Những ngộ nhận về “học thêm”
Hiện nay, vấn đề học thêm dạy thêm trở nên rất phổ biến. Trong đó, nhiều bạn cứ nghĩ rằng: nhất thiết phải đi “học thêm” thì mới giỏi được, vì thế hầu như môn nào cũng đi học thêm. Sự thật có phải như vậy?
1. Muốn giỏi nhất thiết phải học thêm nhiều
Ý nghĩa đích thực của việc “học thêm” là cung cấp và nâng cao kiến thức sau khi học chính đã hoàn tất về cơ bản thì việc học thêm đúng là có tác dụng như vậy. Nhưng có một thực tế là, nhiều em rất lười, không chịu rèn luyện tư duy độc lập, không chịu tìm tòi, suy ngẫm, nên tìm đến việc học thêm để thầy, cô làm hộ, tư duy hộ, sau đó cứ thế rập khuôn lại. Đây chính là “tác dụng phụ” hết sức tai hại của học thêm, giết đi bản chất của việc học là rèn luyện tư duy, nhất là tư duy sáng tạo, độc lập.
Trong cuộc sống, có nhiều tấm gương vượt khó, không có điều kiện học thêm, đi học về còn phải phụ giúp gia đình mà bạn học vẫn giỏi, thậm chí đỗ thủ khoa các kỳ thi đại học, cao đẳng. Do đó, không nhất thiết phải học thêm mà bạn phải có phương pháp học và sự nỗ lực từ bản thân.
2. Thầy, cô nào dạy thì nhất thiết phải học thêm thầy, cô đó
Một tâm lý chung đối với chúng ta là, học trên lớp với thầy, cô nào thì phải tìm đến nhà thầy, cô đó để học thêm. Vì sợ rằng học thầy, cô khác sẽ không giống với cách dạy, phương pháp của thầy, cô hiện tại nên kết quả sẽ thấp. Vì vậy, dù thầy, cô đó có rất xa chỗ mình ở cũng “lặn lội” đến để mà học. Một thực tế hiển nhiên là đề kiểm tra và nội dung đề thi đều nằm trong kiến thức sách giáo khoa, vì thế những bạn nào có suy nghĩ như vậy cũng cần xem lại việc này. Hơn nữa, nếu thật sự ham học, thì tiêu chí “thầy giỏi, uy tín” mới thật sự quan trọng hàng đầu, chứ không phải là thầy hay cô đó đang dạy mình trong trường.
3. Học thêm vì điểm
Tâm lý chung của các bạn học sinh là học thêm để đạt điểm cao. Đó là nguyện vọng tốt, song có phải việc học tập, rèn luyện của chúng ta chỉ vì điểm. Học nhiều môn trong một tuần, nhiều bạn không có thời gian vui chơi, nghỉ ngơi và hoàn thiện các mặt khác của bản thân. Việc học là lâu dài, việc tiếp thu kiến thức thì phải có thời gian “tiêu” kiến thức. Nếu bạn nào học thêm nhiều để chạy đua vì điểm số thì phải suy nghĩ lại, cần chú ý cân bằng thời gian học với thời gian khác, nếu không sẽ có sự phát triển lệch lạc bản thân, chú trọng thực học chứ không nên chú trọng vào điểm số.
4. Học thêm nhiều để bớt “hư hỏng”
Nhiều bố mẹ sợ con mình đi chơi bạn bè xấu, hoặc dùng thời gian rảnh đi chơi game… nên cứ cho con mình đăng ký học thêm. Cho học càng nhiều càng tốt để cho con không còn “lêu lổng”… Đó cũng là một sai lầm vì đã gán trách nhiệm phải giáo dục con cái của mình cho thầy, cô, thời gian gần gũi, lắng nghe những tâm tư tình cảm của con cái cũng rút ngắn lại. Giáo dục phải toàn diện, chứ không chỉ là trách nhiệm của thầy, cô hay của nhà trường. Giáo dục không chỉ là về kiến thức, mà quan trọng còn là giáo dục nhân cách đạo đức – cái đó không ai thay thế được gia đình, nhất là bố mẹ của học sinh.
Nguồn: mxat.vn