Những nền tảng “nước Ki-tô”

 

Fourth-Lateran.jpg

 

Hạn từ NƯỚC KITÔ (Chrétienté) nói lên cách thức tương quan giữa Giáo hội và Xã hội Tây Âu Trung Cổ.

Đức Gioan VIII là người đầu tiên dùng từ “Chrétienté” vào năm 880, kêu gọi các tín hữu liên kết lại khi Giáo chủ Constantinople là Photius tự nhận có quyền hơn Roma. Đức Grêgorio VII đưa ra định nghĩa : “Nơi nào có tín hữu, có Thánh Giá, nơi đó thuộc về Nước Kitô”. Đức Alexandro III kêu gọi “tất cả các dân tộc Kitô hãy hòa hợp vì ích chung”. Còn đức Innocente III nhắm đến một cộng đồng các quốc gia Kitô trên hoàn vũ, sống theo luật Tin Mừng tuân theo một quyền bính tối cao, đại diện Đức Kitô nơi trần gian là Đức Giáo Hoàng.

Các dân tộc Kitô có cảm tưởng được liên kết thành một khối, một vương quốc được hình thành. Mỗi công dân đều có nghĩa vụ trong việc xây dựng phát triển và bảo vệ quê hương đó. Toàn thể Tây Âu nên như một đại gia đình con cùng Cha trên trời. Mỗi người phải góp phần trong Thành Đô Thiên Chúa mà Thánh Augustinô đã giới thiệu.

Hai nét nổi bật trong thời Nước Kitô là ảnh hưởng sâu đậm của các đan viện và tầm quan trọng ngày càng gia tăng của quyền Giáo Hoàng. Sau nhiều xung đột với Hoàng đế La-Đức, Giáo hội và đế quốc liên kết nên một như xác với hồn. Nhiều người so sánh Giáo hội sau tuổi thiếu nhi mơ mộng, nay bước vào tuổi thanh niên phong phú đầy sáng tạo. Chúng ta hôm nay thừa kế Giáo hội giai đoạn này một di sản khồng lồ về Giáo lý, cách sống đạo cũng như nghệ thuật.

Tuy nhiên đây vẫn chỉ là một giai đoạn lịch sử của Giáo hội lữ hành. Không nên lý tưởng hóa quá độ. Như chúng ta sẽ thấy, không phải lúc nào các tín hữu Trung Cổ cũng sống và cư xử theo Tin Mừng.

 

I. VIỆC KHẲNG ĐỊNH QUYỀN GIÁO HOÀNG

Trong bối cảnh xã hội phong kiến, Giáo hội chịu ảnh hưởng nhiều tệ nạn, đặc biệt là việc mại thánh và tính sa hoa hưởng thụ. Nhưng khởi từ cuối thế kỷ X, nhiều công đồng miền như Ravennna (967), Roma (981), Pavia (1002) đã lớn tiếng kêu gọi việc cải cách, thanh luyện hàng giáo sĩ và đòi buộc lập khỏi thế quyền. Giữa thế kỷ XI, nhân lúc đế quốc La-Đức suy yếu, các vị mục tử tối cao đã dần dần dành lại thế chủ động trong việc bầu giáo hoàng, tuyển lựa hàng giáo sĩ và phỗ biến việc cải tổ trong toàn Giáo hội.
Đức Lêo IX được Henri III và nghị hội Worms đặt lên ngôi giáo hoàng, ngài đến Roma như đi hành hương và yêu cầu các giáo sĩ Roma bầu cử lại (1045-54). Đức Stêphanô IX (1057-58) đắc cử không thông qua hoàng đế. Năm 1059, đức Nicolas II đưa việc bầu cử thành quy luật dành riêng cho hồng y đoàn.

Nhưng đức Gregorio VII (1073-85) mới thực sự là nhân vật tiêu biểu của việc cải cách. Ngài khởi đầu bằng việc canh tân hàng giáo sĩ. Ngài họp công đồng Roma năm 1074 chống việc mại thánh và xác định luật độc thân giáo sĩ. Các linh mục hay viện phụ mua chức hoặc thông dâm đều bị treo chén, nếu họ không tuân hành, ngài dùng vạ tuyệt thông. Ngài phái đi nhiều đặc sứ để thi hành quyết định này.

1,1. Cấm nhậm chức do thế quyền

Thấy việc cải tổ chậm chạp, năm 1075 đức Gregorio VII tuyên bố bãi bỏ việc các ông hoàng trao nhẫn gậy, cấm các giám mục nhậm chức do các vua và cấm truyền chức cho những kẻ đó. Thực ra ngài không phân biệt chức thánh và bỗng lộc. Đối với ngài bồng lộc chẳng có nghĩa gì hết, điều ngài muốn là hàng giám mục độc lập với thế quyền. Ngài muốn đổi tận gốc tình trạng quá phổ thông trong thời đó. Vài tuần sau, ngài công bố bản DICTATUS PAPAE gồm 27 khoản biện minh cho việc trên, khẳng định quyền tối cao của giáo hoàng trong toàn Giáo hội. Các đặc sứ được quyền miễn trừ đã tích cực ra vạ cho nhiều người.

1,2. Tiến đến độc lập của Giáo quyền

Tại Đức, năm vị cố vấn của Henri IV bị vạ tuyệt thông một tồng giám mục, 12 giám mục bị cách chức. Hoàng đế liền họp công đồng Worms và Palencia để truất phế đức Gregorio VII. Đáp lại giáo hoàng ký bản án như sau :
“Lạy Tông đồ trưởng Phêrô… vì danh dự Giáo hội cần được bảo vệ, do uy quyền của Ngài, tôi cấm Henri IV…từ nay không được cai trị đế quốc Đức Ý, tôi tuyên bố tháo lời thề trung thành cho mọi thần dân của y, cấm mọi người không được coi ông ta là vua…”.

Bị các lãnh Chúa tẩy chay, Henri IV phải nhẫn nhục giữa đêm đông giá rét đến xin giáo hoàng giải vạ tại Canossa (1077). Nhưng năm 1080, ông vận động các giám mục Đức Ý bầu giáo hoàng giả Clêmente III, vây hãm thành Roma suốt ba năm rồi chiếm đóng. Đức Gregorio VII phải ẩn náu trong đồn Thiên Thần rồi lưu lạc và qua đời tại Salermo năm 1085.

Mãi đến năm 1122, triều đức Calixtô II (1119-24) qua Thỏa ước Worms cuộc tranh chấp mới chấm dứt. Theo gợi ý của giám mục Yves de Chartres, Thỏa ước phân biệt quyền của hai phía. Nhẫn gậy biểu tượng chức thánh sẽ do giáo quyền, còn quyền hành thế tục do hoàng đế trao tượng trưng bằng phủ việt. Về khía cạnh sau Giám mục phải tuân phục hoàng đế. Công đồng chung Laterano I (1123) chấp thuận nội dung Thỏa ước Worms và tuyên bố hôn nhân của giáo sĩ bất thành (invalide).

1,3. Quyền Giáo Hoàng gia tăng

Từ nay Giáo hoàng trở thành tôn sư trong khắp Nước Kitô. Chỉ mình Ngài có quyền triệu tập và châu phê công đồng chung (Laterano I, II và III các năm 1123,1139, 1179). Thư từ của các Ngài đề cập đến tất cả mọi vấn đề, được sưu tập thành bộ những sắc lệnh có giá trị dường như Sách Thánh vậy. Đó là gốc tích bộ Giáo luật Gratiano (Lm OSB 1142), và Luật Grêgorio IX (do Lm Raymundo OP 1234, quen gọi là Corpus Juris Canonici).

Giáo luật được áp dụng từng chi tiết trong việc quản trị Giáo hội Roma. Các Giáo Hoàng ngày càng can thiệp vào mọi chuyện trong xã hội, đến độ có lần thánh Bernard than phiền với đức Eugenio III rằng : “Mỗi ngày cung điện Giáo Hoàng lại vang lên những luật theo Justiniano chứ không phải Luật của Chúa”

Công đồng Laterano III, 1179 quyết định để đắc cử Giáo Hoàng phải có hơn 2/3 số phiếu các Hồng y

1,4. Thần quyền chính trị

Hoàng đế Frederic Barberusa (1152-90), được các nhà luật Roma ủng hộ, bênh vực ba giáo hoàng giả (Victor IV, Pascal III, Calixto III, vị phong thánh cho Charlemagne), chống lại giáo hoàng Alexandro III. Ông bị vạ tuyệt thông, phải lưu vong qua đất Pháp và trở lại xin phục quyền của Giáo Hoàng tại Venise năm 1177 (đúng 100 năm sau vụ Canossa). Quyền Giáo Hoàng lên đến đỉnh cao và thời đức Innôcente III (1198-1216) khi Giáo Hoàng trở thành trọng tài của các quốc gia.

Đức Innôcente III lên ngôi khi mới 38 tuổi đã tỏ ra một nghị lực không hề mỏi mệt. Tại Đức, Ngài đưa Otton IV lên ngôi (1198-1212) rồi giúp Frederic II kế vị ; tại Anh, Ngài kết bản án “Đại Ước Pháp” 1215. Các quốc gia như Ba-Lan, Nam Tư, Tiệp, Hung, Bồ Đào Nha, và sau này Anh quốc, Tây Ban Nha cũng tự đặt dưới quyền bảo trợ của Tòa Thánh. Dần dần Ngài nêu lên thứ thần quyền chính trị trong Nước Kitô : về lãnh vực siêu nhiên, toàn thể Giáo hội phải vâng phục Giáo Hoàng. Còn trong lãnh vực trần thế, giáo hoàng có thể nhân danh quyền thiêng liêng, can thiệp vào nội bộ các quốc gia để ngăn cản tội ác (ratione peccati), và mưu cầu ơn cứu rỗi cho các tín hữu.

Tuy có những lạm quyền về chính trị, Đức Innocente III, vốn được coi là nhà cải cách trong nội bộ Giáo hội : cổ động việc học hành và giảng thuyết, ra nhiều sắc dụ chống mại thánh và tội phóng túng, nghiên cứu và nhắc nhở từng địa phận, hỗ trợ các Dòng tu, đặc biệt là Xitô và các dòng hành khất.

Công đồng Laterano IV (1215) qui tụ đến 1200 Nghị phụ gồm Giám mục, đan viện phụ, đặc sứ tham dự, đã tỗng kết và đề ra những chỉ thị cụ thể trong việc cải tổ này.

Frederic II (1212-50) muốn trở lại giấc mơ thống trị theo kiểu Charlemagne của Frederic I. Năm 1241, ông phục kích bắt cóc các Nghị phụ đến Roma dự Công đồng. Đức Innocente IV (1243-54) với sự hỗ trợ của Vua thánh Luy IX mở công đồng chung Lyon I xử án và truất phế ông. Vì cả đế quốc La-Đức đứng lên chống lại, Frederic II thua trận, nên buồn bã ngã bệnh chết. Thần quyền chính trị một lần nữa được củng cố. Tuy nhiên quyền Giáo Hoàng cũng giảm bớt dần như quyền Hoàng đế vào cuối thế kỷ XIII.

1,5. Cuối thời thần quyền chính trị

Chỉ trong 40 năm (1254-94) Giáo hội có đến 13 giáo hoàng. Vì tranh chấp trong Hồng y đoàn, có giáo hoàng chỉ cai trị sáu ngày, có vị năm tuần, có khi ngôi giáo hoàng trống 17 tháng. Thế mà dường như chỉ có đức Grêgorio X còn được hậu thế nhắc đến nhiều qua việc triệu tập công đồng Lyon II (1274) nối lại liên lạc với Giáo hội Đông phương được 7-8 năm.

Song song với sự sụp đổ của Frederic II, Giáo hội hướng về đất Pháp của Vua Thánh Louis IX (1226-70) cho đến khi Philíp le Bel lên ngôi (1285-1314), kẻ sẽ chấm dứt thời thần quyền chính trị với Đức Bônifacio VIII tại lâu đài Anagni (1303).

 

II. THỜI GIÁO HỘI ĐAN VIỆN

Các đan sĩ đã đóng một vai trò có tính quyết định trong việc cải tổ cũng như trong mọi sinh hoạt Giáo hội Trung Cổ. Mỗi đan sĩ được coi là một Kitô hữu gương mẫu.

2,1. Dòng Cluny

Đan viện Cluny xây dựng năm 910, phục hồi những qui tắc chính trong luật Biển Đức như việc bầu viện phụ, tổ chức độc lập với giám mục và các ông hoàng, việc trực thuộc Đức Thánh Cha. Dần dần dòng Cluny có mặt khắp Âu Châu. Điểm mới của Dòng so với Biển Đức là tất cả các Đan viện đều trực thuộc nhà mẹ ở Cluny. Tu sĩ về nhà mẹ tuyên khấn, Bề Trên Cả đi kinh lý và đặt các bề trên đan viện.

Cluny đề cao Phụng Vụ và việc cầu nguyện liên tục (luật thinh lặng) nhưng có thể châm chước khi nhu cầu mùa màng đòi hỏi. Tài năng và tuổi thọ của những vị thánh bề trên tiên khởi càng giúp dòng phát triển nhanh hơn. Cluny góp phần rất lớn vào việc canh tân các đan viện khác, ủng hộ quyền Giáo hoàng, cung cấp nhân sự cho hàng Giáo phẩm. Cluny đã quảng đại trong việc bác ái với người nghèo và khách vãng lai.

Ngoài ra Cluny còn góp phần phổ biến kiến trúc Roman, với những giáo đường lớn nhất Châu Âu, qui tụ thành nhiều làng mạc và thị trấn. Song song với Cluny, nhiều đan viện Biển Đức cải tổ cũng có ảnh hưởng lớn lao tại nhiều vùng như Chaix Dieu ở Auvergne, Saint Victor ở Marseille. Thánh Romualdo lập một nhánh Biển Đức mới là Camaldoli ở Toscane cũng mở rộng khắp Bắc Ý và Đức.

2,2. Những ẩn sĩ

Cuối thế kỷ XI, phong trào ẩn sĩ bỗng phát triển mạnh mẽ. Quyết chí sống nghèo và hãm mình, các ẩn sĩ nam nữ tìm đến những chỗ thanh vắng khắc nghiệt như : rừng, hang, hốc, đảo… để chay kiêng và đền tội. Thế nhưng vì uy tín đời sống, dân chúng tuôn đến nghe các vị giảng thuyết.

Nếu thánh Phêrô Damiano (+1072) nổi tiếng nhất thì hoạt động của Robert d’Abrissel (+1116) có hiệu quả rõ rệt nhất, tụ tập đến 3000 ẩn sĩ nam nữ tại Fontevrault (1096). Ngoài ra thời Trung Cổ còn có dạng “ẩn cư” khá kỳ lạ : căn hộ nhỏ bé của cư sĩ được xây sát vào hông nhà thờ, chỉ trổ ra một cửa sổ nhỏ đủ để tham dự phụng vụ và nhận lương thực tiếp tế.

2,3. Chartreuse

Xây dựng Chartreuse năm 1084, thánh Bruno nối kết đời ẩn sĩ với nếp sống cộng tu. Dòng chuyên việc chiêm niệm, phụng vụ chung nhưng cũng đề cao việc tiếp xúc đơn sơ với Thiên Chúa.

2,4. Các Kinh sĩ triều

Gồm các linh mục triều sống chung. Các Kinh sĩ đoàn dựa vào tu luật thánh Augustinô, sống khắc khổ như các đan sĩ nhưng vẫn làm sứ vụ. Nổi tiếng nhất là đan viện Prémontrés (1126).

2,5. Xi-tô

Xuất phát từ đan viện Cluny, Robert de Molesmes và 20 anh em thiện chí tách ra lập tu viện ở thung lũng Citeaux năm 1098. Ngài chủ trương trở lại luật Biển Đức nguyên thủy : sống nghèo từ trang phục đến lương thực và nhà ở, đơn giản trong phụng vụ và sống riêng biệt trong rừng vắng. Các đan sĩ trở thành những nhà khẩn hoang vĩ đại. Khác với Cluny, nhà mẹ không có quyền trên mọi đan viện, mà chỉ điều hành cộng hội hàng năm các Bề Trên.

2,6. Clairveaux với thánh Benađô (1090-1153)

Với đan viện Clairveaux (1115) thánh Benađô đã phát triển Dòng Xitô lên vượt mức. Một mình ngài lập 70 tu viện (khi thánh Bernard mất, Xitô có 350 tu viện, 160 thuộc Clairveaux). Cuối thế kỷ XIII, Dòng Xitô có 700 tu viện. Nhưng vai trò ngài vượt xa các đan viện. Giữa thế kỷ XII, thánh Benađô là nhân vật số một của Giáo hội. Thường xuyên sống ngoài đan viện, ngài can thiệp vào nhiều mặt sinh hoạt Giáo hội : cải tổ hàng giáo sĩ, canh tân dòng Cluny, kêu gọi các giám mục sống nghèo và quan tâm đến người bần khổ. Nhờ ngài Giáo hội thoát một cuộc ly giáo và đề ra chương trình sống cho một đan sĩ Clairveaux trên ngai giáo hoàng là đức Eugenio III (1145-53).

Thánh Benađô nỗ lực Kitô hóa xã hội phong kiến, ngài lên án thói xa hoa của giới cầm quyền và rao giảng sự thánh thiện của hôn nhân. Năm 1146 ngài đứng lên cổ võ cuộc thánh chiến thứ hai tại Vezelay và Spira.

Tuy nhiên vì ảnh hưởng tinh thần hiệp sĩ phong kiến và đan viện, thánh nhân không theo kịp bước tiến hóa của thời đại. Ngài coi những yêu sách của thị dân với các lãnh chúa và Giám mục như xúc phạm đến trật tự xã hội truyền thống. Hơn nữa nếu ngài bênh vực đức tin chống các lạc thuyết, thì việc kết án Abélard (1140) là dấu ngài thiếu cởi mở với tiến bộ của thần học.

Dẫu sao, thánh Benađô quả là bậc thầy về đời sống thiêng liêng. Khởi từ việc chiêm niệm Kinh Thánh, từ khỗ hạnh bản thân ngài nhấn mạnh đến sự kết hợp với Thiên Chúa và thực hành Đức Ái. Ngài vạch ra hành trình trở về với Chúa khởi bằng việc biết mình đến hiểu biết Thiên Chúa. Những bài ngài giảng về Diễm Tình Ca là bằng chứng hùng hồn nhất về thành quả tinh thần của ngài.

 

TOÁT YẾU

Hạn từ Nước Kitô nói lên tương quan giữa Giáo hội và Xã hội Trung Cổ. Các dân tộc Âu Châu liên đới thành một khối nhờ đức tin Kitô giáo, dưới sự hướng dẫn của vị đại diện Thiên Chúa là các Giáo hoàng. Nước Kitô dựa trên hai nền tảng chính :

1. Quyền Giáo hoàng :

Sau khi đức Nicolas II lấy lại quyền bầu cử Giáo hoàng năm 1059, đức Gregorio VII thực hiện cuộc cải cách trong toàn Giáo hội. Năm 1074 ngài phạt vạ các Giáo sĩ mại thánh hoặc bê bối. Năm sau ngài cấm giáo sĩ nhậm chức do thế quyền và ra bản Dictatus Papae – khẳng định quyền tối cao của Giáo hoàng. Vua Henri IV chống lại, đặt giáo hoàng giả, nên bị vạ tuyệt thông, phải đến xin ngài tha tội lâu đài Canossa (1077) dù sau đó đem quân trừng phạt ngài.

Dẫu sao từ nay, Giáo hoàng trở thành tôn sư khắp Nước Kitô, các sắc lệnh được gom thành giáo luật. Và quyền Giáo hoàng lên đến đỉnh cao thời Đức Innocente III khi vị Giáo hoàng trực tiếp hướng dẫn các vị vua đến xin nhận quyền bảo trợ. Hoàng đế Frederic I và II tìm cách chống lại quyền Giáo hoàng đều thất bại. Đang khi đó các ngài hướng về Vua thánh Louis đất Pháp, cho đến ngày Philíp le Bel lên ngôi, kẻ sẽ chấm dứy thần quyền chínmh trị với Đức Bônifacio VIII tại lâu đài Anagni (1303).

2. Tinh thần đan viện :

Các đan sĩ có vai trò tích cực trong việc cải tổ, nhưng vô tình, tuy do thiện chí, đưa tinh thần đan viện vào xã hội. Đan sĩ là kiểu mẫu của Kitô hữu.

Song song với đan viện Biển Đức cải tổ là các đan viện Cluny, thành lập 910 với tổ chức tập quyền về nhà mẹ ở Cluny.

Cuối thế kỷ XI, phong trào ẩn sĩ cũng phát triển mạnh, đặc biệt là Fontevrault có đến 3000 ẩn sĩ. Và dạng ẩn cư trong các lô cốt ngay giữa thành phố chỉ để một cửa sỗ nhỏ. Dòng Chartreuse do thánh Bruno lập (1084) chuyên về chiêm niệm và sách vở. Tại các Tòa Giám mục có những Kinh sĩ đoàn, tụ tập các linh mục triều sống như đan sĩ và đi làm mục vụ. Dòng Xitô là ngành cải tổ tách từ Cluny (1098) mà nhà mẹ chỉ điều hành công hội hằng năm các bề trên. Dòng phát triển mãnh liệt nhờ đan viện Clairveaux của thánh Benađô.

CÂU HỎI
1. Thần quyền chính trị là gì ?
2. Những biện pháp Giáo hội thế kỷ XI dùng để thoát các tệ nạn thời phong kiến ?
3. Đánh giá biến cố Canossa 1077 ?
4. Bạn biết gì về giáo luật thế kỷ XII ?
5. Nhận định về thời đức Innôcente III ?
6. Kể các Dòng tu xuất hiện thế kỷ X-XII ?
7. Ảnh hưởng của thánh Benađô với xã hội ?

BÀI ĐỌC THÊM

 

GIÁO HOÀNG GREGORIO VII

Quyết định của công đồng Roma l075

Giáo sĩ mại thánh, mua bán chức thánh hay lên hàng giáo sĩ bằng tiền bạc, từ nay không được thi hành bất cứ chức vụ gì trong hội thánh. Kẻ nào mua nhà thờ bằng tiền sẽ bị mất nhà thờ đó,vì không được mua bán nhà thờ. Kẻ nào phạm tội thông dâm, có tình nhân… Từ nay cấm không cho cử hành thánh lễ hay phục vụ bàn thờ dù là chức nhỏ.

Chúng tôi quyết định rằng : dân chúng không được tham dự phụng tự của những kẻ khinh thường luật của chúng tôi – cũng là luật của các giáo phụ – để những kẻ không thể sửa đổi do tình thương Chúa, sẽ khiêm tốn hơn nhờ dư luận quần chúng.
(Fliche và Martin, LSGH II,p 134-135)

Dictatus papae, Giáo hoàng đã nói

Trong số 27 mệnh đề của Dictatus Papae, ta trích một số câu
2. Giáo chủ Roma thực sự là giáo chủ toàn cầu
3. Mình ngài có quyền truất chức các giám mục
9. Ngài là người mọi ông hoàng phải hôn chân.
12. Ngài có quyền cách chức các hoàng đế.
16. Không có công đồng chung nếu không phải do được chính ngài triệu tập.
18. Không ai có quyền thay đổi điều ngài phán quyết.
27.Giáo hoàng có quyền tháo lời thề trung thành cho thần dân với những ông hoàng bất xứng.

 

ĐÁNH GIÁ BIẾN CỐ CANOSSA

Cuộc tranh tụng giữa Grêgôriô VII và Henri IV có một ý nghĩa sâu xa, nó đánh dấu một bước ngoặt của thời đại.
Đó là cuộc chiến bảo vệ luật độc thân linh mục, và bài trừ tệ nạn mại thánh, (chấm dứt cuộc tranh luận về việc trao nhẫn gậy : Investiture), bảo vệ sự tự do bên trong của lương tâm kitô giáo chống lại bạo lực và đam mê.

Đức Grêgoriô là một nhà ngoại giao tầm thường, vì đã muốn điều bất khả và phải kết thúc cuộc đời trên đường lưu lạc. Thế nên khi nêu lên những xác định về quyền bính giáo hoàng, thực ra ngài chỉ phản ảnh tâm thức Kitô giáo thời bấy giờ về quyền tối thượng, dù chưa được định tín. Việc Henri IV đến xin giải vạ tại lâu đài Canossa đã xác định ai là chủ nhân của thế giới trong đó đa số là Kitô hữu. Cuộc tranh luận cũng làm sáng hơn khả năng hiệp nhất trong giáo hội, khi giáo hội tại Đức phải chọn lựa giữa giáo hội quốc gia và thế giới Kitô giáo mang tính toàn cầu.

Nếu sau này có lúc ý tưởng cao cả về ngôi giáo hoàng bị sút giảm đưa đến những thái quá lạm dụng cho danh vọng cá nhân, thì điều đó không hề có nơi đức Grêgoriô VII. Đức Phaolô I năm 1605, khi đặt ngài lên bàn thờ, đã khẳng định điều đó. Và sau ngài gần 500 năm, giáo hội mới có một vị giáo hoàng được suy tôn hiển thánh, đức Pio V.
(Viết theo J. LORTZ, L’histoire de L’Eglise,
– Ed.Payots, Paris 1955, tr. 130-134)

 

TÂM TRẠNG ĐỨC INNOCENTÊ III

Giáo hội đã giao cho tôi một gia sản quí hơn mọi gia sản. Vì việc có đầy đủ quyền thiêng liêng sẽ mang đến vô vàn sở hữu trần gian. Bởi vì các tông đồ chỉ được gọi là chia sẻ quyền bính, chỉ riêng Phêrô có đầy đủ quyền bính. Tôi đã được người trao mũ linh mục và vương miện trong vương quốc. Người đặt tôi làm đại diện với phẩm phục ghi rõ “vua các vua, chúa các chúa, linh mục đời đời theo phẩm hàm Melchisedech…”

Như mặt trăng nhận ánh sáng từ mặt trời, quyền lực của vị vua, cả vinh dự và phẩm chức, cũng từ quyền lực của các giáo hoàng như vậy. Chúng tôi đã nhận quyền lực từ Chúa Cha đầy thương xót, chúng tôi cũng phải dùng quyền ấy để ủng hộ những ai biết dùng chúng với lòng xót thương.
(Trích M.Pacaut, La Theocratie p.225 – JC,Để đọc LSGH I,p.144)

 

DÒNG CLUNY

Trung tâm chính của cuộc canh tân tinh thần thế kỷ X là Dòng Cluny tại Bourgogne, thành lập năm 910 và trực thuộc Giáo Hoàng. Chính tại đây, lý tưởng tu trì đã bừng tỉnh và làm phát sinh một giai đoạn mới : tại đây các đan sĩ trung thực sống theo tu luật thánh Biển Đức xưa kia, bởi vì hiện nay đã khá đổi thay. Chương trình được thực hiện bởi những viện phụ vĩ đại sống khá thọ và là những vị có đời sống thánh thiện :

Thánh Bernon (910-925) ;
Thánh Odon (+948) ;
Thánh Odilon (+994) ;
Thánh Hugues (+1049) ;
và cha Phêrô đáng kính (+1156).

Gương sống đạo chân thật, lòng hy sinh anh hùng và việc nghiêm chỉnh trung thành với ơn gọi dâng hiến được lan rộng, trước tiên vào các cộng đoàn Biển Đức ; rồi đến những đan viện mới lập. Chẳng bao lâu, tinh thần này chuyển từ Pháp qua Ý, đến Roma. Một trăm năm sau, Cluny đã có 1450 đan viện với 10.000 đan sĩ, tất cả đều quan hệ thường xuyên với Cluny và tuân theo sự quản trị của trung ương. Như thế cuộc cải tổ đời tu đã kéo theo cuộc cải tổ về tổ chức tu trì .

Cuộc cải cách của Cluny còn khởi sự cho cuộc cải tổ hàng giáo sĩ, ảnh hưởng đến các hoàng đế như Otton III, Henri II và Henri III. Giáo hoàng Lêo IX, khi là giám mục ở Toul, đã thường xuyên liên hệ với Cluny, và trên đường đi lãnh nhận chức vụ tối cao trong giáo hội, đã ghé vào Cluny để đem theo đan sĩ Hindebrand làm cố vấn, sẽ là đức Grêgoriô VII sau này. Dòng Cluny đã có phần rất lớn trong chuyển đoạn bước sang thiên niên kỷ thứ hai, cách đặc biệt qua giáo hoàng Grêgoriô VII bất khuất này. Và cùng với ngài đã biến Tây Âu trở thành thế giới Kitô Giáo thực sự (Nước Kitô) .

 

DÒNG CHARTREUSE – 1084

Thánh Bruno rời thành Reims, từ bỏ thế gian tránh mọi quan hệ với người thân để đến miền đất Grenoble. Tại đây ngài chọn cư ngụ trên đỉnh núi hiểm trở khúc khuỷu, chỉ có một lối lên vừa khó khăn vừa hoang tàn. Phía dưới là một thung lũng theo đường cắt thẳng từ trên xuống. Đó là nơi ngài biên soạn lề luật và các môn sinh ngài hiện vẫn đang cư ngụ.

Mỗi vị có một phòng riêng quanh tu viện. Họ ăn ngủ và làm việc ở đó. Cứ chủ nhật họ lãnh ở quản lý lương thực gồm bánh và rau rồi tự nấu luộc chúng ở phòng mình. Nước uống là nước suối cũng chuyển đến từng phòng… Hầu như họ không nói gì bao giờ, vì khi cần họ ra dấu hiệu với nhau bằng tay.

Tuy có bề trên điều khiển, nhưng giám mục Grenoble mới là viện phụ và là người cung cấp lương thực. Nếu họ tự nguyện sống nghèo hoàn toàn thì ngược lại họ tích trữ nhiều sách trong thư viện… Đất của họ ít được gieo trồng vì họ đổi ngũ cốc cần thiết bằng lông cừu mà họ nuôi vô số.
(Guibert de Nogent (1053-1124 – JC,Để đọc LSGH,I,p.149)

 

XITÔ, ĐAN VIỆN MỚI

Viện phụ Aubri (vị thứ hai) và các bạn không quên lời hứa, nhất định áp dụng tại đây tu luật thánh Biển Đức, loại bỏ những gì trái với tu luật như áo bông, áo lót, mũ choàng, nệm giường, thực phẩm béo và tất cả những gì không phù hợp…

Vì đọc tu luật thánh Biển Đức, họ thấy vị tôn sư không sở hữu nhà thờ, đền thờ, không quà tặng, mộ phần, không lãnh thuế thập phân, không lò bánh, cối xay, không làng mạc, nông nô và ngoài cô em gái, không có phụ nữ nào vào đan viện, cũng không cho ai chôn trong đó, họ liền từ bỏ tất cả những điều này…

Khinh chê sự giàu có trần gian, những người lính mới của Đức Kitô, nghèo như Đức Kitô nghèo, khởi sự làm sao để chỉ vừa đủ sống và phục vụ khách dù giàu hay nghèo mà tu luật buộc họ tiếp đón như chính Đức Kitô…
(Bản luật Xitô n.1118, theo J.Comby, Sđd, I, tr.150)

 

NHẬN ĐỊNH VỀ THÉOCRATIE

Trong lịch sử, không có vị Giáo hoàng nào hành xử thần quyền như một bạo chúa. Các vị xen vào nội bộ quốc gia, kết án Hoàng đế vì các ông vốn là tín hữu và phạm lầm lỗi gì đó. Bản vạ tuyệt thông thường có yếu tố khoan hồng. Nghĩa là nếu nhà vua hối cải sẽ được phục hồi quyền bính. Ngoài ra, các vị vẫn tôn trọng “triều đại” hiểu theo nghĩa ủng hộ người có quyền kế vị đích thực.

Pha mình vào việc trần tục, các ngài dễ đi quá giới hạn của mình, đôi khi phạm sai lầm nữa, nhưng ta cần nhìn sự kiện tương đối trong bối cảnh Trung Cổ, thái độ các ngài được sự hưởng ứng của quần chúng, bảo vệ công bằng xã hội, duy trì sự đoàn kết của Nước Kitô. Théocrate thất bại có lẽ vì không đúng đường lối của Đức Kitô, Đấng đã phán : “Nước tôi không thuộc về thế gian này”.

 

(JC. Để đọc LSGH I, p 91) Lm Phanxicô Xaviê Ðào Trung Hiệu OP
Hiệu đính tháng 9/2006

Tin liên quan

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072