Phần 1 – Bài 16: Trời và đất

PHẦN I: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN

 

Bài 16: TRỜI VÀ ĐẤT

 

Trong kinh Tin Kính của các tông đồ, chúng ta tuyên xưng Thiên Chúa tạo dựng “trời và đất”. Mệnh đề này diễn tả “toàn thể tạo thành”, hoặc như Kinh Tin Kính của Công đồng Nicea diễn tả rõ hơn: “muôn vật hữu hình và vô hình”. Chúng ta đã thảo luận về thụ tạo thiêng liêng thuần túy là các thiên thần, tiếp theo chúng ta thảo luận về con người là loài thụ tạo liên kết nơi chính mình cả trật tự hữu hình và vô hình của thế giới.

Thế giới hữu hình bao gồm “trời và đất”: vũ trụ vượt xa hơn chúng ta, bầu trời và thế giới trong đó chúng ta sống, hành tinh trái đất. Đức tin nói với chúng ta rằng tất cả đều được tạo dựng (GLHTCG số 326). Còn về việc trời và đất, vũ trụ đã đi vào hiện hữu như thế nào thì có rất nhiều những khám phá, những giả thuyết và lý thuyết khoa học. Phải chăng vũ trụ bắt đầu với một vụ “nổ lớn” (big bang)? Và nó vẫn đang tiếp tục giãn nỡ? Hệ mặt trời xuất hiện như thế nào? Tại sao hành tinh trái đất ở giữa những năng lực khủng khiếp của vũ trụ nhưng lại có sự ôn hoà đến độ sự sống có thể hiện hữu ở trên đó (số 282-289)?

Kiến thức khoa học tự nhiên đích thực không thể tương phản với đức tin (số 159). Tuy nhiên, điều mà không khoa nhân văn nào có thể giải thích lại là câu hỏi nền tảng của suy tư: “Tại sao đã có một điều gì đó hơn là không có gì?” Và xa hơn nữa: trong tiến trình phát triển của vũ trụ, trái đất này đã xuất hiện như thế nào, và sự sống xuất hiện trên đó, cuối cùng là con người? Bất cứ ai nói rằng tất cả đều xuất hiện qua những tương tác mù tối của ngẫu nhiên thì phải giải thích cho câu hỏi cần thiết tiếp theo: Làm thế nào một chuỗi những trùng hợp ngẫu nhiên không thể hiểu được lại có thể xảy ra, trong tiến trình phát triển vũ trụ, như một đòi hỏi cần thiết để hỗ trợ cho trái đất xuất hiện một môi trường sống cho con người? Các nhà chuyên môn nỗ lực nghiên cứu những mặc định cần thiết cho tất cả đã nói về “nguyên tắc quy nhân” (anthropocentric). Mọi sự nhìn như thể toàn bộ những phát triển này và từng giai đoạn của nó được điều hành bởi một chương trình bậc thày. Chương trình này, chúng ta chỉ có thể khám phá từng phần vụn vặt với sự ngỡ ngàng. Đức tin nói cho chúng ta biết chương trình này là công việc của hữu thể tình yêu, khôn ngoan và vô cùng (số 295).

Trình thuật Thánh Kinh về công việc của Thiên Chúa trong 6 ngày (St 1) không nói cho chúng ta cách chi tiết làm thế nào trời và đất đi vào trong hiện hữu, nhưng nói rằng tất cả những điều đó do Thiên Chúa tạo dựng, hơn nữa, sự khác biệt to lớn của chúng là do ý muốn của Đấng Tạo Hoá (mỗi thứ theo từng loại). Sự đa dạng của các vật không thể đếm được trong thế giới này là cách diễn tả sự vĩ đại của Đấng Tạo Hoá. Do đó, chúng ta phải có thái độ tôn trọng đối với từng thụ tạo. Đó là nền tảng cho cách tiếp cận luân lý đối với thụ tạo (số 339).

Trình thuật tạo dựng còn hàm ý rằng giữa các thụ tạo có một sự liên đới (số 344). Tất cả chúng, dù lớn hay nhỏ, đều có cùng một Đấng Tạo Hóa, Đấng đã cung cấp trái đất cho muôn loài như một môi trường sống chung. Và tất cả đều có một vận mạng vượt xa hơn trời và đất, đó là tạo dựng mới (số 1046), là Vương quốc vĩnh cửu của Thiên Chúa.

 

ĐHY Christoph Schönborn

Nguồn: WHĐ

Tin liên quan

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072