Nhân dịp sinh nhật của ĐTC: tìm hiểu danh hiệu Đức Mẹ Tháo Gỡ Nút Thắt

Ngày 17 tháng 12 sắp đến sẽ là ngày Đức Thánh Cha Phanxicô được tròn 77 tuổi. Hơn 10 ngàn thanh thiếu niên ở Mỹ đã ký tên và gửi cho Ngài một tấm thiệp sinh nhật vĩ đại cao 1.2m (4 ft) với một hình Đức Mẹ Tháo Gỡ Nút Thắt (Mary, Un-doer of Knots.)

Tấm thiệp được trưng bày tại Hội nghị Thanh niên Công giáo Quốc gia ở Indianapolis hồi tháng trước và đã thu được hơn 10.000 chữ ký trong dịp ấy.

“Chúng tôi muốn gửi cho Đức Giáo Hoàng một món quà mà Ngài yêu quí nhất, một cái gì đó mà Ngài đã rất tự hào”, là lời của ông Mark Nelson, một cựu chủng sinh Phanxicô, là người nêu ra sáng kiến và là chủ nhân của công ty Catholic to the Max (Sống Công giáo tối đa,) một công ty cung cấp những tặng phẩm nghệ thuật ở Ohio.

Phải chăng ảnh Đức Mẹ Tháo Gỡ Nút Thắt là bức hình mà Đức Thánh Cha Yêu quí nhất và tự hào nhất?

Những sự sùng kính Đức Mẹ của Đức Thánh Cha.

Chúng ta đều biết Đức Thánh Cha yêu quí bức linh ảnh Đức Mẹ Mary Salus Populi Romani (đấng quan phòng nhân dân La Mã) ở nhà thờ Đức Bà Cả. Hành động đầu tiên sau khi được bầu là Ngài đã đến cầu nguyện trước bức ảnh này.

Chúng ta cũng biết Đức Thánh Cha sùng kính Đức Mẹ Fatima. Ngài đã xin Đức Hồng Y José Policarpo ở Lisbon thay mặt Ngài mà dâng triều đại Giáo Hoàng cho Mẹ Fatima. Mới đây trong ngày Thánh Mẫu, Ngài đã yêu cầu Fatima gửi về Rôma bức tượng nguyên thủy và Ngài đã cung hiến Thế Giới cho Mẹ.

Trong dịp Ngày Giới Trẻ Thế Giới ở Brazil, Đức Thánh Cha đã ghi thêm vào lịch trình một ngày thăm viếng linh địa Đức Mẹ Aparecida. Rõ ràng Ngài đã có nhiều lưu luyến với bức tượng Đức Bà Đen và Ngài hứa sẽ trở lại Aparecida vào năm 2017 để kỷ niệm năm thứ 300 nhân dịp ngày tìm được bức tượng.

Ngài cũng tỏ lòng mộ mến Đức Mẹ Bonaria ở Sardinia. Tên của Buenos Aires, giáo phận cũ của Ngài, phát xuất ra từ danh hiệu Đức Mẹ Bonaria và do đó Ngài đã dành một cuộc hành hương đặc biệt đến đây.

Dĩ nhiên Đức Mẹ Lujan, quan thầy của Argentina, cũng là một danh hiệu mà Ngài yêu quí. Trong văn phòng của Ngài luôn có một bức tượng Đức Mẹ Lujan.

Tất cả những biểu lộ về lòng sùng kính Đức Mẹ ấy cho thấy Đức Thánh Cha Phanxicô quả thật xứng đáng chia sẻ một danh hiệu chung với chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, tức là một Totus Tuus (Tất cả là của Mẹ).

Vậy thì liên hệ giữa Ngài với Đức Mẹ Tháo Gỡ Nút Thắt là thế nào?

Nguồn gốc bức ảnh Đức Mẹ Tháo Gỡ Nút Thắt.

Người Việt Nam ít nghe đến danh hiệu Đức Mẹ Tháo Gỡ Nút Thắt vì có sự khác biệt về văn hoá và nếp sống. Tuy nhiên ở phương Tây, bên Đức chẳng hạn, những phụ nữ thời xưa không xa lạ với việc đan áo mùa đông cho nên việc tháo gỡ những mối rối của những cuộn len là chuyện thường tình và lại rất quan trọng để cứu lấy những công việc tốn nhiều công sức và thời giờ.

Tháo gỡ nút thắt có nghĩa là giải cứu. Danh hiệu này phát xuất từ một điều chiêm nghiệm của Thánh Irênê (Giám Mục Lyon và tử đạo năm 202). Dựa theo câu của Thánh Phaolô đã đối chọi hình ảnh giữa một Adong gây ra tội Nguyên Thủy và Chúa Giêsu mang ơn Cứu Chuộc đến, Thánh Irênê cũng so sánh bà Evà với Đức Mẹ, Ngài viết “Bà Evà, bởi sự bất tuân, đã ràng buộc mối ô nhục vào nhân loại; Ngược lại, Đức Maria, bởi sự vâng phục, đã tháo gỡ nó ra”.

Những Nút Thắt là những khó khăn của cuộc sống… là những mối bất hòa, sự thiếu thông cảm, thiếu tôn trọng, bạo lực, đau khổ, tuyệt vọng, nghiện ngập, bệnh hoạn, phân ly, xa cách, nạn phá thai, bệnh trầm cảm, nạn thất nghiệp, sự sợ hãi, cô đơn…

Những Nút Thắt đó bóp nghẹt tâm hồn, đánh ngã chúng ta xuống tận đất đen, cướp mất niềm vui sống và ngăn cách chúng ta tới Thiên Chúa.

Nhiều người đã biết tìm đến Đức Mẹ nhân Từ để xin tháo gỡ các nút thắt đó ra. Nhiều gia đình được tái hợp! Nhiều cơn bệnh được chữa lành! Nhiều người nguội lạnh trở về với Giáo hội! Nhiều công việc được ban cho! Nhiều người trở lại đạo!

Nếu dùng một câu tục ngữ bình dân của Việt Nam thì Tháo Gỡ Nút Thắt nên đổi thành tháo rối tơ hồng cho dễ hiểu và ăn khách hơn. Nghe qua có vẻ là sáo ngữ tầm thường vì Đức Mẹ đã tháo gỡ nhiều chuyện quan trọng đại sự, tuy nhiên lịch sử của bức ảnh Đức Mẹ Tháo Gỡ Nút Thắt thực sự đã bắt nguồn từ một cuộc tình duyên đổ vỡ. Câu chuyện như sau:

Một nhà quí tộc Đức tên là Wolfgang Langenmantel (1568-1637) đã kết hôn với một công nương dòng dõi tên là Sophie Imoff và đã có con cái, nhưng đến năm 1612 thì gia đình không còn cảnh cơm lành canh ngọt nữa.

Để cứu lấy cuộc hôn nhân, ông Wolfgang đã tìm đến linh mục dòng Tên Jakob Rem đang dạy học tại trường đại học Ingolstadt.

Trong suốt 28 ngày, ông Wolfgang đã thăm Cha Rem bốn lần, cùng nhau cầu nguyện tôn kính Đức Trinh Nữ Maria và nhận được nhiều lời khuyên thánh thiện. Nhưng gia đình vẫn không hàn gắn dược. Vào dịp cuối cùng, ngày 28 tháng 9 1615, ông Wolfgang đã mang dến cho Cha Rem sợi dây ru băng đám cưới của mình. Thời đó có tục lệ là những người phù dâu phù rể cột nhiều nút mắt vào một một sợi dây ru băng rồi cột cô dâu chú rể vào với nhau, với ý nghĩa sợi dây đó là sự trói buộc vô hình cho phần còn lại của cuộc đời họ, và họ cần chung nhau tháo gỡ những nút mắt kia ra. Lúc đó Cha Rem đang cầu nguyện trước bức linh ảnh “Đức Mẹ Tuyết “, Ngài đã dâng sợi dây lên trước hình Đức Mẹ và cởi những nút thắt ra. Lúc cha Rem vuốt thẳng những nếp nhăn thì lạ lùng thay, sợi dây trở nên trắng như tuyết.

Nhờ điều lạ lùng đó, Wolfgang và Sophie đã làm hoà với nhau.

85 năm sau, vào năm 1700 nhân dịp kỷ niệm thứ 100 việc xây dựng thánh đường St. Peter am Perlach ở Augsburg, cháu trai của ông Wolfgang là linh mục Hieronymus Ambrosius Langenmantel đang làm kinh sĩ của đền thánh Phêrô, đã xin tặng một bàn thờ cho ngôi thánh đường để nói lên sự tri ân của gia đình. Những đóng góp như thế là một truyền thống rất phổ biến hồi đó.

Họa sĩ nổi tiếng Johann Georg Melchior Schmittdner đã được thuê để vẽ bức tranh cho bàn thờ. Người họa sĩ đã dựa theo câu chuyện gia đình mà mô tả Đức Mẹ: Đức Vô Nhiễm Nguyên Tội đứng trên mặt trăng lưỡi liềm đang tháo gỡ sợi dây ru băng. Dưới chân Ngài, một con rắn là Ma Quỉ bị nghiền nát. Ở trên đầu, một Chim Bồ Câu tượng trưng cho Chúa Thánh Thần đang hiện xuống. Dưới bức hình, ông Wolfgang đi cùng với Thiên Thần Raphael, gợi ý rằng ngày xưa ông Tobias trong Thánh Kinh đã được thiên thần Raphael dẫn đi hỏi bà Sara làm vợ.

Hình ảnh xinh đẹp và ý nghĩa lãng mạn của bức ảnh dần dà đã gây cảm hứng và tăng cường lòng tin ở nhiều người, vào năm 1989 người ta xây dựng một nhà thờ đầu tiên mang danh hiệu Đức Mẹ Tháo Gỡ Nút Thắt ở thành phố Styria của nước Áo, để tưởng niệm những nạn nhân của tấn thảm kịch nhà máy nguyên tử Chernobyl phát nổ ở bên Ukraine mà ảnh hưởng lan toả sang tận âu Châu.

Nhưng sự sùng kính thì phát triển và bành trướng mạnh mẽ hơn ở bên Nam Mỹ.

duc me.jpg

 

Sự sùng kính Đức Mẹ Tháo Gỡ Nút Thắt của Đức Thánh Cha và ở Nam Mỹ.

 

Năm 1986, sau nhiệm kỳ làm quản giáo cho các sĩ tử dòng Tên ở San Miguel, Cha Bergoglio (ĐTC) đi du học một thời gian tại Frankfurt bên Đức. Trong thời gian đó, Ngài đã có dịp thăm viếng bức ảnh Đức Mẹ Tháo Gỡ Nút Thắt ở Augsburg. Ngài mang một bản sao của bức hình về Argentina và trở thành một cổ động viên cho phong trào sùng kính Đức Mẹ Tháo Gỡ Nút Thắt lúc đó mới chớm nở ở Argentina.

Phong trào sùng kính Đức Mẹ Tháo Gỡ Nút Thắt nở rộ lên sau đó, nhất là sau khi Cha Bergoglio trở thành tổng giám mục Buenos Aires. Phong trào lan tràn qua Brazil vào những năm cuối 1990. Trong khoảng thời gian đó có nhiều nhà thờ được xây lên với danh hiệu này. Tờ báo Guardian của Anh đã gọi sự kiện nở rộ ở Brazil và Argentina là một hiện tượng tôn giáo điên cuồng (religious craze).

Trong thời của Cựu Giáo Hoàng Benedicto, Đức Hồng Y Bergoglio (ĐTC) đã tặng Ngài một chén thánh khắc hình Đức Mẹ Tháo Gỡ Nút Thắt. Ngày nay, người dân Argentina cũng nhờ chính người thợ bạc đã khắc chiếc chén thánh cho Đức Benedicto đó, khắc thêm một chén thánh khác mà làm quà tặng cho Đức Phanxicô.

Để quảng bá lòng sùng kính Đức Mẹ Tháo Gỡ Nút Thắt, Cha Bergoglio (ĐTC) đã đặt ra một kinh cầu Đức Mẹ như sau:

Rất thánh Đức Mẹ Maria, Đức Chúa Trời luôn ở cùng Mẹ, Mẹ đã đón nhận thánh ý Đức Chúa Cha cách khiêm cung, và Ma Quỉ không hề trói buộc được Mẹ bằng những lầm lạc của chúng.

Mẹ đã từng cùng Con của Mẹ mà bàu chữa những khó khăn của chúng nhân, và với đầy lòng nhân ái và kiên cường, Mẹ đã nêu gương sáng cho chúng con để làm thế nào mà tháo gỡ những nút thắt nơi cuộc sống trần thế.

Mãi mãi là Mẹ của chúng con, Mẹ xếp đặt, chỉ rõ đâu là mối dây liên kết với Chúa.

Vậy lạy Mẹ chí thánh, Mẹ của Thiên Chúa, và là Mẹ chúng con, chúng con kêu xin trái tim hiền mẫu của Mẹ đã từng tháo gỡ những nút thắt cuộc sống, xin nhận vào trong cánh tay lân ái (tên người) và giải phóng cho (anh/cô) ấy khỏi sự tấn công lầm lạc của kẻ thù .

Cậy trông vào ân sủng, lời cầu bàu, và gương sáng của Mẹ, xin Mẹ cứu chúng con qua khỏi mọi sự dữ, tháo gỡ những nút thắt làm cho chúng con xa rời Thiên Chúa, để chúng con, thoát xa tội lỗi và lầm lạc, có thể tìm thấy Ngài trong tất cả mọi sự, có một trái tim giống như Mẹ đã đặt để trọn vẹn nơi Ngài, và luôn luôn phục vụ Ngài trong mọi anh chị em của chúng con. Amen

 

Trần Mạnh Trác

(Nguồn: vietcatholic.net)

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072