Những vết thương của Chúa

 

 

Dù Giêrusalem ở phía Nam và Galile ở phía Bắc nhưng Tin Mừng luôn gọi việc Chúa đi Giêrusalem là đi lên Giêrusalem. Tại sao thế. Từ ngữ này có ý nghĩa thần học sâu xa. Giêrusalem là trung tâm của việc cứu độ. Chúa Giêsu phải hoàn tất việc cứu độ qua cái chết ở Giêrusalem như lời Chúa nói: “Một tiên tri không thể chết ngoài thành Giêrusalem”(Lc 13, 33). Đi lên Giêrusalem cũng là đi lên thánh giá để hoàn tất Lời Chúa nói: “Ngày nào ta chịu treo lên cao, Ta sẽ lôi kéo mọi người lên cùng Ta”( Ga 12, 32). Tại sao phải là thánh giá. Vì như Thánh Augustino gọi thánh giá là nơi gặp gỡ giữa công lý và tình thương. Công lý của Chúa phải được thể hiện. Tội lỗi phải chịu án phạt. Vì tội lỗi tự nó là xấu xa. Chúa Giêsu chịu khổ hình thể hiện công lý của Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa đã cứu độ con người bằng tình thương. Vì yêu thương, Chúa Giêsu chịu chết trên thánh giá. Trên thánh giá, Chúa Giêsu đã mang lấy tất cả những vết thương của nhân loại vào bản thân mình. Ta hãy chiêm ngắm những vết thương của Chúa.

Tại sao Chúa Giêsu bị phản bội. Vì chúng ta như Giuda luôn ham mê tiền bạc hơn Chúa, sẵn sàng bán Chúa vì lợi lộc vật chất.

Tại sao Chúa Giêsu bị chối từ? Vì chúng ta như Phêro, tìm hưởng thụ, sưởi ấm bên đống lửa, thay vì cùng chịu đau khổ với Thầy.

Tại sao Chúa Giêsu bị bỏ rơi? Vì chúng ta như các môn đệ nhút nhát bỏ trốn hết trong lúc Chúa bị bao vây, bị bắt đi.

Vì sao Chúa Giêsu chịu xét xử bất công? Vì chúng ta như Philato, xét xử theo quyền lợi của chúng ta, tìm quyền lợi của chúng ta thay vì tìm công lý.

Tại sao Chúa Giêsu chịu kết án thay vì Baraba? Vì chúng ta luôn dung túng cho tội lỗi và bỏ quên sự thánh thiện. Baraba là lực lượng sát nhân, hủy diệt nhân loại thì được tự do, còn Chúa Giêsu, Đấng ban sự sống, thì lại bị bắt trói, bị giết chết.

Vì sao đám đông đã chịu ơn lành của Chúa, đã tung hô đón rước Chúa nay lại hò reo kết án Chúa? Vì chúng ta không có lập trường vững chắc, chỉ biết hùa theo dư luận, chạy theo đám đông, không giữ vững đức tin của mình.

Vì sao Chúa Giêsu chịu lột áo? Vì chúng ta phạm biết bao tội lỗi nhưng đã khéo che giấu dưới những lớp áo đẹp đẽ, lộng lẫy bên ngoài, nên Chúa là Đấng thánh thiện, đã phải chịu lột áo, nhục nhã thay cho ta.

Vì sao Chúa Giêsu chịu đội mão gai? Vì chúng ta đã tôn vinh những ông vua giả trá, đội triều thiên cho những thần tượng là đam mê, dục vọng của ta, nên Chúa Giêsu là vua thật, là lý tưởng đích thực phải chịu đội mão gai đau đớn.

Vì sao Chúa Giêsu chịu đánh đòn tan nát thân mình? Vì chúng ta chiều chuộng xác thịt, tìm hưởng thụ trong thân xác, biến thân xác thành món hàng trục lợi.

Vì sao Chúa Giêsu chịu nhổ vào mặt? Vì chúng ta đã làm lem luốc khuôn mặt của Chúa, bôi bẩn linh hồn trong sạch của ta.

Vì sao Chúa Giêsu im lặng khi bị kết án? Vì chúng ta đã nói quá nhiều những lời giả dối, những lời bất công, những lời biện minh che lấp tội lỗi.

Vì sao Chúa Giêsu phải vác thánh giá? Vì chúng ta trốn tránh trách nhiệm. Đùn đẩy gánh nặng cho người khác. Gây tội lỗi rồi bắt người khác phải gánh chịu.

Vì sao Chúa Giêsu chịu ngã xuống đất? Vì chúng ta đã chìm ngập trong đáy sâu tội lỗi, đã vấy bẩn, chìm trong bùn nhơ, nên Chúa Giêsu phải cúi xuống để nâng ta lên.

Vì sao Chúa Giêsu chịu mọi người nhục mạ chê cười? Vì chúng ta thích tìm vinh quang giả dối nơi những lời tán tụng phỉnh phờ, nên Chúa phải gánh lấy những lời nhục mạ đúng ra là ta phải gánh chịu.

Vì sao Chúa Giêsu chịu khát nước trên thánh giá? Vì chúng ta đã như người con hoang đàng, tìm hưởng thụ, thỏa mãn trong thứ nước dơ bẩn ô uế như cám heo.

Vì sao Chúa Giêsu chịu đóng đinh tay chân vào thánh giá? Vì tay chúng ta chỉ tìm chiếm hữu những gia tài của cải chóng qua, tìm lạc thú trần gian. Vì chân chúng ta lạc lối trên những nẻo đường bất chính.

Vì sao Chúa Giêsu chịu đâm thủng cạnh sườn? Vì trái tim chúng ta đã ôm ấp những tình yêu xấu xa, đuổi theo những đam mê tội lỗi.

Vì sao Chúa Giêsu phải chịu cô đơn như bị Chúa Cha ruồng bỏ? Vì chính chúng ta từ bỏ Thiên Chúa, đánh mất hạnh phúc được làm con, được yêu thương trong nhà Cha trên trời.

Vì sao Chúa Giêsu phải chịu chết? Vì chúng ta đã bỏ nguồn mạch sự sống để đi tìm sự chết. Chính Chúa Giêsu phải chịu chết thay cho ta. Đó là tình yêu thương vô vàn của Chúa. Vì yêu thương Chúa đã phải gánh chịu công lý nghiêm thẳng đúng ra dành cho chúng ta.

Tất cả những vết thương đó, đau khổ đó, cái chết đó, lẽ ra chúng ta phải chịu vì tội lỗi chúng ta. Nhưng Chúa Giêsu đã tự nguyện nhận lấy tất cả để cứu độ chúng ta như lời thánh Phêro nói: “Thật vậy, Đức Kito đã chịu đau khổ vì anh em… Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá”. (1Pr 2, 21-24). Người chịu thương tích cho ta được chữa lành. Người chịu nhục nhã cho ta được vinh quang. Người chịu chết cho ta được sống.

Ngày hôm nay Chúa Giêsu tiếp tục chịu chết. Ngày hôm nay Chúa Giêsu tiếp tục mang những vết thương. Vì hôm nay, thế giới vẫn còn ngập chìm trong tội lỗi. Và chính bản thân chúng ta vẫn tiếp tục phản bội, bán Chúa, nhút nhát chối bỏ đức tin, chạy theo đam mê dục vọng, tìm hưởng thụ, tìm tônvinh những thần tượng giả trá, vẫn tiếp tục dung túng cho tội lỗi, cho những kẻ xấu, những thói xấu trong tâm hồn, trái tim ta tiếp tục nuôi dòng máu đen tội lỗi, nhơ uế, trong những tình yêu nặng dục vọng thấp hèn.

Hôm nay Chúa mời gọi ta hãy nhìn lên thánh giá Chúa để thấy những hậu quả trầm trọng tội lỗi của ta gây ra cho Chúa. Hãy thông cảm cho Chúa. Hãy cùng chịu đau khổ với Chúa. Vâng, muốn yêu mến Chúa, ta hãy cùng Chúa chịu đau khổ để cứu chính mình và cứu độ thế giới. Hãy mang lấy những vết thương của Chúa. Đó chính là những vết thương của thế giới hôm nay. Thế giới hôm nay như một thân thể loang lổ vết thương, đang cơn bệnh nặng, hấp hối vì những tội lỗi do chính mình gây ra. Chúng ta hãy hiệp cùng Chúa Giêsu, mang lấy những khổ đau của nhân loại. Chính khi đó, ta được tràn đầy tình yêu Chúa, được chữa lành các vết thương, được ơn phúc dồi dào. Xin cho Tuần Thánh năm nay trở thành nguồn ơn phúc, nguồn đổi mới cho bản thân chúng ta. Ta hãy noi gương thánh Phaolo: “Tôi mang trong mình tôi mọi thương tích của Chúa Giêsu, hoàn tất nơi thân xác tôi những cực hình còn thiếu sót nơi cuộc khổ nạn của Chúa, để sinh ơn ích cho tôi và cho mọi người”(Gal 6, 17). Và hơn thế nữa, hãy cùng chịu đóng đinh vào thánh giá với Chúa, hãy chết cho trần gian, cho những đam mê, dục vọng, tội lỗi, để từ nay sống cho Chúa: “Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Kito vào thập giá” (Gal 2, 20). Như thế ta có được ơn cứu độ cho bản thân và cho cả mọi người chung quanh.

Lạy Chúa Giêsu chịu đóng đinh, xin thương xót chúng con. Amen.

+TGM.Giuse Ngô Quang Kiệt

Tin liên quan

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072