Phần 1 – Bài 29: Người đã sống lại

PHẦN I: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN

 

Bài 29: NGƯỜI ĐÃ SỐNG LẠI

 

“Nếu Đức Kitô đã không sống lại thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng.” (1 Cr 15,14) Những gì Thánh Phaolô nói với dân thành Côrintô ngày xưa vẫn có giá trị cho ngày nay: “Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì những sự đời này, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hại nhất trong thiên hạ.” (15,19)

Đức tin của chúng ta sẽ không có nền tảng nếu Đức Kitô chết mà không sống lại. Nếu Đức Kitô vẫn còn ở trong sự chết thì thập giá của Người quả là vô nghĩa và chẳng cứu độ được ai. Nếu Đức Kitô không sống lại thì tình yêu của chúng ta chỉ hướng về một xác chết, và đức tin chỉ là sự hoài tưởng một con người đã hoàn toàn thuộc về quá khứ chứ không phải là Đấng đã phán: “Này đây, Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28,20) Niềm hy vọng của chúng ta khi đó sẽ chỉ là cuộc đời này và người ta sẽ bảo nhau: “Cứ ăn cứ uống đi, rồi ngày mai sẽ chết thôi.” (1 Cr 15,32)

“Nhưng không phải thế! Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu.” (1 Cr 15,20) Mầu nhiệm Vượt Qua – sự Chết và Phục sinh của Chúa Giêsu – là yếu tố trung tâm của đức tin Kitô giáo (GLHTCG, số 638). Cũng như Chúa Giêsu đã thực sự chịu chết, thì Người cũng đã sống lại thực sự. Đấng Phục Sinh đã hiện ra, dĩ nhiên là chỉ cho những chứng nhân được tuyển chọn. Tuy nhiên, sự Phục sinh của Chúa là một biến cố để lại những dấu vết xác thực về mặt lịch sử.

Trước hết là ngôi mộ trống (số 640). Các môn đệ của Chúa Giêsu đã không thể nào loan báo về sự phục sinh của Chúa nếu xác của Người vẫn còn đó trong ngôi mộ. Thế nhưng thực tế là ngôi mộ ấy đã trống và mọi người đều biết. Dĩ nhiên ở tự nó, ngôi mộ trống chưa phải là bằng chứng thuyết phục rằng Người đã sống lại, bởi lẽ người ta có thể giải thích cách khác: xác của Chúa Giêsu đã được đem đi nơi khác (x. Mt 28,15; Ga 20,13-15).

Chỉ nhờ những lần Đấng Phục Sinh hiện ra với các môn đệ của Người thì lý do về ngôi mộ trống mới trở nên rõ ràng: “Người không còn ở đây nữa, nhưng đã sống lại.” (Lc 24,6) Các chứng nhân về những lần Chúa hiện ra – dù có những khác biệt trong tường thuật – nhưng đều khẳng định rằng Chúa hiện ra với họ với thân xác cụ thể, nhìn thấy được, và họ nhận ra Người nhờ những dấu đinh trên thân thể (x. Ga 20,27). Đồng thời họ xác quyết rằng thân xác của Đức Kitô không phải là thân xác đã chết nay hồi sinh (số 645-646). Qua những lần Chúa hiện ra, chúng ta cũng có thể hiểu được phần nào về thân xác vinh quang mà một ngày kia chúng ta có được khi Thiên Chúa cho kẻ chết sống lại (số 999).

Đức Kitô đã sống lại thật! Sự chắc chắn này của đức tin là nền tảng cho niềm hi vọng của chúng ta. Sự sống lại ấy khẳng định rằng Chúa Giêsu thực sự là Con Thiên Chúa (số 653), những lời giảng dạy của Người là chân lý đáng tin, Người có quyền tha tội, Người đã chết cho chúng ta. Vì Đức Kitô đã sống lại nên Người vẫn hiện diện trong Lời của Người, trong sự hiệp thông của Hội Thánh, nơi người nghèo và người đau khổ, trong các bí tích, nơi các linh mục, và trên hết mọi sự, “trong Bí tích Thánh Thể” (số 1373). “Đức Kitô ở trong anh em: niềm hy vọng vinh quang.” (Cl 1,27)

 

ĐHY Christoph Schönborn

Nguồn: WHĐ

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072