Phần 1 – Bài 15: Các thiên thần

PHẦN I: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN

 

Bài 15: CÁC THIÊN THẦN

 

“Hãy ở lại, hỡi các Thiên thần, xin ở lại với tôi”. Đó là những lời trong một bài hát mà nhà soạn nhạc tài ba Bach đã sáng tác trong ngày lễ Tổng lãnh Thiên thần Micae. Nhà phê bình Walter Nigg đã nhận xét về những lời ca này: “Bach ý thức cách rõ ràng có một điều gì đó gắn bó thân thiết với đời sống chúng ta đang có nguy cơ bị mất trong Kitô giáo. Dường như đối với Bach, các Thiên thần đang dần dần bị đặt ra khỏi đời sống con người. Bach cảm nhận đây thực sự là một thảm hoạ… điều gì sẽ xảy đến nếu các thiên thần không ở lại với chúng ta, nếu chỉ còn mỗi chúng ta, nếu không có sự quan tâm giúp đỡ của các Thiên thần?”

Các Thiên thần có thuộc về những điều làm nên “yếu tố trung tâm của đức tin” không? Chắc chắn các thiên thần không phải là trung tâm của đức tin chúng ta. Cả chúng ta cũng thế! Trung tâm đức tin là Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và Mầu nhiệm Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và người thật, mọi điều khác đều quay quanh trung tâm này, bao gồm các thiên thần và chính chúng ta!

Không Thiên thần nào tranh luận về điều vừa nói (trừ ra các thiên thần ‘sa ngã’, những thụ tạo đã thất bại vì muốn làm cho mình trở thành trung tâm); ngược lại, vẻ huy hoàng và niềm vui của các thiên thần hệ tại ở điều này: đời sống các ngài hoàn toàn hướng về trung tâm điểm là Thiên Chúa, các ngài phục vụ Thiên Chúa hằng sống và tôn thờ mầu nhiệm Chúa Kitô bằng trọn sự sống của mình.

Do đó, các Thiên thần có thật và sự hiện hữu của các ngài là chân lý đức tin (GLHTCG, số 328), Cũng như trái tim không hiện hữu cho mình nó, trung tâm đức tin cũng vậy. Hiện hữu của các thiên thần là sự chắc chắn của đức tin, là một phần của cơ thể sống động; và cũng như tất cả những chân lý đức tin, việc nhận biết những thụ tạo thiêng liêng thuần túy của Thiên Chúa cũng là sự trợ giúp cho chúng ta trong đời sống của mình. Trên hết, điều này được chứng thực trong toàn bộ Thánh Kinh.

Lịch sử cứu độ không thể nghĩ đến nếu tách rời các thiên thần. Đối với chúng ta, bản chất các thiên thần là một mầu nhiệm và không hiểu thấu bởi vì các ngài là thụ tạo thiêng liêng thuần tuý. Các Thiên thần có sự gần gũi đặc biệt với Thiên Chúa. Đó là điều tại sao trong Cựu Ước, Thiên Chúa thường xuất hiện và nói qua các thiên thần. Khi chúng ta nhìn lại rất nhiều lần hiện ra của các thiên thần trong Thánh Kinh (số 332-333), chúng ta nên cẩn thận đừng vội vã cho rằng các ngài chỉ là những cách diễn tả một thế giới quan của một thời đại nhất định. Nhưng hơn thế, chúng ta nên tự hỏi phải chăng cảm thức tôn giáo của chúng ta về các Thiên thần đã bị lu mờ, so với cảm thức tôn giáo của những tín hữu thế hệ trước.

Đời sống của Chúa Giêsu được bao quanh bởi việc phục vụ của các Thiên thần, từ truyền tin qua giáng sinh đến cơn hấp hối trong vườn Giêtsimani, rồi buổi sáng phục sinh và siêu thăng. Điều ấy cũng được áp dụng cho đời sống Hội Thánh và mỗi Kitô hữu. “Bên cạnh mỗi tín hữu đều có một thiên thần hộ thủ, hướng dẫn họ đến sự sống”, Thánh Basil nói như thế và do đó khẳng định niềm tin vào “thiên thần bản mệnh” mà Thiên Chúa ban để đồng hành với mỗi người (số 336). “Hãy ý tứ và nghe lời người, đừng nổi loạn chống lại người” (Xh 23,21), Thiên Chúa nói với Dân Ngài, và như thế, cũng nói với mỗi người chúng ta. Cũng như trong Kinh “Thánh, Thánh, Thánh”, chúng ta kết hợp tiếng hát của chúng ta với các thiên thần để ca ngợi vinh quang Thiên Chúa, thì con đường chúng ta đi qua cuộc sống đời này cần được kết hợp với các thiên thần, để dẫn đến mục tiêu cách chắc chắn. Đồng thời Hội Thánh cũng cầu xin các Thiên thần tiếp tục đồng hành với chúng ta vượt qua sự chết và trên suốt chặng đường tiến về thiên đàng (số 1020).

 

ĐHY Christoph Schönborn

Nguồn: WHĐ

Tin liên quan

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072