Phần 1 – Bài 17: Con người

PHẦN I: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN

Bài 17: CON NGƯỜI

 

“Phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm?” Trước câu hỏi đầy ngỡ ngàng này, vịnh gia trả lời: “Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân: Nào chiên bò đủ loại, nào thú vật ngoài đồng, nào chim trời cá biển, mọi loài ngang dọc khắp trùng dương.” (Tv 8,5-8)

Con người – đỉnh cao của tạo dựng? Cách đây 50 năm, Công đồng Vatican II đã nói: “Những người tin cũng như những người không tin đều có chung quan điểm là mọi vật trên địa cầu phải được quy hướng về con người như là trung tâm và đỉnh cao của vạn vật” (Gaudium et Spes, số 12). Ngày nay, nhiều khuynh hướng nhìn con người là kẻ tàn phá thiên nhiên và làm rối loạn hòa bình. Lại chẳng phải do sự tự phụ của con người đã tự nâng mình lên trên các thụ tạo khác hay sao?

Cách đây nhiều năm, Adolf Portmann, một nhà sinh vật học lớn, đã viết: “Thời gian vẫn chưa quá xa khi chúng ta đã có thể tin rằng muôn sắc của các loài bướm, những tiếng hót của các loài chim, và sự rực rỡ của các loài hoa được tạo nên vì niềm vui của chúng ta. Sự lừa dối an toàn này, qua đó hiện hữu của chúng ta được nâng lên quá cao dường như là đỉnh điểm của tất cả sự sống, đã bị phá huỷ bởi cái nhìn đầu tiên của chúng ta xuống dưới đại dương bao la”. Đúng như vậy, thế giới sâu thẳm của đại dương bao la không liên quan đến chúng ta, cũng như sự giãn nở của vũ trụ bao la. Tuy nhiên, chỉ con người mới có thể thâm nhập vào những chiều sâu của đại dương và không gian bên ngoài để khám phá đôi chút những huyền nhiệm của nó, và chỉ con người mới có thể nhận ra rằng có nhiều điều mình không biết.

Sự vĩ đại của con người không nằm ở sức mạnh thể lý vì sư tử mạnh hơn nhiều và loài hươu nhanh hơn nhiều, nhưng là ở bản tính thiêng liêng và trí tuệ của con người: Chỉ mình con người mới có thể biết và yêu, do đó nhận ra rằng nó biết và nó yêu. Đó là điều Công đồng Vatican II viết: “Con người, tạo vật duy nhất ở trần gian được Thiên Chúa dựng nên vì chính họ” (Gaudium et Spes, số 24) và sách Giáo lý giải thích: “Chỉ con người được kêu gọi tham dự vào sự sống của Thiên Chúa, bằng sự nhận biết và tình yêu” (GLHTCG, số 356).

Sự vĩ đại của con người là ở chỗ họ có thể trở thành bạn hữu của Thiên Chúa. Bất cứ ai nhìn con người chỉ là thành phần của thiên nhiên, không có mục tiêu nào khác hơn sự sống trần thế này, sẽ cho rằng những trình thuật của thánh vịnh về sự cao cả của con người là cường điệu. Nhưng sẽ hoàn toàn khác nếu chúng ta chấp nhận lời mặc khải của Thiên Chúa: “Con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa” (St 1,27). Vị thế độc đáo này của con người được diễn tả qua thuật ngữ “ngôi vị”.

“Mỗi cá nhân con người, bởi vì được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, nên có phẩm giá của một ngôi vị, không chỉ là một sự vật nào đó nhưng là một ai đó” (số 357). “Ngôi vị” đó không đơn giản là một con số trong hàng loạt các dãy số tự nhiên, nhưng “tôi” duy nhất được mong muốn, được yêu và được gọi bởi Thiên Chúa. Và bất cứ ai nói “ngôi vị” cũng là nói đến “cộng đoàn”. Anh hay chị không phải là một sự vật khác nhưng là một ai khác. “Một tôi” chủ thể (là anh hay chị) cũng được Thiên Chúa yêu thương như tôi, và được kêu gọi đến sự sống vĩnh cửu. Do đó, “mọi người thật sự đều là anh em” (số 361).

 

ĐHY Christoph Schönborn
Nguồn: WHĐ

Tin liên quan

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072