Phần 1 – Bài 6: Giải thích Thánh kinh
PHẦN I: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN
Bài 6. GIẢI THÍCH THÁNH KINH
“Trong Thánh Kinh, Thiên Chúa nói với con người theo cách thức loài người. Vì vậy, để giải thích Thánh Kinh cho đúng, phải cẩn thận tìm hiểu điều các tác giả nhân loại thật sự có ý khẳng định và điều Thiên Chúa muốn tỏ bày cho chúng ta qua lời lẽ của các ngài” (GLHTCG, số 109).
Công đồng Vatican II đưa ra nguyên tắc sau đây đối với tất cả việc giải thích Thánh Kinh: “Thánh Kinh phải được đọc và giải thích trong ánh sáng cùng một Chúa Thánh Thần, vì Thánh Kinh được viết ra bởi Chúa Thánh Thần” (số 111). Để hiểu Thánh Kinh cho đúng, phải đọc như Thánh Thần đã linh hứng, có nghĩa là phải được đọc trong đức tin, cũng như là gia tăng đức tin và là chứng tá cho đức tin.
Điều này đòi hỏi trước hết cần chú ý đến điều được gọi là nghĩa “văn tự” của Thánh Kinh, là nghĩa mà tác giả các bản văn Thánh Kinh muốn diễn tả. Thánh Têrêsa Lisieux ước muốn được học tiếng Hy Lạp và tiếng Do Thái để có thể hiểu cho đúng điều Thánh Kinh trình bày. Thêm vào đó, cách đọc so sánh với những bản dịch khác cũng hữu ích vì giúp chúng ta cảm nhận rõ hơn về chủ ý mà tác giả muốn diễn đạt. Thêm vào đó, sự hiểu biết rõ về lịch sử của một thời đại nhất định – đặc biệt lịch sử dân Do Thái, môi trường sống của dân tộc này, phong tục và điều kiện xã hội của họ – sẽ đóng góp rất nhiều cho việc hiểu rõ hơn bản văn Thánh Kinh.
Cần chú ý đến sự khác biệt của các “thể loại văn chương” được các tác giả sử dụng trong môi trường văn hóa thời các ngài, “vì chân lý được trình bày và diễn tả qua nhiều thể văn khác nhau: như thể văn lịch sử, ngôn sứ, thi phú hoặc những thể văn diễn tả khác” (số 110).
Chú giải có tính học thuật đóng một vai trò không thể thay thế để hiểu đúng bản văn Thánh Kinh. Chúng ta nhận ra rằng một khi ý nghĩa lịch sử và thể loại văn chương của các bản văn Thánh Kinh được biết rõ hơn, điều đó sẽ giúp cho chúng ta đạt được ánh sáng mới và ý nghĩa tôn giáo sẽ nổi bật hơn. Nhưng đọc bản văn Thánh Kinh thuần túy dựa trên phân tích lịch sử và ngôn ngữ thì không đủ. Chú giải mang tính chuyên môn và đức tin phải đi chung với nhau nếu muốn nắm bắt chứng từ tôn giáo của Thánh Kinh.
Vì vậy, Công đồng đưa ra 3 tiêu chuẩn để giải thích bản văn Thánh Kinh:
1. Phải chú ý đến “nội dung và sự duy nhất của toàn bộ Thánh Kinh”. Thánh Kinh là một tổng thể duy nhất, tất cả các phần được gắn kết với nhau, thí dụ: người ta không thể cô lập một sách Tin Mừng hoặc một đoạn Thánh Kinh khỏi toàn bộ Kinh Thánh. Thánh Kinh chỉ là một, bởi kế hoạch của Thiên Chúa chỉ có một và Đức Giêsu Kitô là trung tâm và trái tim của kế hoạch ấy. Một trái tim đã rộng mở sau cuộc vượt qua của Người. (số 112).
2. Phải đọc Thánh Kinh trong Thánh Truyền sống động của Hội Thánh. Chúng ta không phải là những người đầu tiên đọc Sách Thánh. Các bậc thầy như Thánh Augustinô, Tôma Aquinô, Newman, đã đọc Sách Thánh như thế nào? Trong suốt chiều dài kinh nghiệm tôn giáo của Hội Thánh, Sách Thánh đã được hiểu ra sao? Theo châm ngôn của các Giáo phụ, Thánh Kinh được viết chủ yếu trên trái tim của Hội Thánh hơn là trên những vật liệu thể chất. Thật vậy, Hội Thánh lưu giữ ký ức sống động về Lời Thiên Chúa trong Thánh Truyền của mình, và Chúa Thánh Thần ban cho Hội Thánh khả năng giải thích Thánh Kinh theo cách thiêng liêng (số 113).
3. Phải chú ý đến tính tương hợp của đức tin. Có nghĩa là sự liên hệ hài hòa giữa các chân lý đức tin với nhau và trong toàn bộ chương trình mạc khải (số 114). Đời sống của các thánh cung cấp việc giải thích Thánh Kinh sống động và cụ thể nhất. Ví dụ, cuộc đời thánh Phanxicô Assisi là một chú giải sống động về các sách Tin Mừng; các phép lạ trong các sách Tin Mừng được âm vang thành nhiều ngàn lần qua các phép lạ của các thánh. Hoặc bất cứ ai suy nghĩ về cuộc đời của Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II hay Chân phước Têrêsa Calcutta cũng sẽ học được cách đọc Tin Mừng trong cùng một Thánh Thần mà Tin Mừng được viết ra.
WHĐ