Nhận biết điều thiết yếu
Chẳng hạn như đối với các em học sinh khi được trở lại trường học, thì một số nơi các em phải đeo khẩu trang cùng tấm chắn bảo hộ. nhìn vào cứ tưởng không phải là lớp học! (1)
Ngoài ra, có trường học sinh còn đeo khẩu trang ngay cả lúc ngủ…. Cả ở Trường Mầm non cũng không tránh khỏi. Làm cho nhiều người lo ngại học sinh mầm non khi ngủ cũng bịt khẩu trang sẽ bị thiếu ôxy, bị ngạt… Có phụ huynh cho rằng quá cứng nhắc, máy móc, vì nếu khẩu trang dính vào mũi trẻ sẽ khó thở. Có người đặt vấn đề “lỡ có chuyện gì, nhà trường làm sao gánh nổi”…
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, cho rằng: Học sinh không cần đeo tấm kính chắn giọt bắn, để phòng chống COVID-19, học sinh chỉ cần đeo khẩu trang, ngồi giãn cách, khử khuẩn lớp học, vệ sinh tay là quan trọng nhất.
“Đeo tấm chắn giọt bắn chỉ dành cho những người tiếp xúc gần với bệnh nhân, với những người nghi ngờ, những người thường xuyên tiếp xúc với mầm bệnh trong bệnh viện, nhân viên bán hàng…
Theo ông Phu, đeo tấm chắn giọt bắn còn làm hại thị lực của trẻ. “Đó không phải là tấm kính đạt tiêu chuẩn kỹ thuật như ở bệnh viện. Hơn nữa khi đeo người đeo không phải nhìn liên tục, mà các cháu học sinh thì phải điều tiết mắt liên tục. Vì vậy không nhất thiết phải đeo, sẽ hại mắt”.
Đối với TS.BS Phí Duy Tiến – nguyên phó giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM – cho rằng học sinh phải nhìn qua tấm nhựa này lâu dài sẽ ảnh hưởng đến mắt của trẻ, nhất là đối với những học sinh tiểu học, lứa tuổi đang hình thành thị giác. Vì, miếng nhựa này có chỗ thẳng, có chỗ cong nên khi trẻ nhìn qua sẽ bị biến dạng hình ảnh. Mới đầu trẻ sẽ bị mỏi mắt, sau đó có thể bị đau đầu, cận thị… Đối với những trẻ bị loạn thị, viễn thị… cần phải đeo kính suốt ngày để phát triển thị giác nhưng nếu phải đeo miếng nhựa này sẽ chậm trễ, thậm chí ảnh hưởng đến quá trình phát triển thị giác của những trẻ này, không thể phát triển thị lực được nữa.
Còn theo BS Phan Xuân Trung – Trung tâm Y Khoa MEDIC – cho rằng trong tình hình dịch bệnh nước ta đã được kiểm soát như hiện nay, việc cho các cháu nhỏ đeo khẩu trang kín mít trong nhiều giờ, trong nhiều ngày là không nên. Vì có thể đeo như vậy trong một thời gian các bé lại bị nhiễm trùng hô hấp do các mầm vi trùng, vi nấm trong sợi vải khẩu trang…
Ngoài ra, còn rất rất nhiều ý kiến đóng góp cho sáng kiến để làm sao cho việc phòng chống mang lại hiệu quả, chứ không phải là thấy người ta làm mình cũng làm bất chấp những tác hại về lâu về dài của nó!
Từ câu chuyện ngăn dịch Corona – 19 hiện nay, tôi nghĩ đến ngày mà các giáo xứ được sinh hoạt lại một cách bình thường…mà cho đến hôm nay (07/05 ) mới có một vài giáo phận được phép dâng thánh lễ, nhưng vẫn phải tuân theo những điều kiện nghiêm ngặt mà xã hội đưa ra trong việc đề phòng Virus Corona – 19.
Với một thời gian khá dài, các tín hữu đã bị cắt đứt mọi sự với tôn giáo của mình, mặc dù là mình ở ngay bên nhà thờ, hay chỉ có liên hệ qua tivi trong giờ thánh lễ được online! Không còn được nghe tiếng chuông vào lúc sáng sớm, lúc chiều về và cả buổi trưa đúng giờ ngọ! Họ cũng không còn được nghe tiếng đọc kinh rộn ràng, gợi biết bao ân tình, làm ấm lòng người, hay những lời hát như ru lòng người vốn đã gặp đủ điều thất vọng, chán chường trong cuộc sống, hay khao khát được đón nhận bí tích Thánh Thể, tuy chỉ là một tấm bánh trắng nhỏ, nhưng lại gói gém biết bao sức lực cho đời sống thiêng liêng…
Xã hội hôm nay đã được nới rộng rất nhiều, và người có đạo vẫn thấp thỏm chờ đợi. và hôm qua ngày 05/05, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã có lá thư đầy tâm tình, tha thiết gửi cộng đoàn dân Chúa, trong thời gian chờ đợi ngày tiếng chuông được ngân vang, ngày nhà thờ được chính thức mở rộng cửa để mọi người sốt sắng tham dự thánh lễ, cầu nguyện cùng các việc đạo đức khác…Trong lá thư này, không chỉ là những mong muốn đầy giới hạn như là chu toàn bổn phận và nhiệm vụ của một người tín hữu cho xong, như trước, mà phải là một ý thức nhận biết sâu xa hơn về niềm tin của mình, để đời sống đạo trong xã hội hôm nay có ý nghĩa và giá trị.
Để thời gian đang diễn ra này không dừng lại ở chỗ “ bị ” mà nhận ra đó chính là thời gian của ân sủng, thời gian của tình yêu được nảy nở và phát triển, như lá thư đề cập đến “Trong thời gian dịch bệnh, anh chị em không thể đến nhà thờ dâng lễ, chỉ ở nhà dự lễ trực tuyến, chính lúc đó, anh chị em cảm nhận rõ nét hơn gia đình là đền thờ của Chúa.
Trong thời gian dịch bệnh, không thể đến nhà thờ do lệnh cách ly xã hội, chúng ta khao khát được đến nhà thờ. Lúc đó anh chị em cảm nhận rõ nét nhu cầu cộng đoàn trong đời sống đức tin.
Với anh em linh mục và nam nữ tu sĩ: trong thời gian dịch bệnh, cũng là thời gian giúp chúng ta chú tâm hơn đến đời sống nội tâm là nguồn mọi hoạt động tông đồ. ”
Dĩ nhiên khi nhớ đến những tâm tình này, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cũng mời gọi mỗi người chúng ta cần phải xét mình thực sự, là trong thời gian được coi là rảnh rỗi đó ta đã làm gì để niềm tin của ta không bị mai một, phai mờ, hay bị xao nhãng, ơ hờ…? Vì các ngài đã nhấn mạnh điều căn bản của cuộc đời đức tin nơi mỗi người chúng ta trong bất cứ cuộc sống nào đều phải có “Trong thời gian dịch bệnh, với đức tin, chúng ta hãy can đảm sống tinh thần Phúc Âm trong mọi hoàn cảnh. Với đức cậy, chúng ta cầu xin ơn bình an cho đất nước và thế giới, đồng thời bày tỏ thiện chí cộng tác với toàn xã hội tiếp tục phòng chống dịch bệnh. Và với đức ái, chúng ta hãy trở thành người Samaritanô nhân hậu (X. Lc 10,29-37) chăm sóc chữa lành những vết thương và sưởi ấm tâm hồn của anh chị em đồng loại, để “họ được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).
…..
Với những tâm tình đầy tâm huyết, nếu trong hoàn cảnh ta đang sống đây mà ta không có được chút gì.. thì thử hỏi ngày mai khi mọi sự có trong tầm tay, sẽ có sinh ích gì cho cuộc đời của ta và của mọi người không?
Hay là với một thời gian vắn vỏi như thế, mà ta không có được một tâm tình sống gắn bó, mật thiết với Chúa, thì thử hỏi khi gặp những hoàn cảnh khác tương tự liệu ta có thể đứng vững và mạnh mẽ bước tới cùng không?
Vì vậy, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong là thư đã nhấn mạnh với chính tôi cần phải nhận biết một cách tường tận và rõ ràng là:
Covid-19 không phân biệt môi trường địa lý, dân tộc, màu da, tôn giáo, kẻ giàu, người nghèo, kẻ già, người trẻ, kẻ khỏe mạnh, người đau yếu. Với Covid-19, mọi người đều bình đẳng.
Với Covid-19, Vạn Lý Trường Thành hay bất cứ bức tường nào mà con người có thể dựng nên đều trở thành vô nghĩa. Trực tiếp hay gián tiếp, Covid-19 đã ‘đụng chạm’ đến tất cả mọi người trên thế giới. Ai cũng sợ mắc phải Covid-19.
Covid-19 rất yếu, yếu đến nỗi nếu ở trên bề mặt nào đó, thì chỉ dùng xà phòng cọ rửa là nó tiêu tan. Tuy nhiên, Covid-19 cũng rất mạnh, mạnh đến nỗi hàng chục ngàn máy bay hay tàu du lịch hạng sang như World Dream, Diamond Princess, Ruby Princess hay những tàu sân bay lừng lẫy như USS Theodore Roosevelt của Mỹ, Charles de Gaulle của Pháp đều trở thành ‘nạn nhân’ của nó.
Với Covid-19, tự do của con người bị hạn chế. Cho đến hôm nay, chưa bao giờ nhân loại chứng kiến một quyền lực nào trong lịch sử có thể ‘tước quyền tự do’ của con người như vậy.
Với Covid-19, bậc thang các giá trị bị đảo lộn. Những gì chúng ta cho là quan trọng, thiết yếu nay trở nên ít quan trọng, thứ yếu.
Trong khi chúng ta quan tâm đến vi-rút giết chết thể xác, thì cũng cần quan tâm đến loại vi-rút đang giết tâm hồn chúng ta, như ‘vi-rút lương tâm chai cứng’, ‘vi-rút tôn mình lên bằng cách hạ bệ người khác’, ‘vi-rút coi trọng chức năng hơn phẩm giá con người’, ‘vi-rút lãnh đạm, dửng dưng’, ‘vi-rút bất công’.
Để tôi biết sống ngay hôm nay, để tôi đừng bị trễ chuyến tầu cuộc đời…Và nhất là để cuộc đời nhỏ bé, tầm thường của tôi trong cuộc sống đầy gian nan, vất vả này…không trở nên “ vô duyên!” Khi tôi biết rằng: tôi đã làm hết sức mình với những nén vàng Chúa cho tôi làm vốn…nay đang được sinh lời…
Thiên Quang sss