Những điều cần biết về Bí tích Giải tội

Bí tích Giải Tội là gì?
Là bí tích do Chúa Giêsu lập để tha tội riêng ta phạm qua quyền hành Chúa ban cho các linh mục, cùng giao hòa ta với Chúa và Hội Thánh.

Ai có thể ban bí tích Giải Tội?
Linh Mục hoặc Ðức Giám Mục hành động nhân danh Chúa Giêsu trong bí tích Giải Tội.

Tội là gì?
Tội là bất tuân lại những điều Chúa và luật Hội Thánh truyền dạy.

Có mấy thứ tội riêng?
Tội trọng và tội nhẹ

Tội trọng là gì?
Phạm 1 điều luật trọng (10 điều răn, 5 điều luật Hội Thánh)
Biết hoặc cố tình (tức là có suy nghĩ)
Tự do làm, không bị ép buộc

 

Tội nhẹ là gì?

Là những tội không đủ điều kiện thành tội trọng.

Ai có thể lãnh nhận bí tích Giải Tội?
Bất cứ ai được rửa tội rồi.

Để được xưng tội nên phải có mấy điều?
Xét mình, ăn năn tội, dốc lòng chừa, xưng tội, và đền tội.

Xét mình là gì?
Là nhớ lại các tội mình đã phạm từ lúc xưng tội lần trước đến giờ và mỗi tội phạm bao nhiêu lần.

Ăn năn tội là gì?
Là thật lòng thống hối vì những tội mình đã làm mất lòng Chúa, và tự nhủ lòng cố gắng không phạm lại nữa.

Dốc lòng chừa là gì?
Là quyết tâm chừa cải và không phạm tội nữa.

Có mấy cách ăn năn tội?
Cách trọn và chẳng trọn.

Ăn năn tội cách trọn là gì?
Là thực lòng mến Chúa và ghét tội.

Ăn năn tội cách chẳng trọn là gì?
Là xưng tội vì hổ thẹn, vì sợ Chúa phạt, xưng tội cho có lệ chứ không ghét bỏ tội mình đã làm.

Xưng tội là gì?
Là kể các tội của mình ra cùng linh mục có quyền giải tội và tha tội cho ta.

Ðền tội là gì?
Là làm các việc linh mục dạy làm để đền lại các tội xưng ta đã phạm. Có thể là đọc 1 vài kinh, làm việc bác ái, xin lỗi tha nhân,…

Chúng ta lãnh nhận gì khi chịu bí tích Giải Tội?
Ðược tha tội
Linh hồn lấy lại được ơn thánh
Ðược tha hình phạt đời đời và ít nhất một phần phạt đời này bởi tội mà ra
Ðược trợ giúp để sống thánh thiện hơn

Trong bí tích Giải Tội, Chúa Giêsu tha tội nào cho chúng ta?
Tha những tội riêng ta đã phạm

Ta phạm tội vì những lý do nào?
Kiêu ngạo: là tự phụ vô lối, không đúng cách.
Hà tiện: là ước muốn của đời này thái quá.
Dâm dục: là không kiềm chế được ước muốn lạc thú.
Hờn giân: là một cảm xúc tức bực mạnh và không làm chủ được.
Mê ăn uống: là ăn uống quá chừng mực.
Ghen ghét: là buồn sầu khi người khác được may mắn hơn.
Lười biếng: là trễ nải việc thiêng liêng, tinh thần hay thể xác, là ta chểnh mảng việc bổn phận.

Sáu tội phạm đến Chúa Thánh Thần là gì?
Thất vọng về phần rỗi
Tự phụ có thể được rỗi mà không cần nhờ công nghiệp và sám hối
Chống lại sự thật tỏ tường
Ghen tị về ơn Chúa ban cho người khác
Cố chấp trong đàng tội
Không hối cải trong giờ sau hết

Cách xưng tội thế nào ?

Vào toà giải tội, ta làm Dấu Thánh giá và nói:

Thưa cha, con là kẻ có tội, xin cha ban phép lành cho con.
Con xưng tội trong . . . (mấy tuần, mấy tháng,… kể thời gian từ lần xưng tội trước cho đến khi xưng tội)

 

Rồi ta bắt đầu nói tội ta ra cách rõ ràng:
Con có phạm tội…

Con có phạm tội…

Khi đã xưng tội xong, thì em nói:
Thưa cha, con xin xưng cả tội quên, tội sót.

 

Sau đó, ta lắng nghe cha giải tội khuyên bảo và giao việc đền tội, (như đọc kinh hay làm một việc lành), rồi nghe cha bảo Hãy giục lòng ăn năn tội và cha đọc Lời xá giải:

Khi cha đọc đến câu : Vậy, cha tha tội cho con, nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần thì ta làm Dấu Thánh giá theo Cha nói và đáp: Amen.

Khi cha bảo: Con đi về bình an.

Ta đáp: Con cám ơn cha.

Và ta ra ngoài, lo làm việc Đền tội Cha dặn càng sớm càng tốt.

 

Cách xét mình dựa theo 10 điều răn:

Những tội có liên quan đến Điều răn thứ 1: Thờ phượng 1 Đức Chúa Trời và kính mến người trên hết mọi sự, như là: Ghét Chúa, phỉ báng Chúa, đi xem bói, chơi bùa ngải, xúc phạm Thánh thể, xúc phạm các tượng thánh,…

Những tội có liên quan đến Điều răn thứ 2: Chớ kêu tên Chúa Trời vô cớ (thường xuyên cố ý kêu Chúa ơi, Trời ơi chẳng vì lí do gì)

Những tội có liên quan đến Điều răn thứ 3: Giữ ngày Chúa nhật (bỏ lễ Chúa nhật,…)

Những tội có liên quan đến Điều răn thứ 4: Thảo kính cha mẹ (mắng chửi, giận ghét, đánh, cải lời, chửi thầm, nguyền rủa cha mẹ,…)

Những tội có liên quan đến Điều răn thứ 5: Chớ giết người (giết người, phá thai, chúc dữ, nguyền rủa người khác, phỉ báng người khác, đổ tội, đánh đập, xúc phạm thân thể người khác,…)

Những tội có liên quan đến Điều răn thứ 6:  Chớ làm sự dâm dục (thủ dâm, bán dâm, mại dâm, mua dâm, chửi tục, nói bẩn, xem phim ảnh xấu, ham muốn điều dơ bẩn tục tiểu,…)

Những tội có liên quan đến Điều răn thứ 7 + 10: Chớ lấy của người (ăn cắp, cướp, trộm, ham muốn tài sản của người khác,…)

Những tội có liên quan đến Điều răn thứ 8: Chớ làm chứng dối (vu khống người khác, làm chứng gian, không nói có, 1 nói 2,…)

Những tội có liên quan đến Điều răn thứ 9: Chớ muốn vợ chồng người (ngoại tình, phá hoại hạnh phúc gia đình người khác, sống với người đang có vợ/ có chồng…)

 

Cách xét mình dựa theo 5 điều luật Hội Thánh:

Những tội liên quan đến 5 điều luật Hội Thánh

– Bỏ lễ trọng

– Không rước Mình Thánh Chúa trong mùa Phục Sinh

– Một năm chưa xưng tội ( trừ trường hợp bất khả kháng,…)

– Không giữ chay những ngày Hội Thánh buộc

 

Nên xưng tội khi nào?

Nếu không có tội trọng, từ 2 tuần đến 2 tháng thì ta nên xưng 1 lần. Nếu có tội trọng thì phải xưng ngay để giao hòa với Chúa và để rước lễ. Người có tội trọng thì không được rước lễ cho đến khi làm xong việc đền tội mà linh mục đã giao.

Tin liên quan

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072