Nguồn gốc Lễ Mẹ Sầu Bi
Ngay sau Lễ Suy tôn Thánh Giá Đức Giêsu, Hội Thánh cử hành Lễ Đức Mẹ Sầu Bi vào ngày 15 tháng Chín. Điều này nhắc ta nhớ đến sự kết hiệp đặc biệt của Đức Maria vào Hy Tế của Con của Mẹ trên đồi Golgotha.
Từ rất sớm, người Kitô hữu đạo đức đã suy niệm những trình thuật Tin Mừng nói về sự hiện diện của Mẹ Maria dưới chân Thập giá. Trong các bài viết của Thánh Anselmô và nhiều tu sĩ dòng Biển Đức và Xitô ở thế kỷ XII, người ta thấy đã đề cập đến Lễ Đức Mẹ Sầu Bi.
Năm 1482, lễ được đưa vào sách lễ với tước hiệu Đức Bà Trắc Ẩn. Nhưng mãi đến năm 1728, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XII mới đưa vào lịch phụng vụ Roma, ấn định vào ngày thứ sáu trước Lễ Lá. Năm 1668, lễ được cử hành chung với lễ kính Bảy Sự Thương Khó Đức Bà, do các tu sỹ Servites đã đưa ra trước đó. Đến năm 1814, Đức Giáo Hoàng Piô VII đã chính thức đưa lễ Đức Mẹ Sầu Bi vào niên lịch phụng vụ trong toàn Giáo Hội. Và năm 1912, Đức Thánh Giáo Hoàng Piô X đã ấn định mừng lễ này vào ngày 15 tháng Chín, là bát nhật Lễ Sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria (8 tháng Chín).
Lễ Đức Mẹ Sầu Bi cử hành ngay sau lễ kính Thánh giá cho thấy ý nghĩa hiển nhiên: Chúa Giêsu muốn Mẹ Người tham dự vào cuộc Thương khó và Tử nạn của Người để dự phần vào công cuộc cứu rỗi nhân loại.
Thời phục hưng, các bức tượng như ‘Pietà’ (ảnh dưới), đặc trưng của nghệ thuật Gothique, cũng như một số ca vãn như Stabat Mater hoặc Les Lamentations de Marie suy niệm và ngợi ca những đau khổ của Đức Maria dưới chân Thánh giá Chúa.
Từ thế kỷ XIV, ngoài nỗi đau của Mẹ trên đồi Golgotha, người ta bắt đầu chiêm niệm các khổ đau khác đã xảy ra rất sớm và trong suốt cuộc đời Mẹ Maria. Truyền thống đạo đức Công giáo nói đến 7 nỗi đau tiêu biểu sau đây của Mẹ:
1. Lời tiên báo của Simêon về lưỡi gươm sẽ đâm thâu lòng Mẹ
2. Cuộc chạy trốn sang Ai Cập để cứu Con Trẻ Giêsu thoát khỏi sự tàn sát của Hêrôđê
3. Khi lạc mất Con Trẻ Giêsu trong đền thờ Giêrusalem
4. Khi Mẹ gặp Chúa Giêsu vác Thánh giá trên đường lên đồi Canvê
5. Khi Mẹ đứng kề bên Thánh giá Chúa bị đóng đinh và trút hơi thở cuối cùng
6. Khi các môn đệ hạ xác Chúa xuống khỏi Thánh giá và đặt vào lòng Mẹ
7. Khi an táng Chúa trong mồ
Thánh Bênađô đã ca tụng sự đồng cảm lớn lao của Đức Trinh Nữ Maria như sau: “Cuộc thương khó của Đức Kitô thật sự đã hoàn tất lòng bác ái lớn lao chưa ai từng thấy. Còn trong sự đồng cảm của Đức Maria thật sự đã hoàn tất một lòng bái ái lớn lao không ai bằng, chỉ thua lòng bác ái của Đức Kitô”.
Ngày hôm nay, lễ Đức Mẹ Sầu Bi, Giáo Hội mời gọi chúng ta hướng về hình ảnh Mẹ Maria đứng dưới chân Thập giá, giờ phút mà Mẹ kết hiệp với những đau khổ của Con Mẹ để cứu rỗi nhân loại, và nhận chúng ta, qua đại diện là Gioan Tông đồ, làm con của Mẹ.
Suy gẫm về những nỗi đau tột cùng của Người Mẹ phải chứng kiến cái chết đau thương của con mình, cũng như về những nỗi đau mà Mẹ đã âm thầm và vui vẻ chịu đựng trong suốt cuộc đời, chúng ta ý thức rằng Mẹ cũng mời gọi chúng ta kết hiệp những đau khổ, những trái ý, những hy sinh hãm mình nhỏ bé trong cuộc sống của ta vào cuộc Thương khó của Chúa Kitô để những đau khổ, những hy sinh đó trở nên có giá trị cứu chuộc chính chúng ta và anh chị em mình, để ngày càng có nhiều người được dự phần vào vinh quang phục sinh của Chúa Kitô.
huynhtruong.com