Phần 1 – Bài 42: Đời sống thánh hiến

PHẦN I: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN

Bài 42: ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

 

“Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời?” Đối với câu hỏi của người thanh niên giàu có, trước hết, Chúa Giêsu trả lời: “Hãy giữ các điều răn. Khi anh ta tiếp tục hỏi, Chúa Giêsu đưa ra câu trtả lời thứ hai: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mt 19,21). Khi người thanh niên Ai Cập tên Antôn, sống vào thế kỷ thứ ba, nghe đoạn Tin Mừng trong thánh lễ Chúa nhật, Antôn bị đánh động mạnh như thể Chúa Giêsu đang nói với anh, Antôn đã trao tất cả tài sản của mình cho người nghèo và thực hiện đời sống cô tịch trong sa mạc, khởi đầu cho đời sống ẩn tu.

Cũng như một cây lớn có nhiều cành (số 917), đời sống được thánh hiến cho Thiên Chúa gia tăng không ngừng với những hình thức mới. Ngày nay chúng ta cũng chứng kiến những dòng tu, tu hội đời mới hiện diện trong Hội thánh cùng với những đan viện, dòng tu, hội dòng có từ lâu đời. Bậc sống này không thể bị xem nhẹ từ bất cứ khái niệm nào về Giáo hội; vì “thuộc về đời sống và sự thánh thiện của Hội thánh một cách vững bền” (số 914); “Đó là hồng ân Hội thánh đón nhận từ nơi Chúa” (số 926).

Những ai được Chúa Giêsu gọi trực tiếp? Chỉ dành cho một số cá nhân nào đó hay cho mọi người? Mọi người có được gọi vào đời sống theo như “những lời khuyên Phúc Âm” (vâng phục, khó nghèo, khiết tịnh)? Các lời khuyên Phúc Âm, vốn có nhiều, được đề ra cho tất cả các môn đệ của Đức Kitô (số 915) – tuy nhiên, không phải mọi người đều cùng một cách, nhưng “chỉ những lời khuyên nào thích hợp với sự khác biệt của các nhân vị, các thời đại, các hoàn cảnh và các sức lực, như đức mến đòi hỏi” (thánh Phanxicô Salêsiô, số 1974). Tất cả được mời gọi đến đời sống đức ái hoàn hảo, nhưng không phải tất cả được gọi đi vào bậc đặc biệt của đời sống thánh hiến “được thiết lập do việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm” (số 914).

Đâu là những đặc tính của ơn gọi đặc biệt này? Trước hết, “Đề nghị bước theo Đức Kitô cách gần gũi hơn, tự hiến cho Thiên Chúa đáng mến trên hết mọi sự” (số 916). Do đó bậc sống này được định rõ trọn đời để cầu nguyện: “Đời sống thánh hiến không thể tồn tại và triển nở nếu không có kinh nguyện” (số 2687).

Nguyên tắc bắt chước Đức Kitô đưa đến một cách thế phục vụ đặc biệt cho Hội thánh. Có nhiều hình thức khác nhau của đời sống thánh hiến: sống đan sĩ, bậc sống trinh nữ thánh hiến (cả hai hình thức này đang hồi sinh trong thời đại ngày nay), đời sống tu viện với những lời khấn công khai và các hội dòng; các tu hội đời (những thành viên vẫn ở trong thế giới, trong những công việc chuyên môn của họ, để cố gắng là men) – họ cố gắng, để một cách mật thiết hơn, được thánh hiến cho việc phục vụ Thiên Chúa và dấn thân mưu ích cho Hội thánh (số 931). Ngay cả khi họ được đưa vào đời sống hoàn toàn tách biệt, ơn gọi của họ là truyền giáo, vì phục vụ cho việc phát triển vương quốc của Thiên Chúa. Thánh Têrêsa không bao giờ rời đan viện Cát Minh ở Lisieux, ngày nay trên trời cao người là bổn mạng của các nước truyền giáo: “Tôi hiểu rằng chỉ có tình yêu khiến các chi thể của Hội thánh hoạt động, nếu Tình Yêu bị tàn lụi, thì các tông đồ sẽ không loan báo Tin Mừng nữa” (số 826).

 

ĐHY Christoph Schönborn
Nguồn: WHĐ

Tin liên quan

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072