Phần 1 – Bài 39: Hội Thánh tông truyền

PHẦN I: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN

Bài 39: HỘI THÁNH TÔNG TRUYỀN

 

Đặc tính thứ tư của Hội Thánh là tông truyền. Dịch sát nghĩa là “được sai đi”. Vào buổi chiều Phục Sinh, Chúa nói với các môn đệ: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21). Qua các môn đệ của Người, Đấng Phục Sinh tiếp tục hoạt động cho tới khi Người lại đến (GLHTCG, số 669). Do đó, cũng như việc truyền giáo, “làm tông đồ” là đòi hỏi thuộc về bản chất của Hội Thánh. Theo Sắc lệnh về Tông đồ Giáo dân, việc tông đồ là tất cả những hoạt động nào hướng tới mục đích của Hội Thánh: trải rộng vương quốc Đức Kitô trên toàn thế giới để mọi người được chia sẻ ơn cứu độ (số 863).

Những người đầu tiên được Chúa Giêsu sai đi là các môn đệ của Người, nhóm Mười Hai, cũng được gọi là Tông đồ (những người được sai đi). Hội Thánh đã và mãi mãi được xây trên nền tảng các Tông đồ (Ep 2,20). Hội Thánh là Hội Thánh tông truyền vì Hội Thánh vẫn tiếp tục dựa trên chứng tá và giáo huấn của các Tông đồ (số 857). Lúc khởi đầu, các Tông đồ truyền lại những gì các ngài đã nghe và trải nghiệm về Đức Kitô, cũng như những gì Chúa Thánh Thần đã soi sáng cho các ngài hiểu. Do đó, những lời nói và việc làm của Chúa Giêsu được truyền lại cho chúng ta chủ yếu là qua các tông đồ (số 126). Đời sống các ngài là tấm gương phản chiếu Chúa Giêsu, Vị Thầy đáng mến của các ngài. Các ngài cũng lập ra những cơ chế nhằm thúc đẩy sứ vụ truyền giáo, chẳng hạn lập ra các vị trưởng lão. Cuối cùng, dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần, đích thân các ngài hoặc các đồ đệ của các ngài viết ra sứ điệp cứu độ của Chúa Giêsu (số 76, 106, 126).

Toàn bộ những gì các tông đồ truyền lại, bằng truyền khẩu hoặc thành văn, được gọi là “truyền thống tông đồ” (số 75). Chỉ nhờ truyền thống đó mà thôi, chúng ta mới hiểu được những lời nói và việc làm của Chúa Giêsu. Do đó, truyền thống tông đồ là thước đo cho sự trung thành của Hội Thánh với nguồn gốc của mình. Mọi nỗ lực canh tân đích thực trong Hội Thánh phải nhớ lại và tiếp nối truyền thống này.

Hội Thánh còn là tông truyền theo một nghĩa khác: “Để Tin Mừng được giữ gìn toàn vẹn và sống động mãi trong Hội Thánh, các Tông đồ đã để lại những người kế vị là các giám mục và trao lại cho họ quyền giáo huấn của các ngài” (số 77, 860). Tất cả những gì các Tông đồ đã loan báo, phải được tiếp tục cho tới khi Chúa ngự đến. Do đó, sứ vụ tông đồ là thành tố thiết yếu trong đời sống Hội Thánh. Trong nhiệm vụ của các Tông đồ, dĩ nhiên có một khía cạnh không thể lưu truyền được: đó là các ngài là những chứng nhân đặc tuyển về sự phục sinh của Chúa, và là những nền móng của Hội Thánh. Tuy nhiên, sứ vụ mà Đức Kitô đã uỷ thác cho các Tông đồ sẽ tồn tại mãi cho đến tận thế. Các giám mục là những người kế vị các Tông đồ để chăm sóc đoàn chiên của Đức Kitô (số 861), sự kiện ấy nói lên một lý do khác để Hội Thánh được gọi là tông truyền.

 

ĐHY Christoph Schönborn
Nguồn: WHĐ

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072