Nguồn gốc lễ Mẹ Hồn Xác lên trời
Đầu tiên, Giáo hội Đông Phương thành lập lễ tôn vinh Mẹ Thiên Chúa tại Giêrusalem sau Công đồng Êphêsô năm 431, và gọi là “Ngày của Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa”.
Năm 380, giáo đoàn Antiôkia, và đầu thế kỷ VI, Giáo hội Đông Phương gọi là “Lễ Mẹ ly trần”.
Năm 600, hoàng đế Maurice ra sắc lệnh mừng lễ này khắp nước Byzantine.
Khi quân Ba tư xâm chiếm Trung đông, các đan sĩ chạy sang Rôma năm 650, đem theo lễ này sang và đổi là “Lễ Mẹ Lên Trời” và mừng vào ngày 15 tháng 8.
Rồi từ Rôma, lễ này được lan đến Milan và Tây Ban Nha.
Đức Thánh Cha Sergiô I tổ chức một cuộc rước long trọng sùng kính Mẹ lên trời.
Thế kỷ VIII, lễ này lan sang Anh và Đức như Hội Đồng Giám Mục Áo tại Salzburg xác nhận, và sang Pháp do Hội Đồng Giám Mục Pháp tại Mayenne.
Dần dần, lễ này được lan tới tất cả các nước khắp thế giới.
Đức Giáo Hoàng Lêô IV qui định lễ Mẹ Lên Trời có tuần tám ngày, và Đức Giáo Hoàng Nicolas I cho biết từ lâu, lễ Mẹ Lên Trời có lễ Vọng ngày áp.
Thế kỷ thứ XIII, lễ Mẹ Lên Trời còn có ngày chay trước lễ và là lễ long trọng nhất các lễ Đức Mẹ.
Thế kỷ XVI, theo nhà thần học Suarez, lễ này đặc biệt hơn mọi lễ Đức Mẹ, vì bày tỏ cho chúng ta thấy vinh quang, phần thưởng và sự khải hoàn của Rất Thánh Trinh Nữ.
Thời Trung cổ, lễ Mẹ Lên Trời là ngày làm phép mùa màng và các hoa trái đầu mùa.
Năm 1950, lễ Mẹ Lên Trời có tầm quan trọng trong khắp Giáo hội do Đức Giáo Hoàng Piô XII định tín “Mẹ Maria lên trời cả hồn và xác” và qui định thành Lễ Trọng đặc biệt trong khắp Giáo hội với luật buộc mọi người tham dự Thánh lễ.
Năm 1970, Phụng vụ qui định lễ Mẹ lên trời là một lễ Đức Mẹ duy nhất có lễ Vọng vào chiều ngày 14, trước chính ngày lễ 15 tháng 8.
tonggiaophanhue.net