Nghi thức thứ sáu tuần Thánh

 

 

NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý

 

– Bàn thờ trống (không thánh giá, không nến, không khăn bàn)

– Phẩm phục : đỏ.

– Ra : bái bàn thờ, phủ phục. (hai nến, hai giúp lễ hai bên)

– Lại bàn đọc sách, đọc lời nguyện (không đọc Chúng ta dâng lời cầu nguyện)

– Hai bài đọc.

Phúc Âm thương khó (có thể ba người đọc)

– Sau Phúc Âm : giảng

– Giảng xong : lời nguyện trọng thể

(10 lời cầu …)

– Xong lời nguyện : Nghi thức mở ảnh

(Linh mục đứng cấp thứ hai dưới bàn thờ nhận Thánh Giá. Hai nến đứng hai bên).

1. Cởi phía trên đầu thánh giá, giơ cao và hát : đây là Gỗ Thánh giá nơi treo Đấng Cứu Độ trần gian.

Thưa : Chúng ta hãy đến thờ lạy (quỳ)

2. Cởi bên phải thánh giá và hát lần hai (lên một bậc)

3. Cởi hết và hát lần ba (lên cấp cuối cùng)

Xong : đặt xuống để hôn. Hai người giúp lễ quỳ hai bên, đặt hai nên hai bên.

Hôn Thánh Giá ; ca đoàn hát. Xong, đặt thánh giá lên bàn thờ (trước nhà tạm).

Phần Rước Lễ

– Trải khăn bàn thờ, khăn thánh, sách lễ…

– Thinh lặng đi kiệu Mình Thánh về, đọc : Vâng lệnh Chúa Cứu Thế…

Chịu lễ xong, đưa Mình Thánh vào cất.

Linh mục đọc lời nguyện hiệp lễ, lời nguyện trên dân chúng.

Giải tán.

 

NGHI THỨC THÁNH LỄ

 

Hôm nay, ngày đại tang, ngày kỷ niệm Chúa Giêsu chịu tử hình ô nhục đau thương trên thập giá vì tội lỗi nhân loại chúng ta. Và chính hôm nay, Giáo hội sống lại những giây phút thống khổ và tử nạn đó của Chúa. Vì thế phụng vụ được cử hành trong khung cảnh ảm đạm của màu tím. Tất cả mọi lễ nghi và câu hát trong ngày, nhằm đưa chúng ta lên Núi Sọ, dưới chân cây Thánh Giá. Vị Thượng Tê, Chúa chúng ta tự hiến làm lễ vật duy nhất cho Chúa Cha bằng khổ hình thập giá, một khổ hình vô cùng đau thương bi đát.

Nhưng, Chúa không những chỉ đau đớn thể xác, Người còn khổ tâm hơn khi nghĩ tới thái độ vô ơn, giả tâm và bội phản của loài người qua các thế hệ. Trước thực trạng phủ phàng đó, Người cảm thấy tất cả cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đang giáng xuống trên đầu Người, vì Người đã tự nguyện đứng ra để gánh tội lỗi thế gian. Và chén đắng đó đã làm Chúa Giêsu cảm thấy mình như bị Chúa Cha từ bỏ. Vì thế, Người đã đau đớn thốt lên : Lạy Cha, sao Cha bỏ Con ?

Vì thế, cuộc cử hành phụng vụ tử nạn Chúa không những chỉ là một nỗi buồn của kỷ niệm đau thương, mà còn là niềm đau xót của Giáo Hội trước tội lỗi của loài người vẫn còn tiếp diễn mỗi ngày một chồng chất lên. Do đó, lễ nghi và bầu khí của ngày Thứ Sáu là bằng chứng cụ thể nói lên bộ mặt xấu xa của tội lỗi. Đồng thời cho ta thấy tình yêu bao la của Thiên Chúa đối với loài người, tình yêu của một Đấng đã lãnh nhận cái chết đau thương nhục nhã để mang lại nguồn sống cho loài người sa đọa.

Nhận thức sâu xa điều đó, Giáo Hội mời gọi mỗi người chúng ta cùng nhất quyết hiệp nhất với giá máu của Chúa Kitô để chống lại tội lỗi, tiêu diệt tội lỗi và sẵn sàng chết cho tội lỗi.

Tuy nhiên, giữa màn đêm tối bi thảm này, đang bừng lên một tia hy vọng hoan hỷ : sự chết đã mang lại cho Chúa Kitô một chiến thắng vinh quang.

Chính cây thập giá đã gạt đổ bức tường tội lỗi ngăn cách giữa Thiên Chúa và loài người.

Chính cây thập giá là ngọn đuốc thiêng của đêm tối trần gian, là sự giải thoát của mọi người thiện chí… Bởi thế, chiều nay chúng ta hãy cùng Giáo Hội theo sát Chúa Kitô từng bước một để tìm ra hoa tươi trong đau khổ, và tìm được nguồn sống trong cõi chết. Đường thánh giá tuy là đường đau thương gai góc, nhưng cũng là đường chiến thắng vinh quang và là lẽ sống của mọi Kitô hữu chúng ta.

 

Phụng vụ hôm nay gồm ba phần : Phụng vụ lời Chúa – Thờ lạy Thánh Giá và Rước Lễ.

 

Phần I : phụng vụ Lời Chúa

(Lễ nghi bắt đầu) : linh mục mặc phẩm phục màu đỏ. Tiến ra bàn thờ, cúi chào, đoạn phủ phục xuống đất, một cử chỉ hết sức cảm động nói lên : sẵn sàng nằm xuống chết cho tội lỗi, cùng với Người, chúng ta thinh lặng âm thầm than khóc lỗi lầm chúng ta.

Giảng xong, cử hành lời nguyện trọng thể.

Mọi công nghiệp và ơn ích của ơn cứu rỗi đều do giá máu của Chúa Kitô. Vì thế, giờ đây, Giáo hội nhờ trung gian của Chúa Kitô và công nghiệp của Người để dâng lời cầu nguyện chung cho mọi nhu cầu chính trong Giáo hội. Chúng ta hãy đưa hết tâm tình hiệp thông trong giờ cầu nguyện trọng thể này.

 

Phần II : thờ lạy Thánh Giá

Sau một cuộc chiến thắng, quốc kỳ tượng trưng cho hồn dân tộc, đem đến khắp nơi niềm hoan hỷ. Cũng thế, thánh giá Chúa Kitô quả là một ngọn cờ chiến thắng và là dấu hiệu cứu độ của mọi kitô hữu chúng ta.

Vì thế, lễ nghi tôn vinh thánh giá hôm nay, mặc một vẻ tôn nghiêm lạ thường. Thánh giá thực sự đã có Chúa cứu chuộc, phải được coi như đồng hóa với chính Người. Vì thế, tôn thờ thánh giá là tôn thờ Đấng Cứu Chuộc. Đây là gỗ thánh giá, nơi đây treo Đấng Cứu Độ trần gian. Chúng ta hãy đến thờ lạy.

 

Hiệp lễ :

Hiến Tế Tiệc Ly giờ đây đã được hoàn tất do cái chết của Chúa Kitô trên thập giá và vì thế, mỗi lần anh em ăn Bánh và uống Chén này, anh em loan báo cái chết của Chúa và tuyên xưng việc Chúa sống lại cho tới khi Chúa lại đến. Đồng thời được kết hợp với Chúa trong tình yêu.

Chúng ta chuẩn bị sẵn sàng để đón rước Chúa ngự vào cung lòng chúng ta.

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072