Phần 1 – Bài 30: Người lại đến trong vinh quang
PHẦN I: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN
Bài 30: NGƯỜI LẠI ĐẾN TRONG VINH QUANG
Đức Kitô sẽ trở lại. Chính Người đã hứa như thế và đó là niềm hi vọng của các Kitô hữu ngay từ thưở ban đầu. Các Thiên thần nói với các Tông đồ trong ngày Chúa Giêsu lên trời: “Chúa Giêsu, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông thấy Người lên trời” (Cv 1,11) Chính Chúa Giêsu bắt đầu dụ ngôn về Ngày phán xét chung bằng những lời này: “Khi Con Người ngự đến trong vinh quang, có các thiên thần hầu cận…” (Mt 25,31-46).
“Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến”, đây là lời cầu khẩn khép lại sách Khải Huyền và toàn bộ Kinh Thánh. Trước đó là lời đoan quyết của Chúa Giêsu: “Phải, chẳng bao lâu nữa Ta sẽ đến” (Kh 22,20). Cộng đoàn Kitô hữu đáp lại lời hứa ấy bằng tâm tình cầu khẩn: “Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến”. Đặc biệt là khi cử hành Thánh Thể, chúng ta tuyên xưng Chúa chịu chết và sống lại cho tới khi Chúa lại đến (GLHTCG, số 1403). Trong Kinh Lạy Cha cũng thế, chúng ta xin “Nước Cha trị đến”, nghĩa là xin Đức Kitô ngự đến và cùng với Người là Vương quốc của Thiên Chúa.
Vậy khi nào Chúa đến? Quả thật, các Kitô hữu đầu tiên đã nghĩ rằng Ngày Chúa đến đã gần kề (x. 1 Thes 4,15). Dù vậy, chưa bao giờ họ đưa ra một thời điểm xác định. Chính Chúa Giêsu đã trách mắng sự tò mò của các môn đệ về vấn đề này: “Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt” (Cv 1,7). Ở một nơi khác, Người dạy: “Còn về ngày hay giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay Người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi” (Mc 13,32). Do đó, đừng vội tin vào những thứ chẩn đoán hay tiên tri về ngày tận thế. Đức Kitô có thể ngự đến bất cứ lúc nào, do đó đây là thời gian của mong đợi và tỉnh thức (số 672).
Tuy nhiên, Sách Giáo Lý nói đến những dấu chỉ: “Theo Chúa Giêsu, thời gian hiện tại là thời gian của Thần Khí và của việc làm chứng, nhưng cũng là thời gian được ghi dấu bằng những khó khăn và thử thách của sự dữ. Những khó khăn thử thách ấy không buông tha Hội Thánh và tạo ra cuộc chiến của những ngày sau cùng” (số 672). “Trước khi Đức Kitô ngự đến lần thứ hai, Hội Thánh phải trải qua một cuộc thử thách cuối cùng, làm lung lạc đức tin của nhiều tín hữu. Sự bách hại, vốn luôn đi theo Hội Thánh trên đường lữ thứ trần gian, sẽ làm lộ rõ “mầu nhiệm sự dữ” dưới hình thức một sự đánh lừa tôn giáo, có vẻ như mang đến cho người ta một giải pháp về các vấn đề của họ, nhưng giá phải trả là sự chối bỏ chân lý” (số 675).
Thánh Kinh nói đến tên “Phản-Kitô” và những cám dỗ của nó làm cho nhiều người ra mù tối. Do đó, quyền lực của sự dữ xem ra thắng thế và đè bẹp Đạo thánh: “Sự đánh lừa về tôn giáo ở mức cao nhất là của tên Phản-Kitô, nghĩa là của một thứ chủ nghĩa Mêsia giả hiệu, trong đó con người tự tôn vinh chính mình thay vì tôn vinh Thiên Chúa và Đấng Kitô của Ngài đã đến trong xác phàm” (số 675).
Thế nhưng người Kitô hữu xác tín rằng “Đức Kitô đã chết và sống lại chính là để làm Chúa kẻ sống cũng như kẻ chết” (Rom 14,9). Người là Chúa của tất cả vũ trụ và lịch sử. Vương quốc của Người đã bắt đầu trên trái đất này, và Hội Thánh là “hạt giống và điểm khởi đầu của Nước Trời nơi trần thế” (số 669). Chiến thắng tối hậu của Thiên Chúa trên sự dữ sẽ diễn ra dưới hình thức Cuộc Phán Xét cuối cùng, cuộc chung thẩm. Và ngay hôm nay, người Kitô hữu bước đi trong ánh sáng cuộc chung thẩm ấy.
ĐHY Christoph Schönborn
Nguồn: WHĐ