Nghi thức Thánh Lễ thứ bảy tuần Thánh
NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý
– Phẩm phục : trắng
– Linh mục xuống nơi làm phép lửa : chào
– Khuyên ít lời.
Nồi than củi sẵn sàng ; thổi lên ; làm phép lửa.
(Đứng trước bàn ; có người cầm thánh giá đứng giữa, hai người giúp lễ cầm nến đứng hai bên. Nước phép, bình và tàu hương. Đĩa đựng 5 nụ đinh).
Làm phép xong, thắp lên một ngọn lửa nhỏ,
– Linh mục vẽ hình thánh giá trên nến Phục Sinh
* Vẽ dọc = Chúa Kitô hôm qua và hôm nay
* Vẽ ngang = nguyên thủy và cùng đích
* Vẽ Alpha và Oméga (A – ?)
Vẽ số 1 : thời gian là của Chúa
Vẽ số 2 : và mọi thế hệ là của Chúa
Vẽ số 3 : vinh quang và vương quyền là của Chúa
Vẽ số 4 : qua mọi thế hệ cho đến muôn đời
Thưa : Amen
Vẽ xong : gắn nụ đinh
Linh mục lấy lửa mới, châm vào nến Phục Sinh và nói : xin ánh sáng Chúa Kitô sống lại vinh hiển, phá tan u tối trong tâm trí chúng con.
Rước nến Phục Sinh lên cung thánh
Thánh Giá đi đầu ; hai nến giúp lễ ; đoàn rước ; linh mục cầm nến Phục Sinh đi sau, linh mục xướng : Ánh sáng Chúa Kitô
Cộng đoàn thưa : Tạ ơn Chúa.
– Đến giữa nhà thờ : hát lần hai (mọi người cầm một nến thắp từ nến Phục Sinh, tiếp tục đi).
– Đến cung thánh : hát lần ba (đốt lên toàn bộ nến). Linh mục xông hương nến Phục Sinh, sách Tin Mừng.
– Công bố Tin Mừng : mọi người đứng cầm nến cháy trong tay.
– Phụng vụ Lời Chúa : sau bài cuối cùng Cựu Ước, cùng với thánh vịnh và lời nguyện của nó, thì đốt các nến trên bàn thờ.
Linh mục xướng Kinh Vinh Danh (rung chuông, đánh trống…)
Xong Kinh Vinh Danh: linh mục đọc lời nguyện, một bài thánh thư Tân Ước, sau đó linh mục long trọng xướng Alleluia ba lần (mỗi lần một cung).
Ca đoàn hát thánh vịnh. Mọi người đáp : Alleluia.
Hát đáp ca
Đọc Tin Mừng : không đưa nến, chỉ đưa hương.
Giảng xong : làm phép nước (số 45 trang 298).
Tuyên thề lời hứa rảy nước thánh (số 46 trang 299)
Không đọc Kinh Tin Kính
Đọc lời nguyện giáo dân.
NGHI THỨC THÁNH LỄ THỨ BẢY TUẦN THÁNH
(đêm Vọng Phục Sinh)
Cho đến bây giờ, bầu khí vẫn giữ tịch mạc cô liêu, bởi Chúa đang an nghỉ trong mồ. Nhưng tin tưởng vào Lời Chúa, chúng ta hãy tỉnh thức chờ đợi, chờ đợi ánh sáng huy hoàng của chiến thắng Phục Sinh.
Vì thế, đêm canh thức này bao hàm : một đêm kỷ niệm việc dân Do Thái được giải thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập, kỷ niệm để nuôi dưỡng lòng tin và niềm tri ân đối với Giavê Thiên Chúa. Đối với chúng ta, đêm nay cũng là đêm hồng phúc vì là kỉ niệm Chúa Giêsu Chiến Thắng Phục Sinh. Chúng ta hãy canh thức với lòng tin và tri ân đối với Chúa Kitô.
Ngày xưa, dân Do Thái ở Ai Cập trông đợi ngày Chúa đến để giải thoát họ. Cũng thế trong đêm canh thức này, chúng ta cũng mong đợi Chúa đến giải thoát chúng ta khỏi xiềng xích tội lỗi.
Vì thế, lòng tin tưởng của chúng ta không giả vờ mong đợi Chúa Phục Sinh, Chúa đã Phục Sinh thực sự, nhưng chúng ta mong chờ để hun đúc lòng tin Chúa Phục Sinh mãi mãi nơi tâm hồn chúng ta, và chúng ta hướng về ngày cánh chung, ngày đến gặp Chúa.
Ca tụng Ánh Sáng
Lễ nghi Phục Sinh đêm nay trước tiên là để ca tụng ánh sáng, toàn thể vũ trụ nằm trong đêm tối, đang mong đợi ánh sáng. Nhân loại tội lỗi đang mong đợi giải thoát. Tất cả đang hướng nhìn về Chúa Kitô, nguồn ánh sáng bất diệt.
Lễ nghi gồm hai giai đoạn :
1. Làm phép lửa mới và nến Phục Sinh : tượng trưng chính Chúa Kitô, ánh sáng của nhân loại.
2. Công bố Tin Mừng : chiến thắng vinh quang của sự sống lại.
Điểm chính yếu của nghi lễ là ánh sáng. Ánh sáng là nguồn soi sáng, nguồn sống và là sự hoan lạc của mọi người. Vì thế, trước tiên, nghi lễ được diễn ra trong khung cảnh đen tối của màn đêm, hình ảnh của sự sợ hãi, tội lỗi, thế giới qủi thần, sự chết của mọi vật.
Nhưng rồi, giữa bầu trời âm u đen tối, bừng lên một ánh lửa, một tia sáng tỏa lan khắp cảnh vật đánh tan những lo sợ chết chóc, tội lỗi, mang lại sự sống và niềm vui cho mọi người.
Đó là ý nghĩa cầu nguyện của Giáo Hội khi châm ngọn nến đầu tiên : “Xin ánh sáng Chúa Kitô sống lại, hãy đánh tan sự tăm tối của lòng trí chúng con”.
Chúa Kitô thực sự là ánh sáng của đời ta và của muôn người. Người là nguyên cớ của vạn vật và là cùng đích của đời ta, là cứu cánh của mọi loài. Chúa Kitô vĩnh tồn trong quá khứ, và trong hiện tại, cả trong tương lai. Với dấu thánh giá trên cây nến, Giáo Hội tuyên xưng uy quyền Chúa Kitô Phục Sinh đối với toàn thể lịch sử, cả không gian lẫn thời gian. Năm hạt hương cũng gọi là nụ đinh trên nến Phục Sinh, tượng trưng cho năm thương tích của Chúa, những dấu tích của sự cứu rỗi.
Bởi thế, đêm nay tất cả nhân loại được giải thoát đang đứng trước Thiên Chúa mình, tay giơ cao ngọn đuốc đức tin, lòng cậy, và lòng mến ; để dâng lên Người niềm tạ ơn vì được tái tạo trong Đức Kitô.
– Lễ nghi bắt đầu : yêu cầu tắt toàn bộ ánh sáng. Chúng ta đứng tại chỗ, hướng về phía chủ tế khai mạc nghi thức làm phép lửa mới và Nến Phục Sinh. Nghiêm túc, trật tự để theo dõi, tham dự một cách tích cực các nghi lễ thánh.
– Rước nến : cuộc rước Nến Phục Sinh bắt đầu.
Cả nhân loại trong màn đêm tăm tối, bây giờ đã chiếu lên một ánh sáng, đó là ánh sáng Đức Kitô. Sau lời vị linh mục chủ sự xướng : “Ánh sáng Chúa Kitô”, Chúng ta hãy thưa lên : “Tạ ơn Chúa”
– Tới giữa bàn thờ, sau khi xướng hai lần, ánh sáng Nến Phục Sinh đã được tiến lên giữa cộng đoàn, bắt đầu lan tỏa sang chung quanh. Từ ánh Nến Phục Sinh, chúng ta hãy thắp chuyền cho nhau . Như vậy, ánh sáng Đức tin đã phong tỏa đến mọi người.
– Tới cung thánh, sau khi xướng ba lần… Ánh sáng Chúa Kitô phải được chiếu soi lan tỏa khắp nơi. Tất cả ánh sáng hãy bừng lên .(Bật điện)
Công bố Tin Mừng Phục Sinh
(Trong lúc xông hương Sách Thánh và Nến Phục Sinh)
Giờ cứu độ đã điểm, giờ vinh quang chiến thắng đã bắt đầu. Ánh sáng huy hoàng của ngọn Nến Phục Sinh đang bừng cháy. Trước niềm hân hoan chan hòa của một cuộc sống mới, Mẹ Giáo Hội kêu mời tất cả con cái loài người, cùng ca đoàn thiên sứ hãy vui lên ! Hãy vui lên để ca tụng Chúa Kitô khải hoàn từ cõi chết. Hãy vui lên hỡi anh chị em, vì ánh sáng Chúa Kitô đang xé tan màn đêm của tà thần tội lỗi.
Được ánh sáng huy hoàng của Vua muôn đời soi chiếu, hoàn vũ hãy nhận biết mình đã được giải thoát vòng tăm tối.
Đây là đêm nhắc lại những hồng ân Thiên Chúa đã ban cho dân Người. Đây là đêm Chúa đã đưa Tổ Tông chúng ta, con cái Israel ra khỏi Ai Cập để giải thoát họ khỏi ách nô lệ, và mang đến cho họ niềm an bình hạnh phúc.
Thì đây cũng là đêm những người có lòng tin vào Chúa Kitô, được giải thoát khỏi xiềng xích vết xấu thế gian và bóng tối tội lỗi, đem họ về với ơn Chúa, và toàn thể các thánh trong nguồn sống mới bất diệt. Vì thế, đêm nay thật là đêm hồng phúc, đêm chiến bại của tà thần, đêm vinh quang của ánh sáng, đêm chan hòa ơn cứu độ.
Chúng ta đứng thẳng người lên, cầm nến cháy trong tay tượng trưng ánh sáng đức tin của mình, lắng nghe bài công bố Tin Mừng Lễ Phục Sinh.
Phụng vụ Lời Chúa
Mời cộng đoàn ngồi xuống, tắt nến, lắng nghe Lời Chúa.
– Để chờ đón giờ Chúa Kitô Phục sinh chiến thắng, Giáo Hội lắng nghe Sách Thánh nhằm nuôi dưỡng lòng tin và niềm hy vọng. Giáo Hội canh thức chờ Chúa đến, mắt đức tin đăm nhìn vào Thánh Kinh như ngọn đuốc chiếu soi vào đêm tối.
(Thánh Augustin)
Bài đọc I : St 1,1-2,2
Thuật lại công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Người tạo dựng tất cả vì tình yêu vô biên của Người. Đặc biệt là con người, theo hình ảnh Thiên Chúa, như là tột đỉnh của việc tạo dựng.
Bài đọc II : St 22,1-2,9a.10-13,15-18
Mô tả việc Abraham vâng lệnh Chúa sát tế người con duy nhất của mình là Isaac, chính vì sự vâng phục này mà ông được gọi là “cha các kẻ tin”. Và ông được Chúa chúc phúc để trở thành cha của một dân tộc đông đúc như sao trên trời, như cát dưới biển. Việc sát tế này là hình ảnh của việc sát tế chính Con của Thiên chúa : Đức Giêsu Kitô.
Bài đọc III : Xh 14,15-15,1
Tường thuật lại việc dân Do Thái đi qua lòng Biển Đỏ khô cạn và được bình an. Đó là hình ảnh của cuộc giải thoát mới do công trình cứu độ của Đức Kitô. Đó là cuộc giải thoát từ kiếp sống nô lệ, đưa đến vùng đất tự do : là miền Đất hứa.
Bài đọc IV : Is 54, 1-14.
Đây là bài yên ủi dân Ít-ra-en đang sống trong kiếp lưu đầy tại Babylon. Họ bị lưu đày vì đã bất trung với Chúa, nhưng họ sám hối thì Chúa lại tha thứ và chăm lo cho họ. Chúa lấy lòng nhân từ vô biên quy tụ họ lại để họ vui hưởng nền hòa bình lâu dài.
Bài đọc V : Is 55,1-11
Tiên tri Isaia loan báo một thời kì thịnh đạt mà Israel sẽ được vui hưởng, thời kì mà Chúa sẽ kí kết một giao ước vĩnh cửu với những hồng ân mà Chúa đã hứa với Đavit. Và điều này sẽ được thực hiện nơi Chúa Cứu Thế.
Bài đọc VI : Br 3,9-15.32-4,4
Bài đọc ghi lại lời tiên tri Baruc nói cho dân Ít-ra-en biết : tại vì họ bỏ đường lối Chúa nên họ đã bị lưu đay. Vậy muốn sống mãi trong bình an thịnh vượng, thì hãy tuân giữ luật Chúa và trung thành với Giao ước.
Bài đọc VII : Ed 36,16-17a-18-28
Tiên tri Ézékiel cho dân Do thái biết tại vì họ bỏ Chúa để tôn thờ thần tượng, phạm đủ thứ tội nên họ bị lưu đày. Nhưng rồi Chúa sẽ qui tụ họ về, thanh tẩy họ, ban cho họ một quả tim và một thần trí mới, để họ thực thi huấn lệnh Chúa.
– Sau lời nguyện bài đọc Cựu ước cuối cùng này : vị chủ tế xướng “Kinh Vinh Danh”. Tất cả chuông trống, thánh nhạc vang lên, chúng ta cùng hân hoan chúc mừng Chúa sống lại.
Tuyên thệ lời hứa (giảng xong) : mời cộng đoàn đứng lên, cầm nến sáng trên tay để chúng ta chuẩn bị tuyên thề lại lời hứa khi chịu Bí Tích Rửa tội.
Với nghi thức tuyên thệ này, Giáo Hội nhắc chúng ta là những người đã cùng chết và cùng sống lại với Đức Kitô. Hãy hiên ngang dấn thân theo Chúa và trung thành phụng sự Người : hãy chết đi cho tội lỗi, cho ích kỉ, cho những gì làm ta xa Chúa, để luôn sống xứng đáng thân phận làm con Chúa và Giáo hội.
Chúng ta lặp lại lời tuyên xưng và từ bỏ, khi chịu phép Rửa Tội. Linh mục bắt đầu làm phép nước thánh (xong tuyên thệ và rảy nước thánh).
Không đọc Kinh Tin Kính, phụng vụ tiến hành lời nguyện giáo dân : “Ước chi lời con nguyện như hương trầm bay tỏa trước thiên nhan và tay con giơ lên được chấp nhận như của lễ ban chiều”.