Nữ tu Véronique Margron: Cứu một mạng sống vượt lên mọi bí mật
by Phanxicovn
lemonde.fr, Véronique Margron, 2021-10-20
Theo nữ tu thần học gia Véronique Margron, chủ tịch Hội đồng nam nữ Tu sĩ Pháp, cho dù có những kín đáo chủ yếu cho mọi sự tồn tại nào, chúng ta cũng phải quyết định và lên tiếng phản đối “bí mật bất khả xâm phạm của việc xưng tội”.
Được công bố ngày 5 tháng 10, bản báo cáo Sauvé của Ủy ban Độc lập về các vụ Lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp (Ciase) đã làm cho đôi mắt của chúng ta mờ đi vì đau buồn và lo sợ trước tai tiếng khi sử dụng bí mật. Một bí mật tai hại, tội lỗi, đồng lõa, bao trùm cho rất nhiều tội ác đã phạm. Làm cho các tội ác này càng độc ác hơn. Nó xiềng xích nạn nhân, giúp cho hung thủ lặp đi lặp lại hành vi ô nhục của họ, tiếp tục ở nơi này nơi khác với cùng một đứa trẻ, với cùng một người lớn bị tổn thương hoặc với các đứa trẻ khác, các người lớn khác. Chúng ta cần nhớ lại những gì cha Féret, dòng Đa Minh đã nói trong một bối cảnh hoàn toàn khác, sau khi bị Tòa Thánh lên án vào năm 1954, vì đã cùng với ba nhà thần học khác, các cha Chenu, Congar và Boisselot ủng hộ các linh mục công nhân: “Bí mật bao trùm mọi ứng xử, bí mật là hòn đá tảng của hệ thống”.
“Hòn đá tảng của hệ thống. Tất cả là ở đó. Đã có, và có từ rất lâu. Luật im lặng không một ngoại lệ nào này sẽ bao trùm các phiên tòa bất chính, từ chối cho các bị cáo, chẳng hạn như các nhà thần học, biết lý do cho hàm ý của họ. Cũng chính luật này, đã trở thành một văn thể miêu tả phong tục (ethos) che đậy các vụ hành hung và tấn công tình dục do các linh mục và tu sĩ phạm. Một bí mật, một im lặng như chì là liều thuốc độc phục vụ cho cái chết, cho những việc đê hèn nhất, giết chết nạn nhân trong nỗi nhục của họ.
Bí mật kể cả người muốn bao bọc đứa bé bằng tình cảm đồi bại của mình. “Đó là vì cha yêu con và đó là bí mật của chúng ta.” Một trong những đặc thù của bạo lực tình dục xảy ra trong Giáo hội, cũng như trong gia đình, đó là hiếm khi nó là “bạo lực” theo nghĩa thông thường chúng ta hiểu. Bởi vì chúng xen lẫn với sự gần gũi, tâm sự, ngắn gọn là với những mối liên kết với nhau. Như thần học gia, linh mục Dòng Tên Patrick C. Goujon viết trong quyển sách xúc động của cha, Cầu nguyện để không bị lạm dụng (Prière de ne pas abuser, nxb. Seuil), “Đứa trẻ nào có thể từ chối những vòng ôm?” Bí mật sau đó dán chặt vào đứa bé nghĩ mình được chọn, được yêu thích.
Có một bí mật thứ ba dính vào cái chết, vào công việc hủy diệt, đó là bí mật tòa giải tội. Vì rất nhiều trẻ em, rất nhiều người dễ bị tổn thương bị lạm dụng trong bí tích lầm lạc, đáng nguyền rủa, tội ác này. Khi linh mục tấn công lúc họ giải tội. Như thế họ giữ nạn nhân của mình trong bẫy của họ, vì nếu nạn nhân phản bội bí mật trước mặt Chúa, thì địa ngục sẽ chờ họ. Vậy mà nạn nhân ở trong địa ngục do sự đột nhập mà họ phải chịu. Những đời sống, những tin tưởng, những thể xác và linh hồn bị hy sinh trên bàn thờ “bất khả xâm phạm” của tòa giải tội. Viết những dòng này là đủ để tôi lại chìm vào trong những lời chứng đã được thu thập, hay trong báo cáo Ciase và khối lượng “nạn nhân làm chứng.”
Những im lặng thù địch
Theo quan điểm của những dòng khiêm tốn này, bí mật trong Giáo hội không thể được bảo vệ. Nó dứt khoát phải được đấu tranh. Vì nó sẽ xé nát tâm hồn, bị cấm nói, bị cấm chia sẻ về việc tuyệt đối không bị phạt của kẻ tấn công. Những im lặng thù địch tích tụ, kết tụ đến mức bị dán chặt và xây thành bức tường gần như không thể vượt qua. Chúng sẽ khiến chấn thương càng kéo dài và hậu quả của nó càng nặng nề hơn.
Dù vậy. Dù vậy có những bật mí cần thiết cho mọi sự tồn tại nào, cho lời được tâm sự, cho bất kỳ cộng đồng con người nào. Vì vậy, chúng ta phải nghi ngờ nghĩa vụ minh bạch thường biến thành sự chuyên chế của vẻ bề ngoài. Linh mục Dòng Tên Pierre de Charentenay đã viết: “Chúng ta biết, quyết tâm muốn biết cũng có thể là đồi bại với những xu hướng ẩn giấu, đó là quyết tâm phá hủy đối tượng họ nhìn, hủy hoại người mà họ đang hỏi”. Làm thế nào để phân biệt mối quan tâm cho công lý và sự thật với nhu cầu muốn phơi bày? Đòi hỏi trung thực của mong muốn đắm mình trong vở diễn với đắm mình trong khốn cùng luân lý của người khác, của điều đê hèn bẩn thỉu…
Bí mật cho thấy sự mật thiết của con người trong mối quan hệ này, trong căng thẳng giữa điều được nói và không được nói, giữa những gì trong phạm vi riêng tư và công khai, như Chúa Giêsu lui về để nói với Cha mình trong bí mật và rút từ đó lời nói công chính và sự thật. Bí mật là cùng thời với lương tâm. Đó là cuộc đối thoại giữa nhà văn André Malraux và cha tuyên úy của Vercors trong Phản-Ký ức (Antimémoires, nhà xuất bản Gallimard, 1967): “Xưng tội dạy cho con người điều gì?” Trả lời: “Tận cùng tất cả, đó là không có những vĩ nhân…”
Giữa điều mật thiết và điều có thể suy nghĩ
Mỗi cuộc đời đều được đánh dấu bằng bí mật, ngập đầy bí ẩn. Chính nơi này là nơi cấu thành căn tính, phẩm chất của mỗi người. Như thế nói về bí mật theo cách này là nói rằng, đó là một bí mật tốt, đáng yêu, mở ra như hậu trường của một sân khấu. Chính ở nơi này, trong tâm hồn chúng ta, nơi đi qua giữa điều mật thiết và điều có thể suy nghĩ, và có thể sau đó là điều có thể chia sẻ. Nếu không có những bí mật này, thì người tâm giao có thể là người thân, người bạn, người bác sĩ, người linh mục dựa vào đâu?
Vậy chúng ta phải quyết định. Vì bí mật tự nó sẽ không là một đức tính tốt. Thậm chí còn hoàn toàn ngược lại và đã làm hại Giáo hội công giáo, bí mật như một công cụ bạo lực chống lại những lương tri, những mật thiết, những thể xác. Sau tất cả, có thể là giải pháp đã khá rõ. Nhưng vẫn còn phải giải quyết. Không có gì có thể làm trong tối thiểu để tự bảo vệ mình trước những tổn hại của con người. Cho sự tổn hại của nhân loại nơi con người.
Vì để cứu vấn đề đó trong đức tin kitô giáo mà tôi xưng tội. Chúa Giêsu đã nói, ngày sa-bát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sa-bát. Điều này cũng tương tự với việc giữ bí mật, kể cả việc xưng tội, cũng như với các bí mật trong Giáo hội. Ngoại trừ việc thờ bí mật. Cứu một mạng sống vượt qua mọi bí mật. Cứu một đứa trẻ không thể so sánh với việc tuân theo luật pháp, dù luật pháp có thể đúng đắn. Không có gì vượt trên sự bất khả xâm phạm của con người trong sự mong manh của nó, bắt đầu bằng sự mong manh nhất của người dễ bị tổn thương nhất.
Nữ tu Véronique Margron, chủ tịch Hội đồng nam nữ Tu sĩ Pháp. Sơ là tác giả quyển “Một khoảnh khắc của sự thật” (Un moment de vérité, nxb. Albin Michel, 2019)
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch