con người khả năng đạt tới chân lý và tự do (x. Hc 17, 3 &7), Thiên Chúa Cha đã định hướng công trình sáng tạo vũ trụ của Ngài bằng một đường lối sư phạm mềm dẻo phù hợp với lợi ích và thái độ đón nhận của con người. Thuở ban đầu, vì Dân Ngài chọn còn cứng lòng nên Thiên Chúa xem ra nghiêm khắc (x. Lv 26, 14-46; Đnl 28, 15-45), nhưng dần dà, từng bước một, Ngài tỏ cho họ thấy Ngài vẫn là một Thiên Chúa “thành tín trong mọi lời Ngài phán, đầy yêu thương trong mọi việc Ngài làm” (Tv 144, 13b).

Chúa Con và Tin Mừng cứu độ

Đường lối sư phạm của Chúa Cha cốt là để chuẩn bị cho Chúa Con đến “dạy dỗ loài người mong chờ và đón nhận ơn cứu độ”. Chính Chúa Giêsu cũng khẳng định mình “là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 6, 14). Muốn nắm bí quyết sự sống đích thật, con người phải đến thụ huấn tại trường học của Chúa Giêsu. Nhưng học nơi trường Chúa Giêsu không chỉ là học làm người theo nghĩa nhân bản mà còn là học “nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).

Chúa Thánh Thần và vai trò tác thánh

Những con người đầu tiên xuất thân từ trường học của Chúa Giêsu là các tông đồ. Chúa Giêsu là thầy dạy, nhưng chính Thánh Thần mới là Đấng tác động để giáo huấn của Chúa Giêsu, qua lời rao giảng của tông đồ, trở thành sức mạnh biến đổi tâm hồn người nghe. Nhờ Thánh Thần, thánh Phaolô đã cảm thấy lời rao giảng của ngài được đón nhận như chính Lời Thiên Chúa (x. 1 Thes 2, 13). Ngài còn quả quyết: “Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, khiến chúng ta được kêu lên: Abba, Cha ơi” (Rm 8, 14-17)» (Trích Thư chung năm 2007 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, số 3-6).

Tác giả bài viết: WGPQN
Nguồn tin: Gpquinhon.org

Tin liên quan

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072